Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 11:05 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

CÔNG TÁC TỪ THIỆN XÃ HỘI: ĐỔI MỚI ĐỂ HỘI NHẬP TRONG BỐI CẢNH ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY

| Wednesday, 05.10.2022, 07:07 PM |   (456 Xem)


1. Mở đầu
Ngày nay, Việt Nam đang chuyển mình trong chiến lược kinh tế, chính trị để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thích nghi với quá trình toàn cầu hoá. Trong quá trình đó đã có những thay đổi trong các chính sách an sinh xã hội (ASXH), đảm bảo xã hội phát triển ổn định, thịnh vượng và hạnh phúc. Trong tình hình đó, các tổ chức từ thiện xã hội đã kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển nhưng cũng gặp phải không ít sự lúng túng, khó khăn trong mọi hoạt động.
Trong suốt thời kỳ qua, công tác từ thiện xã hội của GHPGVN đã có sự phát triển khá rõ rệt trên mọi lĩnh vực và đã có những thành tựu đáng tự hào đóng góp đáng kể vào chính sách xây dựng hệ thống ASXH của đất nước, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp đại đoàn kết, đem lại sự yên ổn và thịnh vượng cho người dân. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Để trở thành một tổ chức từ thiện xã hội xứng tầm, vẹn toàn mục đích và ý nghĩa, Ban TTXHTW GHPGVN cũng cần có sự vận động mang tính hội nhập và phát triển theo tinh thần khế cơ và khế lý của Phật giáo.
2. Nội dung
2.1. Hoàn thiện mô hình công tác từ thiện xã hội theo hệ thống ASXH
ASXH là nội dung được đặc biệt quan tâm như tính tất yếu trong tư tưởng chủ nghĩa xã hội. Quyền được hưởng ASXH đã được ghi nhận với tư cách là một quyền cơ bản của công dân quy định trong Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, Điều 34, Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.” Trong tình hình toàn toàn cầu hoá, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, nước ta cũng đã xác định “chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, tiếp tục bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm, v.v..” Để đảm bảo mục tiêu đề ra trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu, hệ thống ASXH nước ta đã được triển khai theo mô hình bốn lĩnh vực như sau:
- Giải quyết việc làm: Trợ giúp bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động và có cơ hội làm việc cho người dân thuộc hộ chính sách để tăng nguồn thu nhập và đảm bảo ASXH là mục tiêu quan trọng của công tác từ thiện xã hội. Ban TTXH cần chú trọng nghiên cứu đào tạo cán bộ chuyên môn, hỗ trợ dạy nghề, nâng cao nguồn nhân lực, kết nối và giới thiệu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp có nhu cầu thuê lao động, tạo môi trường xản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người lao động. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân thuộc hộ chính sách và người yếu thế hay thiếu khả năng lao động.
- Bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội, một mặt, tạo nguồn phúc lợi tự sinh cho người dân, mặt khác, là hình thức đoàn kết toàn dân bằng tinh thần tương trợ. Hệ thống bảo hiểm xã hội đóng vai trò trọng tâm trong hệ thống ASXH. Nó giúp giải quyết những khó khăn do nạn tai được dự phòng trong đời sống, lao động, cũng như thiên tai, v.v.. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, phần lớn trong xã hội chưa tham gia bảo hiểm xã hội vì lí do hoặc chủ quan hoặc khách quan. Trước tình hình đó, Ban TTXH GHPGVN cần đặc biệt chú trọng nghiên cứu xây dựng tổ chức bảo hiểm xã hội, một mặt, nhằm hỗ trợ những người không có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội một cách khách quan, mặt khác, vận động người dân tích cực tham gia bảo hiểm xã hội nhằm góp phần xây dựng hệ thống ASXH cho đất nước.
- Trợ giúp xã hội: Ở các nước tiên tiến, hệ thống bảo hiểm xã hội đóng vai trò then chốt trong đảm bảo đời sống cho người già yếu, bệnh tật, mất khả năng lao động bởi họ có tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội với lý do khách quan như người khuyết tật, người thiếu khả năng lao động, v.v.; bên cạnh đó, những người thuộc hộ gia đình nghèo, neo đơn, thuộc vùng cách trở, dân cư ít tiếp cận với xã hội văn minh, hoặc trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa, v.v. chưa có điều kiện hoặc cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội. Khi đó, hệ thống trợ giúp xã hội sẽ thay thế bảo hiểm xã hội đảm bảo an sinh cho họ. Ở nước ta, chính sách xã hội đã và đang đặc biệt quan tâm đến các đối tượng này; bên cạnh đó, Ban TTXH GHPGVN cũng đã góp sức cùng với chính sách trợ giúp xã hội nhằm mang lại nhiều phúc lợi cho người dân. Nhiều hoạt động trợ giúp xã hội của Ban TTXH đã được lan toả như việc thành lập các trung tâm hỗ trợ xã hội dưới nhiều hình thức, như hỗ trợ trẻ em cơ nhỡ, trẻ khuyết tật, người cao tuổi, đào tạo nghề, dạy trẻ, khám chữa bệnh, chăm sóc tư vấn bệnh nhân xã hội, v.v.. Tuy nhiên rất nhiều địa phương bình diện bao phủ vẫn chưa được thoả đáng, do chủ quan hoặc khách quan nhiều vùng bị bỏ nhỡ, người dân ít nhận được sự trợ giúp xã hội mà đáng ra họ có quyền được đảm bảo ASXH.
- Dịch vụ xã hội cơ bản: Một trong các vấn đề ASXH là cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, như giáo dục, y tế, giao thông, nhu yếu phẩm, năng lượng, nước sạch, nơi ăn chốn ở, văn hoá, giải trí, v.v.. Dịch vụ xã hội cơ bản là điều kiện để người dân phát triển toàn diện, nâng cao trình độ dân trí, phát triển vốn con người, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều tổ chức kinh tế, xã hội, tôn giáo, v.v. ở trong và ngoài nước đã đồng lòng chung sức hỗ trợ hệ thống đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là vùng miền núi, hải đảo, và vùng dân cư ít tiếp cận với xã hội văn minh. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, với phương châm “từ bi và vô ngã,” Ban TTXH GHPGVN cần phải phát huy vai trò của lòng từ bi và hạnh nguyện để dấn thân một cách khoa học, triển khai dịch vụ xã hội, tuỳ duyên thiện lợi cho người dân, góp phần xây dựng hệ thống ASXH của đất nước và trong khu vực.
2.2. Định hướng chiến lược nhân lực trong công tác từ thiện xã hội
Chiến lược ASXH ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 là quản lý phát triển ASXH bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, một trong các đột phá mang tính chiến lược của đất nước là “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội.”
Để quản lý phát triển ASXH bền vững, sự định hướng chiến lược nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết. Bởi vì không như những nguồn lực khác, nhân lực là nguồn tài nguyên đặc biệt đối với sự phát triển của xã hội. Nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định trong lực lượng bộ máy tổ chức. Các nguồn lực khác như tài chánh, tài nguyên, văn hoá, v.v. muốn được sử dụng một cách có hiệu quả phải dựa vào nguồn nhân lực. Các nguồn lực khác chỉ có thể được khai thác và phát huy giá trị của chúng khi nguồn nhân lực được phát triển và nâng cao chất lượng. Bản thân nguồn nhân lực không những đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là chủ thể của việc sử dụng các nguồn lực khác. Trong đó, cẩn phải xác định vai trò chủ thể đảm bảo ASXH đối với nguồn nhân lực Ban TTXH GHPGVN như sau:
- Vai trò hoằng pháp: Thực hiện vai trò hướng dẫn, định hướng nguồn nhân lực đảm bảo ASXH của mọi công dân với phương châm “Từ bi tế độ.” Để đảm bảo nguồn nhân lực với vai trò hoằng pháp thì, một mặt, phải có chiến lược đào tạo, tuyển dụng và quản lý nhân sự và, mặt khác, xác định vai trò hoằng pháp của Tăng Ni trong hoạt động từ thiện xã hội. Hiện nay, chỉ riêng Học viện Phật giáo tại Tp. HCM mới có định hướng đào tạo chuyên ngành công tác xã hội cho Tăng Ni trẻ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhân sự đảm bảo việc ASXH hiện nay.
- Vai trò cứu khổ: Phát huy vai trò hộ quốc của Phật giáo, làm giá đỡ cho đất nước trong xây dựng chương trình đảm bảo ASXH cho người dân với phương châm “Hộ quốc an dân.”
- Vai trò hoà giải: Mở rộng các mối quan hệ nhà nước – tổ chức – doanh nghiệp – cá nhân, tham gia đối tác xã hội, tổ chức, doanh nghiệp, và cá nhân theo chủ trương xã hội hoá chính sách ASXH của đất nước với phương châm “Phúc lợi đồng quân.”
- Vai trò nhiếp chúng: Xây dựng thiết chế đảm bảo hệ thống ASXH uy tín, từ hoà, dễ tiếp cận trên tinh thần tự nguyện theo tinh thần của kinh Hoa Nghiêm: “Chúng sanh là Phật,” bao gồm chiến lược phát triển nguồn nhân lực để quản lý mạng lưới ASXH khu vực trên nền tảng công nghệ số, triển khai hệ thống ASXH theo mô hình bốn lĩnh vực: đó là giải quyết việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, và hỗ trợ các dịch vui xã hội cơ bản.
3. Kết luận
Công tác từ thiện xã hội của GHPGVN là hành động xuyên suốt thể hiện tinh thần từ bi vô ngã, là truyền thống lâu đời của Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cũng dân tộc. Dẫu rằng trong quá khứ và hiện tại, chư Tôn đức hoạt động trong tổ chức TTXH của GHPGVN đã hy sinh không ít tâm lực cũng như vật lực, thậm chí nhiều vị đã xả thân, vì hạnh nguyện phúc lợi người dân; đó là những bậc mô phạm xả thân vì đạo pháp và dân tộc. Tuy nhiên quá trình toàn cầu hoá đang tạo điều kiện cho sự hội nhập và vươn lên của đất nước, nhưng song song, cũng tạo ra sự phân cực trong mọi phương diện xã hội. Trước bối cảnh hiện nay, xã hội đã gặp phải không ít những vấn đề khó khăn đòi hỏi phải thay đổi nội dung cũng như nâng cao tinh thần hội nhập trong công tác từ thiện xã hội. Vì vậy, là một tổ chức trong hệ thống ASXH của đất nước, Ban TTXH GHPGVN tất yếu phải có sự đổi mới căn bản và toàn diện trong tổ chức công tác từ thiện xã hội để, một mặt, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát huy giá trị của nó đồng thời giảm thiểu tiêu hao đến mức tối thiểu và, mặt khác, sử dụng các nguồn lực liên quan một cách thuận lợi và mang lại hiệu quả tối đa./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017