Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

  https://chuachinhphuoc.com/


Chùa Diên Thọ – Ngôi chùa làng tiêu biểu ở Quảng Trị

| Wednesday, 14.03.2018, 10:58 AM |


Chùa Diên Thọ – Ngôi chùa làng tiêu biểu ở Quảng Trị

LTS: Đến nay, dù không còn một tư liệu thành văn nào cho biết rõ về buổi ban sơ của ngôi chùa Diên Thọ cũng như thời gian tạo dựng, nhưng có thể suy đoán rằng ngôi chùa làng diên Thọ ngày nay đã ra đời trong khoảng thế kỷ XIV - XV khi cư dân Đại Việt đến khai phá vùng đất này...

--------------------------------------------

Chùa Diên Thọ hay còn có tên gọi khác là Chùa Diên An.

Chùa Diên Thọ tọa lạc ở làng Diên Sanh, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách ngã ba Diên Sanh 4km và cách tỉnh lộ 8 chừng gần 500m về phía Đông bắc. Chùa thuộc hệ phái phật giáo Bắc Tông.

Lịch sử chùa Diên Thọ

Những dấu tích ban đầu về ngôi chùa cổ này đã không còn, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi chắc hẳn rằng ở buổi đầu tạo dựng, Diên Thọ là một ngôi chùa nhỏ nhà tranh vách đất và được dựng trên nền móng của một ngôi đền Chăm. Chùa tọa lạc ở thôn 1, làng Diên Sanh, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách ngã ba Diên Sanh 4 km. Vết tích còn lại của ngôi chùa cổ ngày nay là tượng phật và bệ thờ của người Chăm mà người dân đã đào được. Còn việc nâng cấp, mở rộng ngôi chùa như hiện trạng chỉ được bắt đầu từ thế kỷ XVIII khi mà gạch ngói từ miền trong đã được đưa về Thuận Hóa để xây dựng dinh phủ và bước đầu được sản xuất tại nơi này.

Để tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa làng Diên Thọ, về những người đã có công trong việc khởi xướng, tạo dựng cũng như về các cuộc trùng tu, sửa chữa chùa quả là một công việc khó khăn. Nguyên nhân của vấn đề này là tư liệu ghi chép ở chùa cũng đã mất đi và   sử sách người xưa cũng không thấy lưu lại, nguồn tư liệu duy nhất về lịch sử ngôi chùa chỉ là bức hoành phi cùng những lời truyền kể.

Căn cứ vào bức hoành phi gắn ở tiền đường (trước đây gắn ở gian giữa chánh điện) ghi ba chữ Hán lớn “Diên Thọ Tự” với các dòng lạc khoản: “Tuế tại Kỷ Mã quý hạ cốc đán” và “Nội lệnh sử ty Huấn đạo Nguyễn Ngọc Quỳnh pháp danh Liễu Giác, thê Nguyễn Thị Huyền pháp danh Liễu Diệu phụng cúng”, cùng những lời tương truyền thì chùa được xây dựng từ thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739 – 1765) và vào tháng 6 năm Kỷ Mão (1759 ) thì vợ chồng ông Quỳnh cúng bức hoành phi ấy.

Chùa Diên Thọ được xây dựng vào thời Hậu Lê, dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (năm 1759). Chùa đã được trùng tu vào giữa thế kỷ XVIII và nhiều lần vào thời Nguyễn.

Kiến Trúc chùa Diên Thọ

Mặt chùa Diên Thọ quay về hướng Tây trên một khu đất rộng với diện tích khoảng 5.000 m2 và có một cảnh quan lý tưởng theo cách nhìn của phong thủy học: phía trước chùa là ruộng lúa, hồ sen – một vùng đất trũng luôn luôn có nước bất kể nắng mưa. Đây có lẽ là“minh đường”. Bên trái chùa là đất rộng trống, bên phải là rú với cây cối um tùm, đằng sau là khu dân cư đông đúc.

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên và con người, chùa Diên Thọ đã bị thiệt hại và thay đổi nhiều về không gian và một số kết cấu kiến trúc vốn có của nó, đặc biệt là trong cuộc đại trùng tu năm 2002. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, chùa Diên Thọ hiện nay là một trong số ít những ngôi chùa làng cổ và đẹp nhất của tỉnh Quảng Trị.

Nhìn tổng thể, mặt bằng chùa Diên Thọ bao gồm: cổng Tam quan, đài Quan Âm, Tiền đường, Chánh điện và nhà Tăng – theo hướng từ ngoài vào trong.

Tiền đường và chánh điện chùa được kết cấu theo kiểu hai ngôi nhà ghép theo hình chữ nhị (=), có mái chồng diêm với hai tầng mái và tám đầu đao mỗi nhà. Diện tích mặt bằng chùa là 300 m2. Song, lối ghép này không như kiểu “Trùng thiềm điệp ốc”. Bởi thực chất của nó là ghép hai công trình riêng lẻ với nhau, “chứ không phải là một bộ khung thống nhất”1 như những đền đài, cung điện ở Huế. Nhưng cái hay ở đây là người thợ đã biết kết hợp một cách khéo léo để tạo nên một công trình chung thật hoàn thiện, làm cho không gian nội thất của chùa Diên Thọ được vuông vắn, diện tích sử dụng lại rộng rãi, tiện dụng hơn.

Nhìn từ đài Quan Âm, ta sẽ thấy nóc chánh điện nhỉnh hơn so với nóc tiền đường. Bờ nóc, bờ quyết thẳng chứ không có đầu đao uốn cong lên như đình, chùa, miếu vũ ở miền Bắc. Phía trước mái, kể cả tầng mái trên lẫn tầng mái dưới, quanh bốn phía đều được viền hình lá đề cách điệu bằng gỗ chạm. Giữa hai tầng mái là dải cổ diêm chạy quanh bốn mặt của mỗi tòa nhà. Dải cổ diêm được phân khoảng ra thành từng ô hộc. Theo các nhà nghiên cứu, bộ mái được phân ra thành hai tầng như vậy là để tránh sự nặng nề, đồng thời để tạo ra ảo giác chiều cao cho một tòa nhà vốn thấp. Trên nóc và các góc mái của tiền đường, chánh điện được trang trí theo mô típ “Lưỡng long triều nhật”, hổ phù và các con vật trong tứ linh (long – lân – quy – phụng). Mái chùa Diên Thọ trước đây lợp ngói liệt, nhưng hiện nay đã được thay bằng ngói móc.

Chùa Diên Thọ được kết cấu bởi bộ khung chịu lực nhà rường – một loại nhà rất phổ biến ở miền Trung, có tường gạch bao quanh ba phía. Cột nhà cao hơn thì có đường kính lớn hơn, hợp lý về chịu lực, hài hòa về kiến trúc. Tất cả đều đứng trên đá tảng. Theo các nhà nghiên cứu, ưu điểm của kiểu nhà này là rất chắc chắn vì có nhiều xà dọc để giằng giữ các cột, sức nặng của mái lại tán đều trên diện tích toàn nhà nên độ vững được lâu dài. Nhưng về mặt thẩm mỹ thì có phần kém vì chốt mộng của nó cứ nhô ra ngoài, tầm nhìn lại bị hạn chế vì bị che chắn bởi hệ thống các xà và cột.2 Mái sau của tiền đường được nối với mái trước của chánh điện không phải bằng một hệ thống vì kèo thứ ba (gọi chung là trần vỏ cua) như những cung điện ở Huế, mà đơn giản chỉ có một máng xối bằng tôn dùng để hứng nước mưa từ mái sau của nhà trước và mái trước của nhà sau đổ xuống.

Từ bên ngoài đi vào tiền đường là một hệ thống tầng cấp năm bậc bằng bê tông, kéo dài cả ba gian mặt trước. Hai chái và hai gian bên đều có tường xây bít, đắp hình chữ Thọ cách điệu và Long Mã phù hà đồ lướt trên hoa văn thủy ba. Có ba hàng cửa thượng song hạ bản. Hiên tiền đường có tất cả bốn câu đối và được khắc chìm vào các vách ngăn. Bên trong tiền đường để thông thoáng với chánh điện, phía trên không đóng trần mà để cao lên tận mái. Nền lót gạch hoa với gian giữa thờ tượng Di Lặc tương đối lớn, hai gian chái phía tả thờ tượng Hộ Pháp, phía hữu thờ tượng Tiêu Diện.

Tiền đường là một ngôi nhà 5 gian 2 chái, với chiều dài đo được 15 m chiều rộng chiếm hơn 6,75 m, có kết cấu theo kiểu vài chồng – cột nóc. Đây là kiểu nhà bằng gỗ từ xưa còn giữ lại. Toàn bộ nhà có sáu vài chính cho năm gian. Sáu vài này được cấu trúc hoàn toàn giống nhau. Mỗi vài chỉ có hai loại cột: cột cái và cột con, mỗi đầu cột chỉ đỡ một đuôi kèo. Hai kèo thượng gác chéo nhau theo chiều dốc mặt mái, ăn mộng với nhau ở đỉnh, đỡ xà nóc rồi chạy hai đầu cột cái. Hai bên thân kèo là những đường gân nổi, riêng ở bụng mới chạm trổ hoa văn hình hoa cúc bốn cánh ở giữa và trang trí uốn lượn ở hai đầu. Còn kèo hạ liên kết cột con với cột cái ra bốn phía, nhưng không ở đầu cột mà ở một vị trí thấp hơn. Và nếu như kèo thượng chỉ được trang trí hoa văn ở phần bụng, thì kèo hạ được trang trí hoa văn rất tỉ mỉ, công phu ở cả ba mặt, trừ mặt trên để đỡ các đòn tay. Kèo hạ được ghép mộng trên đầu cột con rất sít sao và chắc chắn. Phần đầu kèo dư được chạm hình đầu rồng, trên đầu rồng có một ván nong dày   để đỡ đòn tay, ván nong này, nếu ở mái sau của tiền đường thì để nguyên không chạm trổ, nhưng ở phía trước thì chạm trổ hết sức tinh vi cả hai mặt với nhiều đề tài: hoa sen, lan, mai, trúc, cúc.

Riêng hai cột cái, ngoài việc đỡ đuôi hai kèo thượng giao nhau ở đỉnh nóc còn có một xà ngang (còn gọi là trến hay quá giang) nối hai cột với nhau ở gần phía đầu cột. Hai đầu xà ngang xuyên qua cột một đoạn để chèn con chêm áp sát cột, làm cho cột chắc chắn không bị xê dịch. Hai bên thân xà ngang đều có những đường gân nổi chính giữa, còn ở bụng có chạy đường chỉ bao quanh và chạm hoa văn hoa thị.

Phía trên xà ngang, đoạn chính giữa đặt một khối gỗ vừa, tác thành hình xoắn trôn ốc ở hai đầu và cong xuống ở giữa gọi là con tôm. Phía trên con tôm dựng một trụ tiêu với hai đầu hơi thót, bụng phình đứng thẳng. Trụ không chống thẳng vào hai kèo mà đội một đòn ngang cũng được chạm trổ gọi là ấp quả để đỡ bụng hai kèo thượng. Hai kèo này bắt chéo nhau ở nóc, có con xỏ (khúc gỗ hình trụ tròn, có đường kính khoảng 3 cm) gọi là giao nguyên. Trên thân kèo (phần đuôi kèo ăn mộng vào cột cái) đỡ một ván nong dài có khoét các ổ làm chỗ đứng cho các đòn tay.

Những vài trên được liên kết với nhau bằng hệ thống xà dọc chạy song song giữa hai hàng cột cái. Mỗi đầu xà gắn vào có chèn con chêm hình rồng, được chạm thủng cả hai mặt. Có hai loại xà dọc: xà thượng và xà hạ.

Trang trí trong đố bảng theo kiểu “nhất thi nhất họa” với những đường nét chạm trổ tinh vi, sống động. Tiếc rằng, ở các ô chữ Hán đã có phần bị mục nên rất khó trong việc tra cứu, riêng các ô còn lại là đề tài bát bửu thể hiện tinh thần tam giáo đồng quy (Nho – Phật – Lão).

Đặc biệt hơn, để thêm phần vững chắc, chùa Diên Thọ còn được đặt thêm một xà dọc (còn gọi là xà cò) phía trên, song song với xà nóc, nối hai vì với nhau ở đoạn giao của trụ tiêu và ấp quả. Xà này cũng được chạm nổi hoa cúc hay chạy chỉ uốn mềm mại. Ở hai đầu xà ăn mộng vào trụ tiêu, có chèn những con chêm hình đầu dơi rất đẹp.

Quanh cả bốn mái sườn nhà có hai loại đòn tay, đòn tay tròn và vuông. Nhưng nhiều nhất vẫn là đòn tay vuông. Tất cả những đòn tay và hàng trăm thanh rui đều có chạy chỉ viền mỹ thuật.

Trong tổng thể, các gian ở tiền đường không phải đều có “lòng căn” giống nhau, mà trái lại, gian giữa rộng nhất: 2,92 m; hai gian ngoài cùng lại hẹp hơn:2,20 m; đến hai chái, mỗi chái chỉ rộng bằng phân nửa gian giữa.

Tất cả các cột, kèo, xà khung đố bảng đều để nguyên màu gỗ, không sơn.

Nói chung, ngôi tiền đường chùa Diên Thọ thật đặc biệt, người xưa đã phối hợp được giữa hai yếu tố cũ và mới trong phần thờ tự và ngay cả trong kết cấu kiến trúc của công trình. Không gian nơi tiền đường này luôn yên lặng, cổ kính và trang nghiêm.

Trước đây, phải qua hàng cửa thượng song hạ bản hồi mới vào chánh điện. Nhưng trong cuộc đại trùng tu vừa qua, hệ thống cửa ở đây đã không còn. Nếu ở tiền đường, bộ khung gỗ chia thành 5 gian 2 chái với bốn hàng cột thì ở chánh điện gồm 3 gian 2 chái với sáu hàng cột. Song nhờ nghệ thuật sử dụng chái kép nên quy mô ở đây vẫn không nhỏ so với tiền đường.

Nền của chánh điện cũng được lót gạch hoa, chiều dài đo được 15 m, chiều rộng là 8,25m. Cả ba gian chính tạo nên một phòng lớn bằng hệ thống tường đố bảng kéo dài từ cột cái trước đến cột con sau. Chính kiến trúc này làm chánh điện nổi bật và thông thoáng với ba gian thờ, tạo thành hai hành lang hai bên và một hậu liêu (hậu điện) giữa hai lớp tường đố bảng và tường gạch.

Kết cấu bên trong của chánh điện cũng theo kiểu vài chồng – cột nóc, cũng đầy đủ các bộ phận xà dọc, xà ngang, xà cò, tôm ấp quả… như ở tiền đường. Mặc dù trước đây, qua các cuộc trùng tu, người ta đã thay một số cột, kèo bị hư nát. Song nhìn chung, vẫn giữ nguyên kết cấu ban đầu. Nhưng nếu ở tiền đường chỉ có hai loại cột: cột cái và cột con thì ở chánh điện lại có thêm hàng cột hiên (cột ba). Vì thế mà hệ thống mộng mẹo ở đây lại phức tạp hơn rất nhiều, song vẫn đảm bảo độ bền chắc và thẩm mỹ của nó.

Bốn cột cái ở hai đầu, ngoài việc đỡ đuôi kèo thượng, còn ăn mộng đỡ đầu của hai kèo mái và một kèo quyết. Kèo quyết này chính là đường phân giác tạo nên một góc vuông giữa hai mái. Yếu tố này tạo nên tầng mái thứ nhất. Còn mái thứ hai bắt đầu từ cột quyết (cột đỡ kèo quyết) nhưng không ở đầu cột mà ở lưng chừng. Từ cột quyết này cũng có ba kèo ăn mộng như trên và kéo dài ra đến hàng cột ba. Riêng kèo quyết được đỡ bởi cột quyết và đứng ở góc vuông của nền nhà. Đây chính là tầng mái thứ hai để tạo nên kiểu nhà chái kép.

Ở chỗ phần kèo mái và kèo quyết, có ba con chêm (cũng có người gọi là “con bọ”) đóng cho mỗi cột (cột cái và cột quyết) để đỡ dưới cho mỗi kèo.

Phức tạp như vậy, nhưng việc vào mộng lại rất sít sao và đúng, “qua mộng giữa cột, bốn mang kèo ôm lấy cột tròn rất khít và chính xác. Cách vào mộng này cho ta ấn tượng hai lần vào mộng lồng nhau: mộng giữa đoạn gỗ đầu kèo vào chính giữa lòng đầu cột; và cột nhà tuồng như chui qua vòng tròn do bốn mang kèo hai bên tạo thành. Tất cả không có khoảng hở nào. Thực tài tình đến mức tuyệt luận”.3

Quanh cả hai sườn nhà có hai loại đòn tay, đòn tay tròn và vuông, nhưng nhiều nhất vẫn là đòn tay tròn.Bốn vài của ba gian thờ chính được nối với nhau bởi một tầng xuyên, chạy song song giữa hai hàng cột cái. Bên trên các xuyên này có đóng trần. Dưới các xuyên có ba bao lam (có người gọi là công văn) cho cả ba gian, được chạm thủng với đề tài: trúc hóa long; đầu rồng ngậm chữ Thọ. Những chi tiết này vừa được làm lại gần đây, vì màu gỗ còn rất mới, đường nét lại có phần thô cứng. Song dẫu sao, phần nào đó nó làm giảm đi sự đơn điệu khi mà các liên ba thành vọng không còn.

Còn các cột con được nối với nhau bằng hai tầng xuyên. Giữa hai tầng xuyên là đố bảng hình vuông không chạm khắc, được soi bào và đóng mộng rất khít. Nhưng, chỉ còn rất ít bảng nguyên vẹn. Ngày trước, các cột này đều có liên ba thành vọng, nhưng do bị mục nát nên phải tháo gỡ, hình dấu các mộng trám ở hai bên các cột đã biểu lộ điều này.

Ở chánh điện, có rất ít cửa ra vào. Vì vậy mà ở đây rất ít ánh sáng. Nếu gặp những ngày đại lễ, các gian thờ đốt nến cháy lung linh, khói hương trầm bốc tỏa thì quang cảnh nơi đây trở nên vô cùng trang trọng, uy nghi. Chính cái không khí này đã làm cho người ta trở nên lễ độ và thành tâm trước đức Phật.

Phần trang trí chạm khắc ở chánh điện trước đây tập trung ở cửa bản khoa và các bộ phận cấu thành (con nằm, con đứng, ngạch). Và có thể nói rằng, đó là một tác phẩm nghệ thuật hiếm hoi còn sót lại, thể hiện rõ nhất trình độ chạm khắc của nghề mộc Quảng Trị xưa bộ cửa này nay được sử dụng ở tiền đường).

Toàn bộ có 18 cánh cửa, được chia đều cho ba gian. Mỗi gian sáu cánh. Khi mở thì mỗi bên có ba cánh và xếp với nhau. Mỗi cánh cửa đều có ba phần, phần thứ nhất gọi là ô. Có ba ô cho mỗi cửa và được trải đều từ trên xuống dưới; Phần thứ hai là buồng khoa với các song thẳng (song bài Thừa Thiên) và có bốn song cho mỗi buồng; Phần thứ ba gọi là bản. Trong ba phần này, thì phần thứ nhất và thứ ba là hai phần chính cho các mảng đề tài trang trí. Trong đó, đặc biệt là phần thứ ba (bản) vì nó có kích thước khá lớn so với ô nên người thợ đã mặc sức tung hoàng nhát đục của mình mà không sợ phải gò bó, gượng ép vì khuôn khổ. Thế giới cảnh vật ở đây như sâu hơn, rộng hơn qua cách thể hiện tài tình, sống động với những hình tượng: Ngư long hí thủy; Chim ưng săn mồi; Mãnh long quá giang; mai, lan, trúc, cúc… đượm chất dân gian.

Ngoài cửa bản khoa, thì hai cửa cuốn ở hai đầu hồi cũng được trang trí hoa văn, hoa lá và những đường chỉ nổi. Riêng con nằm ở gian giữa, được chạm nổi “Lưỡng long triều nhật” hết sức tinh vi, mềm mại mang đầy tính nghệ thuật.

Trước đây, trong năm gian của chánh điện thờ rất nhiều tranh, tượng các vị Phật, Bồ Tát, Thập bát La Hán và thờ các vị thánh. Trong đó, chùa dành một gian để thờ Quan Thánh Đế quân. Năm 1950, quân Pháp chiếm chùa để đóng đồn đã phá hủy một số kết cấu kiến trúc của di tích, phá hủy nhiều tranh, tượng và các đồ thờ trước khi làng được phép đến nghinh thỉnh đi nơi khác thờ tạm.

Hiện nay, số tượng Phật cũ và một số đồ thờ còn giữ lại được cùng bổ sung những tượng mới được sắp xếp thờ như sau:

Nhìn chung, tượng pháp chùa Diên Thọ còn lại không nhiều, nhưng đáng chú ý nhất là bộ tượng gỗ Tam Thế gồm có ba pho ngồi thiền định trên tòa sen, tóc nổi bụt ốc, mắt hiền từ nhìn xuống; và tượng Hộ pháp cao 1,2 m, đứng trên bệ gỗ chạm trổ có hình hồ sen, tay trái bắt ấn, tay phải cầm gậy trừ long xà. Đó là các pho tượng được các nghệ nhân chạm trổ rất tinh xảo, có tính chất nghệ thuật cao và sinh động.

Chùa Diên Thọ, ngoài những giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật nói trên thì hiện nay, chùa vẫn còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị. Đó là 5 sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn, đều sắc cho xã Diên Sanh theo trước đây mà phụng thờ Quan Thánh Đế Quân.

Sắc phong Quan Thánh Đế Quân được viết trên tờ giấy lụa mỏng màu vàng nhạt, dai và bền; kích thước khoảng 1,2 m x 0,5 m. Hình nền của sắc phong là họa tiết long ẩn vân. Năm chữ thọ hình vuông bố trí ở bốn góc và chính giữa sắc phong cùng với nhiều hạt châu, xung quanh viền hoa văn hình kỷ hà. Hình rồng được đặt cân đối giữa sắc phong, nội dung của sắc phong ghi ở phần đuôi rồng; còn ngày tháng năm cấp sắc,

niên hiệu hoàng đế phong tặng và ấn sắc mạng   chi bảo nằm ở vị trí hình đầu rồng. Đó là những sắc phong:

Cùng một số di vật khác.

Có thể nói rằng, vị trí và kiến trúc chùa Diên Thọ tiêu biểu cho những ngôi chùa làng ở Quảng Trị nói riêng và vùng Thuận Hóa nói chung. Đó là ngôi chùa được xây dựng trên đồi cao, có địa thế phù hợp, kiến trúc lại không cao vút, hài hòa với cảnh quan bao quanh. Phần trang trí chạm khắc ở đây – nơi các tay kèo, xà ngang, tôm ấp quả, đố bảng, cửa bản khoa và các hệ thống con nằm, con đứng có thể được xem là đỉnh cao về nghệ thuật trang trí của một ngôi chùa làng mà cho đến nay hiếm có một ngôi chùa nào ở Quảng Trị còn giữ được.
---------------------------
Chú thích
1 Nguyễn Tiến Cảnh (chủ biên), Mỹ thuật Huế, (Viện Mỹ thuật, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, 1992), 30.
2 Nguyễn Tiến Cảnh (chủ biên), Mỹ thuật Huế, (Viện Mỹ thuật, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, 1992), 32.
3 Hà Xuân Dương, Kiến trúc chùa Thiên Mụ, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 1999), 144.
Trích Tạp Chí Phát Triển Kinh Tế Xã Hội Đà Nẵng/ Nghiên Cứu - Trao đổi)
Nguyễn Thái Hoà