Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 03:17 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

Lược sử đức Phật Thích-ca-mâu-ni (từ Đản sinh đến Thành đạo)

| Saturday, 25.02.2023, 10:07 AM |   (285 Xem)


Lược sử đức Phật Thích-ca-mâu-ni
(từ Đản sinh đến Thành đạo)
œv

A. Mở đề.

           Đức Phật là đấng Đại hùng - Đại lực - Đại từ bi, thường được tôn xưng đầy đủ mười danh hiệu: Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế tôn; một bậc Giác ngộ duy nhất mà trong khắp cõi người và trời không ai có thể so sánh được:

        Thiên thượng thiên hạ vô như Phật, Thập phương thế giới diệc vô tỉ…”        

Và hơn 2,500 năm qua, văn minh của nhân loại và khoa học tiến bộ của thế giới đã chứng minh điều đó. Mỗi cử chỉ, lời nói và hành động của đức Phật đều toát lên một ý nghĩa thiêng liêng cao quý, không ô nhiễm từ tham, sân, si. Cuộc đời của đức Phật là một bài học thánh thiện tuyệt đối, đạo của Ngài lan rộng khắp năm Châu nhưng không bao giờ vấy mùi bất thiện, ngược lại nó thấm đượm tình người tràn đầy tình thương và sự sống. Giáo pháp của Ngài không những ẩn tàng sức mạnh của chánh pháp, có công năng đẩy lùi mọi tà pháp mà còn đem lại lợi ích thiết thực cho người thực tập. Do đó, nếu chúng ta là những Phật tử, quy y Tam Bảo, không những tin đức Phật là Bậc giác ngộ hoàn toàn mà còn phải phát tâm chánh tín  đối với Giáo pháp, học hỏi ý nghĩa vi diệu trong Phật pháp và cần phải thực hành mới có lợi lạc trong việc sống đạo được. Vì vậy, trước hết chúng ta nên ôn lại lịch sử đức Phật bổn sư Thích-ca-mâu-ni, bậc Giác ngộ chân lý đã thị hiện trong thế giới Ta Bà nầy để chỉ dẫn cho chúng sinh con đường Giải thoát mọi khổ đau.

              B. Chánh đề.   

           I. Bối cảnh xã hội Ấn độ và nhân duyên đức Phật đản sinh.

           Không phải tự nhiên mà đức Phật thị hiện tại xứ Ấn độ vào thời điểm mà nhân loại còn đang hoang mang, khốn đốn về kiếp sống con người. Nói như vậy, có nghĩa rằng sự ra đời của đức Phật đã là cả một nhân duyên lớn mà phần lớn nhân duyên ấy là do đức Phật quyết định. Kinh Pháp Hoa có dạy: Đức Phật vì đại sự nhân duyên, “muốn khai mở tri kiến cho chúng sinh ngộ nhập được tri kiến Phật”; giúp cho chúng sinh ra khỏi khổ đau trong ba cõi. Bên cạnh đó, không phải chỉ có xã hội Ấn độ mà hình như thế giới loài người lúc ấy cũng như bây giờ vẫn còn sống trong sự phân biệt giai cấp, giẫm đạp lên giá trị sống của con người và mọi sự sống khác chung quanh con người, thậm chí họ còn tin vào những định kiến sai lầm như cho rằng con người là do đấng Phạm thiên thượng đế tối cao tạo ra hoặc ngoại đạo đã tạo ra nhiều tà thuyết không thích hợp với sự sống của con người. Những tà kiến mhư vậy khiến cho con người đau khổ không phải chỉ trong kiếp sống hiện tại mà còn nhiều kiếp trong tương lai. Ngoài ra, về mặt địa lý thì đỉnh Hy-mã-lạp-sơn (Himalaya) là đỉnh núi cao nhất thế giới, không có đỉnh núi nào có thể sánh kịp. Đây chính là nơi thích hợp nhất để đức Phật chọn làm chỗ đản sinh. Tuy nhiên, như trên đã nói, mục đích duy nhất đức Phật ra đời vẫn là để đem lại an lạc hạnh phúc cho con người và rộng khắp cho tất cả chúng sinh.

        II. Đức Phật đản sinh.

        Theo kinh điển để lại, nếu xét về mặt nhân duyên quá khứ thì sự ra đời của đức Phật Thích-ca-mâu-ni là sự tiếp nối liên tục của chư Phật quá khứ như Phật Tì-bà-thi, Thi-khí, Tỳ-xá-phù, Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm-Mâu-ni, Ca-diếp, … từ nơi thai tạng trí tuệ của chư Phật. Trước khi thị hiện ở cõi Ta-bà, đức Phật đã từng làm thân Bồ-tát bổ xứ ở cõi trời Đâu-suất có tên là Hộ Minh. Khi công viên quả mãn, xét thấy nhân duyên đã đủ nên Ngài thị hiện đản sinh thế giới Ta-bà, phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sinh.

Nhân lúc đó tại Ấn độ, có vua Tịnh-phạn (Suddhodana), dòng tộc Thích-ca (Sakya) thuộc giai cấp Sát-Đế-Lỵ (Ksatrya) và Hoàng hậu Ma-ha Ma-da (Maha Maya) là những bậc minh quân hiền đức, nhưng lại không có con nối ngôi, trị vì. Trong lúc ấy Hoàng hậu Ma-da lại mộng thấy có con voi trắng sáu ngà nhập vào hông bên phải, bà kể lại giấc mộng cho vua Tịnh Phạn nghe, vua liền sai quần thần tìm thầy đoán mộng và quả là điềm lành. Sau đó Hoàng hậu thọ thai và như vậy tin vui này được lan đi khắp nơi trong nước.

Sau gần một năm, theo tục lệ Ấn độ, Hoàng hậu Ma-da phải về quê mẹ để chuẩn bị cho ngày sinh nở. Trên đường về, trong lúc dạo chơi ở vườn Lâm-tì-ni thuộc nước Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu - gần Népal bây giờ) thì Hoàng hậu đản sinh Thái tử, nhằm ngày trăng tròn tháng Visaka, tức là ngày rằm tháng tư Âm lịch, năm 624 trước Dương lịch (năm 624 theo quyết định của Đại hội Phật Giáo Thế Giới tại Tích-lan đã được công bố với sự tham cứu nhiều nguồn sử liệu khác nhau rất có giá trị).

Khi Thái tử đản sinh, có nhiều điềm lành xuất hiện: quả đất sáu cách rung động, chư thiên rải hoa cúng dường. Thái tử sinh ra, Ngài bước đi bảy bước, mỗi bước nở một hoa sen và tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất, cất tiếng nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Nói xong, Ngài thị hiện trở lại như một đứa trẻ bình thường (LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ, tập I, H.T. Thích Thiện Siêu dịch, VNCPHVN, 1997,  tr. 19-20). Vua hay tin, cho xa giá đến rước Thái tử và Hoàng hậu về cung. Sau đó, có đạo sĩ A-tư-đà (Asita) đến xem tướng Thái tử và bật khóc, nói rằng, Thái tử là một bậc phi phàm, nếu ở đời sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, nếu xuất gia tu học thì sẽ thành Phật; tiếc rằng tôi nay đã già, chắc không còn sống để được nhge giáo pháp của Ngài.

Thái tử sinh được 7 ngày thì Hoàng hậu Ma-da từ trần. Vua Tịnh-phạn giao Thái tử cho người dì là Hoàng phi Ma-ha Ba-xà-bà-đề Kiều-đàm-di (Mahà Prajãpati Gautami) nuôi nấng và chăm sóc.

Thái tử thuộc dòng tộc Thích-ca (Sakya), họ Cồ-đàm (Gotama), một nhánh của Kiều-tất-la. Ngài tên là Tất-đạt-đa (Sĩ-đạt-ta – Sidhatha), sau khi thành Phật, có tên là Phật Cồ-đàm (Gotama Buddha).

        III. Thời niên thiếu.

        Thái tử là một bậc thông minh xuất chúng, văn võ song toàn. Những vị thầy đến dạy cho Ngài đều khen ngợi và kính nể. Người thầy nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Sằn-đề-đề-bà cũng rất phục. Năm 14 tuổi, Ngài đã thông thạo hết kinh điển Vệ-đà và thiện xảo cả võ công lẫn văn trị. Tuy vậy, Ngài luôn tỏ ra tính khí ôn hòa, lễ độ, có tâm từ ái, thương người, thương vật. Ngài không bao giờ kiêu căng hay khinh suất; ngược lại, Ngài thân thiện bình đẳng với mọi người. Bởi vậy, trên từ Vua cha, dưới đến bề tôi, tất cả đều rất quý trọng Ngài. Vua Tịnh Phạn rất hy vọng cho sự kế vị ngai vàng. Nhưng điều này rất khó có thể xảy ra, vì trên nét mặt của Ngài luôn hiện rõ ý muốn xuất gia tầm đạo, cứu độ chúng sinh.

    Càng lớn lên thái tử càng tỏ ra đắn đo, suy nghĩ. Nhớ lời đoán xưa của đạo sĩ A-tư-đà, vua Tịnh-phạn hết sức lo lắng, sợ thái tử sẽ xuất gia. Vua truyền lệnh cho xây cất ba tòa lâu đài thích hợp với ba mùa (Ấn độ có 3 mùa khắc nghiệt: mùa nóng, mùa lạnh; và mùa mưa); tuyển chọn cung phi mỹ nữ ngày đêm hầu hạ, đàn ca xướng hát để mua vui cho thái tử. Vua còn buộc Thái tử kết hôn với Công chúa con Vua Thiện Giác là nàng Da-du-đà-la (Yasodara), mười ba năm sau, sinh hạ một Hoàng tử tên là La-hầu-la (Rahula).

        Mặc dù sống trong cảnh xa hoa lạc thú, nhưng Thái tử vẫn luôn cảm thấy bao nỗi băn khoăn, thắc mắc cho cảnh ràng buộc đang đoanh vây phía trước. Ngài xem thế giới này là tạm bợ, giả huyễn, cần phải tìm ra một phương pháp giải quyết chúng để có một cuộc sống an vui chân thật trong ý nghĩa hoàn thiện hơn.

        IV. Nhân duyên xuất gia.

        Nhân một buổi theo vua cha ra dự lễ hạ điền, Thái tử đã thấy được sự đau khổ do tranh giành sự sống lẫn nhau giữa sinh vật này với sinh vật khác. Từ đó, Ngài ý thức được rằng, sự sống phải được sống bằng sự sống mà không phải sống bằng sự chết của sinh vật khác. Lại một lần dạo chơi khác, Ngài thấy một người già tóc bạc, răng rụng, mắt lờ, lưng còng, tai điếc. Tiếp đó, Ngài thấy một người bệnh hoạn đang nằm rên la, đau đớn; rồi đến một xác chết đang nằm bên lề đường. Cuối cùng Ngài gặp một vị tu sĩ tướng mạo đoan nghiêm, tự tại. Tất cả những hình ảnh ấy như một lời giải đáp cho hoài bảo mà bấy lâu nay Thái tử đã ấp ủ trong lòng. Ngài liền trở về cung xin vua cha xuất gia, nhưng vua Tịnh phạn không đồng ý. Thái tử liền nhắc lại lời hứa của vua cha rằng “khi nào có người nối dõi ngôi vị thì mới được phép xuất gia”. Vua đành miễn cưỡng chấp nhận.

        VI. Xuất gia.

        Sau nhiều lần trở ngại do sự ngăn cản của vua cha, lần này, Thái tử quyết định từ bỏ ngai vàng để ra đi trong đêm vắng. Vào khuya trăng tròn tháng 2, sau khi suy nghĩ kỹ, Ngài vào phòng nhìn vợ con lần cuối, rồi đến đánh thức người giữ ngựa là Xa-nặc (Channa), thắng con ngựa Kiền-trắc (Kanthaka) ra cửa thành phía đông khi mọi người còn đang say ngủ. Đến bên sông A-nô-ma (Anoma), Ngài cắt tóc, thay đổi hoàng phục và cởi bỏ đồ trang sức đưa cho Xa-nặc đem về giao lại vua cha.  Lúc ấy Ngài 29 tuổi.

        VII. Thành đạo.

        Từ bỏ hoàng cung, đến thành Vương-xá (Ràjagaha), Thái tử đi hỏi đạo khắp nơi. Lúc đầu, trên đường tìm đến Khổ hạnh lâm (Tapovana), tại rừng Bạc-già, Ngài hỏi đạo với các vị tiên đang tu theo khổ hạnh, cầu làm ma vương, thiên thần. Thái tử nhận thấy tu theo lối này chưa thể giải thoát, nên từ bỏ và đi đến chỗ ông A-la-la Ka-la-ma (Àlàra Kàlàma) ở gần thành Tỳ-xá-ly (Vesali); ông này theo Số luận và chuyên tu về Thiền định của cõi trời Vô sở hữu xứ là mục tiêu của phái này. Ngài đã tu theo và không bao lâu cũng đạt được. Nhưng chưa thỏa mãn, nên Ngài tiếp tục đến chỗ ông Uất-đầu-lam-phất (Uddaka Ràmaputta) để hỏi đạo. Ông này theo tổ phụ Ràma, dạy các sự chấp trước có hình tướng hay không có hình tướng đều sai lạc, gọi tắc là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, và xem thiền định ấy như  mục đích của sự cứu cánh giải thoát. Thái tử cũng tu tập theo và chẳng bao lâu Ngài cũng đạt được quả vị ấy. Nhưng rồi Ngài vẫn thấy đích đến này thật sự không thể chấm dứt sự luân hồi sanh tử khổ đau. Do đó Ngài quyết định từ giã 2 vị ẩn sĩ ấy và đi đến rừng Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela), phía nam núi Tượng-đầu (Gàya), bắt đầu tu khổ hạnh với năm anh em ông Kiều-trần-như (Kondanna), Ác-bệ (Assaji), Thập-lực Ca-diếp (Vappa Kassapa), Ma-ha-nam (Mahànàma), và Bạc-đề (Bhaddiya). Trải qua 6 năm khổ hạnh như vậy cho đến nỗi cơ thể của Ngài chỉ còn da bọc xương, một hôm Ngài nhận thấy việc khổ hạnh ép xác chỉ đưa đến đau khổ cho thân thể và tinh thần mệt mỏi, không thể phát huy trí tuệ để đạt đến giải thoát giác ngộ. Nghĩ như vậy rồi, Ngài từ bỏ năm anh em ông Kiều-trần-như để tiếp tục ra đi, mong rằng có thể tìm thấy được chân lý. Đi được một quãng, gần đến bên sông Ni-liên-thuyền (Neranjarà) thì Ngài quỵ ngã bên vệ đường, vì quá kiệt sức. Lúc ấy, có tín nữ Tu-xà-đề (Sujata) ¾ vốn là người làm ngề chăn nuôi bò sữa ¾ thấy vậy, đã dâng cúng Ngài một bát sữa. Ngài hoan hỷ thọ dụng và cảm thấy sức khỏe bình phục trở lại, chính khi ấy Ngài nhận thấy rằng, không thể có trí tuệ trong một cơ thể không lành mạnh, sau đó Ngài xuống sông Ni-liên-thuyền tắm rửa và tiếp tục đi về hướng Bồ-đề đạo tràng (Bodh-gayà). Từ đấy, Ngài quyết định đến ngồi tại gốc cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng, và lập thệ nguyện rằng: Kể từ hôm nay, nếu Ta không thành đạo quả, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì dù cho thịt nát, xương tan, nhất định không rời khỏi chổ nầy. Trải qua 49 ngày đêm một mình tham thiền nhập định, hàng phục nội ma ngoại chướng, vào một đêm trăng tròn tháng Chạp, canh một, Ngài chứng được quả Túc mạng minh, thấy rõ kiếp trước của mình và chúng sinh; canh hai, chứng quả Thiên nhãn minh, thấy rõ sự luân chuyễn nhân quả trong ba đời; canh ba, chứng quả Lậu tận minh, diệt trừ hết thảy vô minh, vọng tưởng. Đến lúc sao mai vừa mọc, Ngài đã chứng ngộ được chân lý tối hậu - giáo lý Duyên khởi, như một sự giác ngộ viên mãn, được đạo Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, thành Phật hiệu là Thích-ca-mâu-ni. Bấy giờ quả đất sáu cách chấn động, chư Thiên dâng hoa và tấu nhạc cúng dường. Lúc này Ngài 35 tuổi.

           C. Kết luận.

           Tóm lại, lịch sử đức Phật Thích-ca-mâu-ni là lịch sử của cả một dòng sống vừa đem lại an lạc hạnh phúc cho mình, vừa đem lại an lạc hạnh phúc cho chúng sanh. Vì vậy, đức Phật còn gọi là bậc Tự giác-giác tha- giác hạnh viên mãn, hoàn toàn Giải thoát giác ngộ, thành tựu 3 đức: Trí đức; Đoạn đức; Ân đức.

-        Trí đức: Phật trí đầy đủ biết rõ tất cả các pháp.

-        Đoạn đức: đoạn trừ tất cả các phiền não, lậu hoặc.

-        Ân đức: cứu độ hết tất cả chúng sanh.

Ân đức của đức Phật đối với chúng ta vô cùng sâu nặng, nếu Ngài không xuất hiện trong cõi Ta Bà nầy, Ngài cũng không để lại giáo pháp thì chúng ta có thể được xem như những người có mắt mà không thấy, giống như những người mù rờ voi rồi hý luận tranh chấp. Vì sao vậy? Bởi vì nếu đức Phật không thị hiện Đản sinh trong cõi Ta-bà để chỉ đường đi tới Giải thoát giác ngộ thì chúng ta không biết đường nào chánh để đi, lối nào là tà để tránh. Nếu đức Phật không giảng dạy Giáo pháp thì chúng ta không thể nào tránh được sự nguy hiểm của tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến.

Do đó, để cảm niệm ân đức Đản sinh, Thành đạo của đức Phật Bổn sư Thích-ca-mâu-ni, chúng ta nên chánh tín Tam bảo, tinh tấn áp dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống hằng ngày đối với tự thân để đem lại lợi ích cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh





(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017