Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

  https://chuachinhphuoc.com/


Bậc Tung Bay

| Friday, 12.05.2017, 03:41 PM |


Bậc Tung Bay

I. Phật Pháp:

1.      Ý nghĩa ăn chay

2.      Ý nghĩa làm việc thiện

3.      Cách thức thiết bàn thờ Phật

4.      Ý nghĩa cờ Phật Giáo

5.      Năm hạnh của người Phật tử

6.      Năm chuyện tiền thân và mẫu chuyện đạo


II. Hoạt Động Thanh Niên:


1.   Gút: Cẳng ngỗng, ghé kép, ghế anh, gut nới lạt

2.   Truyền tin: Thuộc hết các chữ. Đọc hai kiều mật thư

3.   Dấu đi đường: Thuộc hết các dấu đi đường

4.   Cấp cứu: Băng ngón tay, đầu gối

5.   Chơi: Điều khiển cả đoàn chơi trò chơi nhỏ

6.   Thường thức: Sưu tầm, biết gởi thư, biết tính tiền

III. Văn Nghệ:

1. Hát: Ba bài hát mới. Điều khiển đoàn hát, có sổ bài hát

2. Múa, Kịch: Tùy nghi áp dụng, phải ngắn, vui và có tính cách giáo dục

3. Tập nói: Kể lại một câu chuyện đã dọc hay đuợc nghe kể.

4. Vẽ, Thủ công: Tô màu, vẽ huy hiệu hoa sen,

5. Làm văn: Viết bài tường thuật các cuộc họp, du ngoạn.                  

IV. Nữ công gia chánh:

1. Thêu tên gia đình

2. Thêu hoa sen bằng đường thụt lùi

3. Thêu khăn tay

4.  Đơm nút, lau dọn bàn Phật

5. Kết giải

6. Làm hộp giấy

7. Nấu chè

8. Nấu cơm và làm thức ăn ở trại
---------------------
Ý Nghĩa Ăn Chay

Ðạo Phật là đạo từ bi, Phật Tử phải tôn trọng sự sống của mọi loài. Ðức Phật dạy cho chúng ta phải ăn chay. Vậy các em cần biết ăn chay là thế nào, có lợi ích gì, ăn chay ra sao. Có vậy các em mới tránh được những sai lầm khi ăn chay để kềm hãm bớt tội lỗi cho các em.

I. Ý Nghĩa Ăn Chay:

Ăn chay là một phương pháp Phật dạy các em làm để thay thế ăn mặn. Ăn chay là ăn những loài thảo mộc như hoa quả, rau cải, chứ không ăn các món ăn thuộc loài động vật như heo, bò, tôm, cá, gà, vịt v.v...

II. ích Lợi Của Sự Ăn Chay:

A. Về Phương Diện Tu Học: Ðạo Phật là đạo từ bi, bình đẳng, tôn trọng sự sống của mọi loài, vì mọi loài vật cũng như người đều biết tham sống sợ chết, cá thấy người cá lội, chim thấy người chim bay, người thấy cọp người sợ hãi. Do đó đức Phật xem mọi loài đều bình đẳng không cho rằng loài này có đặc ân hơn loài khác, loài này không thể làm vật hy sinh cho loài khác. Vậy người Phật Tử muốn cho đức tánh từ bi bình đẳng được tăng trưởng hay sự tu hành của mình tiến bộ thì phải ăn chay. Hơn nữa ăn chay tránh cho ta quả báo của sự sát hại.

B. Về Phương Diện Tinh Thần: Ăn chay trí não sáng suốt tính tình thuần hậu. Khi ăn nhiều thịt cá trí não nặng nề mệt nhọc vì bộ máy tiêu hóa hoạt động nhiều, nhất là khi có chất mỡ khó tiêu làm mệt trí óc. Còn ăn chay trí não nhẹ nhàng, tinh thần minh mẫn, thuận lợi cho việc học hành và tính tình bớt hung bạo. Ăn chay còn thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình.

C. Về Phương Diện Thân Thể: Người ăn chay thân thể được mạnh khỏe, làm việc dẻo dai, sống lâu và ít bịnh. Trong hoa quả ít có chất độc. Hoa quả, rau cải, khoai, ngũ cốc có đủ dinh dưỡng để nuôi sống con người. Trái lại thịt cá là món ăn có thể có độc. ở xứ nóng thịt cá bắt đầu sình thối khoảng năm giờ sau khi con thú bị giết. Ăn thịt hư có thể nguy hiểm đến tánh mạng.

III. Cách Thức Ăn Chay:

Ăn chay có nhiều cách tùy hoàn cảnh của mỗi người hoặc ta phát nguyện ăn chay trọn đời (chay trường), không bao giờ ăn mặn nữa; hoặc ăn chay mỗi năm ba tháng; hoặc mỗi tháng mười ngày (ngày 1, 8, 12, rằm, 18, 25, 26, 28, 29, 30 Âm Lịch); hoặc bốn ngày (ngày 1, 14, rằm, 29 hoặc 30 Âm Lịch); hoặc hai ngày (ngày 1 và rằm Âm Lịch) và những ngày vía chư Phật, vía các vị Bồ Tát.

Ðã phát nguyện ăn chay cách nào nên cố gắng giữ theo, không vì trường hợp gì mà bỏ qua, trừ khi đau bịnh nặng và thầy thuốc khuyên phải ăn mặn để chữa bịnh. Sau khi khỏi bịnh phải sám hối và phát nguyện giữ lại.

Vậy, ăn chay có nhiều lợi ích cho sự tu học cũng như thể chất và tinh thần. Khi thực hiện có nhiều cách, tùy hoàn cảnh và sự phát nguyện của từng cá nhân.


----------------------------
Cách Thức Thiết Bàn Thờ Phật

Phật là đấng phước trí đầy đủ, là tấm gương cao quí nên ta cần thờ kính để noi theo, sám hối lỗi lầm, và chiêm bái. Muốn thờ Phật ta nên thiết bàn Phật.

Bàn thờ Phật phải thiết ở nơi trang nghiêm, sáng sủa, sạch sẽ, phải được lau chùi luôn luôn.

Khi thiết bàn thờ Phật ta đặt ảnh tượng Ngài ở chính giữa, phía trước là lư hương, hai bên hai bình hoa và hai cây đèn. Nếu được có thêm đĩa trái cây và chén nước. Ngoài ra bàn thờ được thiết trí thêm chuông và mõ (chuông đặt bên phải, mõ đặt bên trái từ ngoài nhìn vào). Các kinh Phật có thể để trên bàn thờ hoặc trên một bàn nhỏ riêng.

Khi ta thiết bàn thờ Phật lần đầu tiên ta nên làm lễ An Vị


------------------
Ý Nghĩa Cờ Phật Giáo

Cờ Phật Giáo thế giới được hai mươi bảy (27) phái đoàn Phật Giáo trong đó có Việt Nam công nhận năm 1950 tại Columbo, Tích Lan (Srilanka).

Cờ Phật Giáo có năm màu theo thứ tự: Xanh dậm, vàng, đỏ, trắng, cam và một màu tổng hợp của năm màu trên.

Năm màu tuợng trưng cho ánh sáng hào quang của chư Phật và biểu tượng tinh thần của Phật Giáo.

Màu tổng hợp tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của tất cả tín đồ Phật Giáo.

Em luôn luôn tôn trọng cờ Phật Giáo.

---------------------------
Em Làm Việc Thiện


Việc thiện là những việc lành, quên lợi mình để giúp đỡ kẻ khác và giúp đỡ cả loài vật.

Hằng ngày em gặp nhiều điều mà em có thể làm được như dắt một ông lão qua đường, giúp miếng ăn cho một em bé đang đói, hay cứu một con vật bị nạn, vớt một tổ kiến trôi trên giòng nước v.v...

Ðức Phật là bậc có tình thương bao la như biển cả. Theo lời Phật dạy, chúng ta là Phật Tử nên làm việc thiện để tạo được phước lành.

----------------------
Năm Hạnh của Người Phật Tử

Năm hạnh cuả người Phật Tử trong cuộc sống hằng ngày là:

1. Tinh Tấn: Luôn luôn tiến tới, cố gắng tu học, không nản chí, không sờn lòng.
2. Hỷ Xả: Vui vẻ, bỏ hết phiền muộn và biết rộng lượng tha thứ.
3. Thanh Tịnh: Trong sạch từ thân thể, lời nói, ý nghĩ và việc làm.
4. Trí Huệ: Hiểu biết cùng khắp, học hỏi để mở mang trí óc và nhận định sáng suốt.
5. Từ Bi: Ðem vui cứu khổ cho mọi người, mọi loài và không mong cầu đền trả.


--------------------------
Mẫu Chuyện Ðạo: Ðức Phật với La Hầu La

Khi chưa thành đạo La Hầu La (con của Thái Tử Tất Ðạt Ða và Công Chúa Da Du Ðà La) tính tình cộc cằn, lười biếng không chịu lo tu học, đức Phật liền bảo La Hầu La về tịnh xá Hiền Ðộ để tu học trong chín mươi (90) ngày không dừng nghỉ và sám hối tội lỗi.

Khi đức Phật đến thăm, La Hầu La đem một chậu nước đến cho Phật rửa chân. Rửa xong đức Phật hỏi La Hầu La rằng:

- Nước trong chậu bây giờ có thể dùng để uống được không?

- Bạch Thế Tôn, không thể dùng được, trước đây nước sạch, nhưng bây giờ rửa chân nước bị dơ bẩn không thể uống được. Phật dạy rằng:

- Ngươi cũng như vậy, là con ta, là cháu vua Tịnh Phạn, từ bỏ cuộc sống xa hoa để sống xuất gia tu hành. Nếu ngươi không lo chăm tu học, để tâm ô uế cũng như nước bẩn kia không thể dùng được.

Phật bảo La Hầu La đổ chậu nước đi và nói:

- Chậu kia không còn nước bẩn, vậy có thể dùng đựng thức ăn được không?

- Bạch Thế Tôn, không thể dùng được vì chậu đã mang tên đựng nước bẩn.

Phật dạy La Hầu La:

- Ngươi cũng vậy, tuy làm kẻ tu hành nhưng tâm biếng nhác, miệng nói điều chẳng lành và bị tiếng đồn không tốt. Cũng như cái chậu kia không dùng vào việc cao trọng được.

Ðức Phật lấy cái chân hất chậu làm cho nứt bể và hỏi La Hầu La:

- Ngươi có tiếc cái chậu bể không?

- Bạch Thế Tôn, cái chậu rửa chân là vật không quý nếu bể cũng không lấy làm gì tiếc. Phật bảo La Hầu La:

- Ngươi cũng vậy, tuy là kẻ tu hành nhưng đã mang tiếng xấu, nên chẳng có ai thương quý, cũng như ngươi không quý cái chậu kia.

Nghe lời Phật dạy La Hầu La lấy làm xấu hổ, bèn phát tâm sám hối và từ đó về sau tinh tấn tu hành.


Chuyện Tiền Thân: Con Sư Tử Trọng Pháp

Ngày xưa, tại khu rừng nọ có con sư tử tên là Kiên Thệ, lông óng ánh sắc vàng, sức mạnh địch hơn ngàn con vật khác. Mỗi lần Kiên Thệ rống lên vang động cả khu rừng, chim đang bay bị rớt xuống và loài thú khiếp sợ ẩn tránh thật xa. Trong rừng có một vị Sa Môn rất oai nghiêm thanh tịnh, hiền từ và vui vẻ. Sư tử thường đến gần để nghe tụng kinh, giảng đạo. Lúc bấy giờ có một người thợ săn thấy bộ lông sư tử đẹp nên muốn giết để lột da đem dâng vua lảnh thưởng. Người thợ săn nghĩ rằng: "Sư tử là chúa các loài thú ta không thể nào dùng cung tên và đặt bẩy để bắt được vì sức mạnh phi thường của sư tử, chỉ có cách giả dạng một vị Sa Môn chờ sư tử đến gần rồi dùng tên độc bắn vào chổ hiểm để hạ sát". Nghĩ kế xong người thợ săn liền cạo đầu khoác áo cà sa, giả vị Sa Môn ngồi dưới gốc cây. Quả nhiên sư tử đến gần để nghe giảng pháp. Người thợ săn lén dùng tên độc bắn vào mắt sư tử. Sư tử đau quá rống ngược lên muốn nhảy đến vồ chết vị Sa Môn giả hiệu kia, nhưng lại nghĩ rằng: "Người kia mặc chiếc áo cà sa tức là biểu hiệu của Ðức Phật, nay ta sát hại không khó gì nhưng sợ phạm đến màu áo tượng trưng cho Ðức Phật. Nghĩ vậy nên sư tử bèn nuốt giận chịu đau và chết chứ không dám động đến vị Sa Môn vì sợ chạm đến hình dung chư Phật.

Khi sư tử Kiên Thệ bị thuốc độc thấm chết, người thợ săn liền lột da đem dâng vua. Nhưng khi nghe thuật lại câu chuyện, nhà vua thấy được ác tâm tàn bạo của người thợ săn và cảm phục trước tinh thần kính trọng Tam Bảo của sư tử Kiên Thệ, bèn hạ lệnh chém người thợ săn và đem xác sư tử làm lễ siêu táng như một vị Sa Môn.

Sư tử Kiên Thệ là tiền thân của đức Phật Thích Ca.


Chuyện Tiền thân: Người Ðạo Sĩ Chí Hiếu

Ngày xưa có một vị Ðạo Sĩ tên là Quang Thiểm, nhà nghèo, cha mẹ bị mù. Ðạo Sĩ luôn hầu hạ cha mẹ suốt ngày đêm. Nhận thấy người đời ham danh trục lợi, không chịu làm lành, tránh dữ cho nên Ðạo Sĩ đem cha mẹ vào rừng, dựng một căn chòi nhỏ để phụng dưỡng cha mẹ và lo tu học. Quang Thiểm không bao giờ sát hại súc vật, hằng ngày vào rừng kiếm trái cây, rau cải về nuôi cha mẹ.

Gần chỗ Ðạo Sĩ ở, có một con suối nước mát trong vắt, cây cối chung quanh um tùm, có nhiều trái cây thơm ngon. Một buổi trưa mùa hè, Quang Thiểm đến suối hái quả và lấy nước về cho cha mẹ dùng, gặp lúc vua Ca Di vào rừng săn bắn ở gần đó. Nghe tiếng sột soạt bên bờ suối, nhà vua tưởng là hươu nai nên dương cung bắn. Mủi tên cắm phập vào hông Quang Thiểm, chàng té nhào xuống dòng suối bất tĩnh.

Nhà vua và quân lính chạy lại, thấy Quang Thiểm bị thương, mọi người tìm cách cứu, khi hồi tĩnh Ðạo Sĩ biết mình bị bắn và khó có thể thoát chết nên than rằng:

- Các ngài ơi, thân tôi dù có chết cũng đành cam chịu. Ngặt vì tôi còn cha mẹ mù lòa không ai nuôi dưỡng, chắc phải chết đói. Kính lạy Phật Trời xin hiểu thấu cho con nông nổi nầy và cứu độ cho cha mẹ con được nhiều may mắn. Dứt lời chàng tắt thở.

Vua Ca Di nghe xong liền sa nước mắt và than thở:

- Ôi, ta thật là một kẻ bất nhân, chỉ vì ham giết hại thú vật để vui chơi và ăn cho ngon miệng mà bắn lầm một người đại hiếu như thế này!

Nhà vua tìm đến nơi cha mẹ của Quang Thiểm ở để đem về săn sóc nuôi dưỡng. Cha mẹ Quang Thiểm khi nghe tin con chết liền kêu gào thảm thiết. Cả hai lần mò đến xác con. Thảm thay ông rờ mặt mày, bà vuốt ve tay chân rồi cả hai nguyện nhịn đói để chết theo đứa con hiếu thảo.

Cảm động trước cảnh ấy nên một vị thần hiện xuống cứu cho Quang Thiểm sống lại. Cha mẹ và con mừng rỡ vô cùng rồi quỳ lạy tạ ơn vị thần cứu mạng. Sau đó chàng dìu cha mẹ trở về chòi cũ.

Ðứng trước lòng hiếu thảo của Quang Thiểm, tình cốt nhục đậm đà của cha mẹ mến thương con và sự linh ứng của vị thần cứu mạng, vua Ca Di hồi tâm, sám hối từ đó về sau không săn bắn nữa và chuyên lo làm điều lành.

Ðạo sĩ Quang Thiểm là tiền thân của đức Phật Thích Ca, cha mẹ Ðạo sĩ là tiền thân vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia. Vua Ca Di là tiền thân của ngài A Nan.
Phật pháp bốn cấp