Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Friday, 10.05.2024, 06:10 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

TỨ NHIẾP PHÁP

| Thursday, 09.03.2023, 05:41 AM |   (246 Xem)


TỨ NHIẾP PHÁP

A. MỞ ĐỀ:

Đức Phật sau khi thành đạo liền nghĩ đến việc hóa độ chúng sanh. Nhưng giáo lí của Ngài thì thậm thâm vi diệu mà căn cơ chúng sanh thì bất đồng, rất khó giáo hóa giáo nghĩa vô thượng. Nghĩ thế Ngài liền khai mở Tam thừa, vận dụng tám vạn bốn ngàn pháp môn để tiện việc giáo hóa, nhờ vậy mà trong vòng 45 năm thuyết pháp, Ngài đã thành công. Người muốn tu hạnh tự lợi thì Ngài dạy Thanh văn thừa, người muốn tu hạnh lợi tha thì Ngài dạy Bồ tát thừa...một trong những phương pháp giáo hóa hữu hiệu nhất đó là Tứ nhiếp pháp. Tứ nhiếp pháp được xem là một nghệ thuật cảm hóa lòng người ưu việt nhất. Nghệ thuật ở đây không phải là mưu chước mà là một hành động có sức giáo hóa mãnh liệt. Người nào thực hiện được Tứ nhiếp pháp thì người đó thành công trong mục đích cảm hóa lòng người. Với ý nghĩa đó, Phật giáo lấy Tứ nhiếp pháp để làm công cụ nhiếp hóa chúng sanh, nhờ vậy mà thành tựu được tinh thần khế cơ, khế lí, giáo hóa vô lượng chúng sanh.

B. CHÁNH ĐỀ:

I. Định Nghĩa:

Tứ nhiếp pháp là gì? Đó là Bố thí nhiếp, Ai ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp, Đồng sự nhiếp. Bố thí là sự ban bố của cải vật chất hoặc ban bố giáo pháp...Ai ngữ là lời nói êm ái, dịu dàng, làm cho người nghe thích thú. Lợi hành là làm lợi ích cho người khác bằng hành động, lời nói hoặc ý nghĩ... Đồng sự là bằng mọi cách để gần gũi, tham gia vào công việc của người ta để dễ bề giáo hóa họ.

II. thực hiện Tứ nhiếp pháp:

1)     Bố thí nhiếp:

Là nhiếp hóa chúng sanh bằng cách bố thí. Hạnh bố thí là hạnh của Bồ tát, là một trong sáu pháp Ba la mật của hàng Bồ tát.

Lòng ích kỉ của chúng sanh là nguyên nhân chính của mọi cuộc chiến trên thế giới, mọi cảnh tượng nồi da xáo thịt của chiến tranh đều bắt nguồn từ lòng ích kỉ. Ở đâu cũng vậy, hễ lòng tham lam, ích kỉ còn thì còn hỗn loạn, chiến tranh. Những âm mưu thủ đoạn trên tình trường, thương trường hay chiến trường đều là hậu quả của lòng ích kỉ. Đạo Phật vì muốn đem lại an ổn cho chúng sanh mà dạy phương pháp bố thí. Bố thí có ba loại.

a.    Tài thí:

Là bố thí bằng vật chất, tiền tài cứu vớt người thiếu thốn, hoạn nạn. Trần gian kẻ giàu người nghèo là chuyện thường, có người giàu ăn không hết, có kẻ nghèo làm không ra. Người thì thiếu ăn, kẻ thì thiếu mặc...Người Phật tử có bổn phận giúp đỡ những người đó, có tiền thì giúp tiền, có gạo thì giúp gạo, có thuốc thang thì giúp thuốc thang ...nói chung có gì thì giúp nấy. Cổ nhân thường nói: "Miếng khi đói bằng gói khi no, của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn vàng". Bởi thế, chúng ta đừng ngại không có tiền kho bạc đống, ngọc ngà châu báu để bố thí mà ngại không có tấm lòng thương người, xót vật. Dù chỉ một chút tiền của mà thành tâm bố thí thì công đức ấy cũng không thể lấy gì so sánh được. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình nghèo không đủ khả năng bố thí rồi sanh lòng tự ti mà trở nên hẹp hòi. Một bát cơm, một bát nước, một bộ áo quần cũ lẽ nào chúng ta không có.?

b.    Pháp thí:

Là bố thí bằng giáo pháp. Giáo pháp ở đây chỉ cho giáo lí của Đức Phật và những bậc Thánh tức là chỉ cho Tam tạng kinh điển. Pháp thí nghĩa là đem những giáo lí quý báu ấy, mà giảng dạy cho chúng sanh, khiến họ sanh tâm hoan hỉ mà tu hành theo giáo lí Đức Phật. Pháp thí là cách bố thí hữu hiệu nhất, có năng lực nhất. Chúng sanh đang mê mẫn trong ba nẽo sáu đường, bị nghiệp thức dẫn dắt, không tự thức nghiệp duyên, vì thế mà cần sự tỉnh thức. Người Phật tử bố thí bằng giáo pháp tức là làm cho chúng sanh thấy được luật nhân qủa để tu hành thiện pháp, sớm thoát khỏi biển sanh tử, luân hồi.

Pháp môn của Đức Phật có vô lượng, vì thế người dùng giáo pháp mà bố thí cũng có vô lượng cách, chúng ta đừng tạ hạ thấp mình cho rằng mình kém cõi Phật pháp, không thể bố thí pháp, một câu kinh câu kệ một lời nói hợp với chánh pháp, có thể dùng để bố thí, khuyên người khác tụng kinh, trì chú, bố thí, cúng dường, ăn chay, niệm Phật...cũng là một cách bố thí pháp. Nói chung bất kì trường hợp nào người Phật tử cũng có thể bố thí pháp được.

c.     Vô úy thí:

Là bố thí tâm không sợ hãi. Sợ hãi là tâm thông thường của mọi chúng sanh trong cõi giả tạm đau khổ này. Người Phật tử phải có lòng từ bi, cố gắng làm sao cho mọi người hết lo sợ. Cái sợ thông thường nhất của mọi chúng sanh là đau ốm chết chóc, cái sợ tiếp theo là sợ gian khổ đói nghèo. Giữa cuộc sống bình nhật người thì sợ chó kẻ sợ mèo, người sợ ma, kẻ sợ tai nạn...trong những trường hợp đó người Phật tử phải bố thí cho họ bằng nghị lực của mình, khuyên họ cố gắng lên để sống, mọi cái không có gì đáng sợ, chết chóc là chuyện thường tình không ai tránh khỏi. Cổ nhân có dạy: "Nhân sanh thế thượng thùy vô tử" (nghĩa là:  người sống trong đời ai không chết). Vậy, đau ốm, chết chóc có gì đáng sợ! Khi một người nào đó sắp chết thì một Phật tử phải khuyên họ niệm Phật A-di-đà, niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm, Địa Tạng...để có lòng tự tin khi phải đối mặt với tử thần. Nói chung trong mọi trường hợp người Phật tử đều có thể tùy cơ ứng biến, bố thí tâm không sợ hãi cho mọi người.

Tóm lại bố thí là phương pháp hữu hiệu để cho người Phật tử tu tập. Bố thí làm cho chúng ta có công đức vô lượng, muốn có công đức vô lượng thì phải có tâm vô lượng mà bố thí, tức là bố thí không còn thấy mình nữa (vô tướng thí). Phương pháp cao nhất là Bố thí ba la mật. Chúng ta có thể tu hạnh bố thí này để đạt đến Giải thoát, Niết bàn theo tinh thần Kinh Kim Cang. Đã là Phật tử thì không thể không tu hạnh bố thí.

2)  Ái ngữ nhiếp:

Ái ngữ tức là lời nói dịu dàng, êm ái. Ái  ngữ nhiếp tức là dùng lời nói êm ái, dịu dàng đúng chánh pháp để nhiếp hóa chúng sanh khiến họ theo mình mà tu hành thánh đạo. Người đời phần nhiều ỷ quyền, cậy thế, hà hiếp dân lành, nói năng cộc cằn, thô tục thiếu văn hóa, làm cho người nghe chán ghét không phục tùng. Cổ nhân có dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua .Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Lời nói êm ái dịu dàng là một thứ của báu mà bất cứ ai cũng có thể có được, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, lại rất dễ thực hiện. Người Phật tử không những nói năng dịu dàng mà còn đúng Chánh pháp nữa, như thế lời nói ấy mới đủ công năng nhiếp hóa người. Một lời nói tuy đơn giản nhưng có thể làm cho chúng ta vinh quang, thành đạt và cũng có thể làm cho ta tan gia bại sản, thân bại danh liệt như sách Nho nói "Nhất ngôn khả dỉ hưng bang, nhất ngôn khả dỉ tán bang" và người xưa cũng nói:"Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập", cái họa từ miệng mà ra, bệnh tật từ miệng mà vào.

3)      Lợi hành nhiếp:

Là dùng lời nói hành động ý nghĩ của mình để làm lợi cho mọi người, khiến họ sinh tâm hoan hỉ mà theo ta học đạo. Lợi hành là việc làm của hàng Bồ tát, tuy nhiên trong cuộc sống bình thường, chúng ta cũng có thể thực hiện được.chúng ta hẳn đã nghe qua câu chuyện của Ngài Địa Tạng Bồ tát rồi chứ! Ngài suốt đời đắp đường, gánh đất tạo mọi phương tiện thuận lợi cho khách bộ hành đi lại được đễ dàng. Ngài thấy người già gắnh nặng, giúp trẻ đưa người qua sông, cứu nguy cho người đi thuyền ngược nước...vì vậy Ngài đã nhiếp hóa vô số chúng sanh.

Lợi hành là công việc không phải khó, bất cứ ai cũng có thể thi hành được, người nghèo thì lợi hành bằng lời nói ý nghĩ. Người giàu thì bỏ tiền của để làm viện dưỡng lão, giúp đỡ hội người mù, ủng hộ trẻ em khuyết tật, nuôi dưỡng trẻ mồ côi...người tài giỏi thì dạy nghề nghiệp, người đức độ thì giáo dục luân lí...nói chung ai cũng có thể thực hiện pháp lợi hành cả. Từ sự thực hiện pháp lợi hành đó, chúng ta có thể giáo hóa họ bằng giáo lí Đức Phật, khiến họ trở về chánh pháp như giáo tu hành. Được vậy thì lợi ích biết bao!

4)      Đồng sự nhiếp:

Là tìm mọi cách để làm công việc với người khác, lăn lộn vào trong công việc của họ, cộng tác với họ cùng ăn cùng ở với họ một mặc là giúp đở, một mặt là để nêu cao gương lành khiến họ cảm mến mà theo ta tu đạo. Đó gọi là Pháp đồng sự.

Người lãnh đạo muốn thành công trong việc giáo huấn người khác thì không thể không áp dụng nguyên tắc Đồng sự nhiếp. Nguyên tắc này có thể áp dụng bất cứ ở đâu, trong thương trường, trong chiến trường, tâm lí xã hội hay bất cứ chỗ nào cũng thế, làm sao để người khác thấm nhiễm đức hạnh tốt đẹp của mình, sẵn sàng nghe theo làm theo những lời mình chỉ bảo, thì chính mình đã thực hiện được Đồng sự nhiếp.

Tóm lại, đối với những người cần sự giúp đỡ vật chất, kiến thức, an ủi, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tu tập... thì chúng ta áp dụng nguyên tắc bố thí để thu phục và giảng dạy họ cho có kết quả.

Đối với những ai thích tâm lí ái ngữ, thích nghe những lời nói dịu dàng, thì chúng ta dùng ái ngữ để cảm hóa, nhiếp phục họ. Thông thường thì ai cũng thích ái ngữ và khó chịu với những lời nặng nề, thiếu tế nhị. Người Phật tử phải vận dụng tâm lí ái ngữ trong cuộc sống của mình.

Đối với những ai cần lợi hành cần khích lệ cần sự ủng hộ trong công việc thì chúng ta phải vận dụng tâm lí lợi hành để giúp đỡ họ, nhằm gióa hóa họ trở về chánh pháp.

Đối với những người có tâm lí cần đồng nghiệp, cần có người cùng làm cùng ăn, cùng ở...thì chúng ta phải vận dụng tậm lí đồng sự để nhiếp hóa họ trở về Chánh pháp.

Nhà lãnh đạo, nhà giáo dục trong nghệ thuật vận dụng tâm lí để đạt mục tiêu giáo dục không là gì khác hơn bốn nguyên tắc ấy. Chúng ta là Phật tử cũng phải tùy duyên mà vận dụng bốn nguyên tắc ấy cho phù hợp.

III. lợi ích thực hiện Tứ nhiếp pháp:

Tứ nhiếp pháp được xem là một trong những bộ môn tâm lí học Phật giáo. Nó vượt xa các quy tắc đắc nhân tâm mà một học giả Tàu đã sáng tác. Đắc nhân tâm chỉ là những nguyên tắc sống tự lợi, nhằm để lấy lòng người để làm lợi ích cho mình chứ không phải mang ý nghĩa như Tứ nhiếp pháp ở đây. Tứ nhiếp pháp là bốn nguyên tắc sống hoàn toàn vị tha, có thể hi sinh tất cả để nhiếp hóa mọi người nên chúng rất lành mạnh và hữu ích. Thực hiện bốn nguyên tắc ấy thì chúng ta sẽ được lợi ích trên ba phương diện.

·        Về phương diện cá nhân, chúng ta làm lợi cho mọi người nhưng thật chất là làm lợi cho cả hai. Một hành động là một hạt giống của nghiệp qủa, làm một việc tốt thì gieo vào đó một nhân lành. Việc làm của chúng ta được mọi người tán thán tôn trọng thì nhất định chúng ta sẽ gặt hái được kết quả tốt.

·        Về phương diện gia đình, chúng ta sẽ được gia đình, vợ con, bà con thân thuộc cảm mến, quý trọng. Do đức độ giáo hoá mọi người, chúng ta sẽ là tác nhân chính làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mình. Có thể vì cảm đức độ của mình mà gia đình gia đình trở nên thuần lương, hướng thiện, trên thuận dưới hoà, hạnh phúc không kể xiết.

·        Về phương diện xã hội, thực hiện Tứ nhiếp pháp chính là làm phúc lợi cho xã hội, hoán cải phần nào tệ đoan trong tình hình thực tại xã hội. Số lượng người tu theo Tứ nhiếp pháp càng nhiều thì xã hội càng được cải tiến, tránh xa tai nạn chiến tranh, đem lại sự thanh bình hạnh phúc cho xã hội. Chỉ một tiêu chuẩn này thôi cũng đủ thấy sự tích cực của Phật giáo đối với xã hội nhân loại, đập tan quan niệm ngoại đạo cho rằng Phật giáo là đạo vô thần, yếm thế, tiêu cực....

C. KẾT LUẬN:

Tứ nhiếp pháp là một pháp môn dùng để cải tiến con người và xã hội. Không có một phương pháp nào có tác dụng và hiệu quả như Tứ nhiếp pháp. Phật tử phải học tập và thực hành Tứ nhiếp pháp. Trong cuộc sống hiện tại chúng ta không đủ năng lực để thực hiện triệt để Tứ nhiếp pháp, chúng ta cố gắng từng bước thực hiện, để dần dần đi đến thực hiện rốt ráo. Tứ nhiếp pháp là hành tướng của từ bi và vị tha, không tu Tứ nhiếp pháp thì cũng đồng nghĩa với thiếu lòng từ bi và vị tha. Người con Phật mà thiếu lòng từ bi và vị tha thì sao còn gọi là Phật tử, làm sao tu hành để thành Phật! Vậy, Phật tử cần phải tu Tứ nhiếp pháp./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017