Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Wednesday, 01.05.2024, 12:59 PM (GMT+7)

GIỚI THIỆU SÁCH HAY

Giới thiệu BẢN DỊCH BÁCH LUẬN

| Saturday, 12.02.2022, 10:03 AM |   (700 Xem)


LỜI GIỚI THIỆU

Đọc Bách luận của Luận sư Đề-Bà trước tác, ở thế kỷ thứ III, Tây lịch, ta thấy ấy là bộ luận mà Luận sư Đề Bà đã sử dụng những giáo lý về “Không”; “Vô ngã”, với tâm lượng và tư duy của Phật giáo Đại thừa, để luận chiến và phủ bác những kiến chấp của những trường phái triết học Ấn Độ bấy giờ, mà là: Số luận và Thắng luận. cụ thể
Trường phái Thắng luận cho rằng: “Các pháp là một mà cũng là khác”. Trong lúc đó, Trường phái Số luận lại bảo điểm tà vạy “Trong nhân có quả. Nhân quả là một”. Ở Bách luận, Luận sư Đề Bà đã nêu lên chánh lý để phá dẹp những quan này, qua các phẩm, như: Xả tội phúc; Phá nhất, Phá dị,... Phá nhân trung hữu quả, Phá nhân trung vô quả...
Nội dung của Bách luận bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập, hiện có mười phẩm lần lượt là: “Xá tội phúc”, “Phá thần”, “Phá nhất”, “Phá dị”, “Phá tình”, “Phá trần”, “Phá nhân trung hữu quả”, “Phá nhân trung vô quả”, “Phá thường”, “Phá không”.

Bách luận là tác phẩm của Luận sư Đề Bà có những ảnh hưởng nhất định từ Trung quán luận của ngài Long Thọ, ấy là điều hẳn nhiên. Vì quan hệ giữa Luận sư Long Thọ và Luận sư Đề Bà là quan hệ thầy trò, khi mà Luận sư Đề Bà tìm gặp Luận sư Long Thọ với ý đồ để tranh luận, nêu rõ chánh lý, phá tà hiển chánh, nhưng khi Luận sư Đề Bà gặp được Luận sư Long Thọ, liền khâm phục học thuật uyên áo và phong cách trác việt của vị Luận sư thượng thừa này, nên Luận sư Đề Bà liền sụp lạy xin làm môn hạ.
Trung quán luận là một trong những tác phẩm cực kỳ nổi tiếng của Luận sư Long Thọ, nhấn mạnh đến quan hệ các pháp nhân duyên, mà nội dung các pháp nhân duyên sinh khởi là “Tánh không”; “Giả danh”, “Trung đạo”, hay còn gọi là “Bát bất trung đạo”.
“Chúng nhân duyên sanh pháp,
ngã thuyết tức thị vô,
Diệc vi thị giả danh,
Diệc thị trung đạo nghĩa”.
Và mở đầu phẩm quán nhân duyên của Trung quán luận, Luận sư Long Thọ nói về “Bát bất duyên khởi” như sau:
“Bất sinh diệc bất diệt Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất đị
Bất lai diệc bất xuất
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất
Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hý luận
Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết trung đệ nhất”.
Trung quán luận của Luận sư Long Thọ là một tác phẩm luận lý sắc bén và rốt ráo đối với những ý nghĩa chân thật về Nhân duyên, Khứ lai, Hữu vô, Trung đạo, Nhẫn quả, Tứ đế, Niết bàn;... mà ý nghĩ tột cùng của luận này là phá trừ mọi ý niệm, mọi lập thuyết “sở đắc” và nêu lên “Trung đạo vô sở đắc”.
Lý “Trung đạo vô sở đắc” là lý tính tuyệt đối. Lý tính tuyệt đối ấy, không những vắng bặt mọi ý niệm về đắc mà mọi ý niệm về phi đắc cũng tịch mặc; không những tịch mặc mọi ý niệm sở đắc mà mọi ý niệm vô sở đắc cũng tịch mặc. Không những tịch mặc ý niệm về ngã mà ý niệm về vô ngã cũng tịch mặc. Tịch mặc ngay nơi tứ cú và tuyệt bặt cả bách phi.
Giáo nghĩa Tánh không tuyệt đối tịch mặc như vậy, cũng là giáo nghĩa then chốt của văn hệ Bát nhã mà ngài Long Thọ đã dựa vào giáo nghĩa “Tánh không vô sở đắc” này, để xây dựng hệ tư tưởng luận lý “Bát bất của Trung quán luận”.
Và như vậy, chắc chắn những tư tưởng này đã trở thành những tư tưởng chủ não, gợi lên những hứng thú luận lý để cho Luận sư Đề Bà viết Bách luận, nhằm phủ bác, phá bỏ và điều chỉnh những cách nhìn lệch lạc của các trường phái Tiểu và Đại thừa trong Phật giáo và những tư tưởng dị giáo của xã hội Ấn Độ bấy giờ.
Ở “Bách luận”, Luận sư Đề Bà không sao chép nguyên bản tư tưởng Trung quán luận của Luận sư Long Thọ, nhưng đã dựa vào những luận lý cơ bản về “Không” của Trung quán luận để phát triển thêm những luận lý sắc bén mới mẻ của mình, như ở trong phẩm “Xả tội phúc”, Luận sư Đề Bà, đã phủ bác những quan điểm, về Thế tôn, thiện ác, hành chỉ, tịnh, bất tịnh, tội phúc... của ngoại nhân và điều chỉnh những ý nghĩa này đến chỗ cùng tột hoàn hảo, khiến cho ngoại nhân phải hỏi dựa vào phương pháp nào để buông bỏ tội phúc.
Luận sư Đề Bà đã trả lời “Vô tướng” là phương pháp tối thượng'. Và đã dẫn ra ba phương pháp hành trì, mà đức Phật đã dạy cho các Tỷ kheo là Không, Vô tướng, Vô tác, nhằm luận chứng cho lý tính “Vô sở đắc” mà mục đích của Bách luận nhắm tới là phá bỏ mọi kiến chấp của những tà thuyết ngoại đạo.
Bách luận của Luận sư Đế Bà có ba ý nghĩa, gôm: Phá tà, hiển chánh và ngôn giáo. Nó lại tiếp nối và phát triển từ những điểm căn bản của Trung quán luận và trở thành bộ luận thứ hai của Tam luận, góp phân phát triển giáo nghĩa của Tam luận tông đến chỗ hoàn hảo.
Sau Phật Niết bàn hơn tám trăm năm, những tà thuyết ngoại đạo phát triển, những mê tín dị đoan trỗi dậy làm mưa làm gió trong xã hội Ấn Độ, khiến lấn áp và khuất lấp những giá trị chân nghĩa, đảo lộn chánh đạo, ấy là động cơ mãnh liệt thúc đẩy Luận sư Đề Bà viết Bách luận, nêu lên chánh lý bao gồm một trăm bài kệ, để chặn đứng và phá hủy những kiến chấp tà vạy. Nội dung của luận, gồm có một trăm bài kệ, luận bàn đến chỗ cùng tột của chánh lý, để phá hủy mọi căn gốc của tà thuyết, nên gọi là Bách luận.
Ở Ấn Độ, ngài Thế thân đã Chú thích Bách luận của Luận sư Đề Bà, gọi là Bách luận Bà tẩu khai sĩ thích; ngài Hộ pháp thích Quảng Bách luận; ngài Nguyệt xứng soạn Bách luận só...¹
Ở Quy Tư và Trung Quốc, ngài Cưu Ma La Thập đã dịch và truyền bá tư tưởng Bách luận của Đề Bà. Bản dịch Bách luận từ Phạn sang Hán của ngài Cưu Ma La Thập, vào năm Hoằng thủy, thứ 6 (404), gồm hai cuốn, hiện có ở Đại Chính 30. Chính văn bản này của ngài Cưu Ma La Thập, dịch từ Phạn văn SataŚāstra của Luận sư Đề Bà; cùng hai bản dịch Trung quán luận từ Phan văn Mūlamadhyamala-kārikā và Thập nhị môn luận từ Phạn văn DvādaŚamukha-Śāstra của Luận sư Long Thọ, nên Phật giáo Trung Quốc dựa vào ba bộ luận này làm y cứ để thiết lập tông chỉ của Tông Tam luận. Tông này ở Trung Quốc còn gọi là Không tông, Vô tướng tướng, Trung quán tông Vô đắc chánh quán tông hay Đề Bà tông. Ngài Cát Tạng đời Tùy cũng đã dựa Tam luận để viết Tam luận huyền nghĩa, hiện có ở Đại Chính 45.
Tam luận tông của Phật giáo Trung Quốc dựa vào ba bản luận Trung quán, Bách luận và Thập nhị môn luận của Luận sư Long Thọ và Đề Bà, do ngài Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn sang Hán, vào thời Diêu Tần, để thiết lập tông chỉ và truyền bá, các nhà Phật học Trung Quốc về sau, xếp vào Cổ tam luận và hệ tư tưởng Không của hai Luận sư Thanh Biện và Trí Quang, do pháp sư Nhật Chiếu truyền vào Trung Quốc vào khoảng năm Nghi Phụng (676-678), thời vua Đường Cao Tông, gọi là Tân tam luận.
Những tư tưởng của những bộ luận này đã có những ảnh hưởng và đóng góp tích cực đối với hiển chánh và phá tà của Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên vào những thời kỳ nhất định của lịch sử.
Ở Ấn Độ, các Luận sư danh tiếng như ngài Thế Thân, Hộ Pháp, Nguyệt Xứng, Thanh Biện...; ở Trung Quốc, các ngài như La Thập, Tăng Triệu, Đạo Sinh, Cát Tạng..; ở Triều tiên, các ngài như Tăng Lãnh, Tuệ Quán, Nguyên Hiểu...; ở Nhật bản, các ngài như Trí Tạng, Cần Thảo, Huyền Duệ, Long Hải... đều là những vị thông hiểu và phát huy hệ tư tưởng Trung luận, Bách luận, Thập Nhị môn luận của Luận sư Long Thọ và Đề Bà.
Luận sư Đề Bà sinh vào khoảng thế kỷ thứ III, Tây lịch, tên tiếng Phạn là Kāna-deva. Hán phiên âm là Ca Na Đề Bà và dịch là Độc Nhãn Đề Bà. Ngài Đề Bà một mắt. Theo truyền thuyết, Ngài đã từng bố thí một con mắt cho một bà già, nên chỉ còn lại một con mắt, do đó, người bấy giờ gọi Ngài là Kāna-deva, nghĩa là Độc Nhãn Đề Bà. Nhưng với một ý nghĩa khác, thâm sâu và có giá trị cao tuyệt hơn, ấy là ngài Đề Bà có con mắt độc đáo khi nhìn về nghĩa Không, Vô tướng, Vô tác, tạo thành hệ luận lý độc đáo để phá trừ mọi tà thuyết dị giáo, hiển dương chánh giáo, khiến cho mặt trời Phật tâm bừng lên rực rỡ. Từ những ý nghĩa độc đáo này, nên Ngài cũng còn có tên tiếng Phạn là Āryadeva, Hán dịch là Thánh thiên. Danh hiệu Đề Bà được sử dụng để ghi vào hai tác phẩm do Ngài trước tác gồm: Bách luận và Bách tự luận; còn danh hiệu Thánh thiên được sử dụng để ghi vào ở hai tác phẩm của Ngài là Quảng bách luận bản và Đại thừa quảng bách luận thích luận.
Ngài là một vương tử sinh ra trong một gia đình Hoàng tộc ở Nam Ân, nhưng cũng có tư liệu chép rằng, Ngài sinh từ hoa sen, sau đó được hoàng tộc ở Nam Ấn nhận làm con nuôi.
Lúc thiếu thời, Ngài là một người trẻ thông minh, giỏi luận lý, học các giáo thuyết Bà la môn và muốn tranh biện với Luận sư Long Thọ.
Theo truyền thuyết, Đề Bà tìm đến gặp Luận sư Long Thọ ở Kiều ca la, để tranh biện. Người gác cửa báo cho ngài Long Thọ biết là Luận sư Đề Bà đã đến. Ngài Long Thọ dặn người gác cửa bưng một bát nước tràn đầy đến cho Đề Bà, nhưng không nói gì. Hành động ấy của ngài Long Thọ với ngụ ý là bản thân mình thông minh tràn đầy khắp nơi như bát nước đầy vậy. Luận sư Đề Bà thấy bát nước đầy vậy, cũng không nói gì. Nhưng liền dùng cái kim thả vào trong bát nước tràn đầy ấy, với ngụ ý rằng, bản thân Đề Bà như cây kim rơi vào nước, chỉ cần thấy là liền biết đến chỗ tường tận.
Nhưng khi Đề Bà tiếp xúc thực sự với Luận sư Long Thọ, sụp lạy và cầu xin làm môn hạ. Sau đó, Đề Bà trở thành liền một học trò xuất sắc của Luận sư Long Thọ, đã từng tranh biện và phá hủy mọi luận cứ của ngoại đạo, xiển dương Phật giáo Đại thừa, người dân bấy giờ đã xây dựng một tòa bảo tháp để tưởng nhớ công hạnh hoằng pháp của Luận sư Đề Bà. Tòa tháp này khi ngài Huyền Trắng du học và hoàng pháp tại Ấn Độ vẫn còn.
Luận sư Đề Bà để lại cho đời bốn tác phẩm, gồm: Bách luận; Bách tự luận; Quảng bách luận bản; Tứ bách luận.
Bách luận, gồm một trăm bài kệ, nhưng ngài La Thập chỉ dịch sang Hán mười phẩm trước, còn mười phẩm sau thì chưa dịch. Bách luận là sách cương yếu của Quảng bách luận bản.
Quảng bách luận bản, do ngài Huyền Tráng dịch vào đời Đường, hiện có ở Đại Chính 30. Bách tự luận, ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch thời Hậu ngụy, ấy là sách cương yếu của Bách luận. Luận này tương đương với Bách tự chú, và tương đương với bản dịch Tây Tạng: Yi-ge-brgya-pashesbya-bahi hgrel-pa. Nhưng, bản dịch Tây Tạng ghi tác giả là của ngài Long Thọ. Quảng bách luận bản, ngài Huyền Tráng dịch vào đời Đường, gồm hai trăm bài kệ tụng, mỗi câu năm chữ. Nội dung của luận này có tám phẩm, gồm: Phá thường; phá ngã; phá thời; phá kiến; phá căn cảnh; phá biên chấp; phá hữu vi tướng và giáo giới'. Chủ yếu của luận này là thuyết minh lý chân không vô ngã, phá trừ quan điểm cho rằng: “Tam thế thực hữu, pháp thể hằng hữu” do các luận sư Thuyết nhất thiết hữu bộ thành lập, như: Luận sư Pháp Cứu chủ trương thuyết “Loại hữu dị”. Cho rằng, các pháp trong ba đời khác nhau về hình loại, nhưng không khác nhau về thực thể. Luận sư Diệu Âm chủ trường “Tướng hữu dị”. Cho rằng, các pháp tuy chuyển biến, nhưng trong mỗi pháp đều có tướng của ba đời. Khi trú ở đời quá khứ, thì hợp với tướng quá khứ, khác với hai tướng hiện tại và vị lai. Luận sư Thế Hữu chủ trương “Vị hữu dị”. Cho rằng, các pháp trải qua ba đời do vị trí và tác dụng mà có khác nhau, nhưng thể của pháp thì không khác. Luận sư Giác Thiên chủ trương “Đãi hữu duyên”. Cho rằng, các pháp trước sau do đối đãi với nhau mà có tên gọi là ba đời. Luận sư Đề Bà tạo Bách luận, Quảng bách luận để phủ bác các chủ trương này của các Luận sư trường phái Phật giáo Thuyết nhất thiết hữu bộ và những vọng chấp sai lầm của ngoại đạo. Quảng bách luận hay gọi đủ là Quảng bách luận bản, hiện có ở Đại Chính 30. Tứ bách luận, luận này có bốn trăm bài tụng. Bản luận do ngài Huyền Tráng dịch, nhưng chưa hoàn chỉnh, chỉ có hai trăm bài kệ phần sau của luận này. Hiện có ở Đại Chính 30. Tứ bách luận ở trong bản dịch Tây Tạng lại hoàn bị.
Luận sư Đề Bà suốt cả một đời tuyên dương chánh pháp, tồi tà hiển chánh, nhưng những năm cuối đời ẩn cư tu tập và ở trong rừng để nghiên cứu trước tác, nhưng rồi Ngài đã bị ngoại đạo tìm mọi cách ám hại.
Tuy, Luận sư Đề Bà đã bị ngoại đạo ám hại, nhưng Bách luận, Quảng bách luận, Bách tự luận và Tứ bách luận do Ngài trước tác để tồi tà, hiển chánh vẫn còn bất tử với mọi thời gian, với mọi không gian và có những đóng góp giá trị hữu ích, có thể làm kim chỉ nam cho những ai muốn vươn tới tâm Phật và đem lại những lợi ích cho hết thảy chúng sanh bằng con đường bồ tát hạnh.
Vào mùa đông, năm Tân Sửu, Tây lịch 2021, Tỷ kheo Thích Tín Thọ, trú xứ chùa Phổ Quang, Thành phố Huế, đã đến Tàng kinh các, chùa Phước Duyên Huế, trình tôi bản dịch thảo Bách luận, và xin tôi viết cho lời giới thiệu bản luận này.
Để sách tấn sự tu học cho kẻ hậu học, khiến tiếp nối ngọn đèn sáng của Thầy Tổ, vững chãi trên con đường tu học, phụng sự chánh pháp; đồng thời cũng để động viên khuyến khích tinh thần cầu học của người dịch nên tôi hoan hỷ viết lời giới thiệu cho bản dịch Bách luận này.
Người xưa nói “dịch là diệt”. Bách luận nguyên bản Phạn văn ŚataŚāstra, ngài Cưu Ma La Thập dịch ra Hán ngữ thời Diêu Tần, cũng đã được Phật quang sơn chuyển dịch thành ngôn ngữ bạch thoại tiếng Trung Quốc hiện đại.
Nhưng người dịch không dựa vào Bách luận văn bạch thoại hiện đại này để dịch ra việt ngữ mà dựa vào nguyên văn, rồi phiên âm và dịch ra Việt ngữ, có những đoạn không dịch theo nguyên văn mà dịch thoát ý, lại có kèm theo phần Chú thích: những thuật ngữ cần thiết. Những cố gắng của Tỷ kheo Thích Tín Thọ như vậy, theo tôi là rất đáng trân trọng không đòi hỏi gì thêm. Những bậc thức giả nào muốn tận hưởng được khí vị nguyên chất của Bách luận, thì có thể để tâm nghiền ngẫm nguyên bản Phạn văn, nhưng rất tiếc bản Phạn văn hiện nay chưa tìm thấy, thì ít ra xin quý vị thức giả đọc phần nguyên văn, và các bản Bách luận sớ, Bách luận huyền nghĩa của ngài Cát Tạng, hiện có ở trong Đại Chính 42 và 45; Tam luận huyền sớ văn nghĩa yếu của ngài Trần Hải, hiện có trong Đại Chính 70, cũng có thể thưởng lãm được nguyên khí bội phần, so với khí chất Bách luận được chuyển tải ở trong văn hệ bạch thoại của thời Trung Quốc hiện đại.
Dịch phẩm này, có mặt trong kho tàng Luận điển của Phật giáo Việt Nam, làm tư liệu quý giá, cho những ai cần học hỏi và nghiên cứu Bách luận của Luận sư Đề Bà, qua góc nhìn luận lý học, cũng như nhiều góc nhìn tôn giáo và những lãnh vực khác.
Tàng kinh các chùa Phước Duyên Huế;
mùa Đông, năm Tân Sửu, TL. 2021..
Thích Thái Hòa


(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017