Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Saturday, 20.04.2024, 03:47 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » GĐPT

Phật pháp cho Oanh Vũ: Bậc Cánh Mềm

| Sunday, 19.03.2017, 08:39 PM |   (1960 Xem)


Bậc Cánh Mềm


I. Phật Pháp:


1. Sự tích Đức Phật Thích Ca từ xuất gia đến nhập diệt

2. Nghi thức tụng niệm GĐPT

3. Ý nghĩa lễ Phật và niệm Phật

4. Biết ba mẫu chuyện tiền thân


II. Hoạt Động Thanh Niên:


1. Gút: Dệt, kẻ chài, chèo

2. Truyền tin: Morse, bằng cờ

3. Dấu đi đường: Trở ngại vượt qua, nhanh lên, trở lại đường cũ, hết dấu

4. Cấp cứu: Băng bàn tay, bàn chân bằng khăn tay

5. Thướng thức: Biết xem giờ phút

6. Chơi: Nói cách chơi của hai trò chơi


III. Văn Nghệ:


1. Hát: 3 bài hát mới

2. Kịch: Tùy nghi áp dụng. Ngắn, vui và có tính cách giáo dục

3. Vẽ: Tập đồ

4. Thủ công: Xếp giấy


IV. Nữ công và gia chánh:


1. Làm bì thư

2. Đóng vở

3. Xếp tàu thủy

4. Làm lồng đèn xếp

5. Đo hoa sen

6. Thêu tên gia đình

7. Tập thắt các kiểu nơ

8. Thêu tên vào áo


Lịch Sử Ðức Phật Thích Ca (Từ Sơ Sanh Ðến Xuất Gia)


Ðức Phật Thích Ca tên thật là Tất Ðạt Ða hiệu là Thích Ca. Ngài con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia ở thành Ca Tỳ La Vệ thuộc xứ Ấn Ðộ.


Thái tử sinh nhằm ngày trăng tròn tháng hai lịch Ấn Ðộ, trong vườn Lâm Tỳ Ni, nơi hoàng hậu Ma Gia đang dạo chơi. Nước ta kỷ niệm Phật Ðản Sinh ngày rằm tháng Tư Âm Lịch. Ngài có ba mươi hai (32) tướng tốt báo trước ngài sẽ xuất gia thành Phật.

Ngài rất thông minh và giỏi về võ nghệ cũng như văn chương nên các bậc thầy đều phải phục.


Mặc dầu Thái Tử sống trong cung điện nguy nga cao sang tuyệt đỉnh, được sự nuông chiều săn sóc đủ mọi điều của Vua cha, nhưng vì thương mọi người, mọi loài đang sống trong cảnh khổ đau bịnh tật, chết chóc nên Thái Tử luôn luôn lộ vẻ u buồn, băn khoăn lo lắng cho việc cứu độ quần sinh.


Thái Tử vâng lời Vua cha cưới nàng Da Du Ðà La làm vợ, và sinh được một người con tên là La Hầu La.


Vua cha biết trước thế nào Thái Tử cũng xuất gia nên ngăn cấm không cho Ngài thấy những cảnh đau khổ. Thế nhưng Ngài khẩn cầu nhiều lần, nên Vua Tịnh Phạn phải cho Thái Tử dạo chơi ngoài thành cho quên buồn. Rồi, chính lúc tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, Thái Tử mới nhìn rỏ cuộc đời là bể khổ: sanh, già, bịnh, và chết.


Sau đó Ngài nhất quyết xuất gia tìm đạo cứu khổ cho chúng sanh. Vào đêm mùng tám tháng Hai Âm Lịch Ngài từ giã vua cha, vợ con và hạnh phúc gia đình để ra đi tìm chân lý cứu độ nhân loại. Lúc ấy Ngài được 19 tuổi.


Bài Sám Hối


Sám hối là tự mình nhận lỗi lầm mình đã làm nên và nguyện sẽ sửa đổi, không tái phạm. Bài Sám Hối Phát Nguyện được chia làm ba đoạn với ý nghĩa của từng đoạn như sau:


1. Ðệ tử kính lạy đức Phật Thích Ca, Phật A Di Ðà, thập phương chư Phật, vô lượng Phật Pháp cùng Thánh Hiền Tăng.


Ðoạn này có nghĩa là: Ðệ tử kính lạy Phật, Pháp, và Tăng.


2. Ðệ tử lâu đời lâu kiếp, nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi lầm, thành tâm sám hối, thề tránh điều dữ, nguyện làm việc lành, ngữa trông ơn Phật, từ bi gia hộ, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui tu tập, phép Phật nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi, minh tâm kiến tánh, trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại.

Ðoạn này có nghĩa là: Nhờ Phật dạy nên con biết được tội lỗi, con xin nguyện sám hối.

3. Ðặng cứu độ các bậc tôn trưởng, cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng tất cả chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo.

Ðoạn này có nghĩa là: Con xin nguyện cứu độ thân bằng quyến thuộc và chúng sanh đều thành Phật.

Bài Sám Hối Phát Nguyện có nghĩa là: Ðứng trước Phật, Pháp, Tăng con xin ăn năn và chừa bỏ tất cả lỗi lầm, nguyện theo lời Phật dạy làm lành, lánh ác, cố gắng tu tập để cứu độ gia đình cùng tất cả chúng sanh đều thành Phật.

Đệ tử kính lạy

Đức Phật Thích-Ca. Phật A-Di-Đà

Mười phương chư Phật. Vô lượng Phật Pháp

Cùng Thánh Hiền Tăng. Đệ tử lâu đời lâu kiếp

Nghiệp chướng nặng nề. Tham giận kiêu căng

Si mê lầm lạc. Ngày nay nhờ Phật

Biết sự lỗi lầm. Thành tâm sám hối.

Thề tránh điều dữ. Nguyện làm việc lành.

Ngữa trông ơn Phật. Từ bi gia hộ

Thân không tật bệnh. Tâm không phiền não

Hằng ngày an vui tu tập. Phép Phật nhiệm mầu

Để mau ra khỏi luân hồi, Minh tâm kiến tánh

Trí tuệ sáng suốt. Thần thông tự tại

Đặng cứu độ các bậc Tôn Trưởng

Cha mẹ anh em. Thân bằng quyến thuộc

Cùng tất cả chúng sanh. Đồng thành Phật Đạo.


Ý nghĩa bốn lời nguyện


Lời nguyện là lời tự hứa với chính mình và cố gắng thực hiện lời đã hứa. Ý nghĩa của bốn lời nguyện:


1. Chúng sanh không số lượng thệ nguyện đều độ khắp.


Có nghĩa là: Chúng sanh vô số kể, nguyện sẽ cứu giúp cho được tất cả chúng sanh, thoát khỏi vòng sanh tử.


2. Phiền não không cùng tận thệ nguyện đều dứt sạch.


Có nghĩa là: Phiền não nhiều không kể hết, nguyện với chính mình sẽ dứt bỏ tất cả phiền não.


3. Pháp môn không kể xiết thệ nguyện đều tu học.


Có nghĩa là: Phật Pháp thì rất nhiều, nguyện với chính mình sẽ cố gắng tu và học tất cả các Pháp môn của đạo Phật.


4. Phật đạo không gì hơn thệ nguyện được viên thành.


Có nghĩa là: Phật là cao cả hơn hết nguyện sẽ đạt thành.


Ý nghĩa bốn lời nguyện: Người Phật Tử chân chính phát nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh, diệt trừ hết phiền não, tu học hết các Pháp môn và tu thành đạo quả.


Hồi Hướng Công Ðức


Hồi hướng công đức là lời nguyện đem công đức tu hành và tụng niệm của mình có được để cứu giúp chúng sanh.


1. Nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả.


Nguyện đem công đức tu hành và tụng niệm của mình để san sẻ cho tất cả chúng sanh.


2. Ðệ tử và chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.


Tất cả chúng sanh và mình đều đạt được kết quả tốt đẹp, tất cả cùng thành Phật.


Ba Tự Quy


1. Tự quy y Phật xin nguyện chúng sanh thể theo đạo cả phát lòng vô thượng.

Xin phát nguyện quy y Phật và nguyện cùngvới tất cả chúng sanh theo đạo cao cả mà phát tâm rộng lớn.

2. Tự quy y Pháp xin nguyện chúng sanh thấu rõ kinh tạng trí huệ như biển.

Xin phát nguyện quy y Pháp và xin nguyện cùng với tất cả chúng sanh thấu hiểu tất cả kinh sách, trí huệ được lớn như biển cả.

3. Tự quy y Tăng xin nguyện chúng sanh thống lý đại chúng hết thảy không ngại.

Xin phát nguyện quy y Tăng và xin nguyện cùng với tất cả chúng sanh hòa hợp rộng lớn thì không có gì trở ngại cả.


Em Ðến Chùa


Chùa là nơi thờ phượng các vị Phật và Bồ Tát. Ðó là nơi để những người con Phật noi theo gương những vị này học và tu theo phương pháp của Ðức Phật Thích Ca. Nơi đây yên tĩnh, có các Thầy tu học và hướng dẫn Phật Tử giáo Pháp của Ðạo Phật. Nơi đây cảnh trí trang nghiêm không ồn ào náo nhiệt. Ðến chùa lòng em sẽ dịu hiền và hết sầu muộn, bực tức mỗi khi nghe câu kinh, tiếng mõ, tiếng chuông. Lòng em tự nhiên mến Ðạo yêu đời, chăm lo học hành đó là nhờ những tấm gương sáng chói đạo đức của các Thầy, các anh chị Huynh Trưởng và bạn bè.

Ðến chùa em học hỏi được những điều lợi ích để trở thành em ngoan, học trò hiền giỏi và công dân tốt trong xã hội.


Em Niệm Phật


Các em đến với Ðoàn việc trước tiên là các em phải thực hành điều luật thứ nhất của Oanh Vũ:

Em Tưởng Nhớ Phật. Do đó các anh chị Huynh Trưởng hướng dẫn cho các em phương pháp niệm Phật để các em gần Phật. Trước khi niệm Phật các em cần phải biết rõ ý nghĩa và phương pháp niệm Phật:

Niệm Phật Là Gì? Niệm Phật là tưởng nhớ tới danh hiệu của các Ðức Phật, hình dung các tướng tốt và lời dạy của chư Phật để cố gắng noi theo tu học.

Niệm Phật Phải Thế Nào? Khi niệm Phật lòng em phải chăm chú tưởng nhớ chư Phật không nghĩ đến bất cứ một điều gì khác ngoài sự tưởng tượng và hướng về chư Phật.

Có Nhiêu Cách Niệm Phật? Niệm Phật có nhiều cách, có thể niệm lớn, niệm thầm, niệm bằng cách im lặng và tưởng tượng v.v.. Nhưng các em chỉ cần biết hai cách căn bản nhất:

1. Mật Niệm: Niệm thầm không cần phát ra tiếng.

2. Tụng Niệm: Niệm lớn như lúc tụng kinh lễ Phật.

Niệm Phật Có Lợi ích Gì? Muốn cho lòng mình lắng dịu, đừng suy nghĩ xằng bậy, nhớ lời Phật dạy, trí được sáng suốt, tâm nghĩ điều lành, tránh xa điều ác hại mình hại người.

Khi niệm Phật ta cảm thấy được gần Phật, quên buồn phiền và tạo được phước lành về sau.

Phương pháp niệm Phật là để các em luôn luôn nghĩ đến Phật, làm nhiều việc lành, tránh xa việc dữ, tập làm các đức tính của chư Phật và chư Bồ Tát, thể hiện đức tánh của người con Phật để làm phương châm chung cho Ðạo Pháp.

Ý Nghĩa Lễ Phật và Tụng Niệm

I. Lễ Phật: Khi lễ Phật em phải đứng chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Ðức Phật, giữ lòng trong sạch, sau đó em lạy Phật.

Lạy Phật em phải chắp tay, cúi đầu, hai gót chân sát vào nhau, từ từ quỳ xuống ngữa hai bàn tay ra và tưởng tượng như em đang nâng hai bàn chân Ðức Phật rồi cúi lưng xuống đặt trán mình lên hai lòng bàn tay.

Ngày xưa khi Ðức Phật còn tại thế, các đệ tử Phật từ vua quan tới dân chúng khi may mắn gặp Phật đều cúi xuống ôm chân Phật và đặt trán lên chân Phật để tỏ lòng cung kính. Ngày nay ta lễ Phật là làm giống như vậy.

Trước khi lễ Phật ta nên tắm rửa sạch sẽ, đốt hương trầm, sau đó ta đứng ngay ngắn chấp tay trước mặt, nhìn về hình tượng Phật để nhớ đến Ngài và khi lạy ta tỏ ra vui sướng như lúc ta may mắn gặp Phật.

II. Tụng Niệm: Tụng niệm tức là đọc lớn thành tiếng có âm điệu và thành kính những lời Phật dạy trong kinh sách.

Vừa tụng niệm ta vừa tưởng nhớ đến Phật đến những lời Phật dạy.

Những lời dạy của Ðức Phật hay của những vị Bồ Tát là những lời quý báu có thể làm tiêu trừ các tội lỗi diệt lòng ham muốn. Những lời dạy ấy cần phải thuộc lòng và đọc đi đọc lại nhiều lần để ghi nhớ, hiểu biết và làm theo. Do đó ta phải tụng niệm.

Nhờ tụng kinh mà lòng lắng dịu, tránh xa các điều ác, làm việc lành, có lợi cho mình và cho người, cũng như nhắc nhở mình luôn luôn tu học theo lời Phật dạy, sám hối lỗi lầm.

Mẫu Chuyện Đạo

Hoàng Tử Nhẫn Nhục và Hiếu Thảo


Xưa có một vị Hoàng Tử tên là Nhẫn Nhục, tướng tốt, trí thông minh, và giàu lòng thương người. Ðối với cha mẹ Ngài hết sức kính trọng và hiếu thảo không bao giờ Ngài từ chối một việc gì mà có thể làm cha mẹ vui lòng.

Một ngày kia vua cha đau nặng thuốc thang chạy chữa hết phương mà bệnh cũng không lành. Hoàng Tử lo buồn lắm nên Ngài mời các quan trong triều họp lại để xem có ai chỉ cách cứu chữa vua cha. Trong triều có một vị quan gian ác muốn giết chết Hoàng Tử để cướp ngôi sau khi vua mất. Vì thế vị quan gian ác này liền đứng lên thưa rằng:

- "Thưa Thái Tử, bệnh của nhà vua chỉ có một thứ thuốc có thể chữa được nhưng rất khó kiếm". Hoàng Tử vui mừng và hỏi:

- Chẳng hay thuốc ấy là thuốc gì, nếu chữa được cho vua cha lành bệnh thì khó mấy tôi cũng tìm cách kiếm cho được. Vị quan gian ác thưa:

- Ðó là não của một người mà từ nhỏ đến lớn rất có hiếu với cha mẹ và biết thương yêu mọi người. Hoàng Tử nói:

- Vậy não tôi có được không? có thể đem dùng cứu cha tôi lành bệnh không. Kẻ gian thần mừng rỡ nhưng giả bộ làm mặt buồn bả mà thưa rằng:

- Thưa có thể được, còn ai hiếu thảo và giàu lòng thương hơn Ngài. Nhưng chúng tôi chẳng dám làm việc ấy vì Ngài là một người con hiếu thảo và biết thương người làm sao có người đành tâm thấy Ngài hy sinh như vậy được. Hoàng Tử khẳng khái trả lời:

- Nếu tôi chết mà cứu được vua cha thì lòng tôi vô cùng sung sướng, xin ngài đừng lo ngại gì cả.

Nói xong Hoàng Tử truyền lệnh đem cắt đầu mình và lấy não đem hòa thuốc cho vua cha uống. Lòng hiếu thảo của Hoàng Tử động đến trời đất nên chén thuốc hóa ra hiệu nghiệm, và sau khi uống xong, vua cha liền lành bệnh ngay.

Hoàng Tử Nhẫn Nhục là một kiếp trước của Ðức Phật Thích Ca.

Chuyện tiền thân

Người Lành Ít Có

Ngày xưa, có một chàng trai bề ngoài có vẻ tiều tụy nhưng lại rất thông minh và có phép thuật nên hiểu được tiếng nói của các loài chim muông.

Chàng tìm đến một nơi thanh tịnh để tu học, nhưng ý muốn bất thành nên chàng phải đem thân đi ở mướn với một kẻ giàu có, làm nghề bán hàng dạo khắp nơi để sinh sống.

Một hôm người chủ và chàng dừng chân dưới một gốc cây lớn để nghỉ mát và dùng cơm trưa. Bỗng một bầy quạ từ đâu bay tới đậu đầy cây và kêu la om sòm. Chàng trai nghe đàn quạ kêu chỉ ngồi cười không nói gì cả. Ðiều đó làm cho người chủ lấy làm lạ, nhưng không nói gì cả.

Tối đến, người chủ gọi chàng trai đến hỏi chuyện ban trưa:

- Này em, hồi trưa tại sao khi nghe quạ kêu em lại cười.

Nghe người chủ hỏi chàng trai thưa thật rằng:

- Thưa ông, nhờ có học phép nên tôi biết rõ tiếng kêu của đàn quạ, chúng đói muốn ăn thịt ông mà chẳng biết làm sao, chúng xúi tôi giết chết ông, trước để đoạt viên ngọc quý trong túi ông và sau chúng ăn thịt ông cho đỡ đói.

Nghe xong người chủ cả kinh nhưng thấy chàng trai thật thà nên trong bụng bớt lo, liền gạn hỏi:

- Nếu biết vậy tại sao em không giết tôi để lấy viên ngọc quý mà làm giàu?

Chàng trai vội vàng đáp rằng:

- Thưa ông, ngọc quý và tiền bạc của ông không phải mồ hôi nước mắt của tôi tạo nên, giết người đoạt của là một việc làm tàn ác. Hơn nữa lâu nay ông giúp đỡ tôi, lẽ nào vì lòng tham lam mà tôi quên mất tình nghĩa.

Nghe xong người chủ hết lòng kính phục, từ đó nuôi nấng chàng trai như em ruột, cho nhiều của để làm kế sinh nhai.

Chàng trai trọng mạng khinh tài trên đây là tiền thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chuyện Tiền Thân

Thỏ Mến Ðạo

Ngày xưa có một con thỏ rất thông minh và ngoan ngoãn. Ngày đêm thường quanh quẩn bên một Ðạo Sĩ tu hành trong rừng để nghe giảng kinh kệ. Thường ngày thỏ đi kiếm hoa quả về dâng cho Ðạo Sĩ đúng vào giờ ngọ.

Ðược ít lâu bỗng nhiên trời đổi khí hậu, gió mưa tầm tã lạnh đến tận xương nên hoa quả đều thúi rụng hết. Thỏ đi kiếm khắp nơi nhưng không có thức ăn để dâng cho Ðạo Sĩ. Vì thế Ðạo Sĩ phải chịu đói rét, chịu cực khổ. Ngài định thu dọn đồ đạc trở về chùa một thời gian rồi sẽ lên rừng tu luyện lại trong mùa Xuân tới.

Biết được ý định của Ðạo Sĩ thỏ vô cùng buồn bả vì nếu Ðạo Sĩ đi rồi thì thỏ ở lại một mình không ai giảng cho thỏ nghe câu kinh tiếng kệ để tu học. Thỏ nghĩ bụng rằng lâu nay Thầy ta thường ngày giảng dạy ta, bây giờ Thầy gặp cơn hoạn nạn thế này mà ta không cứu giúp thì còn gì buồn tủi cho bằng.

Nghĩ xong thỏ chạy biến vào rừng để kiếm thức ăn nhưng không tìm đâu ra được thức ăn. Thỏ buồn bả trở về nói với Ðạo Sĩ rằng:

- Thưa ngài con đã kiếm được thức ăn xin ngài nhóm lửa lên để nướng thức ăn con vừa kiếm được.

Ðạo Sĩ nghe theo lời thỏ, lấy củi nhóm lửa. Khi ngọn lửa bốc cao đỏ rực thì con thỏ lanh lẹ lao vào lửa mà thưa rằng:

- Món ăn chính là con đây xin ngài dùng cho đỡ đói.

- Ðạo Sĩ hoảng hồn vội ôm thỏ đem ra và hỏi thỏ tại sao lại làm như vậy.

Thỏ sụt sùi thưa rằng:

- Con mang ơn Ngài quá nhiều, ngày nay gặp cơn đói rét ngài phải tạm rời bỏ nơi này lòng con không yên, nên con xin hiến thân con để ngài dùng cho qua ngày khỏi bỏ dỡ việc tu hành.

Ðạo Sĩ nghe thỏ nói lấy làm cảm động, thương mến thỏ hơn xưa và bỏ ý định trở về chùa, ở lại rừng tu hành không sợ đói khát cực khổ.

Con thỏ mến đạo này là tiền thân của đức Phật Thích Ca.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017