Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 11:36 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

Lược sử đức Phật Thích-ca-mâu-ni (từ Thành đạo đến Niết Bàn)

| Saturday, 25.02.2023, 02:49 PM |   (274 Xem)


LƯỢC SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

(từ Thành đạo đến Niết Bàn )

—­–

A. MỞ ĐỀ

Phần 1 chúng ta đã học những điểm lịch sử quan trọng trong suốt 35 năm từ Đản sanh đến Thành đạo của đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Để tiếp tục phần 1, hôm nay chúng ta học tiếp phần 2, giai đoạn 45 năm lịch sử đức Phật Thích-ca-mâu-ni từ Thành đạo đến Niết-bàn. Đây là một trong những giai đoạn lịch sử mà Phật tử chúng ta chưa nắm vững những điểm cơ bản, nên thường hoang mang hoặc hiểu lầm về cuộc đời hoằng hóa độ sanh của đức Phật không phải là ít. Đức Phật đã từng dạy: “Các người tin Ta, theo đạo của Ta mà không hiểu Ta và giáo pháp của Ta là không những phỉ báng Ta mà còn phỉ báng đạo của ta nữa”. Do đó, hôm nay chúng ta phải phát tâm dõng mãnh để học và tìm hiểu về giai đoạn lịch sử quan trọng này. Được như vậy thì sự học của chúng ta không phải để làm thỏa mãn sự tò mò của kiến thức mà chắc chắn là để xác tín niềm tin chánh pháp và cũng cố thêm trong việc tu sửa 3 nghiệp thân, khẩu, ý của chính chúng ta. Có như vậy, việc học đạo-tu đạo- sống đạo mới có ích lợi cụ thể.

B. CHÁNH ĐỀ

I. Chuyển pháp luân.

           Sau khi Thành đạo, đức Phật đầy đủ thân trang nghiêm với 32 tướng và 80 vẻ đẹp. Lúc này Ngài đang an trú định tại cội cây Bồ-đề để thọ pháp lạc mà Ngài vừa chứng ngộ, đó là giáo lý Duyên khởi. Ngài định đem giáo lý này ra để nói cho chúng sinh. Nhưng giáo lý này rất vi diệu, thù thắng, sâu kín, khó thấy khó biết, còn chúng sanh thì ham mê ái dục, đắm say trong ái dục, làm thế nào có thể có pháp nhãn để chứng ngộ được pháp Duyên khởi ấy. Chính vì điều này mà đức Phật do dự, không muốn thuyết pháp, nhưng Phạm thiên Sahampati biết được tính cần thiết của giáo pháp này đối với chúng sinh; do đó, Phạm thiên đến thỉnh Phật thuyết pháp: “Bạch đức Thế Tôn, hãy thuyết pháp; bậc Thiện thệ, hãy thuyết pháp. Có những chúng sinh ít bụi trần che phủ sẽ bị nguy hại nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu được nghe, họ sẽ thâm hiểu Chánh pháp. Tại xứ Ma-kiệt-đà lắm tà pháp, không thanh tịnh, do tuế tâm kiến lập. Bạch đức Thế Tôn, hãy mở cửa bất tử để chúng sinh được nghe pháp, do bậc Thánh vô uế đã chân chánh giác ngộ. Như đứng trên tảng đá tại chóp đỉnh núi cao, đưa mắt nhìn chúng sinh. Cũng vậy, bậc Thiện thệ hãy lên lầu Chánh giác, biến nhãn không sầu muộn nhìn xuống đám quần sinh bị ưu sầu khổ não, bị sinh già áp bức. Đấng Anh hùng, hãy đứng lên, bậc Chiến thắng chiến trường đã thoát ly nợ nần. Thế Tôn hãy thuyết pháp, bộ hành khắp thế gian, có người nhờ được nghe mà thâm hiệu diệu nghĩa”. Sau đó, đức Phật vì chúng sinh, nhìn đời với Phật nhãn. Trong khi nhìn như vậy, đức Phật thấy chúng sinh có hạng ít nhiễm bụi đời, có hạng độn căn, có hạng lợi căn, có hạng tánh thuận, có hạng tánh nghịch, có hạng dễ dạy, có hạng khó dạy và có một số thấy sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm. Ví như hồ sen xanh, có số ở trên mặt nước, có số ở dưới mặt nước, có số sinh ra dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước nhưng không bị nước bùn làm ô nhiễm nó. Vì vậy đức Phật đã trả lời cho Phạm thiên: “Cửa bất tử đã mở, ai có tai hãy lắng nghe”. Do Phật trí sáng suốt, từ tâm vô lượng thương tưởng thế gian, đức Phật bắt đầu vận chuyển Pháp luân (Dhamma - cakkapavatana), cứu khổ cho chúng sanh.

           II. Giáo hóa độ sanh.

           Trong khi đức Phật dự định đi thuyết pháp độ sanh thì có một đoàn lái buôn cầm đầu bởi hai thương gia là Đế-lê-phú-bà (Tapassu) và Bạt-lê-ca (Bhallika), từ xứ U-ka-la (Ukkala nay là tiểu bang Orissa) đi đến thành Vương-xá để buôn bán. Nhân một hôm đi ngang qua cây Bồ-đề định dừng lại nghỉ chân, không ngờ đã gặp đức Phật, liền phát tâm cúng dường Ngài bát cháo mật đã chuẫn bị sẳn. Và sau khi cúng dường xong, vì thấy tóc và móng tay của đức Phật quá dài nên họ xin cắt một ít đem về thờ (Tóc và móng nầy hiện tại đang được thờ ở chùa Shwedagon, nước Miến Điện) và cũng có ý nghĩa như muốn cất giữ kỹ vật thiêng liêng của bậc Giác ngộ. Sau đó đức Phật đi đến thành Vương-xá, chỗ hai ông A-la-la Ka-la-ma (Àlàra Kàlàma) và Uất-đầu-lam-phất (Uddaka Ràmaputta), nhưng cả hai đều đã qua đời. Đức Phật lại đến vườn Nai (Lộc uyển – Isipatana), gần thành Ba-la-nại (Benares) để thuyết pháp hóa độ cho 5 anh em ông Kiều-trần-như, những người bạn cũ đồng tu khổ hạnh với Ngài trước đây. Sau khi nghe Phật thuyết Pháp Tứ Đế (Tức kinh Chuyển Pháp Luân, một trong những kinh quan trọng nói về sự khổ; nguyên nhân của khổ; sự diệt khổ; và con đường đưa đến sự diệt khổ) 5 vị nầy liền đắc quả A-la-hán và xin làm đệ tử Phật. Kể từ đây, đầu tiên trong thế giới loài người có được ba ngôi báu Phật, Pháp Tăng. Vài ngày sau, cũng tại nơi đây, đức Phật độ cho ông Da-xá (Yasa) và 50 người bạn của ông xuất gia. Đồng thời Phật độ cho bố mẹ của ông, trở thành 2 cư sĩ Phật tử đầu tiên trong giáo pháp đức Phật. Kế đến, Phật cùng gần 60 đệ tử tiếp tục đi và trên đường dừng lại nghỉ chân, Ngài độ cho 30 thanh niên nhạc sĩ. Sau đó, đức Phật đi đến Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela) và đã gặp ba anh em ông Ca-diếp là những người có danh tiếng và đang khổ công tu luyện theo đạo Thần lửa tại đây. Đầu tiên, Ngài thuần phục con rắn thần rất độc đã giết chết nhiều người; nhân đó đức Phật giảng bài kinh Lửa (Adittapariyaya-sutta; Kinh này đức Phật dạy rằng: Thế gian nầy đang rực cháy bằng chính ngọn lửa tham, sân, si…của con người, do đó làm cho cuộc sống điên đão, khổ đau. Đệ tử của đức Phật là những người tình nguyện dập tắt ngọn lửa ấy) cho ba anh em ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvela Kassapa), Na-đề Ca-diếp (Nadi Kassapa), Già-da Ca-diếp (Gaya Kassapa) cùng với 1.000 đệ tử của họ. Ông anh đầu có 500 đệ tử, ông thứ nhì có 300 và ông em út có 200 nhưng khi nghe đức Phật thuyết giảng, họ đều xin quy y Phật. Sau đó, đức Phật cùng các đệ tử đi đến thành Vương-xá (Rajagaha) ở làng Upatissa; tại đây, Ngài độ cho Tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputta) và Mục-kiền-liên (Moggalana) cùng với các đệ tử của hai vị này. Nhân duyên được kể thế này: Một hôm gặp Ngài Ác-bệ (Assaji) đang trên đường đi khất thực, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến hỏi và đã được vị này nói cho nghe một bài kệ:

“Chư pháp tùng duyên sinh,

Diệc tùng nhân duyên diệt,       

Ngã Phật đại sa-môn,

Thường tác như thị thuyết”

(Các pháp từ duyên sinh,

Cũng từ nhân duyên diệt

Đức Phật, Đại sa-môn,

Thường thuyết pháp như vậy.)

           Nghe xong Tôn giả Xá-lợi-phất  ngộ được pháp Duyên khởi, bèn trở về mách cùng bạn mình. Cả hai cùng đến quy y đức Phật và không bao lâu cũng đều chứng quả A-la-hán và trở thành hai vị đệ tử thượng thủ của đức Phật. Để thực hiện lời hứa với vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) lúc đức Phật còn là Thái tử nên Ngài đã đến nước Ma-kiệt-đà hóa độ cho Vua. Vua truyền lệnh cho xây tịnh xá Trúc lâm cúng dường đức Phật để Ngài ở đó thuyết pháp độ sanh.                       

Khi vua Tịnh phạn nghe tin con mình, thái tử Sĩ-đạt-ta đã thành Phật và đang thuyết pháp ở kinh thành Vương-xá. Tiếng tăm của Ngài giờ đã lan rộng khắp nơi, khong nơi đâu không biết. Do đó, vua muốn sai Ca-lưu-đà-di (Kàludàyi) đi thỉnh cầu đức Phật về thăm. Khi nghe tin này, đức Phật và thánh chúng đệ tử quyết định đi thẳng về Ca-tỳ-la-vệ, nơi Phật đã thị hiện Đản sanh. Vua Tịnh phạn sai quần thần và dân chúng ra tận cửa thành nghênh đón. Khi gặp Phật, vua quan  đảnh lễ và thỉnh Phật thuyết pháp cho vua và hoàng thân quốc thích. Sau đôi ba lần đức Phật về thăm và thuyết pháp, vua lần lượt chứng được các quả Thanh văn (Tu đà Hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và cuối cùng chứng quả A-la-hán). Ngoài ra, đức Phật còn độ cho một số vị hoàng tử, công thần xuất gia như: A-nan-đà (Ananda), La-hầu-la (Rahula), Đề-bà-đạt-đa (Devadatta), Nan-đà (Nanda)…

Sau khi cứu độ cho phụ vương xong, đức Phật rời hoàng cung trở lại nước Xá-vệ (Savatthi), trong dịp này thì người dì của đức Phật, Ma-ha Ba-xà-bà-đề cùng với 500 người nữ trong dòng tộc Thích-ca đến xin Phật xuất gia. Sau 3 lần thưa thỉnh và nhờ có Tôn giả A-nan-đa xin, đức Phật mới chấp thuận cho bà Ma-ha Ba-xà-bà-đề và những cung nữ theo ba được xuất gia, nhưng phải tuân giữ Bát kỉnh pháp do đức Phật chế ra. Từ đó, ni chúng có mặt trong giáo đoàn của đức Phật.

Sau 12 năm hoằng hóa, lúc này những người xin quy y theo đức Phật mỗi ngày mỗi đông, nhất là hàng ngũ xuất gia, số lượng lên đến trên 1.250 người. Bên cạnh đó, hàng ngũ cư sĩ quy y theo đức Phật làm người tu tại gia cũng đông vô số. Trên từ vua quan, trưởng giả, dưới đến tầng lớp nhân dân, nam cũng như nữ, thiện cũng như ác, trong đó những người nổi tiếng như: vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara), Ba-tư-nặc (Pasenadi), A-xà-thế (Ajatasattu); thái tử Kỳ-đa (Jetavana), y sĩ Kỳ-bạt (Jivaka), trưởng giả Cấp-cô-độc (Anàthapindika), tín nữ Tỳ-xá-khư (Visàkha), Ương-quật-ma-la (Angulimàla), Liên-hoa-sắc (Ambapali), Thuần-đà (Cunda)…

Chúng ta có thể nói rằng, trong sự nghiệp hoằng hóa độ sanh, đức Phật hoàn toàn tôn trọng giá trị sống của con người và mọi chúng sanh, Ngài đối xử bình đẳng như nhau, vì sự thật con người không thể có giai cấp trong có dòng máu cùng đỏ, không thể phân biệt sang hèn, giàu nghèo trong những giọt nước mắt cùng mặn. Bởi thế, không kể là người thuộc giai cấp nào ¾ Chiên-đa-la hay Sát-đế-lợi; vua hay dân¾ Ngài đều thuyết pháp và hóa độ cho họ. Vì thế, trong chúng đệ tử của Ngài, không những có những vị vua như Tần-bà-sa-la, Bạt-đề-ca, Ba-tư-nặc, mà còn có những người giàu sang như Tu đạt đa; còn có những người thuộc tần lớp Chiên đà la như Ưu ba ly, kẻ nghèo như Thuần đà, có hoàng hậu Mạt lỵ, cũng có kỹ nữ tài sắc như nàng Liên Hoa... Tóm lại, đức Phật đã sáng suốt dùng mọi phương tiện thiện xão để giáo hóa, tùy bệnh cho thuốc, hợp căn cơ từng người, hợp lý, hợp thời, bằng mọi cách để dẫn dắt chúng sanh vào chánh đạo.

III. Phật Niết bàn.

Sau khi đức Phật thọ dụng bữa ăn cúng dường cuối cùng của ông Thuần-đà, đức Phật cùng với chúng Tăng đi đến xứ Câu-thi-la (Kusinàra), tại rừng Mạt-la (Màla). Ở dưới hai cây Sa-la, đức Phật sau khi dặn dò và hỏi tăng chúng có ai còn nghi ngờ gì đối với giáo pháp của Ngài hay không? Tất cả trong hội chúng không có ai nghi ngờ gì cả nên Ngài A-nan thưa: Bạch đức Thế Tôn, mặt trăng có thể nóng lên, mặt trời có thể lạnh đi, nhưng giáo lý của đức Thế Tôn không có gì là không đúng sự thật, chắc chắn sẽ đem lại an lạc và hạnh phúc cho những ai thực tập. Đó là chân lý không bao giờ thay đổi. Lúc bấy giờ có ông Tu-bạt-đà-la (Subhadda) nghe tin đức Phật Niết-bàn, ở xa nên đến trễ nhưng ông đã đảnh lễ Phật và xin Ngài cho phép xuất gia. Ngài hoan hỷ nhận lời cho Tu-bạt-đà-la và ông đã chứng quả. Đó là người đệ tử cuối cùng của Phật.

Ngay sau đó, trước khi đức Phật nhập diệt những lời dạy cuối cùng tại rừng Mallas vẫn được tiếp tục: Đức Phật dạy: “Này A-nan-đà, có thể các ông nghĩ rằng, từ nay các ông sẽ không còn đạo sư! Không, không phải! A-nan-đà! Các ông không được nghĩ như vậy. Pháp và luật mà Như Lai đã dạy chính đó là đạo sư của các ông”. Rồi đức Phật dặn dò:

"Y, bát của Ta phó chúc cho Trưởng lão Đại Ca-diếp.Các đệ tử phải lấy giới luật làm thầy. Nhục thân của Ta nên được thực hiện giống như nghi lễ băng hà của bậc Chuyển Luân Thánh Vương và hỏa táng, rồi xây Tháp (stupa) để thờ."

Sau khi Niết-bàn tối hậu, chúng đệ tử nên chiêm bái ‘bốn nơi Phật tích’ và khuyên những người khác nên chiêm bái, kính lễ. Vì rằng người nào có duyên chiêm bái ‘bốn nơi Phật tích’ ấy, có lòng tin kiên cố đối với giáo pháp, thực hành giáo pháp ấy không mệt mõi, hiện kiếp an lạc, kiếp sau được vãng sanh Phật cảnh. Bốn nơi Phật tích ấy là: 1) Nơi đức Phật Đản sanh; 2) Nơi đức Phật Thành đạo; 3) Nơi đức Phật Chuyển Pháp luân đầu tiên; 4) Nơi đức Phật nhập Niết-bàn.

           Đức Phật tiếp tục sách tấn những lời dạy vô cùng cần thiết mà nay lời dạy ấy đã trở thành lời Di giáo tối hậu: “Các pháp hữu vi là vô thường biến hoại. Các ông hãy tinh tấn, nỗ lực, đừng để thân này mất đi, sau này hối tiếc”. Nói như thế xong, đức Phật đi vào định sơ thiền cho đến định thứ tư của thiền tứ không, rồi nhập lại tứ thiền và đi vào diệt thọ tưởng định. Tất cả tứ chúng đệ tử của Phật đều im lặng, cả không gian và thời gian lắng yên phăng phắc, và thực sự đức Phật thị hiện Diệt độ-Tịch tịnh ¾ Chứng nhập-Chân lý ¾ Tối hậu-Niết-bàn.

IV. Lễ Trà-tì và Xá-lợi Phật.

           Trưởng lão Đại Ca-diếp và chúng  đệ tử đi nhiễu quanh đức Phật 3 vòng, đảnh lễ Phật và thực hiện nghi lễ châm lửa hỏa táng. Tiếp sau đó, Tôn giả Đô-na (Dona) chịu trách nhiệm thu Xá-lợi Phật đựng vào một cái Ché đặc biệt và xây Tháp để thờ. Nhưng điều nầy chưa kịp thực hiện thì các Quốc vương khác kéo đến đòi quyền được thờ Xá-lợi Phật để dân chúng nước họ được an lạc và quốc gia được thái bình.  Do vậy, Xá-lợi Phật được chia 8 phần để mỗi nước họ xây Tháp kính thờ đức Phật:

  • 1.    Cho vua A-xà-thế (A jàtasattu) xứ Ma-kiệt-đà (Maghada)
  • 2.   Cho bộ tộc Thích-ca (Sakya) (Phần Xá-lợi hiện đang được cất giữ tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Ấn độ ở tiểu bang Calcutta ở xứ Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavattu)
  • 3.    Cho bộ tộc Bạt-lị (Bulì) ở Giá-la-phả (Allakappa).
  • 4.    Cho bộ tộc Câu-lợi (Koliya) ở La-ma-già (Ràmagàma).
  • 5.    Cho các Bà-la-môn ở Tỳ-lưu-đề (Vethadìpa).
  • 6.    Cho dân chúng ở Ba-bà (Pa-va).
  • 7.    Cho bộ tộc Mạt-la (Mallas) ở Câu-thi-la (Kusinara).
  • 8.    Cho bộ tộc Li-xa (Licchavi) (Phần xá-lợi của bộ tộc này được phát hiện năm 1958 sau cuộc điều nghiên do Ban Khảo cổ học thuộc Viện bảo tàng chính phủ quốc gia Bihàr ở Patna ở tại Tỳ-xá-ly (Vesàli).

           Ngoài ra, bộ tộc Moriya ở Pipphalivana đến trễ và cũng đòi chia phần nhưng đã hết, cuối cùng họ thỉnh ít tro đem về tôn thờ. Còn lại một cái Ché (Giống như cái hủ mà Ché này là phần Xá-lợi thứ 10 thuộc về Tôn giả Dona lưu giữ để kính thờ) tôn giả Dona cất giữ để thờ.

V. Ý nghĩa giáo pháp.

           Đây là muốn nói sự sắp xếp Giáo pháp Phật có hệ thống và nó chỉ có thể xảy ra sau khi đức Phật đã Niết-bàn. Nó cũng muốn nói rằng:

  1. Giáo là sự ghi chép, giảng giải lời Phật dạy chơn chánh, không tà vạy khiến cho Phật pháp trụ thế lâu dài dù đức Phật đã Diệt độ;
  2. Pháp tức là sự thực hành lời Phật dạy một cách chơn chánh, không tà vạy, không bao giờ để mất chánh kiến. Sự thực hành Phật pháp dúng sẽ khiến cho Chánh pháp tỏa khắp trong thế gian, nhờ đó mà tà pháp phải biến mất. Do vì ý nghĩa Giáo và Pháp quan trọng như vậy nên những gì đức Phật thuyết giảng trong 45 năm đã được chư Tổ chia làm 5 thời thuyết giáo, có thể tóm lược như sau:

  • -       Thời Kinh Hoa Nghiêm: Sau khi thành đạo, đức Phật thuyết Kinh Hoa nghiêm cho hàng bồ tát và chúng sinh thượng căn thượng trí. Giáo pháp ấy thuộc nhất thừa, nghĩa lý sâu xa, vi diệu. Có thể nói đây là giáo lý Duyên khởi, chân lý tối hậu mà đức Phật đã thật chứng tại cội cây Bồ-đề. Có lẽ vì vậy mà đức Phật do dự trong việc chuyển bánh xe pháp mà sau này chúng ta thấy Phật phương tiện thuyết pháp Tứ đế trước. (Phần xá-lợi của bộ tộc này được phát hiện năm 1958 sau cuộc điều nghiên do Ban Khảo cổ học thuộc Viện bảo tàng chính phủ quốc gia Bihàr ở Patna)
  • -       Thời Kinh A hàm: Đức Phật thuyết Kinh A-hàm, là kinh phù hợp với căn cơ, trình độ của mọi người, nhằm để chỉ cho họ thấy được nguyên nhân của khổ và con được thoát khổ. Vì vậy mà chúng ta có thể thấy trong các Kinh này đức Phật đã sử dụng nhiều thí dụ thực tế, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu và nhấn mạnh sự thực hành.
  • -       Thời Kinh Phương Đẳng: Đức Phật thuyết Kinh Phương đẳng, nhằm chỉ bày phương pháp tu hành từ Tự giác đến Giác tha, nói rõ diệu dụng và công hạnh của Bích-chi Phật và Bồ-tát đạo.
  • -       Thời Kinh Bát-nhã: Đến đây, đức Phật thấy căn cơ của chúng sanh có thể am hiểu giáo lý về thật tướng tánh không của các pháp, nên Ngài dạy Kinh Bát-nhã. Kinh này là một trong những kinh được hệ thống thành hệ Bát-nhã, đã đánh bạt đi tất cả mọi tà thuyết của ngoại đạo chấp thủ, tà kiến và ngụy biện.
  • - Thời Kinh Pháp Hoa – Niết-bàn: Đây là thời Kinh cuối cùng, cũng là một trong hai thời kinh tối thượng thừa. Đến thời Kinh này, đức Phật thọ ký cho các hàng Thanh văn và Bồ-tát, nói rõ bản hoài  và mục đích của chư Phật ra đời là để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Sự hóa độ đến đây đã được viên mãn. Trong 45 năm thuyết pháp, Ngài đã đi khắp nơi trên xứ Ấn độ để gieo hạt giống Từ bi Trí tuệ. Ngài đi đến đâu tà pháp của ngoại đạo bị hàng phục đến đó, đức Từ bi của Ngài đã cảm hóa được vô số ác tà kiến muốn hại đức Phật và những đệ tử của Ngài.

C. KẾT LUẬN.

           Vẫn biết rằng sinh diệt vô thường là chân lý của các pháp hữu vi. Thân Phật cũng là một pháp hữu vi, nên không thể nào thường còn mãi mãi được. Chứng nhập Niết-bàn tối hậu của đức Phật cũng là sự thị hiện để độ sinh, giúp chúng sinh thấy rằng không có một pháp nào tồn tại vĩnh viễn ngoài chánh pháp của đức Như Lai. Điều ấy cũng nói lên ý nghĩa rằng không có một đệ tử nào của Phật có thể mãi mãi dựa vào Phật được, mà phải dựa vào chánh pháp của Ngài để tinh tấn tu tập, lập thệ nguyện kiên cố để gạn lọc và đoạn trừ tất cả mọi cấu uế, phiền não điên đão như tham, sân, si… Học qua lịch sử đức Phật Thích-ca-mâu-ni, chúng ta có thể rút ra những bài học quý báu có giá trị sống:

Đức Phật và đạo của Ngài không dạy con người tham. Sân, si, mạm, nghi, ác kiến…  Kinh điển của Phật đã chứng minh điều đó. Nếu bất kỳ người nào, tăng hay tục mà giảng giải Phật pháp hoặc khuyến tu mà có dính liếu với những chất liệu phiền não ở trên thì người ấy không phải là người đáng để chúng ta tin theo.

Đức Phật và đạo của Ngài là đạo Vô ngã, lịch sử đức Phật của chúng ta đã chứng minh rõ ràng điều đó. Không ai có thể phủ nhận được đức Phật đã sinh ra nơi gốc cây, thành đạo tại gốc cây, và nhập diệt cũng tại gốc cây. Cần phải nhớ rằng đấng Từ Phụ của chúng ta là Thái tử, danh có thừa mà lợi cũng không thiếu. Nhưng đức Phật đã từ bỏ tất cả, vấn đề còn lại chính là chúng ta có thực sự tu theo Ngài hay không!.

Đức Phật và đạo của Ngài còn gọi là đạo ‘Tịch Tịnh’. Nếu chúng ta tạo ra sự rối loạn của tâm thức, vọng động điên đão thì đó là lỗi của chúng ta. Không những hiện tại chúng ta bị bất an, khổ đau, rối ren như con kén trong chính nhợ tơ nó nhả ra mà tương lai chúng ta phải chịu trách nhiệm trước luật nhân quả.

Vì vậy, là đệ tử Phật, chúng ta phải noi gương đức Phật, học tập đức tính vô ngã, vị tha và lòng từ bi cao cả của Ngài. Chúng ta hãy chánh tín Tam Bảo, phát nguyện dõng mãnh học đạo và hành đạo, không được biếng nhác giải đãi. Được như thế chúng ta mới có thể báo đáp được một phần thâm ân của đức Phật



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017