Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 11:05 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

QUY Y TAM BẢO

| Sunday, 26.02.2023, 05:17 AM |   (256 Xem)


Quy y Tam bảo

–]—

A. MỞ ĐỀ.

Như nước trăm sông đổ về biển cả; tất cả chỉ có cùng một vị, đó là vị mặn. Cũng vậy, trong tất cả giáo pháp của đức Phật chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Nhưng chúng ta sẽ không được vị giải thoát ấy, nếu chúng ta đến với giáo lý của đức Phật chỉ thuần bằng lời nói suông mà không có sự thực hành, nghĩa là chỉ có lý mà không có sự. Ví dụ: Có một người luôn tự cho mình là người con trọn đời hiếu thảo với cha mẹ, nhưng khi cha mẹ còn sống ông không khi nào thể hiện bằng hành động cụ thể như lo phụng dưỡng cơm, nước; đến khi cha mẹ mất rồi, cũng không lo hương khói, thờ tự... Như vậy, chắc chắn không thể nào nói đó là người con hiếu thảo. Vì sao? Vì con cháu dựa vào đâu để noi gương bắt chước; và người con cũng không có cách nào để biểu hiện tấm lòng của mình! Do đó, người con muốn thể hiện đạo hiếu thì sự lý phải lo tròn cả hai phương diện: vật chất và tinh thần, lý thuyết và hành động. Cũng vậy, muốn trở thành một người Phật tử chơn chánh, không những chúng ta chỉ đến với giáo lý của Ngài bằng sự tôn kính học hỏi, mà phải thể hiện tâm tư một cách cụ thể bằng những cử chỉ, một lòng thành kính quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng, phát khởi chánh tín để sám hối các hành nghiệp bất thiện do thân, khẩu, ý tạo ra. Có đầy đủ cả hai phương diện sự và lý như vậy, mới xứng đáng là người con phật.

Hơn thế nữa, đạo Phật khuyên con người nên nương tựa Tam bảo, nhưng không có nghĩa là giao hết đời mình cho Tam bảo để cứu rỗi hay trừng phạt, mà chính là nương tựa vào tánh Phật-Pháp-Tăng ở nơi chính mỗi tự thân. Đây là điểm quan trọng trong đạo Phật đã làm cho con người có lối sống và trách nhiệm đối với bản thân mình và hành động của chính mình. Vì vậy, quy y Tam bảo là khởi điểm trong tiến trình tu tập để đạt đến giải thoát giác ngộ, và cũng là đánh dấu cho sự kiện một người trở thành đệ tử Phật đích thực.

B. Chánh đề:

I.     Định nghĩa.

1.    Thế nào là Quy y Tam bảo?

Để có một định nghĩa cụ thể, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa chữ "Quy y Tam bảo".

-        Quy là quay về, trở về (sám hối, tỉnh giác).

-        Y là nương tựa (cội nguồn, bản thể).

-        Tam bảo là ba ngôi báu - tức Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

Qua những ý nghĩa trên, ta có định nghĩa: Quy y là trở về nương tựa với cội nguồn của chính mình, đó là ba ngôi báu Phật - Pháp - Tăng.

Ngoài ra, quy y còn có nghĩa là kính vâng và phụng hành. Quy y Tam bảo là trở về nương tựa Tam bảo: kính vâng lời dạy của Phật, của đệ tử Phật và thực hành lời Phật dạy.

2.    Phật - Pháp - Tăng nghĩa là gì?

Phật - Pháp - Tăng là ba ngôi báu không có gì sánh kịp. Vì sao? Vì thông thường theo thế gian, quan niệm vàng bạc, châu báu, con cái là những vật quý giá nhất trần gian. Nhưng những thứ chỉ giúp cho con người có được hạnh phúc trong hiện tại, mà không thể giúp họ giải quyết được những đau khổ trong tương lai. Và ngay trong hiện tại, đôi khi lại chính vàng bạc là nguyên nhân làm cho con người đau khổ. Trong khi đó Phật, Pháp, Tăng có đủ năng lực diệt trừ hết thảy cội gốc vô minh và đem lại hạnh phúc thiết thực cho chúng sinh ngay trong hiện tại lẫn tương lai; đưa chúng sinh thoát khỏi biển khổ luân hồi sinh tử. Vì vậy mà Phật - Pháp - Tăng được tôn xưng là ba ngôi báu.

Vậy Phật - Pháp Tăng có nghĩa là gì?

a. Phật: Phật là từ gọi tắt, nói đầy đủ là Phật-đà, do người Trung Hoa dịch âm từ chữ Buddha (tiếng Phạn), có nghĩa là Giác giả. Tức là bậc đã hoàn toàn giác ngộ ở ba phương diện: tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.

             b. Pháp: Tiếng Phạn là Dharma, Trung Hoa dịch âm là Pháp. Có nghĩa là phép tắc, điều lệ, khuôn khổ, cách thức, vật thể... mọi hiện tượng trên thế gian đều gọi chung là Pháp. Tuy nhiên Pháp ở đây dùng để chỉ cho lời dạy của đức Phật, đã được kết tập thành ba tạng Kinh, Luật và Luận.

             c. Tăng: Nói đủ là Tăng-già, do người Trung Hoa dịch âm từ tiếng Phạn Sangha mà ra; nghĩa là hòa hợp chúng. Một đoàn thể xuất gia tu hành thanh tịnh, gồm bốn người trở lên, cùng giữ giới luật của Phật, sống đúng với sáu pháp hòa kỉnh, như nước hợp với sữa.

3.    Lý do quy y Tam Bảo.

             Như thế là ta đã biết ý nghĩa của Quy y Tam bảo. Vậy, tại sao quy y Tam bảo?

             Có nhiều lý do để cho chúng ta quy y Tam bảo, đại khái như: vì truyền thống gia đình; vì tình cảm tôn giáo; vì danh dự; vì hoàn cảnh xã hội; vì thấy quả báo nhãn tiền của người khác... Tuy nhiên, những lý do trên vẫn không phải là chính yếu, mà phần lớn là để làm chỗ dựa an ổn nhất cho đời sống tâm linh.

             Thế nào là quy y Phật, Pháp, Tăng?

             a. Quy y Phật: Ý nghĩa như trên đã nói. Phật là bậc đã hoàn toàn giác ngộ. Ngài đã thấy rõ các pháp đúng thật như nó. Ngài thấy pháp ấy khổ thì đúng thật nó là khổ. Ngài khuyên chúng ta đừng thực hành pháp ấy, nếu thực hành pháp ấy sẽ bị đau khổ. Lòng từ bi và trí tuệ của Phật vô biên vô lượng, là người dẫn đường sáng suốt cho chúng ta vượt khỏi sông mê sinh tử đến bờ an vui giải thoát. Vì thế nên quy y Phật.

             b. Quy y Pháp: Giáo pháp của đức Phật có công năng phát huy chánh pháp, tiêu diệt ác tà pháp. Pháp ấy rất nhân bản và lợi ích thiết thực cho những ai hành trì đúng đắn. Như chiếc thuyền kiên cố giúp người vượt biển đến nơi an ổn, sóng to bão lớn không thể làm chuyển lay. Lại, pháp như kim chỉ nam, định hướng để người đi xa rõ lối quay về. Cũng vậy, pháp giúp cho người thực hành đúng đắn chứng ngộ Niết-bàn, an lạc. Vì vậy nên quy y Pháp.

             c. Quy y Tăng: Tăng là những vị thực hành theo hạnh nguyện của đức Phật, thừa sứ mạng của Phật để hoằng pháp lợi sanh. Vì vậy nên quy y Tăng.

             Với những lý do đó nên chúng ta phát tâm quy y Tam bảo.

II.          Ba cấp bậc Tam bảo.

             Tam bảo có ba bậc: Đồng thể Tam bảo, Xuất thế gian Tam bảo và Thế gian trụ trì Tam bảo.

             1. Đồng thể Tam bảo.

a.   Đồng thể Phật bảo, tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tánh Phật sáng suốt (giác).

b.   Đồng thể Pháp bảo, tức là nói đức Phật cùng chúng sanh đồng một pháp tánh bình đẳng...

c.   Đồng thể Tăng bảo, tức là nói chư Phật và chúng sanh đồng một thể tánh thanh tịnh, hoà hợp...

2.    Xuất thế gian Tam bảo.

a.   Xuất thế gian Phật bảo: Là chỉ cho ba đời chư Phật đã tự giải thoát ra khỏi thế gian, như đức Phật Thích-ca, đức Phật A-di-đà...

b.   Xuất thế gian Pháp bảo: Là chỉ cho chánh pháp của Phật có công năng đưa chúng sanh ra khỏi biển khổ sinh tử, luân hồi như giáo lý Tứ đế, Thập nhị nhân duyên...

c.   Xuất thế gian Tăng bảo: Là chỉ cho những vị Tăng đã thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian, như chư vị A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát...

3.    Thế gian trụ trì Tam bảo.

a.   Thế gian trụ trì Phật bảo: Là chỉ cho Xá-lợi của Phật và hình tượng của chư Phật... được vẽ, đúc hay khắc với đủ loại hình thức.

b.   Thế gian trụ trì Pháp bảo: Là chỉ cho ba tạng giáo điển: kinh, luật, luận được viết hay khắc, in dưới nhiều dạng thức khác nhau...

c.   Thế gian trụ trì Tăng bảo: Là chỉ cho các Tỳ-kheo xuất gia tu hành theo giáo pháp của Phật; hành trì giới luật thanh tịnh và sống theo tinh thần sáu pháp hòa kỉnh...

III.         Quy y Tam bảo.

             Quy y Tam bảo có hai phương diện, đó là quy y theo phương diện sự và quy y theo phương diện lý. Sự là bên ngoài, lý là bên trong; hay nói khác hơn sự là hình thức, lý là nội dung. Muốn rõ nội dung Quy y, ta phải tìm hiểu hình thức trước:

             1. Sự quy y Tam bảo.

             Tam bảo theo phương diện sự có hai, là Thế gian trụ trì Tam bảo và Xuất thế gian Tam bảo. Do vậy, quy y theo sự là tự trở về nương tựa ba ngôi báu Phật - Pháp - Tăng đang có mặt ở thế gian và ba ngôi báu đã ra ngoài thế gian.

a.   Sự quy y Phật: Hằng ngày chúng ta phải tưởng nhớ đức Phật, niệm Phật, và chiêm ngưỡng ngài, chí tâm lễ bái... ấy là quy y Phật.

b.   Sự quy y Pháp: Hằng ngày phải tụng kinh niệm Phật, nghiên cứu giáo lý của Ngài, giữ tâm trí thanh tịnh, không nghĩ xằng bậy để thân tâm được an lạc.

c.   Sự quy y Tăng: Tăng là người, giữ gìn giới luật, là người đại diện cho Phật để giáo hoá cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải quy y Tăng.

             Trên đây là Quy y Tam bảo theo phương diện sự, vậy quy y theo lý là thế nào?

2.    Lý quy y Tam bảo.

             Tam bảo theo lý là Đồng thể Tam bảo. Vậy, quy y Tam bảo theo lý là tự trở về nương tựa ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng vốn sẵn có trong mỗi chúng ta.

a.   Tự quy y Phật: Mỗi một chúng ta đều có Phất tánh, nhưng vì vô minh che lấp mà Phật tánh ấy bị lu mờ, như ngọc bị bùn nhơ vùi lấp. Nhiệm vụ của chúng ta phải gột rửa bùn nhơ ấy để cho ngọc sáng hiển lộ. Cũng vậy, không những trở về nương tựa đức Phật bên ngoài, mà chúng ta còn phải trở về nương tựa đức Phật bên trong của mỗi chúng ta.

b.   Tự quy y Pháp: Nội tâm của chúng ta có đầy đủ các pháp bình đẳng vô lậu. Vì vậy, chúng ta cần phải từ bỏ các nghiệp hữu lậu để trở về nương tựa và làm phát huy pháp tánh vô lậu. Đây chính là pháp tánh chơn như, bất sinh bất diệt có sẵn trong mỗi chúng sinh.

c.   Tự quy y tăng:Bản tính của tất cả chúng ta vốn thanh tịnh, hòa hợp, nhưng vì phiền não vô minh che lấp nên trôi lăn trong biển sinh tử. Nay phát nguyện quy y Tăng là chúng ta trở về nương tựa nơi chơn tánh thanh tịnh, hòa hợp có sẵn của chính chúng ta vậy.

             Tóm lại, muốn trở thành một Phật tử chơn chánh, chúng ta phải quy y Tam bảo đủ cả hai phương diện; sự - lý viên dung.

           VI. Lợi ích quy y Tam bảo.

           Như trong kinh thường diễn tả: một người quy y Phật sẽ không bị đọa vào Địa ngục; quy y Pháp sẽ không bị đọa vào Ngạ quỷ; quy y tăng sẽ không bị đọa vào Súc sinh. Về phương diện đạo đức luân lý, đây là một bài học vô cùng quan trọng, bởi vì, con người không sợ nhân quả xấu (địa ngục, ngã quỷ, súc sinh) sau khi chết thì người ấy không có điều ác gì mà không làm. Nếu như vậy thì xã hội sẽ nhiễu nhương, đại loạn. Đứng về phương diện tâm lý, đời sống tâm linh của con người hình như quan trọng không kém thua đời sống vật chất nếu đời sống tâm linh không có nơi nương tựa thì con người ấy trở nên hoang mang, lo sợ, thiếu định tĩnh, từ đó chúng ta có thể suy ra được sự rối loạn của con người và xã hội như thế nào!       

           Quy y Tam bảo không những giúp cho con người không bị hụt hẫng tâm linh, mà còn giúp cho chúng ta có lòng tự tin, có ý chí để chống lại sự cám dỗ của tội lỗi và làm cho tâm trí được sáng suốt, định tĩnh. Hơn thế nữa, quy y Tam bảo còn có lợi ích xuyên cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai: Nghĩa là tiêu trừ được nghiệp quá khứ; hiện tại được an lạc và tương lai được sinh vào thiện thú (cõi lành). Cuối cùng, lợi ích rốt ráo của quy y Tam bảo chính là nền tảng cho sự giải thoát giác ngộ.

C. KẾT LUẬN.

           Tóm lại, Quy y Tam bảo là trở về nương tựa Phật, Pháp, Tăng. Phật Pháp Tăng ở đây có hai ý nghĩa: ý nghĩa nội tại và ý nghĩa ngoại tại như sự và lý đã trình bày ở phần nội dung. Điểm quan trọng là sự - lý ấy phải được thực hành một cách đầy đủ, không nên thủ và xả một cách thiếu cẩn trọng. Hay nói cách khác, muốn trở thành một Phật tử chơn chính, chúng ta không thể không quy y Tam bảo.

Trong kinh đức Phật thường dạy: “Quy y Phật, không được quy y trời, thần, quỷ, vật; quy y Pháp, không được quy y ngoại đạo, tà giáo; quy y Tăng, không được quy y thầy tà, bạn ác”. Điều này rất là quan trọng, bởi lẽ, đức Phật là bậc đã giác ngộ, đầy đủ cả phước lẫn trí, là ruộng phước vô thượng, là chỗ nương tựa cho các loài chúng sinh quy ngưỡng. Pháp của Phật là pháp vi diệu, như thật, đã hơn 2.500 nay giáo pháp ấy như một bức thông điệp hùng hồn mà không ai có thể chối cãi được. Tăng là những bậc xuất gia theo Phật, mang chí nguyện cao thượng, độ mình và người thoát khỏi triền phược bởi tham, sân, si. Chính vì chất liệu tham, sân, si đã tạo ra các hạng thầy tà bạn ác.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017