Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

  https://chuachinhphuoc.com/


Diên Sanh Quê Tôi

| Monday, 12.03.2018, 08:49 PM |


DIÊN SANH QUÊ TÔI

Diên Sanh quê tôi thời xa xưa là làng kẻ Diên thuộc xã Diên Thọ, Huyện Lợi Điều, châu Thuận Hoá. Làng trước đây có 15 họ tộc, do các Ngài thuỷ tổ của các Họ từ phía bắc nam tiến đi tìm đất lành, đến đây (có người trước kẻ sau) thấy non nước  hữu tình, sinh nhai tiện lợi bèn lập lều quán túc ở bổn xá. Trong số 15 họ tộc có 3 họ vô tự, hiện chỉ còn 12 họ chính thức.Tuy nhiên do đất lành chim đậu, nên về sau có rất nhiều Họ khác đến sinh sống tìm kế sinh nhai, đến nay cũng đã có khoảng 69 họ ở làng Diên Sanh. Mọi con dân các Họ trong làng đều lạc quan, đoàn kết chung sức xây dựng cuộc sống mới trên quê hương Diên Sanh tươi đẹp.

Làng Diên Sanh hiện nay thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.Với những tên đất tên làng gắn với truyền thống lịch sử như: Đình làng Diên Sanh, chợ Diên Sanh, chùa Diên Thọ, chùa Diên Bình, chùa Diên Phước, nhà thờ Diên Sanh.

Đình làng Diên Sanh rêu phong cổ kính đã bị tàn phá trong thời chiến tranh, nay đã được dân làng trùng tu lại, Đình làng thờ các Ngài khai canh và các vị tiền quan làm quan ở triều đình. Hàng năm cứ đến ngày rằm và mười sáu tháng sáu âm lịch con dân Làng tổ chức lễ Kỳ Phước truyền thống, lễ Thần Hoàng và tưởng niệm các Ngài Thuỷ tổ đã có công lập nên làng Diên Sanh như ngày hôm nay và cho cả mai sau.
Chợ Diên Sanh ( Kẻ Diên) không biết có từ bao giờ, nhưng có lẻ đã lâu lắm rồi, bởi từ “kẻ chợ” có tài liệu nói là do người phương tây( Khoảng TK16-17) dùng để chỉ chợ Việt Nam thời ấy. Cái tên chợ "Kẻ Diên" cũng xuất hiện trong ca dao ViệtNam, là một trong những câu ca dao hay nhất miền trung “...Tháng khốn tháng nạn đi vay đi mạn được một quan tiền. Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái...”. Trước đây những người ở vùng dưới lên chợ lần đầu thường hỏi: Chợ Kẻ Diên xa gần nữa o? dân Diên Sanh trả lời: “Chặng mẽn.” (đoạn nữa)

Làng Diên Sanh có những ngôi chùa cổ kính và lớn như chùa Làng có tên là chùa Diên Thọ (có tài liệu nói chùa Diên Thọ có từ đời Hậu Lê), chùa Diên Thọ đã và đang được trùng tu và bảo dưỡng nhằm phát huy và làm đẹp thêm nét văn hoá do tiền nhân để lại. Ngoài chùa Diên Thọ ở Diên Sanh có chùa Diên Bình ở khu vực Công Thương Nghiệp( Cạnh đường tỉnh lộ 8), ở thôn tư có chùa Diên Phước (hay Chính Phước) đang được xây dựng và trùng tu tốt hơn. Những khi mùa Phật Đản, Vu Lan...về hoặc những đêm Rằm, ba mươi, mồng một hàng tháng trầm bổng ngân lên tiếng kinh cầu đem lại sự an lạc cho mọi người .

Cạnh bến xe cũ là nhà thờ giáo xứ Diên Sanh đứng sừng sửng bên đường tỉnh lộ 8 ngang qua trung tâm làng Diên Sanh, con chiên và dân làng như tạo một đường mòn trên vỏ não mỗi khi nghe hồi chuông nhà thờ đổ báo đúng 11g. mỗi khi mùa Giáng Sinh về lại nghe những bài thánh ca như : Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh, Chúa ra đời ...với âm điệu nghe tha thiết, trầm bổng.

Xưa kia, người dân vùng dưới lên chợ Diên Sanh phải qua cánh đồng làng Diên Sanh rộng bạt ngàn cò bay thẳng cánh, đồng làng Diên Sanh là vựa lúa của Huyện Hải Lăng trước đây.Nhưng đến “tháng bảy cóc nhảy lên bờ” thì cánh đồng như một biển hồ lai láng , dân làng ngóng chờ nước rút để xuống vụ Xuân:

"..Nước rút hết đồng rồi và bao vụ xuân đẫ đến
Thế mà em mãi mãi vẫn chưa về..."
(Bài: Sao em chưa về)

Thế nhưng trong những tháng hè nóng bỏng (Những năm chưa có công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn - trước 1975) với những đợt gió Lào trườn ngang rừng Lao Bảo tràn về quê ta thì cánh đồng khô cháy, nước biển dâng lên làm úng mặn đất trồng.

Đặc biệt ở vị trí vệ tinh của làng Diên sanh thuộc xã Hải Thọ cũng có hai làng mang từ “Diên” là làng Tân Diên (Mộ Tân Diên) và Làng Diên Trường (cây Da)

Làng Tân Diên ở phía tây là vùng đồi núi, trước đây bố tôi thường nói đi lên côi mộ Tân Diên, ( giống như giữa Hải Thiện và Hải Vĩnh có mộ Thôn Đức vậy)

Ở phía đông nam là làng Diên Trường (Cây Da) giáp với Thôn Đông xã Hải Trường và mấy càng của xã Hải Hoà, Hải Chánh . Cây Da gắn với cuộc tình sử bên giòng Ô Lâu của chàng nho sinh xứ Nghệ:

“Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò,
Cây Đa bến cộ con đò khác xưa
Sãi đò đã thác năm xưa
Cây Đa bến cộ còn lưa đến chừ...”

Diên sanh quê tôi có đặc sản cháo bột (Cháo vạc giường), cháo bột theo tôi biết có từ những năm giữa thập kỷ 1960, xuất xứ từ quán cháo bột mụ Long (đốii diện với nhà ông Thợ Cháu), đi sớm để được thưởng thức tô cháo đầu soong thật tuyệt vị, nếu ai bị cảm cúm làm một tô cháo bột thật nóng thì bớt ngay. Tôi có nhớ man mán mấy câu của ai đó:

"Nhớ chi như cháo vạc giường
Đứng mơ mùi ném, ngồi thương mùi hành"

Rồi còn nữa, chưa hết đó là Lòng Sả o Bướm, qua mấy thời kỳ mấy ông cán bộ Tỉnh, Huyện về ăn một tô Lòng sả với một ly rượu Kim Long thì nhớ mãi không quên.

Vài nét về Diên Sanh quê tôi là như vậy, còn rất nhiều và nhiều nữa nhưng không thể nói hết, nhường lại cho các bạn tâm huyết với Diên Sanh quê mình nhé./.


Trần Mót