Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 12:09 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

NHÂN QUẢ

| Friday, 03.03.2023, 05:42 AM |   (274 Xem)


NHÂN QUẢ

A. Mở Đề:

Tất cả các hiện tượng tâm lý, vật lý trong vũ trụ vạn hữu luôn luôn chuyển biến vận hành theo một định luật nhất định. Sự chuyển biến vận hành đó Phật giáo gọi là sự vô thường, còn quy luật của sự vận hành chuyển biến đó được gọi là định luật nhân qủa. Ví như mưa là kết quả, mây là nguyên nhân. Mây là kết quả, hơi nước là nguyên nhân... Định luật Nhân-quả là một định luật hiển nhiên, có tự ngàn xưa không do một đấng sáng thế hay thần linh nào tạo ra nó. Có thể nói, định luật Nhân-quả là tiêu chuẩn luân lý đạo đức của con ngừơi, nó khiến con người phải tránh xa những cái ác và làm những điều thiện. Nhân qủa là vị quan tòa sáng suốt và bình đẳng nhất. Những người lưu manh xảo quyệt có thể lẫn tránh dư luận, qua mặt sự thưởng phạt của pháp luật, nhưng họ chẳng thể tránh khỏi luật nhân qủa. Kẻ làm ác thì nhất định sẽ chịu quả ác, người hành thiện thì nhất định sẽ có kết quả thiện.

Nhân chính là năng lực phát động, qủa chính là sự hình thành của năng lực phát động đó. Nhân và quả là hai trạng thái nối tiếp nhau, tương quan tương duyên với nhau, nương nhau mà có. Có nhân thì có quả, không nhân thì không quả và ngựơc lại. Tuy nhiên, nguyên tắc này có sự sai khác trong quan niệm Nhân-quả của Phật giáo. Theo Phật giáo, trong Nhân-quả có một yếu tố quan trọng, là động cơ vận hành dòng Nhân-quả, đó là nghiệp. (Điều này sẽ được trình bày rõ trong bài Nghiệp báo).

B. Chánh Đề:

I. Khái quát về Nhân-quả:

Nhân-quả là gì? Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Trong sự hình thành của tất cả các pháp thì nhân là năng sanh, quả là sở sanh tức pháp nào có khả năng sanh ra kết quả gọi là nhân, còn pháp nào từ nhân sanh ra gọi là quả. Về mặt quan hệ nhân qủa thì theo thời gian thì nhân có trước, quả có sau gọi là Nhân-quả khác thời. Nhưng về mặt không gian thì Nhân-quả nương nhau mà thành không có trước sau, chúng sanh diệt liên tục, vừa làm nhân vừa làm quả cho nhau chúng ta không biết đâu mà lường được.

Theo Phật giáo thì tương quan Nhân-quả của các sự vật trong hiện tượng giới là tương quan theo vòng tròn xoắn ốc, mỗi hiện tượng vừa là kết quả vừa là nguyên nhân. Tương quan này chính là tương quan Duyên sinh. Bởi vậy, một kết quả thành tựu không phải do một nguyên nhân sanh mà do nhiều nguyên nhân kết hợp lại. Nguyên nhân chính gọi là Nhân, nguyên nhân phụ gọi là Duyên. Do vậy nói Nhân-quả thì chưa đủ mà phải nói là Nhân duyên quả. (nhân + duyên = quả)

Ngài La Thập nói: "Lực cường vi nhân, lực nhược vi duyên". Nghĩa là lực tác động mạnh là nhân, lực tác động yếu là duyên.

Luận Chỉ quán quyển 5 nói: "Chiêu quả vi nhân, duyên danh duyên do". Nghĩa là : gây ra qủa là nhân, cái mà nhân nương vào mà thành gọi là duyên.

Trong luật Nhân-quả có một yếu tố quan trọng đó là Nghiệp. Nghiệp là tác nhân chính giữa khoảng cách từ nhân đến quả. Một nguyên nhân có đưa đến kết quả hay không là tùy theo vào nguyên nhân đó có tạo thành nghiệp hay không. Một hành vi động tác mà không tạo nghiệp thì không thể đưa đến kết qủa. Mặt khác, nghiệp chính là kết quả của sự tác ý- tức là khi chúng ta nói năng hay hành động thì sanh thọ dụng, khởi lên cảm giác khổ vui, thương ghét...Chúng ta phần nhiều sống theo vọng thức, phân biệt, nên mọi hành động đều có tạo nghiệp, vì vậy phải tuân theo sự chi phối của Nhân-quả.

II. Các loại Nhân-quả và đặc điểm của chúng:

1). Nhân-quả đẳng lưu:

Đẳng là cùng nhau, giống nhau, lưu là dòng. Nhân-quả đẳng lưu là nhân và quả có những tính chất như nhau, nghĩa là quả có được từ những nhân đồng loại. Nhân lành thì quả lành, nhân dữ thì quả dữ...chúng ta muốn có cam thì phải gieo hạt cam, muốn có đậu thì phải gieo hạt đậu, không thể muốn có cam mà lại gieo hạt đậu được. Người học đàn thì biết đàn, người học chữ thì biết chữ, không thể người học chữ mà lại biết đàn... nói chung nhân và quả đồng loại, nhân đổi thì quả đổi và ngược lại. Trong văn học, một số câu ca dao đã âm thầm nói lên Nhân-quả đẳng lưu như: “Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa.” Hoặc: “Trứng rồng lại nở ra rồng.Liu điu lại nở ra giòng liu điu”.

2). Nhân-quả dị thục :dị thục có ba loại.

a.    Dị thời nhi thục:

Nhân được tạo ra nhưng khi khác mới chín để tạo thành quả. Chẳng hạn: đất nước ta muốn độc lập thì phải trãi qua bao thế kỉ chinh chiến, chúng ta muốn có một cây cam có trái thì phải trãi qua một thời gian chăm bón kể từ ngày trồng nó, một đứa bé muốn thành một Giáo sư, một Tiến sĩ thì phải trãi qua 20 năm học tập...

b.    Dị loại nhi thục:

Quả và nhân không giống nhau, khi quả chín sẽ có những biến đổi, không còn giữ nguyên tính chất của nhân nữa. Chúng ta gieo hạt mít để thành cây mít nhưng cây mít thì không phải trái mít, chúng ta nặn đất và nung nó thành cái bình thì cái bình đó không còn là đất nữa.

c. Biến dị nhi thục:

Quả được chín do sự biến đổi của nhân. Quả này do sự tác động quá mạnh của duyên nên khi chín nó có thể không còn dáng dấp gì của nhân nữa. Như trứng gà là nhân, nở ra con là quả. Con gà không còn mang dáng dấp gì của trứng nữa.

Nói chung cả ba loại dị thục này đều chịu sự tác động thuận hay nghịch của duyên làm chúng có thể đến sớm hay muộn, khác đi hoặc mất hết tác dụng ban đầu.

Như câu ca dao ở trên "con vua ....lá đa" đó là chưa kể đến sự tác động của duyên (nạn binh đao). Đến khi có sự chi phối của duyên (giặc dã) thì con vua cũng có thể phải đi quét chùa (bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa). Vì vậy chúng ta không lạ gì chuyện người làm việc ác nhỏ mà bị đọa địa ngục, người làm chuyện ác tày trời mà lại không bị đọa.

Đến đây chúng ta tìm hiểu về sự hiện hành của Nhân-quả qua ba thể loại để hiểu thêm về nghi vấn này.

Thời gian từ nhân đến quả của cac lọai Nhân-quả không giống nhau, quá trình này được chia làm ba loại:

1-    Hiện báo: tức là hành động phát ra liền nhận được kết quả, như phát một lời mắng nhiếc người ta liền bị người ta mắng lại, đánh người khác một cái liền bị người khác đánh lại...

2-    Sanh báo: tức là nhân tạo ra đời này nhưng đời sau mới thọ quả.

3-    Hậu báo: tức là nhân tạo ra đời này nhưng rất nhiều đời sau mới thọ báo.  Điều đó giải thích nguyên nhân vì sao có nhiều người đời này làm ác và vẫn được hạnh phúc an lạc. Hạnh phúc an lạc là do thiện nghiệp của họ trong đời quá khứ hiện hành trong đời này.  Nhiều người hiện tại sống lương thiện mà vẫn bị  khổ đau, bế tắc là do ác nghiệp trong đời quá khứ của họ hiện hành trong đời này. Vì thế chúng ta không lạ gì có người đời nay sống hiền mà lại không gặp lành, kẻ ở ác mà lại gặp thiện, đó chính là do sự sai khác thời gian chín muồi của các loại nghiệp thức. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức sáng suốt rằng sống lương thiện thì nhất định có kết quả tốt, không sớm thì muộn. Hành động hiện tại của chúng ta được mọi người tán thán, tôn trọng, nên biết vào đời vị lai nhất định sẽ đựơc lạc báo.

III. Một số Nhân-quả có tương ứng nhất định:

Nhân quả là một vấn đề vi tế khó bàn cải. Trong kinh Tăng Chi I, đức Phật dạy: ”Có bốn phạm trù không thể tư duy: Phật giới, thế giới của tâm, thièn định của người tu thiền và qủa dị thục của nghiệp". Tuy vậy, chúng ta cũng có thể nêu ra một vài một vài vấn đề Nhân quả tương ứng theo một số kinh điển như sau:

-       Người phạm tội ngũ nghịch (giết cha, mẹ, giết A la hán, phá hòa hợp tăng, hại người phát tâm vô thượng và làm Phật chảy máu) thì phải đọa Vô gián địa ngục.

-       Người tham lam ích kỷ, bỏn xẻn, hay cướp đoạt tài sản kẻ khác sau khi chết phải đọa vào cảnh giới ngạ quỷ.

-       Người kiêu mạn phóng dật, hà hiếp người yếu, sân si hung tợn sau khi chết phải đọa làm những loài thú dữ như hổ báo, sài lang...

-       Người có tánh hay trêu ghẹo đời sau sẽ sanh làm các loài như khỉ, vượn, tinh tinh...

-       Người giữ gìn nhân luân đạo lý, thọ trì năm giới cấm của Phật, biết bố thí cúng dường..đời sau được sanh làm người.

-       Người giữ gìn mười thiện nghiệp, tu hạnh bố thí...đời sau được làm trời..

Tuy nhiên, mọi trường hợp thác sanh đều chịu sự ảnh hưởng của cận tử nghiệp (nghiệp lúc sắp chết) thì mới có quyết định rõ ràng.

IV. Sự tác động của yếu tố nội tâm vào Nhân quả.

Như trên đã trình bày, có nhiều trường hợp do yếu tố nội tâm tác động quá mạnh làm cho qúa trình từ nhân đến quả thay đổi. Hai người cùng làm một việc ác nhưng một người thì bị đọa, một người thì không, vì sao?

Người không bị đọa là do yếu tố nội tâm (tuệ giác) can thiệp quá mạnh còn người kia thì không. Cùng một việc ác nhưng xảy đến với người không tu tập giới định tuệ thì quả báo sẽ nặng, còn nếu xảy đến với người tu tập giới định tuệ, có từ tâm vô lượng thì quả báo sẽ nhẹ đi hoặt không đáng kể. Vấn đề này đức Thế tôn đã dạy trong Kinh Tăng Chi, phẩm Hạt muối rằng: như một nắm muối thả vào trong một tô nước thì tô nước sẽ mặn, còn nếu thả vào trong một hồ nước thì xem như không đáng kể. Thế gian cũng nói: "Bà chúa đứt tay bằng ăn mày đổ ruột". Cái đứt tay của bà chúa thì sẽ đau đớn như người ăn mày đổ ruột, còn cái đứt tay của người ăn mày thì xem như không đáng gì.

Qua hình thức trình bày này, Nhân quả hiện lên không phải là một định luật khô khan, cứng cỏi. Nó đã thành một định luật sống động với đầy đủ tính chất biện chứng, dịch biến được xây dựng trên nền tảng của Duyên khởi, vô ngã. Dưới ánh sáng của Nhân quả, mọi thứ đều được soi sáng, phơi bày. Quan niệm Thần linh Thượng đế, vấn đề ban phước giáng họa sẽ không còn tồn tại tring quy tắc Nhân quả.

C. Kết Luận:

Nhân-quả là nền tảng của luân lý và đạo đức Phật giáo. Giáo lý Nhân-quả giáo dục chúng ta sống tránh xa những việc ác và làm những việc lành, góp phần cải tạo xã hội, bài trừ tệ đoan, loại bỏ dị đoan mê tín...Nếu chúng ta áp dụng giáo nghĩa nhân qủa vào cuộc sống hàng ngày thì lợi ích sẽ không lường được.

Mọi hành động đều có sự báo ứng, vì thế trước khi hành động chúng ta phải nghĩ ngay đến hậu quả để tránh xa ác nghiệp. Kinh Pháp cú thí dụ dạy: "Muốn biết nguyên nhân ngày trước hãy xem kết qủa hiện tại, muốn biết kết quả tương lai hãy nhìn hành hiện tại." Cổ nhân có dạy:

Thiện ác đáo đầu chung hữu báo

Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.

Nghĩa là việc lành hày việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau là ở chỗ đến sớm hay muộn mà thôi. Phật giáo không dừng lại ở vấn đề "không làm điều ác, làm các điều thiện" mà phải đạt tới "tự tịnh kỳ ý". Bởi vậy, là người Phật tử thì phải sáng suốt nhìn nhận việc làm của mình, không những không làm điều ác, làm những việc lành mà phải làm sao không còn manh nha nghĩ đến điều ác nữa, đó mới là sự thành tựu tối thắng của người con Phật./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017