Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Monday, 06.05.2024, 09:30 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Luận Giải “Luyện Tâm Bát Đoạn”

| Tuesday, 25.04.2023, 06:37 AM |   (401 Xem)


Đôi khi, chúng ta gặp những người rất tiêu cực, hay người khác la mắng ta, hay những người mà mình đã giúp đỡ lại không biết ơn. Nếu như mình tức giận và bực bội với họ thì sẽ mất khả năng giúp đỡ họ, nhưng với các phương pháp luyện tâm thì ta có thể thay đổi thái độ với họ, để không chỉ giữ bình tĩnh, mà còn giúp đỡ người khác tốt hơn. “Luyện Tâm Bát Đoạn” (“Eight Verses of Mind Training”), hay rèn luyện thái độ, là một tác phẩm của Kadampa Geshe Langri Tangpa, giải thích cách luyện tâm bằng phương tiện và trí tuệ, để mình có thể thay đổi thái độ, khi sắp bực bội. Bảy vần kệ đầu tiên liên quan đến phương tiện - cụ thể là lòng từ bi và bồ đề tâm - và vần kệ thứ tám liên quan đến trí tuệ, trí phân biệt.

Kệ Số 1: Tất Cả Chúng Sanh Thù Thắng Hơn Ngọc Như Ý

Nguyện luôn yêu thương tất cả chúng sanh, bằng cách xem họ quý báu hơn ngọc như ý, để thành tựu mục tiêu tối thượng.

Bản thân mình cũng như tất cả những chúng sanh khác đều muốn được hạnh phúc và thoát khổ. Đối với điều này thì tất cả chúng ta đều giống nhau. Tuy nhiên, mỗi một chúng ta chỉ là một người, trong khi chúng sanh thì vô lượng.

Hiện giờ, có hai thái độ để xem xét: đó là tâm ái ngã chỉ thương yêu riêng bản thân mình một cách ích kỷ, và tâm ái tha. Tâm ái ngã khiến cho mình rất khép kín. Ta nghĩ rằng mình cực kỳ quan trọng, và ước muốn cơ bản là để bản thân mình được hạnh phúc, mọi việc tốt đẹp cho mình. Tuy nhiên, ta lại không biết cách làm thế nào để tạo ra điều này. Trên thực tế thì hành động bắt nguồn từ tâm ái ngã không bao giờ có thể giúp cho ta hạnh phúc. Mặt khác thì những người có tâm ái tha lại xem tất cả những chúng sanh khác quan trọng hơn bản thân họ, và xem trọng việc giúp đỡ người khác hơn tất cả. Và nhờ cách hành xử này mà tình cờ, chính họ lại trở nên hạnh phúc.

Ví dụ như tên tuổi của những chánh trị gia đã quan tâm đến việc giúp đỡ hay phục vụ người khác đều được ghi chép lại trong lịch sử với lòng kính trọng, trong khi những người bóc lột và làm những điều xấu xa với người khác lại trở thành ví dụ về những người tồi tệ. Trong lúc này thì hãy bỏ qua một bên vấn đề tôn giáo, kiếp sau và niết bàn, ngay cả trong cuộc sống này thì những người ích kỷ sẽ tạo ra những hậu quả tiêu cực cho bản thân họ, bằng hành động vị kỷ. Mặt khác, những người như Mẹ Teresa, người đã chân thành cống hiến cả cuộc đời và sức lực của mình để phục vụ cho những người nghèo khổ, thiếu thốn và bất lực, thì luôn luôn được nhớ đến vì công lao cao quý của bà, với lòng kính trọng. Người ta không có điều gì tiêu cực để nói về bà.

Sau đó, đây là kết quả của việc trân trọng người khác: dù mình có muốn hay không thì ngay cả những người không phải là người thân cũng luôn yêu mến ta, cảm thấy hạnh phúc và tỏ ra nồng hậu với mình. Nếu như ta là loại người luôn nói tốt trước mặt người khác, nhưng lại nói xấu họ sau lưng họ thì đương nhiên là không có ai ưa mình. Do đó, ngay cả trong cuộc sống này, nếu như ta cố gắng giúp đỡ người khác tối đa, càng bớt ích kỷ càng tốt, thì sẽ có nhiều hạnh phúc.

Đời sống của chúng ta không dài lắm; tối đa là 100 năm. Nếu như trong suốt thời gian đó, mình cố gắng trở nên tốt bụng, nồng hậu, quan tâm đến phúc lợi của người khác, bớt ích kỷ và sân hận, thì thật là tuyệt vời, xuất sắc. Đó đúng là nhân tạo ra hạnh phúc. Nếu chúng ta ích kỷ, luôn đặt mình lên hàng đầu và người khác đứng sau, thì kết quả là chính mình sẽ kết thúc ở cuối hàng. Việc đặt bản thân mình sau cùng và người khác lên trên là cách để kết thúc ở phía trước. Vậy thì đừng lo lắng về kiếp sau hay niết bàn; từ từ thì điều này sẽ xảy ra. Nếu như trong cuộc sống này mà mình là người tốt, nồng hậu, không ích kỷ, thì ta sẽ là công dân tốt của thế giới.

Cho dù chúng ta là Phật tử, con chiên đạo Cơ Đốc hay cộng sản thì không có liên hệ gì; điều quan trọng là ngày nào mình còn là con người thì phải làm người tốt. Đó là giáo lý của đạo Phật; đó là thông điệp của tất cả các tôn giáo trên thế giới. Tuy nhiên, giáo lý của đạo Phật chứa đựng tất cả các phương pháp để xóa bỏ tâm ái ngã và thành tựu tâm ái tha. Ví dụ như tác phẩm tuyệt vời của ngài Tịch Thiên (Shantideva), Nhập Bồ Tát Hạnh (Phạn ngữ:  Bodhicharyavatara), rất hữu ích cho việc này. Bản thân tôi cũng tu tập theo cuốn sách này; và nó cực kỳ hữu ích.

Trí óc của mình rất xảo quyệt, rất khó kiểm soát. Nhưng nếu mình nỗ lực không ngừng và làm việc không mệt mỏi với lý lẽ hợp lý và phân tích cẩn thận, thì có thể làm chủ tâm mình, và thay đổi nó theo chiều hướng tốt hơn.

Một số nhà tâm lý học phương Tây nói rằng không nên ức chế tâm sân hận, mà hãy thể hiện nó. Họ nói rằng trên thực tế thì nên tập cách tức giận! Tuy nhiên, phải có sự phân biệt quan trọng ở đây, giữa các vấn đề tinh thần cần được thể hiện, và những vấn đề tốt hơn là không nên thể hiện. Đôi khi, có thể là người khác xử tệ với mình thật, và việc bày tỏ sự bất bình là đúng, thay vì cứ để nó day dứt trong lòng. Nhưng nếu như giận dữ thì chẳng bao giờ có ích lợi gì. Nếu như mình nuôi dưỡng những cảm xúc tiêu cực như sân hận thì chúng sẽ trở thành một thành phần trong tính cách của mình. Mỗi lần mình tức giận thì việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn, và sẽ càng ngày càng hành động như vậy nhiều hơn, cho đến khi mình trở thành người hung dữ, hoàn toàn mất tự chủ. Vì vậy, về vấn đề tinh thần thì chắc chắn có một số vấn đề được thể hiện đúng đắn, còn một số khác thì không.

Lúc đầu, khi mình cố gắng kiểm soát phiền não thì thật khó khăn. Chúng ta không thể làm chủ chúng một cách tốt đẹp trong ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu tiên, nhưng nếu nỗ lực không ngừng thì những điều tiêu cực sẽ giảm dần. Tiến triển về tinh thần không xảy ra bằng việc dùng thuốc hay những chất hóa học khác, mà tùy thuộc vào việc kiểm soát tâm thức. Thế thì ta có thể thấy nếu như muốn thực hiện mong muốn của mình, dù là tạm thời hay cứu cánh, thì phải làm chủ tâm thức, để không có tâm ái ngã. Đối với điều này thì phải dựa vào những chúng sanh khác nhiều hơn là vào ngọc như ý. Nói cách khác là phải luôn luôn trân quý chúng sanh hơn tất cả, bởi vì thái độ ái tha là điều thật sự đáp ứng mọi ước nguyện của mình.

Việc cải thiện tâm mình và làm điều gì giúp đỡ người khác đều quan trọng như nhau. Trước hết, nếu không có động lực thanh tịnh thì bất cứ điều gì mình làm cũng có thể bất toại nguyện. Do đó, việc đầu tiên ta phải làm là trưởng dưỡng động lực thanh tịnh. Nhưng không phải đợi đến khi động lực đó phát triển đầy đủ rồi mới làm điều gì để giúp đỡ người khác. Đương nhiên, nếu muốn giúp đỡ người khác một cách hiệu quả nhất thì mình phải trở thành một vị Phật giác ngộ viên mãn. Ngay cả khi muốn giúp đỡ người khác một cách sâu rộng thì mình phải đạt được một trong những địa (bhumi) bồ tát thánh nhân - đó là phải chứng ngộ Không tướng,– tánh Không - và chứng đắc thần thông. Tuy nhiên, ta có thể giúp đỡ theo nhiều mức độ. Ngay cả trước khi đạt được những thành tựu này thì ta có thể cố gắng hành động như chư Bồ tát. Nhưng tự nhiên là hành vi của mình sẽ kém hiệu quả hơn so với chư vị.

Do đó, không cần chờ cho đến khi mình hội đủ điều kiện, mà vẫn có thể phát khởi một động lực tốt, và cố gắng giúp đỡ tha nhân tối đa theo khả năng của mình, với động lực ấy. Đây là một cách tiếp cận quân bình hơn và tốt hơn là chỉ đơn giản sống cô lập ở một nơi nào đó để hành thiền và trì tụng. Đương nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào mỗi cá nhân. Nếu như mình tự tin là có thể đạt được chứng ngộ trong một khoảng thời gian nào đó, bằng cách sống ở một nơi xa xôi hẻo lánh, thì đó lại là chuyện khác. Có lẽ tốt nhất là dành một nửa thời gian của mình cho việc hoạt động, và một nửa còn lại cho việc hành thiền...
(còn tiếp)


(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017