Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

  https://chuachinhphuoc.com/


Bậc Chân Cứng

| Friday, 12.05.2017, 03:33 PM |



Bậc Chân Cứng

I. Phật Pháp:

1. Tập đánh chuông mỏ

2. Ý nghiã áo màu lam

3. Ý nghĩa cách chào

4. Sáu phép hòa kính

5. Biết ba mẫu chuyện đạo

II. Hoạt Động Thanh Niên:

1. Gút: Ghế đơn, cẳng chó

2. Truyền tin: Truyền tin Morse bằng còi

3. Dấu đi đường: Trại phía này, nước uống được, nước độc, rẽ hai, nhập một

4. Cấp cứu: Biết dùng thuốc đỏ, ống đếm giọt, địa chỉ một Bác sĩ, điện thoại cấp cứu, phương thức cầm máu.

5. Chơi: Điều khiển một trò chơi nhỏ

III. Văn Nghệ:

1. Hát: Biết thêm ba bài hát. Điều khiển dàn hát

2. Kịch, múa: Tuy nghi áp dụng nhưng phải có tính cách giáo dục

3. Vẽ, Thủ công: Dùng viết chì vẽ cờ Phật giáo, cắt và dán

4. Làm văn: Tập viết thư, nhật ký Đàn, Đoàn


IV. Nữ công gia chánh:

1. Thêu tên gia đình

2. Vẽ hoa sen

3. Cắt và dán hoa sen

4. May khăn tay

5. Nhen lửa

6. Nấu nước

7. Sắp đặt đồ đi trại

8. Cắt giấy hoa

Lịch Sử Ðức Phật Thích Ca
(từ Xuất Gia đến Nhập Diệt)

Nửa đêm mùng Tám tháng Hai, Thái Tử Tất Ðạt Ða cùng người hầu cận là Xa Nặc cởi ngựa Kiền Trắc vượt cửa thành ra đi. Ðến sông A Nô Ma, Ngài xuống ngựa, cắt tóc, cởi đồ trang sức giao cho Xa Nặc mang về cung báo cho Vua Tịnh Phạn biết ý định đi tìm Ðạo giải thoát cho chúng sanh của Thái Tử. Trên đường đi gặp người thợ săn Thái Tử cởi áo mình đổi lấy quần áo của người thợ săn, cương quyết từ giả cảnh đời xa hoa, vương giả.

Trước hết Thái Tử tìm hiểu và tu những Ðạo đang có ở trong nước, tìm xem Ðạo nào là chân chánh giải thoát cho tất cả chúng sanh. Ðến thành Vương Xá, rừng Bạt Già Thái Tử hỏi Ðạo của các vị Tiên tu khổ hạnh, để được lên các cõi trời, nhưng nhận thấy chưa phải là Ðạo chân chánh giải thoát. Ðến phía Bắc thành Tỳ Xá Lỵ Thái Tử hỏi Ðạo ông A La La tu để lên cõi trời Vô Tưởng nhưng Ngài cảm thấy cũng chưa phải là Ðạo giải thoát. Rồi Ngài đến hỏi Ðạo ông Uất Ðầu Lam Phất, tu để sanh về cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ; Thái Tử đã tu theo và chứng được, nhưng Ngài cũng nhận rằng cõi ấy chưa phải là cảnh giải thoát.

Sau ba lần hỏi Ðạo Thái Tử nhận thức rằng các Ðạo hiện hành không có Ðạo nào là chân chánh giải thoát, Ngài nghĩ phải tự mình tu tập mới tìm rõ Ðạo chân chánh. Ðến rừng Ưu Lâu Tần La, phía Nam núi Tượng Ðầu, bên sông Ni Liên Ngài cùng năm anh em ông Kiều Trần Như tu khổ hạnh. Trong sáu năm Ngài cương quyết ép xác mình cho đến mỗi ngày chỉ ăn một hạt gạo hoặc một hạt mè mà thôi. Ðến một ngày kia thân xác Ngài tiều tuỵ té xỉu chết giấc. Lúc ấy có một người đàn bà tên Tu Xà Ðề thấy Ngài nằm dưới gốc cây liền mang sửa đến dâng. Khi tỉnh dậy, Ngài hiểu rằng tu khổ hạnh chưa phải là Ðạo giải thoát. Ngài xuống sông Ni Liên tắm rửa sạch sẽ, rồi đến gốc cây Bồ Ðề trải cỏ làm nệm, ngồi tọa thiền và thề rằng: "Nếu ta không chứng Ðạo giải thoát cho chúng sanh thì thề trọn đời không rời khỏi cây Bồ Ðề này."

Trong lúc Ngài định tâm tu tập các Ma Vương sợ Ngài thành Ðạo sẽ giác ngộ cho muôn loài bèn rủ nhau đến tìm cách phá Ngài, nhưng Thái Tử quyết tâm tu tập đã thắng tất cả những sự phá phách của Ma Vương. Sau bốn mươi chín (49) ngày tu tập dưới gốc cây Bồ Ðề, đến đêm mùng Tám tháng Mười Hai Thái Tử chứng Ðạo vô thượng, thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.

Ðức Phật Thích Ca đến vườn Lộc Uyển thuyết Pháp Bốn Ðế (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo) cho năm người bạn cùng tu khổ hạnh là nhóm Kiều Trần Như, và họ trở thành đệ tử Phật, từ đó mới có đủ ba ngôi báu là Phật, Pháp, và Tăng.

Ðức Phật thuyết Pháp và giáo hóa chúng sanh hơn bốn mươi chín (49) năm, Ngài độ cho vô số đệ tử giàu nghèo sang hèn đủ mọi tầng lớp. Trong lúc còn tại thế Ngài đi thuyết Pháp trong chín (9) tháng nắng ở xứ Ấn Ðộ, còn ba tháng mưa thì ở lại tịnh xá để chuyên tu.

Biết mình sắp nhập Niết Bàn, đêm trăng tròn tháng hai Ấn Ðộ, Ngài tụ tập các hàng đệ tử tại xứ Câu Ly, rừng Xa Nại, treo võng nơi hai cây Song Thọ, giảng dạy khuyên bảo lần cuối, trao y bát cho cho đệ tử là ngài Ca Diếp để tiếp tục truyền Ðạo, rồi từ giã mọi người mà nhập Niết Bàn. Ngài hưởng thọ tám mươi (80) tuổi.

Cách Thức Sử Dụng Chuông Mõ

Chuông mõ giúp cho buổi lễ Phật, tụng kinh được trang nghiêm, đều đặn và tạo được sự thành kính và thanh tịnh. Muốn đạt được ý nghĩa trên cần phải đánh chuông mõ thật đúng cách.

I. Trước Khi Lễ:

A. Hai đoàn sinh được chỉ định thủ chuông mõ vào chánh điện lau chùi, dọn dẹp bàn thờ Phật, Bồ Tát, Tổ cho sạch sẽ và ngăn nắp, đốt nến, thắp hương cho mỗi lư hương, và thắp riêng ba nén hương dành cho vị chủ lễ.

B. Hai đoàn sinh thủ chuông mõ đứng đối diện nhìn thẳng nhau chứ không nhìn vào bàn Phật, nhìn vị chủ lễ để theo dõi khi đánh chuông mõ.

C. Ðánh một tiếng chuông thong thả để tất cả đoàn sinh và Huynh Trưởng vào chánh điện, tất cả ngồi tịnh tâm đợi vị chủ lễ vái Tổ xong.

D. Ðánh một tiếng chuông cho tất cả đứng dậy chắp tay ngay ngắn, vị chủ lễ lễ Phật ba lạy.

II. Trong Khi Lễ:

A. Niệm Hương, cử bài Trầm Hương Ðốt, Tán Phật, Ðảnh Lễ:

1) Ðánh một tiếng chuông sau mỗi bài niệm hương, tán Phật.

2) Trong khi hát bài Trầm Hương Ðốt, đánh một tiếng chuông trước khi chấm dứt mỗi

âu niệm "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật".

3) Sau mỗi câu Ðảnh Lễ đánh một tiếng chuông, tất cả đều lạy.

B. Khai Chuông Mõ:

- Chuông: 3 tiếng rời 0 0 0

- Mõ: 7 tiếng (4 tiếng rời, 2 tiếng liên tiếp, 1 tiếng rời) X_X_X_X_XX_X

- Chuông mõ: 1 tiếng chuông,1 tiếng mõ 3 lần 0 X_0 X_0 X

- Mõ: 1 tiếng rời, 2 tiếng liên tiếp, 1 tiếng rời X_XX_X

C. Tụng Bài Sám Hối:

- Mõ: đánh tiếng thứ hai (tử), bỏ tiếng thứ ba (kính), đánh tiếng thứ tư (lạy) rồi tiếp tục đánh từng tiếng bắt đầu tiếng thứ năm (đức) trở đi.

- Chuông: đánh một tiếng sau khi đọc câu "Thành Tâm Sám Hối".

- Mõ: đánh thúc hai tiếng trước khi chấm dứt bài "Sám Hối Nguyện"

- Chuông: đánh một tiếng sau khi chấm dứt bài "Sám Hối Nguyện"

D. Tụng Danh Hiệu Phật và Bồ Tát:

- Mõ: đánh từng tiếng từ đầu và hơi nhanh hơn bài "Sám Hối Nguyện"

- Chuông: trước khi dứt mỗi danh hiệu đánh một tiếng chuông.

E. Tụng Bài Chú:

- Mõ: đánh nhanh hơn khi tụng các bài chú.

- Chuông: đánh một tiếng trước khi chấm dứt bài chú.

F. Tam Tự Quy:

- Mõ: đánh thong thả (chậm).

- Chuông: đánh một tiếng trước khi chấm dứt mỗi câu Tự Quy Y.

G. Hồi Hướng:

- Mõ: đánh thong thả (chậm).

- Chuông: đánh một tiếng trước khi chấm dứt bài "Hồi Hướng Công Ðức"

H. Ðọc Các Ðiều Luật:

- Mõ: xong bổn phận không đánh nữa.

- Chuông: đánh một tiếng khi xong các điều luật của Oanh Vũ và một tiếng khi xong các điều luật của ngành Thanh, Thiếu, và Huynh Trưởng.

- Chuông: đánh 3 tiếng chuông chấm dứt buổi lễ Phật.

- Chuông: vị chủ lễ đánh chuông (3 lần) để hai đoàn sinh thủ chuông mõ lễ Phật (3 lạy).

III. Sau Khi Lễ:

A. Hai đoàn sinh thủ chuông mõ thâu kinh, sắp gọn gàng vào vào tủ kinh.

B. Hai đoàn sinh thủ chuông mõ tắt nến, dọn dẹp bàn thờ trước khi ra ngoài.

Ý Nghĩa Màu Lam

Màu Lam là màu dịu hiền, màu hòa hợp được với tất cả các màu sắc khác. Gia Ðình Phật Tử chọn màu Lam làm màu áo để dễ hoà hợp tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.

Mặc áo màu Lam vào làm lòng người dịu lại, không nóng nãy không u buồn và tạo được sự mến thương của mọi người chung quanh.

Em Ði Họp Ðoàn

Ðến với Ðoàn có nhiều ích lợi, được học được chơi, có anh tốt, bạn hiền nên em phải cố gắng đi họp chuyên cần, hăng hái trong tất cả việc Ðoàn để làm cho Ðoàn càng ngày càng mạnh, càng đông, càng vui.

Em luôn luôn ngoan ngoãn vâng lời anh chị dạy bảo, nhường nhịn bạn bè và khuyến khích bạn lo tu học cho tấn tới.

Ý Nghĩa Chào Kính Của Gia Ðình Phật Tử

Gia Ðình Phật Tử dùng ấn Cát Tường để chào nhau khi mặc đồng phục. Chào theo lối này để biểu lộ tinh thần đoàn kết, tinh thần kỷ luật và sự hòa hợp của tổ chức Gia Ðình Phật Tử.

Cách bắt ấn Cát Tường: Người chào đứng thẳng, mặt hướng về nguời mình chào, tay phải gập lại, cánh tay song song với thân người, lòng bàn tay hướng về phía trước, cùi chỏ gần sát thân người và ngang hàng với tầm lưng, đừng quá ra phía sau hay phía trước, các ngón tay khép vào nhau, ngón tay cái đè lên ngón đeo nhẫn (ngón áp út) trong khi ngón này gấp lại, mủi bàn tay ngang tầm vai. Tay trái xuôi theo người. Người được chào phải chào lại người chào mình.

Ngoài ra chào theo lối bắt ấn Cát Tường còn có mục đích nhắc nhở chúng ta lắng lòng cho trong sạch, giữ vững niềm tin Phật, nhớ lời Phật dạy, tránh dữ làm lành.

Chính đức Phật thường dùng ấn này để phóng hào quang cứu độ chúng sanh.

Các phương cách chào kính trong Gia Ðình Phật Tử:

1. Chào nhau khi gặp mặt lần đầu tiên trong ngày, người nhỏ chào người lớn trước.
2. Khi đi từng đoàn gặp anh chị trưởng chỉ người hướng dẫn chào mà thôi.
3. Khi gặp đám tang tất cả đều chào một lần.
4. Khi chào cờ Ðoàn chào một lần, lúc hát bài ca chính thức Ðóa Sen Trắng không chào.
5. Khi gặp chư Tăng Ni chắp tay vái chào, đi từng đoàn người hướng dẫn chào chư Tăng Ni.
6. Khi gặp quý Bác trong khuôn hội, Phật Tử lớn tuổi, anh chị trưởng mặc thường phục vòng tay cuối đầu chào.

Giữ yên lặng trong khuôn viên chánh điện Chùa để tỏ lòng thành kính.

Sáu Phép Hòa Kính


I. Ðịnh Nghĩa:

Sáu phép Hòa Kính là chung hòa thành từng đoàn và sống đúng theo tinh thần lục hòa, là sáu nguyên tắc căn bản để các bậc xuất gia sống hòa hợp với nhau.

A. Thân Hòa Ðồng Trú: Cùng chung một việc làm, sống chung một chỗ với nhau, đoàn kết và xem nhau như anh em ruột thịt. Như các vị xuất gia cùng sống chung một chùa và bao giờ cũng đồng chung công việc làm với nhau.

B. Khẩu Hòa Vô Tranh: Không dùng lời nói thô ác, cải mắng nhau mà sinh ra giận hờn. Có điều gì không đồng ý, thì cùng nhau lấy lời hòa nhã giải thích cho nhau đồng hiểu.

C. Ý Hòa Ðồng Duyệt: Nghĩa là ý kiến dung hòa với nhau, không có mỗi người mỗi ý, làm việc gì cũng phải hỏi ý kiến với nhau, sau khi thỏa thuận rồi mới thi hành.

D. Giới Hòa Ðồng Tu: Luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau và đồng tuân theo giữ gìn giới luật

E. Lợi Hòa Ðồng Quân: Những quyền lợi gì có được thì phải đồng chia đều với nhau, không có kẻ ít người nhiều.

F. Kiến Hòa Ðồng Giải: Mọi sự hiểu biết đều phải giải thích cho nhau cùng hiểu, cùng học chứ không phải giữ lấy riêng một mình.

II. Kết Luận:

Ðức Phật đã đặt ra sáu phép Hòa Kính nầy làm nguyên tắc cho các bậc xuất gia chung sống với nhau, đem sự hòa đồng trong chúng để cùng nhau sống theo lời dạy của Ðức Phật, tinh tấn trên con đường giải thoát và giác ngộ. Chúng ta là những Phật Tử, phải luôn luôn cố gắng sống theo tinh thần Lục Hòa hầu tinh tấn trên đường tu học.

---------------------------

Chuyện Tiền Thân:
Chiếc Cầu Muôn Thuở

Trong một khu rừng xanh tươi thuộc núi Hy Mã Lạp Sơn, xứ Ấn Ðộ, có một cây xoài khổng lồ mọc cạnh bờ sông Hằng.

Trên cây, có một đàn vượn cả ngàn con họp thành một quốc gia riêng biệt, do một vượn chúa thân hình đẹp đẽ, sức mạnh phi thường đứng đầu. Ðến mùa xoài trổ trái to, thơm, ngon đó là lương thực đủ dùng cho cả quốc gia vượn.

Vượn chúa cẩn thận lắm, nó ra lệnh cho tất cả bầy vượn ăn hết trái xoài khi xoài còn xanh, không được đợi xoài chín, cả đoàn vâng lời làm theo. Nhưng rủi thay, một chuyện không may xảy đến. Một trái xoài to bị tổ kiến che lấp nên dần dà chín mùi rồi rụng xuống sông trôi theo giòng nước. Nước cuốn trái xoài chín vào trong hồ bơi của Vua xứ Ba La Nại, gặp đúng lúc nhà Vua đang tắm. Ðược quả xoài to chín thơm nên nhà Vua ăn thử lấy làm thích thú và hôm sau ra lệnh cho quân lính chèo thuyền theo dòng sông đi tìm chỗ cây xoài mọc.

Sau ba ngày mệt nhọc nhà Vua và quân lính tìm được cây xoài vĩ đại ấy và nhìn thấy trên cây đàn vượn đang chuyền cành. Nhà Vua tức giận ra lệnh tàn sát đàn vượn đã hổn xược ăn hết xoài chín ngon trước nhà Vua.

Nhưng trời đã sẩm tối, quân lính phải bao vây chờ hôm sau mới ra tay.

Ðêm đó đàn vượn vô cùng hoảng sợ. Riêng vượn chúa lại rất bình tỉnh, nó lén đến cành cây ngã về phía dòng sông, lấy hết sức phóng qua khỏi bờ bên kia. Vượn chúa tìm được những đoạn dây và hết sức vui mừng nối lại rồi buộc một đầu vào gốc cây còn đầu kia buộc vào thân mình. Ðoạn vượn chúa dùng kết sức lực phóng về phía cành xoài với mục đích bắt thành chiếc cầu dây cứu đàn vượn. Rủi thay sợi dây ngắn một đoạn nên khi hai chân trước vừa bám được vào cành cây thì dây đã căng thẳng và chính thân của vượn chúa nối thế một đoạn dây.

Vượn chúa ra lệnh cho cả đoàn vượn lần lượt sang sông. Bầy vượn ngần ngại vì phải dẫm lên mình vượn chúa. Nhiều con cảm động khóc nhưng tình thế bắt buộc đành phải trốn thoát sang sông. Con vượn cuối cùng khá lớn tên là Davadatta vốn ganh ghét vượn chúa nên nó dẫm mạnh lên mình của vượn chúa. Vượn chúa đau đớn gần muốn chết nhưng vẫn cắn răng chịu đựng để cứu con vượn gian ác ấy qua sông thoát chết.

Qua được sông rồi, con vượn Devadatta nhìn lại lấy làm ân hận, rơi hai giòng lệ vì thấy vượn chúa lông lá tơi bời không cử động được nữa.

Sáng dậy vua Ba La Nại truyền lệnh tiến quân, nhưng tất cả đều lấy làm lạ vì trên cây không còn con vượn nào cả. Nhìn lại chỉ thấy một chiếc cầu dây bắt ngang sông, từ mình một con vượn lớn. Các thợ rừng cho biết dó là con vượn chúa. Bấy giờ nhà Vua mới hiểu thấu đầu đuôi và tĩnh ngộ. Ngài nghĩ đến sự ích kỷ của mình chỉ vì những trái xoài mà định gây nên sự tàn sát thảm khốc. Ngài liền ra lệnh lui quân và tự tay vuốt ve săn sóc cho đến khi tĩnh lại.

Sự hy sinh của vượn chúa làm cho nhà Vua hối cải sửa đổi cách trị dân và làm lành tránh ác.

Vượn chúa là tiền thân của đức Phật Thích Ca.

--------------------------

Chuyện Tiền Thân: Con Voi Hiếu Nghĩa

Ngày xưa ở xứ Ba La Nại có một vị Vua thường dẫn lính vào rừng săn bắn. Một hôm nhà Vua thấy một con voi trắng tuyệt đẹp, vua bắt về sai lính trông nom cẩn thận và lo cho ăn uống sung sướng.

Nhưng kể từ khi bị bắt, voi chỉ khóc đầm đìa không chịu ăn uống. Tên lính trông nom liền trình lên nhà Vua điều ấy. Vua liền tự mình đến chuồng và hỏi voi tại sao không ăn uống mà cứ khóc mãi như thế.

Voi liền quỳ xuống thưa rằng:

- Tâu bệ hạ, tôi còn cha mẹ già ở rừng xanh không thể đi kiếm ăn được, chỉ trông cậy vào mình tôi. Nay tôi sa cơ bị bắt, cha mẹ tôi chắc sẽ chết đói. Thà tôi chịu chết còn hơn sống mà không làm tròn hiếu đạo.

Nghe xong nhà Vua động lòng thương mến thả cho voi về rừng. Voi quỳ xuống tạ ơn và hứa sẽ trở lại hầu hạ Vua sau khi nuôi dưỡng cha mẹ già đến khi qua đời. Xong voi vội vã chạy về rừng, nơi cha mẹ ở.

Mười hai năm sau, khi Vua đang ngự tại triều, bỗng thấy con voi năm trước trở lại, thân thể gầy còm. Voi quỳ xuống thưa với nhà Vua là cha mẹ voi đã qua đời. Nhớ lời hẹn xưa voi trở về hầu hạ Vua.

Nghe xong Vua khen con voi có hiếu nghĩa, biết giữ lời hứa nên sai người trông nom con voi quý đến già chết.

Con voi ấy là tiền thân của đức Phật Thích Ca.

Mẫu Chuyện Ðạo:

Thầy Tỳ Kheo với Con Ngỗng

Một Thầy Tỳ Kheo mang bình bát ghé một nhà giàu có để khất thực. Bà chủ nhà đang trò chuyện vô ý đánh rơi chiếc nhẫn xuống sàn nhà. Lúc đó có một con ngỗng đi qua và nuốt ngay chiếc nhẫn vào bụng. Khi chủ nhà biết mất chiếc nhẫn liền hỏi Thầy Tỳ Kheo có thấy rơi chỗ nào không, nhưng Thầy Tỳ Kheo vẫn im lặng không trả lời.

Sanh nghi Thầy Tỳ Kheo nhặt và giấu chiếc nhẫn quý nên chủ nhà nhiếc mắng thậm tệ và đánh đập, nhưng Thầy Tỳ Kheo vẫn im lặng chịu đau không nói gì cả.

Một lúc sau người nhà báo tin con ngỗng tự nhiên ngã ra chết. Bấy giờ Thầy Tỳ Kheo mới chậm rãi nói rằng:

- Hồi nãy tôi thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn của bà chủ. Chủ nhà cho người mổ ruột ngỗng và quả nhiên tìm thấy được chiếc nhẫn đã bị mất.

Quá hối hận, chủ nhà liền sụp lạy Thầy Tỳ Kheo và lễ phép thưa rằng:

- Trước đây Thầy thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn, tại sao Thầy không cho con biết, con hỏi nhiều lần Thầy vẫn im lặng đến nỗi con xúc phạm đến thế, mà Thầy vẫn không trả lời?

Thầy Tỳ Kheo chậm rãi nói:

- Thà tôi bị nhiếc mắng, bị đánh đập mà giữ được đạo hạnh chứ nếu tôi nói cho bà biết thì con ngỗng ẽ bị sát hại, việc ấy không bao giờ kẻ tu hành dám làm.

Phật pháp bốn cấp