Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

  https://chuachinhphuoc.com/


4 đề nghị thiết thực trong đời sống nhằm Bảo vệ môi trường đối với người Phật tử

| Wednesday, 17.05.2017, 08:51 AM |


4 đề nghị thiết thực trong đời sống nhằm Bảo vệ môi trường đối với người Phật tử

GN - LTS: GS.TS Lê Văn Tâm, một nhà khoa học và đồng thời là Phật tử, nguyên Giáo sư Đại học Gottingen, CHLB Đức trong nhiều hội thảo khoa học quốc tế đã đề cập đến những giải pháp cho sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường thiết thực từ gợi ý trong lời dạy của Đức Thế Tôn tại bản kinh Từ bi (Metta Sutta), thuộc kinh Tập (Sutta Nipata) của Tiểu bộ kinh.

Sau đây là 4 đề nghị của giáo sư, về nếp sống phù hợp với tinh thần đạo Phật và đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sống một cách lâu dài.

1. Trước hết, mỗi người phải tự bắt đầu từ bản thân trong cuộc sống hàng ngày. Đức Phật đã đề nghị trong kinh Từ bi rằng Phật tử nên “sống giản dị”, “vui với đời giản dị”. Cuộc sống giản dị giúp chúng ta giới hạn nhu cầu của mình trong chừng mực cần thiết. Thói quen tiêu dùng và lòng ham thích xa hoa là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và lạm dụng dữ dội, khiến cho nhiều nhân tố phục vụ sự phát triển ngày mai bị mất đi. Sống thiểu dục và biết đủ, theo lời Phật dạy, đó là đóng góp tích cực cho sự ổn định dân số, tiết kiệm nguồn nguyên liệu và năng lượng và làm giảm sức ép vào môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên.

Đức Phật đã đề nghị trong kinh Từ bi rằng Phật tử nên “sống giản dị”, “vui với đời giản dị”

Sống giản dị không có ý nghĩa là sống không có chất lượng. Chất lượng của đạo Phật là “an vui”, thay vì tham lam, “bận rộn là cố gắng bảo vệ muôn loài, thay vì thờ ơ giết hại sinh mạng và hủy diệt điều kiện sinh tồn của chúng sinh; là hợp tác vì lợi ích chung (“đồng sự và lợi hành”) thay vì cạnh tranh giành giựt cho quyền lợi riêng; là siêu vượt mình để nhập cuộc sống toàn diện, thay vì tách rời và đối nghịch lại với thiên nhiên.
2. Quý vị Tăng Ni và cư sĩ quan tâm đến sự bảo vệ môi trường có thể tiếp tay trong các công tác giáo dục và gây ý thức bảo vệ môi trường, giới cư sĩ tại gia hạn chế sinh đẻ, nâng cao vai trò phụ nữ để thúc đẩy nhanh sự chuyển đổi thuận lợi cho hoàn cảnh chung v.v... đặc biệt là giúp Phật tử mở rộng kiến thức. Phân biệt rõ đâu là lý luận do tham sân si chi phối, đâu là hành động với tinh thần Bi Trí Dũng trong nghiệp vụ và sinh hoạt hàng ngày.

3. Để đóng góp cụ thể cho sự bảo vệ môi trường, đặc biệt trên khía cạnh bảo vệ cảnh quan và sinh cảnh (biotope), có thể kiến tạo những cảnh chùa, tại nơi có mặt bằng thuận lợi, thành những điểm cảnh quan thanh lịch. Ngoài cây cảnh, cây ăn quả, cây trồng thêm một số cây rừng bản địa. Lý tưởng nhất là xây dựng nhiều tu viện cạnh rừng (“chùa đại tòng lâm”, “chùa lâm viên”). Tại đây nhà chùa lãnh trách nhiệm bảo vệ và chế biến rừng thành khu bảo tồn thực và động vật hoang dã. Tại những vườn rau thuộc khuôn viên chùa, nên thử nghiệm phương pháp trồng tỉa sinh học. Từ đó rút kinh nghiệm đóng góp cho cơ hội chuyển đổi phương pháp canh tác dùng quá nhiều phân hóa học và thuốc diệt sâu bọ. Ngày xưa, Đức Phật đã động lòng thương xót những con trùn quằn quại sau lưỡi cày, thì ngày nay, số người áp dụng phương pháp canh tác không đào cuốc, tránh giết hại sinh vật trong đất và tránh phá hủy trú quán của chúng, càng ngày càng đông đảo.

4. Quý vị Tăng Ni nên vận động Phật tử “trồng cây phước đức”, “trồng cây trí đức” thay cho tục lệ “hái lộc”, “bẻ lộc” hoặc cổ vũ Phật tử đóng góp tiền cho việc xây dựng “chùa lâm viên” vượt thêm một bước xa hơn sự bố thí tiền gạo hoặc phóng sinh chim cá. Cũng có thể khuyến khích Phật tử xây dựng một môi trường sống thanh lịch bằng cách làm “sạch và đẹp từ bàn thờ, trong nhà, ra ngoài sân, đến trường đi khắp đất nước”. Lòng tôn kính Đức Phật, tình yêu thương quê hương nhờ đó phát triển mạnh mẽ hơn.
Source: GNO
GS.TS Lê Văn Tâm