Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 12:55 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

THỜ PHẬT, LẠY PHẬT, CÚNG PHẬT

| Tuesday, 28.02.2023, 03:26 PM |   (236 Xem)


THỜ PHẬT, LẠY PHẬT, CÚNG PHẬT

A. Mở đề

Con người sống trên thế giới này phải biết tôn thờ sùng kính những bậc có công đối với quốc gia xã hội. Đó không phải là một sự ép uổng hay bắt buộc gì mà chỉ là trách nhiệm của mỗi con người có lương tri, đạo lý. Tục ngữ có câu: "ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước phải nhớ người đào giếng". Đó là nói đến việc làm bình thường của mỗi con người, nó thuộc về luân lý đạo đức, chứ chẳng có gì linh thiêng. Tuy nhiên, nếu bất cứ một con người nào mà không biết ơn  đến những người có công ơn đối với quốc gia xã hội, với chính mình thì kẻ đó chỉ là những kẻ vong ân bội nghĩa, ăn cháo đá bát mà thôi. Những kẻ đó không thể xếp vào những kẻ có luân lý đạo đức được.

Đức Thích Ca Mâu ni, vị khai sáng ra đạo Phật, là vị cứu tinh của nhân loại, đã đem chân lý giải thoát đến cho nhân loại. Thiết tha hơn, Ngài là vị cha lành của bốn loại chúng sanh, thương chúng sanh như thương chính bản thân mình. Ngài chính là vị đạo sư có một không hai của nhân loại. Bởi thế, việc thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật là công hạnh của chính mỗi người, là việc phải làm của người Phật tử, rộng hơn nữa, đó là việc làm của tất cả mọi người trên thế gian này.

B. Chánh Đề.

           I. Thờ Phật:

1. Đức Phật đáng được tôn thờ: Phật là những bậc đã dày công tu luyện phước đức và trí tuệ, Ngài hoàn toàn sáng suốt và đầy đủ đức hạnh để giáo hoá chúng sanh ra khỏi biển luân hồi sanh tử. Ngài là bậc tự giác, giác tha, giác hành viên mãn.

Ba đức tánh quý giá được hội tụ nơi đức Phật là Bi, Trí, Dũng, ba đức tánh ấy là tiêu chuẩn của một con người hoàn thiện, toàn mỹ, toàn chân. Một bậc siêu phàm như thế lẽ nào chúng ta không tôn thờ?

2. Chúng ta phải thờ Phật như thế nào mới đúng nghĩa? thờ Phật chính là công hạnh để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của chúng ta đối với vị Âm công của nhân loại. Chúng ta thờ Phật chính là muốn luôn luôn được có bên mình cái ngọn đèn trí tuệ của Ngài, đức từ bi sáng suốt của Ngài chứ không phải vì mục đích gì khác. Vì thế, thờ Phật không có nghĩa là dựa vào Phật để làm việc bất chánh mà là noi gương Ngài để được đi trên chánh đạo. Nếu không phải vì mục đích này thời chúng ta thờ Phật không những không có phước đức ngược lại còn chuốc hoạ vào thân.

3. Phải thờ Phật như thế nào? Thờ một đức Phật cũng có nghĩa là thờ tất cả các đức Phật. Tuy nhiên, tuỳ theo thời kỳ giáo hoá mà chúng ta thờ thế nào đó cho phù hợp. Thí dụ như hiện nay chúng ta đang ở vào thời kỳ giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì cố nhiên chúng phải thờ Ngài trước hết.

Nếu tín đồ nào tu Pháp tịnh độ tông chuyên về Pháp môn "trì danh niệm Phật" để cầu vãng sanh thì phải thờ đức Phật A Di Đà.

Cuối cùng, ai muốn thờ đủ cả ba đời chư Phật thì nên thờ cả ba vị Phật: Thích Ca, A Di Đà và Di Lặc gọi là tam thế chư Phật.

           4. Cung cách thờ Phật: nếu thờ một vị thì dễ rồi, nhưng nếu thờ tam thế Phật thì phải biết cách sắp xếp. Các tượng phải cao bằng nhau, bàn thở phải để chính giữa nhà, nếu nhà lầu thì phải thờ ở tầng trên. Tại bàn thờ phải có lư hương, mâm bồng, chân đèn, bình hoa và phải luôn luôn sạch sẽ.

Khi thỉnh Phật về, chủ nhà phải thỉnh chư tăng làm lễ an vị, chỉ làm đơn giản nhưng phải trang nghiêm và tinh khiết.

Kể từ ngày an vị Phật, mọi người trong nhà phải thay đổi cách sống, phải luôn luôn nhớ đến đức hạnh của Ngài để tô bồi cho phẩm hạnh của mình. Trong gia đình phải giữ thanh tịnh, không được sống bất hoà ngược lại phải luôn luôn thấm nhuần tinh thần từ bi, bác ái và bình đẳng. Như thế  mới xứng đáng với danh nghĩa một gia đình có thờ Phật. Sau một thời gian, nếu tượng Phật bị hư rách hay bị lụt lội gì đó làm hư hỏng thì phải thay đổi tượng khác, tượng cũ phải đem vào chùa hay nhập tháp, tuyệt đối không nên để bừa bãi.

           II. Lạy Phật:

           1. Ý nghĩa lạy Phật: ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, các đệ tử từ vua quan cho đến dân thường khi gặp đức Phật đều cúi xuống ôm chân và đặt trán mình lên chân Ngài để tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn thờ một bậc tối thượng, bi trí siêu phàm. Cho đến sau khi Ngài diệt độ, các tín đồ vẫn xem Ngài như hãy còn tại thế và cử chỉ ôm chân ấy vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay, cử chỉ ấy gọi là lạy Phật.

           2. Phải lạy như thế nào mới đúng nghĩa? trước khi lạy Phật thì thân thể của mình phải thanh tịnh, y phục chỉnh tề, đứng ngay thẳng, chắp tay trước ngực mắt nhìn, tâm nghĩ đến Ngài. Lạy thì phải "ngũ thể đầu địa" có nghĩa là năm vóc (đầu, hai cùi tay, hai đầu gối) phải gieo sát xuống đất. Lễ như vậy mới đúng nghĩa, trong kinh gọi là "thân tâm cung kính lễ”. Trái lại nếu chúng ta lễ Phật theo nghĩa ngã mạn lễ hay cầu danh lễ thì sẽ không có kết quả gì mà còn gieo thêm tội lỗi.

Ngã mạn lễ tức là lễ cho qua loa, năm vóc không gieo xuống đất, lạy một cách cẩu thả cho qua chuyện...

Cầu danh lễ là chỉ lễ lạy để cầu danh, chỉ thành tâm khi có nhiều người theo dõi mình lạy...

Hai cách lễ bái này đều giả dối, là đệ tử chơn chánh của Phật chúng ta không nên lạy theo kiểu này.

           3. Bốn phép lạy (thuộc về lý):

           a) Phát trí thanh tịnh lễ: trong phép lạy này người hành lễ phải biết rằng: cảnh giới của chư Phật đều tuỳ tâm hiện bày nên lạy một đức Phật tức là lạy tất cả chư Phật, lạy một lạy tức là lạy tất cả Pháp giới vì Pháp thân của Phật dung thông cả Pháp giới.

           b) Biến nhập Pháp giới lễ: trong phép lạy này  người hành lễ phải tự quán thân, tâm cùng tất cả các Pháp từ hồi nào đến giờ đều không rời Pháp giới.

           c) Chánh quán tu hành lễ : trong phép lạy này người hành lễ lạy đức Phật ngay nơi tự tâm của mình, chứ không duyên với đức Phật nào khác vì tất cả chúng sanh từ xưa đến nay  đều sẵn có Phật tánh viên mãn, bình đẳng và chân giác.

           d) Thật tướng bình đẳng lễ: trong phép lễ này người hành lễ thấy các tướng bình đẳng, không có chủ thể và đối tượng, vạn Pháp như nhất vắng lặng, khế hợp với lý bát nhã.

Bốn cách lễ này khó nghĩ bàn, không phải bậc thượng căn thời không làm được.

           III. Cúng Phật

           1. Ý nghĩa cúng Phật: cúng Phật không có nghĩa là cung cấp đến đức Phật những vật dụng hàng ngày vì đức Phật đã nhập diệt, không còn có sự ăn uống như chúng ta. Sự cúng dường sẽ giúp chúng ta gần gũi với Phật và nhân sự cúng dường này mà được kết duyên lành với Phật...

           2. Nên cúng dường những gì: chúng ta không nên bày biện đủ thừ để cúng dường Phật vì như thế sẽ rất tốn kém mà chẳng có nghĩa gì lại còn làm sai ý nghĩa cúng Phật. Tốt nhất chúng ta nên cúng dường ánh sáng, hương thơm, hoa tươi, trái tốt và cơm trắng là đủ.

Những món cúng dường trên thuộc về sự, ngoài ra còn có năm món cúng dường thuộc về lý đó là: giới hương cúng dường, định hương cúng dường, tuệ hương cúng dường, giải thoát hương cúng dường và giải thoát giải thoát tri kiến hương cúng dường. Năm món cúng dường này rất vi tế và khó tường chúng ta không thể một lúc mà có thể hiểu được.

           3. Cúng dường Pháp Bảo: Pháp ở đây được chỉ cho giáo lý của đức Phật, chúng ta y theo đó mà tu hành. Muốn cúng dường Pháp Bảo thì trước tiên chúng ta phải nghiên cứu Kinh Luật Luận để nhận định rõ thế nào là chân giáo, chánh giáo, nếu có khả năng thì phải kiết tập, phiên dịch kinh điển để giúp vào việc hoằng Pháp lợi sanh. Nếu ai đó có nhiều tiền nhiều của thì nên xuất tiền ấn tống kinh điển để phổ cập Phật Pháp... Những việc làm như thế đều có nghĩa là cúng dường Pháp Bảo.

           4. Cúng dường Tăng Bảo: Tăng là những vị thầy của chúng ta nên chúng ta phải luôn luôn kính trọng, kính trọng tăng tức là kính trọng Phật vậy. Tuy nhiên, chúng ta không nên có sự phân biệt giữa thầy này với thầy khác, ai có đủ giới đức thì chúng ta đều phải kính trọng và phụng sự như nhau.

C. KẾT LUẬN.

Lợi ích của việc thờ Phật, lạy Phật và cúng Phật: sự thờ, lạy và cúng Phật một cách thành tâm, thiện chí và đúng nghĩa sẽ đem lại cho người nhiều lợi ích trong hiện tại và tương lai. Hiện tại, mọi hành động của chúng ra đều có Phật soi xét và gia hộ, cho nên chúng ta sẽ sống hạnh phúc, thuận hoà, không dám sống bừa bãi. Ngôi nhà được thờ Phật thì sẽ trang nghiêm hơn, mọi thứ sẽ thanh tịnh hơn và còn mỹ quan hơn...Trái lại, người nào không thờ Phật thì dễ sống sa ngã, không tin Phật thì hay buông lung, phóng túng, sống không có luân lý đạo đức.v.v. Người thờ Phật và tin Phật thì hàng ngày nghiệp lành được huân tập và cảm ứng đến lòng từ bi vô hạn của chư Phật và Bồ tát, cho nên khi lâm chung người ấy chắc chắn sẽ được chư Phật và Bồ tát phóng quang tiếp độ.

Tuy nhiên, sự lợi ích sẽ đến với người nào có chánh tín và thành tâm thật sự, không còn bất cứ một sự nghi ngờ nào về Tam Bảo (Phật, Pháp, tăng). Phật là bậc toàn giác, Pháp là phương thuốc cứu khổ, Tăng là những vị thầy có đủ giới đức, thanh tịnh và là vị thầy sang suốt của chúng ta. Vì thế chúng ta phải tôn thờ Tam Bảo...

Nhân quả là một định lý muôn đời không thay đổi. Mọi nhân lành không có nhân nào hơn nhân thờ Phật, lạy Phật và cúng Phật. Chúng ta hãy cứ thành tâm tu tập theo Pháp môn này thì lo gì không thành tựu thiện quả .



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017