Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 12:34 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

NGŨ GIỚI

| Monday, 27.02.2023, 06:03 AM |   (257 Xem)


NGŨ GIỚI

           A. MỞ ĐỀ

Người Phật tử sau khi quy y rồi thì phải thọ ngũ giới. Ngũ giới là năm điều giới cấm mà một Phật tử tại gia phải thực hành. Người theo đạo Nho thì phải giữ gìn Tam cương, Ngũ thường còn người theo đạo Phật thì phải giữ gìn tam quy, ngũ giới. Năm giới là tiêu chuẩn căn bản tối thiểu của người Phật tử tại gia phải thọ trì. Đó không những là con đường đưa đến sự giải thoát mà còn có thể đem lại hạnh phúc, thanh bình cho nhân loại. Giữ gìn năm giới cũng như mua cho mình một chiếc vé xe vậy, vé xe đến đâu thì phải còn dựa vào khả năng của mỗi người. Thọ trì năm giới là một việc làm rất thiết thực và có lợi ích, mỗi Phật tử cần phải ghi nhớ.

B. CHÁNH ĐỀ

I. Định nghĩa. Năm giới là những điều răng cấm của mà đức Phật chế ra để ngăn chặn những điều ác của thân, miệng, ý. Năm điều này Phật y cứ trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại an vui cho xã hội mà thành lập. Không sát sanh, không trộm cướp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu là những điều cấm mà mỗi chúng ta không bắt buộc phải giữ hay không giữ. Đạo Phật khác với các tôn giáo khác là ở điểm đạo Phật không có toà án tối cao để thưởng hay phạt gì cả. Mỗi hành động mà chúng ta tạo ra là đã mang theo cái mầm móng thưởng hay phạt rồi đức Phật chỉ là người chỉ cho ta con đường nào nên đi, con đường nào nên tránh mà thôi. Nếu chúng ta chọn con đường xấu thì chúng ta chịu quả xấu, còn nếu chúng ta chọn con đường tốt thì nhất định sẽ gặp kết qủa tốt.

II. Năm giới

1. Không được sát sanh

           Người Phật tử không nên giết hại bất cứ loài gì cả. Mọi loài đều có một giá tri quý báu, nhất là loài người. Loài người là loài có khả năng giác ngộ cao nhất, có trí tuệ nhất, giết người, giết vât tức đồng nghĩa với việc đoạn tuyệt giống từ bi trí tuệ của mình. Đức Phật cấm các đệ tử của mình sát sanh bởi nhiều lý do:

           a) Tôn trọng sự công bằng: Phật dạy: ai ai cũng sợ gươm dao, ai cũng thích sống còn, vậy nên lấy lòng mình mà suy lòng người, chớ giết chớ bảo giết hại. Chúng ta quý trọng và bảo vệ mạng sống của chúng ta tại sao chúng ta lại giết hại kẻ khác, như thế là mất công bằng.

           b) Tôn trọng Phật tánh bình đẳng: mọi chúng sanh đều có Phật tánh mà Phật tánh thì mọi loài bình đẳng không có cao thấp. Nếu chúng giết hại sinh vật tức là đoạn tuyệt Phật chủng của chúng.

           c) Nuôi dưỡng lòng từ bi: đức Phật xem mọi loài như con của mình. Chúng ta là đệ tử của Phật thì không nên giết hại bất cứ con vật gì, vì giết hại sẽ sanh tâm bạo ác, bóp chết lòng từ bi của chính mình, giết hại mầm móng yêu thương của mình.

d) Tránh nhân quả báo ứng oán thù: khi ta giết hại một con vật thì con vật đó sanh oán thù và chờ dịp báo thù và cứ như thế, oán thù chồng chất giết hại lẫn nhau không bao giờ dừng nghỉ. Cho nên Phật dạy:" người thường sanh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sanh tử, không có ngày ra khỏi.( Kinh Lăng Già)

Lợi ích của việc không giết hại:

           a) Về phương diện cá nhân: người không giết hại sẽ được nhẹ nhàng thư thái không cảm thấy hối hận bức rứt.

           b) Về phương diện xã hội: thế giới sẽ thanh bình và không còn chiến tranh nếu mỗi người đều giữ đúng năm điều giới cấm của Phật và nhất định dần dần tất cả đều được thoát khỏi luân hồi sanh tử.

           F Hạn chế:

Người tại gia rất khó có thể giữ giới trọn vẹn vì còn phải sinh sống với thế tục. Cho nên Phật không bắt buộc người tại gia phải giữ giới triệt để, nhưng phải lưu ý đến sinh mạng của người và những sinh vật lớn như trâu, bò, ngựa...Tuy nhiên, người tại gia phải hết sức thận trọng, cố gắng tối đa để tránh việc giết hại sinh vật.

a ) Không cố ý sát sanh : giết một con vật mà vô ý hay để tự vệ thì tội sẽ nhẹ hơn tội cố ý giết một con vật nhỏ. Cho nên chúng ta đừng cố ý giết hại.

          b) Tránh sự huân tập trong hoàn cảnh giết hại: các bậc cha mẹ không nên cho con xem những cảnh giết hại trong phim hay có thật người đời, không cho chúng bắt những sinh vật bé nhỏ để chơi, để giết...vị như thế sẽ huân tập cho chúng chủng tử giết hại.

2. Không được trộm cướp.

Trộm cướp là lấy vật sở hữu của người ta bằng mọi hình thức. Phật dạy, không được lấy của không cho dù đó là cây kim ngọn cỏ hay vàng bạc ngọc ngà...Trộm cướp có nhiều hình thức: cướp giựt của người ta, lén lút lấy của của người ta, áp bức người ta mà lấy của, cho vay nặng lãi, trốn thuế trốn đò, nhặt của rơi không tìm cách trả lại...đều là trộm cướp cả.

Lý do đức Phật chế giới này:

           a) Tôn trọng sự công bằng và bình đẳng; vì người khác xem tài vật của họ cũng như mình xem tài vật của mình cớ sao lại lấy của của người ta! mất tiền, mất của, mình đau khổ như thế nào thì người ta mất của cũng đau khổ như thế ấy, vậy tại sao mình muốn sung sướng trong nỗi khổ của người khác!

           b) Nuôi dưỡng lòng từ bi: người Phật tử không những không trộm cướp mà ngược lại phải bố thí cho kẻ khác nữa đó là thể hiện lòng từ bi, không nhặt của rơi hoặc nhặt rồi tìm người trả lại... chính là thể hiện lòng từ bi vậy.

           c) Tránh nghiệp báo oán thù: không trộm cướp, tức là không làm cho người khác oán thù mình. Trộm cướp không những bị xử tội, bị tù ở hiện tại mà còn gieo oán thù ở kiếp vi lai nữa. Tội trộm cướp nếu không bị luật pháp thế gian trừng trị thì cũng không thoát khỏi nhân quả nghiệp báo. Cho nên thế gian thương nói không có toà án nào công bằng như toà án lương tâm. Lương tâm là toà án tối cao và công bằng nhất.

Lợi ích của việc không trôm cướp.

           a) Về phương diện cá nhân: người không trộm cướp thì đời sống hiện tại được an ổn, không bị tù túng giam cầm, đời sau được phước báo giàu sang phú quý, con cái đông vui, gia đình vinh hiển...

           b)Về phương diện đoàn thể: xã hội không có trộm cướp là một xã hội lý tưởng mà ai ai cũng thèm muốn, ra đường không ai nhặt của rơi, tối ngủ không ai cần đóng cửa, thật là một xã hội lý tưởng. Nhà Nho có câu:"Nhơn phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ" (người phi nghĩa thì không nên giao tiếp, vật phi nghĩa thì không nên lấy). Huống ta là một Phật tử lại đi ăn trộm hay sao!

           3. Không được tà dâm:

Dâm dục là một hành động phi lễ nghĩa, phi pháp luật. Người xuất gia thì cấm hẳn dâm dục, người tại gia thì không cấm dâm dục nhưng cấm tà dâm, tà dục. Phải giữ đúng tình nghĩa vợ chồng, không được đứng núi này trông núi nọ, bướm lọc ong lừa, trêu hoa ghẹo nguyệt theo thói gió trăng là trái với lời Phật dạy.

Lý do đức Phật chế giới này.

           a) Tôn trọng sự công bằng: ai cũng có quyền và mong muốn có một gia đình hạnh phúc, cho nên không thể phá hoại hạnh phúc của kẻ khác, không thể tà dâm.

           b) Bảo vệ hạnh phúc gia đình: nếu trong một gia đình mà người chồng hay người vợ không sống chung thuỷ rồi đi đàng điếm với kẻ khác thì chắc chắn gia đình đó sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Người sống không chân chính thì sẽ bị chê bai, ruồng bỏ, gia đình sẽ tan nát, đổ vỡ. Cho nên đã là người Phật tử thì phải sống đúng theo lời Phật dạy, phải chung thuỷ với vợ chồng mình để giữ hạnh phúc gia đình.

           c) Tránh oán thù và quả báo xấu: " người ôm lòng ái dục như người cầm đuốc đi ngược gió sẽ bị nạn cháy tay"(Kinh tứ thập nhị chương). Đúng thế, người tham ái dục không thể thoát khỏi nạn báo ứng, không sớm thì muộn. Người tham dục khi chết xuông sẽ đoạ làm chim uyên ương, se sẻ...

Lợi ích của sự không tà dâm:

           a) Về phương diện cá nhân: Kinh thập thiện nói:" Người thế gian không tà hạnh thì hưởng được 10 điều lợi sau":

·   Sáu căn đầy đủ

·   Trọn đời được người kính trọng

·   Đoạn trừ hết thảy phiền luỵ quấy nhiễu

·   Tình duyên trọn vẹn không ai dám xâm phạm

           b) Về phương diện đoàn thể: trong mỗi gia đình không có người tà hạnh thì mọi gia đình đó nhất định sẽ được hạnh phúc, kéo theo cái xã hội đó cũng được thái bình, cường thịnh không còn hằn thù nhau vì những chuyện tà hạnh...

           4. Không được nói dối: nói dối có bốn cách; nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi và nói ác khẩu.

           a) Nói dối hay nói láo: là nói điều không có thật, có nói không, không nói có, trái nói phải, phải nói trái...

           b) Nói hai lưỡi: là nói ngã nào cũng được, đứng bên này nói xấu bên kia, đứng bên kia nói xấu bên này làm cho hai bên phải đấu tranh nhau...

           c) Nói thêu dệt: là trang sức, gọt dũa lời nói cho hay để cám dỗ người ta làm cho người ta phải say mê, đắm nhiễm, hoặc làm cho người ta phải khổ sở...

           d) Nói lời thô ác: là lời nói thô ác, tục tỉu dùng để chữi vã người khác...

Lý do Phật chế giới này:

           a) Tôn trọng sự thật: không dối trá tức là tôn trọng sự thật và dần dần phá tan cái vọng tưởng dối trá phĩnh phờ của mình để mong cầu giải thoát.

           b) Nuôi dưỡng lòng từ bi: vì thiếu lòng từ bi nên người ta dối trá lường gạt nhau, ý tưởng đó bắt nguồn từ lòng ích kỷ hẹp hòi, ác độc. Không dối trá chính là để nuôi dưỡng lòng từ bi cho mình.

           c) Bảo tồn sự trung tín trong xã hội: không nói dối chính là chìa khoá để người ta tôn trọng mình, trọng dụng mình. Nếu mình nói dối dù chỉ một lần cũng đủ làm cho người ta không tin tưởng mình.

           d) Tránh nghiệp báo khổ đau: thế gian thường nói:” hoạ tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập", lời nói nếu không cẩn thận sẽ tai hại vô cùng. Lời nói thô ác nhất định sẽ gây ra nghiệp ác và sẽ chịu quả báo khổ đau, cho nên nói" ác lai ác báo" là thế.

Lợi ích của sự không dối trá.

           a) Về phương diện cá nhân: không gây ra oán hận, được người khác tin cậy và giao phó nhiều trọng trách...

           b) Về phương diện tập thể: gia đình đoàn thể sống trong sự đoàn kết tin cậy lẫn nhau. Mọi công việc xúc tiến đều có kết quả.

           FHạn chế

Trong vài trường hợp chúng ta cũng nên nói dối. Đó là nói dối vì lòng từ bi để cứu người, cứu vật..., nói dối như thế thì không phạm tội.

           5. Không được uống rượu

Tất cả các thứ gì có chất men có thể làm cho người mình say đều không được uống. Không những thế, chính mình không uống đã đành mà mình cũng không được ép người khác uống, không mang rượu cho người khác uống( trừ bệnh)

Lý do đức Phật cấm uống rượu

a) Bảo tồn hạt giống trí tuệ: việc uống rượu rất có hại cho trí tuệ của mình, khi uống rượu chắc chắn sẽ không còn sáng suốt để xét đoán mọi vấn đề. Không uống rượu chính là bảo tồn hạt giống trí tuệ của mình.

           b) Ngăn ngừa những nguyên nhân sinh ra tội lỗi: chất men của rượu có thể làm say khước những đầu óc tĩnh táo nhất, vì vậy rượu không trực tiếp gây ra tội lỗi nhưng nó là động cơ thúc đẩy người ấy tạo ra tội lỗi.

Lợi ích của việc không uống rượu

a) Về phương diện cá nhân   : người không uống rượu thì được điều lợi, không mất tiền của, thân ít bệnh tật, tuổi thọ cao, trí tuệ tăng trưởng...

b) Về phương diện đoàn thể: gia đình an vui, con cái ít bệnh tật, xã hội hoà mục, nòi giống hùng cường...

           C. KẾT LUẬN

           1) Phật tử mà không giữ giới thì không phải là Phật tử: tam quy là nền tảng, ngũ giới là những nấc thang để cho người Phật tử bước đến thánh quả. Nếu đã thọ trì 5 giới mà không giữ trọn thì có thể giữ dần dần và cố gắng hết mình để giữ trọn 5 giới, như thế mới mong đạt kết quả tốt. Còn người nào thấy mình chưa đủ khả năng thọ 5 giới thì không nên thọ, vì như thế sẽ không có lợi ích gì mà còn gieo thêm tội lỗi.

           2) Người không theo đạo Phật cũng nên giữ giới: giới mà đức Phật chế ra không phải chỉ dành riêng cho Phật tử, ai muốn có một tương lai tốt đẹp đều có thể giữ mà không cần thọ giới, xã hội muốn hùng cường thì không thể bỏ sót 5 điều giới cám này. Xã hội mà mọi người đều giữ đúng 5 điều giới này là một xã hội lý tưởng nhất.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017