Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 02:23 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

ĂN CHAY

| Thursday, 02.03.2023, 07:51 AM |   (221 Xem)


ĂN CHAY

A. Mở Đề

Sống ở đời này không ai không ăn uống, nhưng ăn để sống làm người và được sống an lạc, hiền hòa và lành mạnh, là vấn đề khác. Còn sống để ăn mà không cần nghĩ đó là đúng hay sai lại là vấn đề khác. Hai giá trị sống khác nhau, một bên ăn để còn được lo nghĩ tới kẻ khác, ngược lại một bên ăn chỉ để lo cho mình. Tục ngữ có câu: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”. Bài học dân gian ấy dạy con người nên biết: việc ăn uống là cần thiết nhưng phải cao quý, và con người cao quý hơn con vật chính là biết cách sống, làm việc và ăn uống hợp theo đạo lý làm người. Đạo Phật khuyên tất cả mọi người nên ăn chay vì ăn chay có nhiều lợi ích khác nhau trong hiện tại cũng như trong quá khứ và tương lai. Đặc biệt, những Phật tử đã quy y Tam bảo, trong nhà có thờ Phật thì phải phát nguyện ăn chay theo những ngày định kỳ và thuận tiện với điều kiện sống gia đình. Hơn nữa, ăn chay liên hệ mật thiết với nghiệp sát sinh và giới sát sinh, có khả năng đem lại cho con người qủa báo tốt. Ăn chay là một pháp môn tu tập không những làm tăng trưởng hạt giống từ bi và đoạn trừ chủng tử giết hại rất dễ, mà còn rất thuận lợi cho việc tham thiền, niệm Phật.

Gần đây, các nhà nghiên cứu khoa học đã học được rất nhiều bài học quý giá từ hệ thống giáo lý Phật giáo và đã công bố rằng, ăn chay theo Phật giáo là để xây dựng đạo đức học con người và xã hội, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Chỉ tiếc một điều là khoa học đã cùng đường rồi mới tìm về với Phật giáo, có như vậy cũng quý và các Phật tử cũng được dịp để tự xác định niềm tin Phật của mình. Ngoài ra, ăn chay còn có ba cách: thân chay, miệng chay và ý chay; cách nào cũng quan trọng cho cuộc sống của con người. Do đó, chúng ta cần phải học và thực hành bài học này.

B. Chánh đề

I.         Định nghĩa:

1.  Ý nghĩa: Ăn chay có nghĩa là ăn những thức ăn thuộc loài thực vật; không dùng thức ăn thuộc về động vật, có 3 loại ăn chay:

a.  Thân chay: Nghĩa là không được giết hại chúng sinh. Ví dụ như: Ngày rằm, ngày mồng một, người ăn chay nhưng đi làm nghề đồ tể hoặc bán mua cá, thịt... là thân không thực hành đúng nghĩa ăn chay; cũng không gieo tai ương cho chúng sinh như đặt bẫy, phun thuốc...

b. Miệng chay: Tức miệng ăn chay, không ăn các loại thức ăn thuộc về sinh vật, chỉ có ăn các loại thuộc thực vật như rau, quả... Miệng không xúi người khác giết, không nói lời hung dữ gây ra chết người, chết vật, gọi là miệng chay.

c.  Tâm chay: Luôn nghĩ đến những thức ăn chay thanh tịnh, hướng thiện và hướng thượng; không phải miệng ăn chay mà tâm rất hung dữ, luôn nghĩ đến điều ác, như vậy việc ăn chay sẽ không có lợi ích gì.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất của sự ăn chay là trước hết tâm phải chay rồi sau đó tới miệng chay và thân chay. Tuy nhiên, tâm chay mà thân và miệng không chay thì quả là hi hữu và khó vô cùng nếu chúng ta không muốn nói là thiếu thực tế.

2.  Phân loại: Hiện tại đạo Phật có hai bộ phái: Nam tông (Theravàda) và Bắc tông (Mahàyàna). Vì vậy chúng ta phải học và hiểu vấn pháp môn chay và cách thức ăn chay của hai phái cho thật tinh tường.

a. Ăn chay theo Phật giáo Nam tông: Theo kinh Trung bộ số 55 - Jivàka,  đức Phật chế “tam tịnh nhục” - (Tikotiparisuddha), nghiêm cấm các đệ tử xất gia của Ngài không được ăn thịt, nếu luật Tikotiparisuddha bị vi phạm: tức 3 việc thấy, nghe, nghi có sự giết sinh vật để cung cấp thịt cho mìmh ăn, hoặc chính mình biết đang có liên quan với 3 việc đó mà vẫn ăn. Cố ý hoặc biết sai phạm mà vẫn ăn thịt như vậy tức là tâm vị ấy câu hữu với tham, sân, si và không câu hữu với tâm từ bi, cũng không câu hữu với tâm hổ thẹn [(P) hirì-ottappa; (S) hrì-apatràpya] đối với chúng sanh, Ngược lại nếu không thấy, không nghe, không nghi thì thịt ấy trở thành tịnh nhục và được phép thọ dụng.

Như vậy, theo luật “Tam tịnh nhục”, Phật không cho phép hàng Phật tử tại gia giết bất cứ loại sinh vật nào để làm thức ăn cúng dường cho chúng tăng. Điều này cũng có nghĩa rằng, Phật tử không được mua bất cứ loại thức ăn mặn hay cá, thịt xào nấu với ý định cúng dường chúng tăng. Phật dạy hành động như vậy không những Phật tử không có phước mà chúng tăng cũng không được dùng thức ăn ấy. Phật đã chế “tam tịnh nhục”, nếu bị phạm một trong 3 điều là có tội, phải sám hối và phát nguyện chừa bỏ ngay, nếu không như vậy thì Phật tử đã gây tội khổ cho mình, gây tội khổ cho người, gây tội khổ cho cả hai thì không thể nào gọi đó là thiện pháp được.

Tóm lại, thức ăn theo “Tam tịnh nhục” phần lớn dành cho chúng tăng khi xưa còn đang nghiêm trì hạnh đi khất thực. Nếu áp dụng hạnh đi khất thực đúng pháp thì trú xứ của chư Tăng buột phải không có nhà bếp, không nấu bất cứ thứ gì, ngay cả nước sôi, chỉ uống nước lọc và không được có ý chọn lựa nhà thí chủ trước để khất thực, cũng phải khất thực theo thứ lớp (thứ đệ khất thực). Trong khi đó người thí chủ không dự định thí thực bất cứ cái gì cho chư tăng trước đó cả. Nghĩa là tăng thọ thực và chủ nhà phát tâm thí thực hoàn toàn ngẫu nhiên, cả hai không có ý định trước. Do đó, có gì thí nấy; còn nếu có mời thỉnh trước thì phải dâng cúng thức ăn chay hoàn toàn. Ngoài ra, nếu có trường hợp thình lình con vật bị chết, hoặc đấu lộn với nhau mà chết một con thì thịt con vật chết ấy được phép dùng, ngoài ra là không được dùng. Xét thấy như vậy, hiện tại Phật tử chúng ta khó có thể áp dụng pháp “Tam tịnh nhục” này một cách nghiêm túc và chơn chánh.

b.    Ăn chay theo Phật giáo Bắc tông: Tức là ăn chay một cách trọn vẹn, thuần túy, ngay cả pháp “Tam tịnh nhục” cũng không được sử dụng. Bởi lẽ thời đại ngày nay rất khó có được thức ăn đúng như pháp “Tam tịnh nhục”, nhưng đời xưa rất dễ. Do đó, Phật giáo Bắc tông khuyên Phật tử tại gia cũng như xuất gia nên ăn chay. Vì sao vậy? Phần kế tiếp sẽ giải thích rõ.

II.      Lý do và mục đích ăn chay.

1.   Vì tôn trọng sự sống: Chúng ta ai cũng tham sống sợ chết, vậy thì sao lại giết hại sinh vật để làm thức ăn cho con người! Sự sống một khi được tôn trọng lẫn nhau thì đạo đức con người càng ngày càng tăng trưởng. Sự sống giữa thiên nhiên, người, sinh vật có mối liên hệ với nhau rất mật thiết. Chúng ta ăn chay vì tôn trọng sự sống, cũng có nghĩa là tôn trọng mọi sự sống trên hành tinh này, tôn trọng môi trường sống trong thế giới này bao gồm cả núi, sông, biển, rừng... vật hữu tình và vô tình; và các loài động vật cũng giúp cho hành tinh này hoạt động. Ví dụ: Không khí di chuyển được là có sự góp sức của chim và các loài động vật có cánh trên hành tinh này. Ngoài ra còn có hàng ngàn thí dụ khác, chúng ta tự suy ra để biết. Do đó, giết một sự sống là giết chết chính mình; tôn trọng sự sống không có gì hơn việc ăn chay.

2.   Vì tăng trưởng lòng từ bi: Chúng ta ai ai cũng có cha mẹ, gia đình, anh em, dòng họ... Khi ta chết, mọi người thân còn sống phải thẩn thờ, khốn khổ; thậm chí có những người trở thành khờ dại hoặc mất trí; có khi đi đến tuyệt vọng. Lấy mình suy ra sự sống khác cũng vậy. Có những con vật bị con người giết chết; những con vật thân của nó tìm nó suốt ngày suốt đêm cho đến chết. Ví dụ con Quốc, con Én... Có những con vật nhịn ăn và trong khi tìm kiếm, nó thải tất cả những chất độc của nó ở bất cứ nơi nào nó đến. Ví dụ: Mãng xà, cọp, beo, tê giác, chó sói, nhím... Nó giận dữ, la, hú thê thảm; bẻ cây rừng và giết hại nhiều con vật vô tội khác rất thảm thương. Nghĩ như vậy nỡ nào ta ăn thịt chúng! Suy ra, gà, heo, chó; các thú gia cầm cũng vậy. Đã làm được thân người, nếu chúng ta không giúp đỡ chúng thì cũng không nên giết chúng để ăn thịt; vừa tổn hại tình thương mà vừa gieo cho chúng sinh nhiều thù hận. Như vậy thì làm sao mà thế giới có ngày thanh bình được!

         Ăn chay vì lòng Từ bi như trong các Kinh Lăng-già, Lăng-nghiêm, kinh Từ bi diễn tả rất rõ ràng. Đặc biệt kinh Pháp cú, đức Phật dạy: “Ai cũng sợ binh đao, ai cũng sợ chết. Vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết” (Kệ 129); “Ai cũng sợ gươm đao, ai cũng thích sống còn.Vây hãy lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết. (Kệ 130)“. Bên cạnh đó, nếu chúng ta không có gia tâm thương xót những con vật bị giết thì hạt giống từ bi của chúng ta càng ngày càng bị chai lì. Không biết thương xót con vật thì làm sao thương người một cách đúng nghĩa được! Đã không người khác thì làm sao biết cách thương được chính mình! Hay nói cách khác, làm khô cạn tâm từ bi là làm hại lấy chính mình, vì mọi sinh hoạt, tu tập, tụng kinh, niệm Phật, hành thiền, làm phước, bố thí, hành thiện sẽ không có tác dụng; như vậy chắc chắc chúng ta sẽ chịu quả báo khổ cả ngay trong hiện tại lẫn trong tương lai. Kinh Lăng-già dạy: “Người ăn thịt đoạn mất tâm đại từ bi, đoạn mất hạt giống Phật. Tất cả Bồ-tát, hiền thánh thấy người đó liền bỏ đi”. Vì thế, hàng Phật tử không nên ăn thịt chúng sinh nếu ăn thịt chúng sinh thì ác nghiệp sẽ khó tránh khỏi.

3. Vì quyền được sống phải bình đẳng: Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh; nếu giết hại một mạng sống nào khác là tổn hại đến Phật tánh của chính mình và không bình đẳng về sự sống. Chúng ta cũng không thể khẳng định rằng “Vật dưỡng Nhơn” được, thế thì “Nhơn dưỡng Vật” được hay sao?, hay là “Nhơn dưỡng Nhơn”? Một sự thật đau lòng mà chúng ta thường nghe thấy: Có một đàn chó kỵ binh đã cắn chết 5 người phạm pháp hoặc một chú Cọp ở Phi châu đã giết chết 2 người thợ săn thì sao? Ấy có phải “Vật dưỡng Nhơn” chăng? Chính vì quan niệm sai lầm này đã tạo ra cho con người đức tính càng ngày càng hung ác, ích kỷ cho chính tự bản thân để rồi tai hại cho người khác và vật khác. Như vậy sự sống sống bằng sự chết quả là không bình đẳng chút nào. Do thấy được điều này mà đạo Phật khuyên mọi người nên ăn chay.

4. Vì muốn tránh nghiệp báo luân hồi: Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta khi thì làm thân người, lúc thì làm thân loài vật; sống chết trôi lăn mãi trong sáu đường. Hễ cố ý giết một mạng sống là chúng ta phải đền lại một mạng sống; đó là quy luật nhân quả hiển nhiên. Trong kinh Tăng nhất A-hàm, Phật dạy: “Nếu sát sinh được thực hiện, được luyện tập, được làm cho sung mãn thì sẽ đưa đến quả báo địa ngục, đưa đến loài bàng sinh, đưa đến cảnh ngạ quỷ. Khi quả dị thục hết, được trở lại làm người thì thọ mạng rất ngắn ngủi, chết yểu, đau ốm, dị tật...”. Chính vì vậy, khi dạy năm giới cho hàng Phật tử tại gia, đức Phật đã nêu giới Không được giết hại chúng sinh lên làm đầu. Vì sao? Vì nếu chúng ta giữ trọn vẹn bốn giới sau, tức được quả báo hưởng phước vui thù thắng vi diệu ở cõi trời và cõi người; nhưng vì nghiệp báo sinh ra ở đâu cũng bị chết yểu hoặc thân hình đau ốm, dị tật thì chúng ta cũng không hưởng được lợi ích gì. Vì vậy, muốn tránh oan báo luân hồi, tránh các điều tội lỗi thuộc về giới sát, tránh giết hại chúng sinh bằng cách gián tiếp hoặc trực tiếp. Có như vậy mới tu tập thành tựu, giải thoát luân hồi, chính là nhờ gia tâm quyết chí sống theo hạnh ăn chay vậy.

5. Vì để bảo vệ sức khỏe: Không phải mới từ nay mà từ ngàn xưa, một triết gia, ông Senèque, đã nói rằng: "Mỗi bữa ăn, người ta dùng các loại thức ăn thịt, cá và các loài động vật khác là tự đầu độc, thành thử con người tự ngầm sát hại chính mình mà không hay biết, do đó con người bị mạng yểu, chết sớm". Thật thế ngày nay những nhà dược sĩ và bác sĩ y học sau khi nghiên cứu đã công bố rằng: "Trong các loại thịt, có nhiều độc tố rất nguy hiểm có thể lây bệnh nan y, còn máu và thịt con vật đã chết có chứa gen DNA sân hận rất cao có thể khiến cho người ăn thịt thường hay nóng giận, căm thù, tổn hại cho sức khoẻ con người". Bài học cụ thể nhất là rau quả để lâu ngày thì héo khô, hoặc ung bấy mà ít hôi, còn thịt cá để lâu ngày thì sình ương, hôi tanh không ai chịu nổi, và khi ăn vào, ta thấy trong người rất nặng nề, mệt nhọc khó tiêu. Hơn nữa, các loài thú vật, thường mắt bệnh này hay bệnh khác nếu chúng ta ăn vào sẽ vướng bệnh, rất nguy hiểm. Ngược lại, các loại thực vật không những có chứa đầy đủ các chất đạm để nuôi dưỡng cơ thể con người lành mạnh, mà loại nào cũng có những đặc tính vị thuốc của nó. Bởi thế mà hầu hết loại thuốc Đông y lẫn Tây y đều được bào chế bằng thực vật. Do vậy, ăn chay không những bảo vệ được sức khỏe và hợp vệ sinh mà còn có thể ngăn ngừa được rất nhiều bệnh.

III. Cách thức ăn chay.

1. Chương trình ăn chay.

Ăn chay là một điều quan trọng và cần thiết, nhưng muốn được lợi ích thiết thực, cần phải có phương pháp và áp dụng một cách tuần tự teo căn cơ cà sở nguyện của mình. Trước tiên, không phải người nào cũng có thể bỏ ngay tập quán ăn mặn của mình để ăn chay. Vì vậy, trong đạo có chia ra làm hai loại: ăn chay kỳ và ăn chay trường.

a) Ăn chay kỳ: là ăn chay có kỳ hạn nhất định trong mỗi tháng hay trong mỗi năm:

·       Nhị trai: Ăn hai ngày chay trong một tháng vào ngày 1 và 15 ÂL

·       Tứ trai: Ăn bốn ngày chay trong một tháng vào ngày 1, 8, 15 và 23 ÂL

·       Lục trai: Ăn sáu ngày trong một tháng vào ngày 1, 8, 14, 15, 23, 29 hoặc 30 (tuỳ tháng thiếu hay đủ) ÂL.

·       Thập trai: Ăn mười ngày chay trong một tháng vào ngày 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30 (nếu tháng thiếu thì ngày 27, 28, 29) ÂL.

·       Nhất nguyệt trai: Là ăn một tháng vào tháng Giêng hay tháng 7 ÂL.

·       Tam nguyệt trai: Là ăn ba tháng chay: tháng Giêng, tháng 7 và 9 (hay tháng 10) ÂL.

Nếu tập ăn chay kỳ trong một thời gian mà không gặp một trở ngại nào cho việc tu tập của thân và tâm, hoặc nhận thấy có lợi ích thì nên tập dần đến ăn chay trường.

b) Ăn chay trường: Là phát nguyện ăn chay trọn đời, trừ khi cơ thể không cho phép hoặc vì hoàn cảnh thiên tai, chiến tranh... thì phải đối trước Tam bảo nguyện xin được xả nguyện ăn chay trường một thời gian và sau khi sự cố qua đi rồi, phải tiếp tục lập nguyện ăn chay trở lại bình thường.

2. Phương pháp thực hành.

a) Chọn lựa thay đổi thức ăn: Để việc ăn chay được thực hiện lâu dài không ngán, chúng ta nên chọn những món ăn vừa có chất dinh dưỡng cao như: cà chua, rau muống, đậu nành, cải bắp, khoai tây, nếp lứt... và những món ăn cũng phải thường thay đổi thích ứng với nhu cầu của cơ thể.

Vậy trong một bữa ăn, cần phải ăn những món gì để bữa ăn có đầy đủ chất bổ  và ngon miệng ? Dưới đây là vài bữa ăn kiểu mẫu:

§  Trái cây cùng ăn với cơm hay bắp, bột mì và rau, cải, đậu phụng, đậu nành, và một hủ sữa chua nhỏ.

§  Sữa tươi cùng ăn với trái cây ngọt và cơm hay bột mì có bơ và tô súp hay canh rau.

b) Cách nấu: Thức ăn là cần thiết nhưng cách nấu cũng rất quan trọng, không phải cứ bảo ăn chay thì nấu thế nào cũng được. Nếu thức ăn bổ dưỡng mà không biết nấu thì thức ăn ấy sẽ trở thành vô bổ, đôi khi còn làm hại cho bộ phận tiêu hóa. Dưới đây là một vài điều ghi nhớ khi nấu chay:

§  Không nên chiên xào nhiều quá vì nếu xào nấu quá thì các Vitamin như B, C sẽ bị đốt cháy hết và các món nhiều dầu sẽ làm cho bao tử mệt.

§  Nên ăn nhiều đồ nướng, nhất là những đồ nướng mà không có thoa dầu.

§  Khi nấu hay luộc phải nên đậy nắp để sinh tố khỏi bị mất, nên đổ vừa nước để thức ăn đảm bảo chất lượng khẩu phần dinh dưỡng.

        c) Giảm thịt cá dần dần trong những ngày ăn mặn: Trừ những ngày ăn chay ra còn những ngày ăn mặn thì các Phật tử nên ăn những gì người ta làm sẵn, hoặc giảm bớt số lượng cá thịt, ăn nhiều rau cải, tạm dùng sữa và trứng gà, trứng vịt không tượng con.

        Khi đã tinh tấn về mặt tinh thần thì không nên ăn trứng gà, trứng vịt có trống,  vì chúng cũng là những sinh vật sắp nở.

        3. Những điều cần tránh.

        a) Không nên kiêu mạn: Người có phúc duyên ăn chay được dễ dàng, không nên sinh lòng kiêu mạn, tự cho mình là hơn người, và khinh người ăn mặn. Làm như thế đã sinh ác cảm với người mà lại còn làm tổn ân đức của mình nữa.

        b) Không nên háo danh: Có người mới bước vô đường đạo, đã ăn trường trai ngay, cốt để được người khác khen ngợi. Ăn chay như thế là do lòng háo danh mà ăn hành động này không có lợi cho sự tu hành mà còn có hại: khi không còn ai khen ngợi nữa, thì không thấy hứng thú để tiếp tục ăn chay nữa.

c) Không nên ép xác: Có người tưởng lầm rằng: ăn chay là ăn sao đó cho qua bữa như vậy là đồng nghĩa với việc hành hạ thân xác của ngoại đạo, phải có tinh thần cố gắng ăn chay đạm bạc nhưng không nên ăn một cách cực khổ, như chỉ ăn ròng rã tương rau muối sả... từ năm này sang năm khác. Ăn như thế thì sẽ hao mòn thân xác và chết yểu trước khi thành đạo.

d) Không nên giả mặn: Hiện nay việc ăn chay dang được khuyến khích nên cũng có nhiều nơi muốn trổ tài khéo léo của mình bằng cách nấu chay giả mặn, rồi đặt tên món ăn mặn hay làm ra những hình thức giống như đồ mặn, thậm chí còn giả mùi giống như thức ăn mặn. Như thế, vô tình mình xúi giục người ăn chay nghĩ đến đồ mặn, như vậy tức là tâm đã không chay rồi. Một khi tâm đã không chay thì miệng chay cũng không có thêm phước mà còn tổn thêm.

e) Không được quên ngày chay: Không nên khinh thường, quên những ngày chay mà mình đã phát nguyện, dù gặp trường hợp bất thường đi nữa cũng không nên bỏ.

f) Không nên dùng ngũ vị tân: Ngũ vị tân là hành, hẹ, tỏi, ném không nên dùng, vì các thứ này đã hôi, lại có nhiều chất kích thích khiến cho thân tâm không yên, hay nóng nảy, cau có.

IV. Lợi ích của việc ăn chay:

1. Phương diện cá nhân: Người ăn chay không những có lợi ích  trong hiện tại mà còn cả quá khứ và tương lai nữa.

§  Ăn chay tạo cho nhà bếp sạch sẽ, vệ sinh, ít ruồi.

§  Thân thể người ăn chay thường nhẹ nhàng, trong sạch, trí tuệ được minh mẫn để tu thiền quán.

§  Trong tương lai không chịu quả báo giết hại, dẽ chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt, hiện tại sống không có sợ hãi, khỏi phải mắc quả báo xấu, không phải trả nghiệp sát sanh trong tương lai.

2. Phương diện xã hội, nhân loại, cá nhân:

Nếu ăn chay đã có lợi ích cho cá nhân thì đương nhiên sẽ có lợi ích cho xã hội và thế giới. Mọi người đều ăn chay thì thế giới nhất định sẽ không còn có tiếng kêu oan rên riết của loài vật. Ông thánh Hy lạp Pythagoras nói: "Muốn thế giới hoà bình thì bắt đầu trong bữa ăn của con người ít nhất phải không còn có một chút máu hay thịt của động vật". Cổ nhân cũng có nói: Nếu tất cả chúng sanh không sát hại lẫn nhau thì sợ gì thế giới có giặc dã, chiến tranh.

"Nhất thiết chúng sanh vô sát nghiệp. Hà sầu thế giới động đao binh"

Xét cho cùng, thế giới cũng vì miếng ăn mà sinh ra chiến tranh, xâu xé, chém giết lẫn nhau, bởi thế người ăn chay thường được mệnh danh là những vị sứ giả của tình thương và hoà bình. Vì lòng từ bi, người ăn chay sẽ xem sự sống muôn loài như sự sống của chính mình, không giết hại để thoả mãn dục vọng. Nếu trong xã hội mà ai ai cũng ăn chay thì con người xã hội sẽ có ý thức đạo đức hơn, và đời sống sẽ yên vui hơn. Ngoài ra, trong thế giới nếu ai ai cũng ăn chay thì môi trường sinh thái của thế giới này không có bị ô nhiễm đến mức báo động như chúng ta đang nghe thấy. Cụ thể nhất là hơi nóng của trái đất càng ngày càng cao, thiên tai, bão lụt và cháy rừng khắp nơi, chúng ta có thể suy ra để nghiệm biết.

C. Kết Luận.

Ăn chay là một phương pháp khoa học có nhiều lợi ích, nếu vì tu hành mà ăn chay thì càng có lợi ích hơn. Muốn thân thể được khinh an hay khoẻ mạnh thì cần phải ăn chay. Ăn chay sẽ giúp cho chúng ta có trí nhớ tốt và có khả năng phát triển trí tuệ vô lậu để đoạn trừ phiền não, vô minh. Ai đã là Phật tử  thì phải thực hành pháp ăn chay để lòng từ bi được mở rộng, tinh thần bình đẳng được trải khắp muôn nơi, đạo quả chóng viên thành.

Tuy nhiên nói thì dễ như vậy nhưng làm thì cũng khó, Phật tử phải có tâm kiên trì và thiện chí mới thấy được sự lợi ích thiết thực của nó. Còn việc thực hành thì không phải một sớm một chiều mà phải tuần tự từng bước một. Điều quan trọng là chúng ta có quyết chí, kiên nhẫn mà thực hành hay không. Ngoài ra, hiện tại các thuyết ăn kiêng, và nhịn ăn theo định kỳ của ngoại đạo đang có khuynh hướng muốn xen tạp vào việc ăn chay đúng chánh pháp của Phật giáo, các Phật tử phải học và hiểu thật tốt bài này để thực hành cho có lợi ích và cũng để phân biệt đâu là chánh, đâu là tà./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017