Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Tuesday, 07.05.2024, 04:52 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Luận Giải “Luyện Tâm Bát Đoạn” (tiếp theo)

| Tuesday, 25.04.2023, 08:09 PM |   (282 Xem)


Kệ Số 2: Xem Tự Thân Thấp Kém Hơn Tha Nhân, Và Quý Trọng Tha Nhân Hơn Bản Thân Mình

Mỗi khi giao tiếp với chúng sanh, nguyện xem mình thấp kém hơn tất cả và trong tận đáy lòng, yêu thương họ hơn cả tự thân.

Dù cho ta là ai thì vẫn thường nghĩ về những việc như, “Tôi mạnh hơn anh ấy”, “Tôi đẹp hơn cô ấy”, “Tôi thông minh hơn”, “Tôi giàu có hơn”, “Tôi có bằng cấp cao hơn” và v.v... Lòng tự hào sẽ phát sinh. Điều này không tốt. Thay vì vậy thì phải luôn khiêm tốn. Ngay cả khi mình đang giúp đỡ người khác và tham gia vào việc từ thiện, thì cũng không nên tự xem mình một cách kiêu căng như đấng bảo hộ cao cả làm lợi lạc cho kẻ yếu. Đó cũng là tâm tự hào. Thay vì vậy thì nên tham gia vào những hoạt động như vậy một cách rất khiêm tốn, và nghĩ rằng mình đang phụng sự mọi người.

Chẳng hạn như khi so sánh mình với động vật thì ta có thể nghĩ rằng, “Tôi có một cơ thể con người”, hay “Tôi là một nhà sư”, hay “Tôi là một ni cô” và cảm thấy mình cao hơn nhiều so với thú vật. Từ một quan điểm thì có thể nói rằng chúng ta có thân người, và đang tu tập giáo lý của Đức Phật, nên tốt hơn nhiều, so với côn trùng. Nhưng từ một quan điểm khác thì có thể nói rằng côn trùng rất ngây thơ và không mưu mô xảo quyệt, trong khi mình thường nói dối và bóp méo bản thân bằng những cách tráo trở, để đạt được mục đích của mình, hay để làm lợi cho bản thân. Từ quan điểm này thì phải nói rằng mình tồi tệ hơn côn trùng nhiều, vì chúng chỉ lo việc của chúng mà không giả vờ bất cứ điều gì. Đây là một phương tiện để tập tính khiêm nhường.

Kệ Số 3: Đương Đầu Và Ngăn Chận Phiền Não Bằng Pháp Đối Trị Mạnh Mẽ

Nguyện quán sát tâm mình, trong tất cả mọi hành vi, và khi niệm tưởng hay phiền não phát sinh trong tâm thức, tạo nguy cơ cho bản thân và tha nhân, nguyện đương đầu và ngăn chận chúng bằng pháp đối trị mạnh mẽ.  

Nếu như quán xét tâm vào những lúc mình rất ích kỷ và lo lắng cho bản thân, đến nỗi bỏ mặc người khác, thì ta sẽ thấy phiền não là căn nguyên của hành vi này. Vì chúng khiến cho tâm rất xáo trộn, nên khi vừa nhận ra mình đang bị chúng ảnh hưởng thì phải áp dụng một số pháp đối trị ngay.

Pháp đối trị chung cho mọi phiền não là thiền quán về Không tướng (tánh Không); nhưng cũng có những pháp đối trị cho những phiền não cụ thể mà những người mới bắt đầu tu tập như chúng ta có thể áp dụng. Vì vậy, đối với tâm tham ái thì quán về sự xấu xí của đối tượng; đối với tâm sân thì quán về lòng từ; đối với si mê thì quán lý duyên khởi; đối với nhiều tư tưởng phiền não thì thiền về hơi thở và khí.

Vì thấy mọi thứ rất hấp dẫn, nên mình mới sinh tâm quyến luyến. Việc cố gắng xem chúng không hấp dẫn, hay xấu xí, sẽ đối trị tâm tham ái. Ví dụ như ta có thể sinh tâm luyến ái với cơ thể của người khác, thấy hình dáng của người đó rất hấp dẫn. Khi bắt đầu phân tích tâm luyến ái này thì ta sẽ thấy chỉ vì mình nhìn vào lớp da của họ. Tuy nhiên, bản chất của cơ thể này có vẻ đẹp đẽ còn có cả thịt, máu, xương, da, v.v..., tạo ra nó.

Bây giờ, hãy phân tích da người: ví dụ như da của mình. Nếu một mảnh da của mình tróc ra, và mình để nó trên kệ tủ trong vài ngày, thì nó sẽ thấy ghê. Đây là bản chất của da. Tất cả các bộ phận của cơ thể đều giống như vậy. Không có vẻ đẹp trong một miếng thịt người. Khi nhìn thấy máu thì thậm chí mình có thể sợ hãi và không quyến luyến gì với nó. Ngay cả một khuôn mặt đẹp mà khi bị trầy trụa thì không còn gì là đẹp nữa. Trên thực tế thì sự xấu xí là bản chất của cơ thể. Xương người hay bộ xương cũng thấy ghê. Dấu hiệu xương sọ và hai khúc xương bắt chéo mà đặt trên thứ gì cũng có ý nghĩa rất tiêu cực, đúng không?

Thế thì đó là cách để phân tích điều gì mà mình cảm thấy quyến, hay yêu thương – khi sử dụng chữ này theo nghĩa tiêu cực của dục vọng và tham ái. Hãy nghĩ nhiều hơn về mặt xấu xí của đối tượng; hãy phân tích bản chất của người đó hay món đồ này từ quan điểm ấy. Ngay cả khi điều này không hoàn toàn khống chế tâm tham ái của mình, thì ít nhất, nó sẽ điều phục một chút tâm tham. Đây là mục tiêu của thiền quán, hay tạo ra tập khí nhìn vào khía cạnh xấu xí của các thứ.

Loại lòng từ khác, hay lòng nhân từ, không dựa trên lý lẽ rằng “người này và người kia quá đẹp, nên tôi ngưỡng mộ họ, và sẽ nhân từ với họ. Cơ sở cho lòng từ thanh tịnh là, “Đây là một chúng sanh muốn được hạnh phúc, không muốn khổ, và có quyền được hạnh phúc. Dựa trên điều đó mà tôi sẽ phát tâm từ bi với họ.”. Loại lòng từ này hoàn toàn khác với lòng từ đầu tiên, điều dựa vào tâm si mê và vô minh, nên hoàn toàn không có cơ sở.

Những lý do dành cho lòng từ thì hợp lý. Đối với lòng từ mà chỉ đơn thuần là tâm tham ái thì khi đối tượng chỉ thay đổi chút xíu thôi, chẳng hạn như người đó thay đổi thái độ chút ít, thì ngay lập tức, mình cũng thay đổi cái nhìn về họ. Đó là vì cảm xúc của chúng ta dựa vào điều gì rất hời hợt. Lấy ví dụ như một cuộc hôn nhân mới mẻ. Thường thì sau vài tuần, vài tháng hoặc vài năm, cặp vợ chồng ấy sẽ trở thành kẻ thù, và kết thúc bằng một cuộc ly dị. Họ đã kết hôn vì tình yêu sâu đậm, vì không có ai lại kết hôn vì hận thù, nhưng, sau một thời gian ngắn thì mọi việc đã thay đổi. Tại sao? Vì tính hời hợt của mối quan hệ ấy; chỉ một sự thay đổi nhỏ từ người này cũng khiến cho người kia thay đổi thái độ hoàn toàn về họ.

Nên nghĩ rằng, “Người kia cũng là một con người, giống như tôi. Chắc chắn là mình muốn hạnh phúc. Thế thì họ cũng phải muốn hạnh phúc. Là một chúng sanh thì mình có quyền hạnh phúc; nên với lý do tương tự thì người này cũng có quyền được hạnh phúc.”. Cách lý luận hợp lý này sẽ giúp cho lòng từ bi thuần tịnh phát sinh. Sau đó, bất kể quan điểm của mình về người đó sẽ thay đổi ra sao - từ tốt thành xấu, từ xấu thành ghê gớm thì trên cơ bản, họ vẫn là một chúng sanh y như trước. Do đó, vì lý do chính để thể hiện lòng từ luôn luôn có mặt, nên tình cảm của mình đối với người kia sẽ hoàn toàn ổn định.

Hiển nhiên là khi muốn ở gần người mình luyến ái, hay hưởng thụ những món đồ mà mình yêu thích, thì ta sẽ cảm nhận một niềm vui nào đó. Nhưng như ngài Long Thọ (Nagarjuna) đã nói trong Bảo Hành Vương Chánh Luận (Precious Garland; Phạn ngữ: Ratnavali) (169):

Nếu như ta gãi ngứa thì sẽ thấy dễ chịu, nhưng nếu như không bị ngứa thì còn dễ chịu hơn nữa. Tương tự như vậy, việc thỏa mãn dục vọng thế gian thì dễ chịu, nhưng nếu không có dục vọng ấy thì còn dễ chịu hơn nữa.

Mặt khác, pháp đối trị tâm sân là thiền quán về lòng từ. Đó là vì tâm sân là một tâm trạng rất hung hăng và thô bạo, nên phải làm cho nó lắng dịu bằng tình thương.

Đối với tâm si mê thì quán về thập nhị nhân duyên, bắt đầu từ vô minh, trải qua nhiều giai đoạn cho tới lão và tử. Ở mức độ vi tế hơn thì có thể sử dụng lý duyên khởi làm lý do để thiết lập sự kiện rằng vạn pháp đều không có sự tồn tại thật sự được thành lập.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017