Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 11:05 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

SÁM HỐI

| Tuesday, 28.02.2023, 06:40 AM |   (223 Xem)


Sám hối

A.    Mở đề.

Chúng ta sống trên đời này không ai là hoàn toàn trong sạch.

Phật thường dạy: phàm còn xuống lên ba cõi lăn lộn trong sáu đường, thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứ t hết tội lỗi.

Tuy nhiên, điều quan trọng là con người có biết tội lỗi của mình để sám hối hay không. Chúng ta muốn thảnh thơi thì không thể nào có tội mà không biết dụng tâm rữa sạch tội lỗi. Trong đạo Phật, phương pháp tẩy trừ tội lỗi như thế gọi là Sám hối.

B. Chánh đề.

I.   Định nghĩa.

Sám: tiếng Phạn gọi là samma, Tàu dịch là hối quá. Kinh nói: "sám giả sám kỳ tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quá". Nghĩa là: sám là ăn năn lỗi trước, hối là chừa bỏ lỗi sau. Vậy, sám hối là hối hận, ăn năn tội lỗi quá khứ và nguyện từ nay về sau sẽ không còn tái phạm.

II. Cách thức sám hối.

1.      Sám hối sai lầm. Đây là hình thức sám hối chỉ áp dụng cho những tội lỗi thô thiển, dễ thấy chứ không thể áp dụng cánh này cho những tội lỗi vi tế trong nội tâm. Tội từ tâm thì phải dụng tâm mà sám hối, nếu lấy hình tướng để sám hối như những phái ngoại đạo đã từng làm là sai lầm.

2.      Sám hối chân chánh. "Tội tùng tâm khởi đương tâm sám, tâm nhược diệt thời tội diệc vong" có nghĩa là: tội từ tâm tạo ra thì cũng từ tâm mà sám hối, không ai có quyền trừ bỏ tội lỗi cho mình, dẫu là Thượng Đế. Muốn hết tội phải nương theo phương pháp sám hối của đạo Phật để hành sám. Trong đạo Phật có 4 phương pháp sám hối sau:

¨ Tác pháp sám hối

¨ Thú tướng sám hối

¨ Hồng danh sám hối

¨ Vô danh sám hối

a) Tác pháp sám hối: lập giới đàn, thỉnh cầu chúng tăng chứng minh, nên gọi là tác pháp. Khi vào đàn tràng thì thân tâm phải giữ thanh tịnh, thành khẩn, chí tâm ăn năn thì tội lỗi mới cơ thể tiêu được.

b) Thú tướng sám hối: Pháp này thuộc về sự, khó hơn pháp trước. Muốn tu pháp này, hành giả phải đến trước tượng Phật hay tượng Bồ Tát để sám hối các tội đã phạm. Làm như thế từ một ngày, hai ngày cho đến 49 ngày, khi nào thấy hảo tướng như thấy hoa sen, thấy Phật hay thấy Bồ Tát đén xoa đảnh thì mới thôi.

c) Hồng danh sám hối: Pháp sám hối này cũng thuộc về sự, tức là phải đối trước Tam Bảo lạy hồng danh 108 lạy để ám chỉ đoạn trừ 108 thứ phiền não. Lạy 108 danh hiệu này có thể đoạn trừ tất cả các phiền não và không bao giờ còn đoạ vào đường ác.

d) Vô sanh sám hối: Pháp này thuộc về lý sám hối rất cao siêu và khó thực hành. Chỉ có những bậc thượng căn mới có thể thực hành được. Có hai cách sám:

- Quán tâm vô sanh: tức là quán tâm hiện tiền của mình vô sanh, tâm vô sanh thì không có vọng niệm, vọng niệm không có thì các tội cũng không. Tội từ tâm sanh, mà tâm không sanh thì các tội cũng không có, như thế mới thật là sám hối.

- Quán pháp vô sanh: tức là quán thật tướng của các pháp vốn bất sanh bất diệt, thể tánh thường hằng không thay đổi gọi là không tánh hay pháp tánh. Khi thấy được như thế thì các giả pháp cũng không còn chỗ nương tựa, tội lỗi cũng không còn nương vào đâu mà tồn tại. Trong kinh quán Phỗ Hiền có chép: "muốn sám hối, phải quán thật tướng của các pháp, thì tội mới hoàn toàn tiêu diệt".

III.Lấy việc thực hành thiện pháp mới để tiêu trừ tội cũ:

Tội lỗi của chúng ta là vô tận, chúng ta nhất cử nhất động không làm sao tránh khỏi gây ra tội lỗi. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy: "Nếu tội lỗi của chúng sanh mà có hình tướng thì tất cả hư không cũng không thể chứa hết". Cho nên chúng ta phải làm sao đó để dần dần dứt trừ tội lỗi. Một trong những phương pháp hữu hiệu nhất đó là phát triển hạnh lành hay chính là phát bồ đề tâm để tiêu trừ nghiệp chướng. Hằng ngày chúng ta tránh xa các bạn ác, xa lìa hạnh ác, phải gần gũi thiện hữu tri thức, thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, phải hỷ xã, từ bi...đó là phương thức gieo trồng thiện căn và xa rời ác nghiệp.

C. Kết Luận.

Tất cả các tôn giáo trên thế gian đều có riêng cho mình một phương pháp để dứt trừ nghiệp ác, nhưng chỉ có phương pháp sám hối của Phật giáo mới có thể dứt trừ tội lỗi và có ý nghĩa nhất. Trong Phật giáo phương pháp sám hối được chia chẻ rất cặn kẽ, có sự sám hối, có lý sám hối...phù hợp với mọi tầng lớp, mọi căn cơ của chúng sanh. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu rằng: việc sám hối của Phật giáo không mang ý nghĩa cầu xin tha tội mà chính mình phải làm sao đó để tự tâm tiêu tội và phát triển Phật tánh. Cho nên, phương pháp sám hối của Phật giáo không quan trọng ở hình thức mà ở nội dung tức thuộc về nội tâm chứ không phải hình tướng.

Việc bái lạy đôi khi chúng ta cảm thấy rườm rà và nhiều cung cách, song, chúng không ngoài mục đích làm cho tâm trong sạch, tiêu trừ tội ác quá khứ, hết sạch lỗi lầm hiện tại, tìm cách phát triển những hạnh cao cả, theo chân những bậc Thánh Hiền...

Nhờ pháp sám hối của đạo Phật, chúng ta có thể thăng hoa cuộc sống, cải hóa cuộc đời đen tối của chúng ta, công hạnh sám hối sẽ đem đến cho ta mọi sự an ổn về cả tinh thần lẫn vật chất. Xã hội sẽ thanh bình nếu mỗi con người đều biết sám hối tội lỗi của mình. Cuối cùng, những ai muốn giải thoát khỏi sanh tử, khổ đau thì không thể bỏ qua công hạnh sám hối./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017