Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 12:09 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

BÁT QUAN TRAI GIỚI

| Thursday, 02.03.2023, 08:05 AM |   (249 Xem)


BÁT QUAN TRAI GIỚI

    A. MỞ ĐỀ.

Giáo lý của đức Phật bình đẳng, không phân biệt, đều giúp cho hết thảy chúng sanh tu tập theo giáo lý ấy để đoạn trừ vô minh, thanh tịnh an vui, vượt khỏi sinh tử luân hồi, đạt được giác ngộ giải thoát. Giáo lý của Ngài phổ biến bình đẳng như ánh trăng chiếu diệu khắp muôn phương, không phân biệt núi đồi hay đồng ruộng, nhân loại hay vạn vật. Tuy vậy, những pháp môn dẫn đạo lại có nhiều sai khác vì căn cơ, thức tánh và nghiệp tánh của chúng sinh không đồng. Cũng giống như nước trăm sông khác nhau nhưng cùng chảy về biển cả chung cùng một vị mặn. Giáo pháp tuy nhiều pháp môn nhưng cùng một vị, đó là vị giải thoát. Bởi vậy, hành giả tu tập phải tùy căn cơ và trình độ của mình mà tiếp nhận và hành trì cho nghiêm mật, thì dù bất cứ pháp môn nào cũng đều đến đích, cuối cùng được giải thoát khổ đau.

Bát quan trai giới là một trong muôn ngàn phương tiện mà đức Thế Tôn đã vì hàng cư sĩ tại gia bận rộn nhiều công việc với xã hội, phải sống với hạnh nghiệp của trần gian thì khó có cơ hội để tiến lên con đường giải thoát (trừ Bồ-tát thị hiện). Vì thế, đức Phật đã chế giới Bát quan trai cho hàng cư sĩ tu tập trong một ngày một đêm, thực hành hạnh nghiệp xuất ly. Thời gian tuy ngắn những thực hành đúng như pháp thì công đức và kết quả lợi ích vô cùng… Muốn có công đức và thấy được kết quả, hàng cư sĩ cần phải tìm hiểu ý nghĩa, học tập và thực hành pháp môn Bát quan trai giới này.  

B. CHÁNH ĐỀ

I. Ý nghĩa giới bát quan trai:

Bát quan là tám cánh cửa. Ý nói rằng: chúng sinh tạo tác tám điều sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, uống rượu, trang sức và múa hát cũng như xem nghe hát, ngồi nằm chỗ cao tốt, ăn trái thời… là mở cửa rộng lớn cho mình đi vào con đường tội lỗi, sống chết trôi lăn trong luân hồi ác đạo, nếu muốn giải thoát thì phải đóng tám cửa ấy lại. Nghĩa là phải diệt trừ và tránh tám điều vừa mới kể ở trên. Diệt được tám ác pháp ấy là đóng kín tám cửa, không đi đến cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đồng thời mở tám nẽo đường đi lên địa vị Hiền Thánh.

Trai: Có nghĩa là đúng thời. Trong ba việc ăn, mặc, ở, người đời ham mê bao nhiêu, thì ngược lại kẻ tu hành càng biết kềm chế, xem thường bấy nhiêu. Người tu hành tu tập theo nếp sống tri túc, “trung đạo”; nghĩa là trong cuộc sống đối với ba việc ấy là biết vừa đủ, sống làm sao để giúp cho đường tu ít hệ lụy, nhất là việc ăn uống. Ở trong Luật, trai giới được chia ra làm hai cách là: ăn đúng thời và ăn trái thời. Người tu hành cần phải y theo lời Phật dạy, không nên ăn trái thời; không ăn trái thời gọi là trai. Và chữ “Trai” còn có một nghĩa cao hơn, đó là “Tề”, tức là ngang bằng với cách ăn của chư Phật.

Giới: Còn có khi nói là giới pháp hay giới luật; là những điều Phật dạy không nên làm để ngăn chặn những hành động xấu ác. Nguyên ngữ tiếng Phạn gọi là Sìla (Trung Hoa dịch âm là Thi-la) hay Paratimoksa (Trung Hoa dịch âm là Ba-la-đề-mộc-xoa). Có nghĩa là nếu người nào thực hành được những điều này sẽ được an lạc, giải thoát. Tám trai giới là:

1.   Không được sát sanh.

2.   Không được tà dâm.

3.   Không được trộm cướp.

4.   Không được nói dối.

5.   Không được uống rượu .

6.   Không được trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và xem múa hát.

7.   Không được ngồi giường cao rộng đẹp đẽ.

8.   Không được ăn quá giờ ngọ .

Tám điều này là cả trai và giới gộp lại. Bảy điều trước là giới, điều thứ tám là trai; cộng lại gọi là giới Bát quan trai. Đây là pháp Phật chế cho hàng Phật tử tại gia thực tập hạnh xuất gia trong thời gian một ngày một đêm.

II. Phương pháp thọ giới Bát quan trai.

Theo kinh Thiện Sanh, kinh Tăng nhất A-hàm, đức Phật dạy các hàng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di trong những ngày mùng 1, 8, 14, 15, 23, 30 (lục trai) nên đến trước các bậc xuất gia, phạm hạnh thanh tịnh để cầu thọ trai giới. Đời nay luật và giới đã bị chuyển theo hoàn cảnh quốc độ, mạng sống con người dần dần suy giảm, tâm niệm hẹp hòi, giải đãi nên càng phải uyển chuyển, tùy duyên. Vì thế, sự tu tập phải uyển chuyển tùy tâm phát nguyện. Song dù sao thì có còn hơn không, bởi còn phát nguyện, còn tu trì thì thế nào cũng còn đi đến có ngày giải thoát.

Phương pháp tu giới Bát quan trai có hai cách:

1.   Chánh thọ Bát quan trai: Thọ trì một ngày một đêm vào các ngày mồng 1, 8, 14, 15, 23, 30. Âm lịch

2.   Phụ thọ Bát quan trai: Còn gọi là ngày rước và đưa; tức là trước và sau những ngày chánh thọ, như các ngày mồng 2, 7, 9, 13, 16, 22, 24, 29 (hoặc 28 nếu tháng thiếu), bởi người tại gia thường bị ràng buộc bởi nhiều duyên sự, không thể tức khắc bỏ hẳn để đi tu tập được. Do vậy phải cần dự bị cho thanh tịnh trước một ngày của ngày chánh thọ và sau một ngày để hoàn thành tịnh giới ấy.

Trong hai cách trên, cách chánh thọ phải tìm đến nơi các vị xuất gia cầu thọ, còn cách thức hai thì chỉ cần tự phát nguyện là đủ. Cách chánh thọ vẫn có thể ở nhà để tu tập và hành trì giới pháp được, nhưng trước phải đến thọ với người xuất gia lúc minh tướng vừa xuất hiện. Nhưng nếu hoàn cảnh minh tướng xuất hiện mà liệu chưa đi đến thọ với người xuất gia được thì phải đối trước tượng Phật phát nguyện thọ giới rồi sau đó phải tìm đến người xuất gia để thọ mới đắc giới.

Tóm lại, thọ trì giới Bát quan trai phải 14 ngày mỗi tháng, kể cả chánh thọ và phụ thọ. Nhưng ngày nay hoàn cảnh của Phật tử tại gia khó bề thực hiện được trọn vẹn như thế, thì tối thiểu phải một ngày một đêm, phải phát nguyện thọ phụ trước một ngày một và sau một ngày để được lợi ích.

III. Lợi ích của giới Bát quan trai:

Theo kinh Ưu-bà tắc: “Thiện nam tử, nếu có tìm người xuất gia, lãnh thọ ba pháp quy y, tám trai giới (xướng ba lần) trong một ngày một đêm thì người ấy hoàn thành trai giới, giới thể được thanh tịnh dù chỉ một ngày một đêm nhưng lợi ích rất lớn”.

“Qua đêm sau, khi minh tướng xuất hiện thì giới ấy hết và giới ấy không được sự thọ trước tượng Phật mà phải thọ với người xuất gia. Thọ rồi căn bản thanh tịnh, cứu cánh thanh tịnh, trang nghiêm thanh tịnh, tâm niệm thanh tịnh, giác quan thanh tịnh, sự mong cầu và kết quả cũng được thanh tịnh. Thế gọi là ba pháp quy y và tám trai giới thanh tịnh”.

“Thiện nam tử, thanh tịnh thọ trì ba quy y và tám trai giới như vậy thì diệt trừ được năm tội nghịch và tất cả tội lỗi khác cũng đều tiêu diệt. Tám giới này không được hai người cùng nói thọ một lần”.

“Năng lực của tám giới này có thể làm cho đời sau thọ thân không làm điều ác. Những ai có trách nhiệm muốn tổ chức thọ ba quy y và tám trai giới này, trước hết phải khuyến khích thuộc địa phận của mình, trong một ngày đêm sắp thọ ấy, đình chỉ tất cả mọi điều ác, kể cả các loại hình phạt. Nếu thanh tịnh thọ trì trai giới như vậy thì người ấy được vô lượng an lạc cho đến đạt được cảnh giới giải thoát Niết-bàn an lạc”.

IV. Giải thích rõ tám điều răn cấm nói trên

1. Không được sát sanh: Chúng sanh mặt dù hình dáng có khác nhau, nhưng cùng có một điểm quan trọng giống nhau là tham sống sợ chết, biết đau khổ vui mừng. Không cần phải dẫn chứng cho xa xôi, ngay trong sự quan sát hàng ngày, chúng ta cũng nhận thấy: cá thấy người cá lội xa, chim thấy người chim bay, người thấy cọp người lẫn trốn, vì đều sợ lâm nguy đến tính mạng cả. Khi bị bắt, chim cá hay người đều tìm cách để cố trốn thoát, và khi được thả ra, thoát chết thì chao ôi! Còn gì sung sướng cho bằng. Nhận thấy được sự ham sống sợ chết, nỗi vui mừng, đau xót của muôn loài như thế, mà chúng ta còn cố tâm giết hại sanh mạng thì thật là nhẫn tâm, tàn ác vô cùng.

Từ trước đến nay, loài người đã giết hại rất nhiều, bằng đủ phương tiện: nào làm lưới để bắt cá dưới nước, hoặc dùng cung tên, súng đạn để bắn cầm thú trên đất... và nhất là dùng đủ mưu mô kế để giết hại chém giết lẫn nhau. Phật tử chính là những người theo đạo từ bi không nên sát hại, nhất là sát hại người. Còn đối với loài vật thì vì Phật tử tại gia còn phải nhiều chướng duyên trong gia đình và xã hôị nên khó tránh. Vậy ít ra trong ngày thọ bát quan trai giới người Phật tử tại gia không nên giết hại, không khuyên người khác giết hại, không tỏ ý vui mừng khi thấy người khác giết hại. Mặc dù chỉ một ngày đêm giữ giới nhưng lợi ích thì vô cùng.

2. Không được trộm cướp: Như đã trình bày ở bài Ngũ giới, trộm cướp nghĩa rất rộng. Những vật thuộc quyền sở hữu của người ta từ cây kim ngọn cỏ cho đến nhà cửa ruộng đất, vàng bạc kho báu... không được không cho mà lấy. Ngay cả các việc khác như trốn thuế, hối lộ, gian xả o trong đo lường tất cả đều thuộc về tội trộm cướp. Nỗi khổ mất tiền, mất của của mình như thế nào thì nỗi khổ của họ cũng như thế ấy, phải suy lòng ta nghĩ ra lòng người, và không được vô cớ lấy của không cho. Trong khi thọ Bát quan trai chúng ta phải tâm niệm rằng: như chư Phật suốt đời không trộm cướp con nguyện một ngày không trộm cướp, không nghĩ đến trộm cướp, không khuyên người khác trộm cướp, không đồng tình với người trộm cướp... không những thế chúng con còn nguyện bố thí cho những người nghèo kho, túng thiếu...

3. Không được dâm dục: Tất cả các kinh điển đều dạy: "dâm dục là cái gốc của sanh tử luân hồi, không trừ được dâm dục thì không bao giờ đạt tới cảnh giới Niết Bàn". Không đoạn trừ dâm dục mà tu giải thoát Niết bàn thì cũng như người nấu cát mà muốn thành cơm vậy. Theo bài Năm giới, Phật tử tại gia không bắt buộc phải đoạn tận dâm dục, nên đức Phật chỉ cấm tà dâm, nhưng trong bài nầy đức Phật cấm tuyệt đối không được dâm dục, vì lẽ rằng ngày thọ trì Bát quan trai giới thì phải tuyệt đối giữ tâm ý trong sạch, không được hành dâm và cũng không được để tâm nghĩ đến chuyện dâm dục... Nếu giữ giới này được thanh tịnh thì dù chỉ một ngày một đêm cũng đã đạt được nhiều lợi ích.

4. Không được nói dối: Nói dối tức là miệng nói tâm nghĩ trái ngược nhau. Có bốn cách nói dối đó là: nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi và nói ác khẩu. Nói dối là nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ, ganh ghét nhau. Điều tai hại nhất của người hay nói dối là khi nói thật người khác sẽ không tin mình nữa, ấy là nguyên nhân dẫn đến sự không tin tưởng nhau rồi gây gổ, oán thù nhau. Phật tử không nên nói dối cho dù ở thời gian nào, địa điểm nào và rèn luyện làm sao để tâm tư không còn nghĩ đến chuyện nói dối. Đặc biệt trong ngày thọ Bát quan trai thì nhất định không được nói dối. Hành trì được như vậy thì cho dù chỉ một ngày đêm chúng ta cũng có lợi ích vô cùng.

5. Không được uống rượu: Rượu có thể làm say, tâm trí bấn loạn, hành động tội lỗi sai trái, có thể làm cho ta đoạ lạc trong tam đồ, khốn khổ. Trong kinh, luật đức Phật dạy rằng: "Thà uống nước đồng sôi, cẩn thận chớ phạm đến rượu". Như thế, chúng ta không những không nên uống rượu mà chúng ta còn không được mang rượu cho người khác uống, không khuyên người khác uống rượu, không được thấy người khác uống rượu mà vui mừng, không được ưa thích đến quán rượu... trong những ngày thường cũng như những ngày trai giới. Tuy nhiên nếu người nào đó bị bệnh, không rượu không thể chữa được thì có thể cho phép dùng rượu, khi lành bệnh rồi thì không được dùng nữa. Trong ngày thọ bát quan trai giới thì tuỵệt đối không nên dùng rượu.

6. Không trang sức, múa hát và xem múa hát: Năm giác quan của chúng ta tức là: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân là năm cánh cửa quan trọng, chúng có công năng giúp chúng ta đạt đến Niết bàn mà cũng có thể đẩy ta vào chốn địa ngục. Vì vậy, chúng ta phải làm sao để mở những cánh cửa ấy về nẽo thanh tịnh thì chúng ta sẽ được giải thoát, ngược lại nếu chúng ta mở những cánh cửa ấy về nẽo ô trược thì chúng ta nhất định sẽ bị rơi vào địa ngục. Dùng những thứ dầu thơm, nước hoa, nghe ca hát, nhảy múa đó là mở cánh cửa để đi về cõi dục lạc, làm tăng trưởng ngã chấp về thân giả huyễn nầy, khiến chúng ta phải đắm đuối yêu thích để rồi sanh luyến ái, không thể nào giải thoát được. Đặc biệt, trong những ngày thọ trì Bát quan trai giới thì tuyệt đối không được phạm. Chúng ta sống không thể thiếu sự chăm sóc và rèn luyện cho thân thể sạch sẽ và khỏe mạnh, nhưng trang điểm không phải đồng nghĩa với sự chăm sóc cơ thể. Ngày trai giới mặc dù chúng ta không nên trang điểm nhưng phải thân tâm phải sạch se, như thế công năng của việc thọ trì giới Bát quan trai mới thành tựu.

7. Không được nằm ngồi giường quá cao sang, đẹp đẽ: Giới cấm này giúp Phật tử ngăn ngừa tâm buông lung theo sự hưởng thọ năm dục nên Phật chế ra giới cấm này. Xưa ngài Ngộ Đạt vì thọ nhận bảo toạ bằng trầm hương của vua Y Tôn, từ đó mà khởi lên vọng niệm danh lợi để rồi cuối cùng phải chịu nhiều tai vạ và khổ đau. Ngài Hiếp Tôn Giả một đời chỉ ngồi trên một chiếc chiếu, ngài Cao Phong Diệu Thiền Sư ba năm không ngồi giường cao là vì sao! Vì hiểu rõ sự ngồi sang, nằm tốt làm cho con người tăng thêm dục vọng khổ đau nên đức Phật chế ra giới nầy. Chúng ta là Phật tử tại gia nếu chưa làm được hàng ngày thì nên thực hành vào những ngày thọ giới Bát quan trai một cách triệt để, như vậy mới xứng đáng được phần nào với hai chữ Phật tử.

8. Không được ăn quá giờ ngọ: Trong kinh Phật dạy: "Chư thiên ăn buổi sáng, chư Phật thọ trai giờ ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, quỷ ăn vào buổi tối, xuất gia học Phật không được ăn sai ngọ" . Ăn đúng ngọ sẽ được những điều lợi ích sau đây:

a)   Ít móng tâm sai quấy.

b)  Ít buồn ngủ.

c)   Dễ được tịnh tâm

d)  Nhẹ bụng, khinh an.

e)   Thân tâm  an ổn, ít sanh bệnh.

Nếu bị bệnh, Phật tử được phép dùng sau giờ ngọ nhưng phải sanh lòng hổ thẹn khi ăn. Người thọ giới Bát quan trai nên giữ gìn 8 điều này cẩn mật để có được lợi ích cho mình và cho mọi người, trong đời hiện tại cũng như vị lai.

C. KẾT LUẬN:

Bát quan trai giới là một phương pháp tu hành vô cùng thiết thực và có lợi ích cho người Phật tử tại gia, tuy chỉ một ngày một đêm nhưng còn quý gấp bội phần đối với những người cả đời không biết tu tập. Phương pháp này hầu như phù hợp với tất cả mọi căn cơ, trình độ, bất cứ ai cũng có thể thực hành được. Một ngày đêm chính là nền móng cho nhiều ngày, tháng về sau và dần dần thực hành như vậy sẽ đưa đến kết quả lớn, lợi ích lớn, nếu thực hành suốt đời thì công đức sẽ tăng trưởng vô lượng. Cụ thể như:

§  Nhờ giới thứ nhất, không sát sanh, chúng ta sẽ không bị nặng nề bởi mùi tanh hôi của cá thịt, chúng ta không giết hại thì thân tâm sẽ được nhẹ nhàng, không làm tăng trưởng ác tính. Đặc biệt nghiệp sát sanh nhờ vào sự thọ trì giới Bát quan trai nầy mà có thể được tiêu trừ, thiện nghiệp phát sinh và ưa thích phóng sanh nữa.

§  Nhờ giới thứ hai, không trộm cướp, tâm tư chúng ta sẽ được hồn nhiên, vô tư vì tâm tham lam không hiện hữu, không cảm thấy lo sợ bởi hành động trộm cướp, tâm tư lúc nào cũng được thư thái, nhẹ nhàn.

§  Nhờ giới thứ ba, không dâm dục, chúng ta sẽ luôn luôn được thanh tịnh, không gây thù kết oán, không phá vỡ hạnh phúc của kẻ khác, giúp cho chúng ta sáng suốt để dễ dàng tiếp thu giáo pháp của đức Phật.

§  Nhờ giới thứ tư, không nói dối, tâm chúng ta sẽ không tà vạy, luôn luôn ngay thẳng, chơn thật. Đối với những người xung quanh chúng ta giữ được chữ tín, mọi người sẽ không còn nghi ngờ ta nữa.

§  Nhờ giới thứ năm, không uống rượu, tâm chúng ta sẽ luôn luôn được tỉnh táo, thân không bị loạn động, không làm cho tổn hại sức khỏe và không đoạn mất chủng trí Phật.

§  Nhờ giới thứ sáu, không trang sức, múa hát và xem múa hát, tâm chúng ta sẽ không bị buông lung theo dục lạc, không bị lôi cuốn bởi những thú vui làm tán loạn tâm trí, mất tín tâm Phật, Pháp, Tăng, và luôn luôn quán rõ thân nầy vô thường nên không ít phiền não, khổ đau.

§  Nhờ giới thứ bảy, không được nằm giường qúa cao rộng và đẹp, tâm chúng ta sẽ rời bỏ những tạp niệm ưa thích cao sang phù phiếm, rời bỏ nếp sống phóng túng, truỵ lạc nhiễm ô.

§  Nhờ giới thứ tám, không ăn quá giờ ngọ, tâm chúng ta được sáng suốt, thân được nhẹ nhàng, ít bệnh tật, không gây sự thèm khát cho những người nghèo khó,  cũng như ngạ quỷ, súc sanh...

Việc lợi ích to lớn như vậy, người Phật tử tại gia phải chuyên tâm thực hành, ngỏ hầu thu hoạch được lợi ích lớn trong quá trình tu tập để tiến đến giải thoát an vui. Trong khi thực hiện chúng ta không thể tránh khỏi những nghịch duyên, vì vậy dù bận rộn với công việc trong cuộc sống, các Phật tử hãy cố gắng đến chùa để tu bát quan trai, càng nhiều càng tốt, nếu không đi được thì thực hành ở nhà, nhưng ở chùa bao giờ cũng thanh tịnh trang nghiêm và tốt hơn. Ngoài việc đến chùa để tu học, các Phật tử còn có trách nhiệm phải khuyên người trong thân quyến của mình tu học giới Bát quan trai như mình và khuyên người khác tu học như mình. Như thế lợi ích không những cho chính mình và bà con gia đình của mình mà còn xóm làng và xã hội cũng được lợi lạc vô cùng.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017