Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 12:40 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

NGHIỆP VÀ NGHIỆP BÁO

| Friday, 03.03.2023, 02:21 PM |   (248 Xem)


NGHIỆP VÀ NGHIỆP BÁO

A - Mở Đề:

bài nhân quả chúng ta đã có tìm hiểu sơ qua khái niệm về Nghiệp. Bài này chúng ta tìm hiểu sâu hơn về giáo lý Nghiệp và Nghiệp báo theo quan điểm Phật giáo.

        Nghiệp chính là động cơ vẽ nên tiến trình Nhân quả, Luân hồi của con người. Tìm hiểu Nghiệp thực chất là tìm hiểu Nghiệp báo hay quả dị thục của Nghiệp. Nói cách khác Nghiệp báo chính là quả dị thục của Nghiệp. Cho nên tuy chia thành Nghiệp và Nghiệp báo nhưng chúng thực chất chỉ là một vấn đề mà thôi. Nghiêp báo chính là hệ quả tự nhiên của nghiệp. Nghiệp báo ở đây gần với vấn đề tái sanh mà các Học thuyết, Tôn giáo thường nhắc đến. Nghiệp báo và Tái sanh là hai học thuyết liên hệ chặt chẽ với nhau, thuộc lĩnh vực tinh thần đạo đức luân lý.

           Trong Phật học, Nghiệp thường được chia làm 3 loại : Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp. Chính đức Phật đã trình bày tường tận và giải thích đầy đủ giáo pháp cao siêu ấy. Giáo lý nghiệp đã tháo gỡ các nghi vấn về sự bất đồng của nhân loại và sự chênh lệch tựa hồ như bất công trong thế gian. Chúng ta sẽ lần lượt đi vào vấn đề.

B- Chánh Đề:

           I. Định Nghĩa Nghiệp :

           Tiếng Phạn là Karama, Tàu phiên âm là Yết-ma, dịch ý là Nghiệp, nghĩa là hành động có tác ý (Volitional action) của thân, khẩu, ý. Nghiệp chỉ cho sự tạo tác, tức những hoạt động của thân tâm như hành vi, ý chí, hoặc chỉ cho những sinh hoạt của thân tâm do ý chí sanh ra. Nói chung Nghiệp là chỉ những cái sở tác thiện ác của thân, khẩu, ý. Khi tạo tác thiện ác gọi là Nghiệp nhân khi cảm thọ khổ vui gọi là Nghiệp quả. Nếu kết hợp với Nhân quả thì nghiệp là năng lực được hình thành do những hành vi từ quá khứ kéo dài đến hiện tại và tương lai. “Ta là kẻ thừa hưởng kết quả của hành vi tạo tác của ta như một di sản truyền lại” ( Nikàya). Ngoài ra Nghiệp còn là nhân tố bao hàm tư tưởng Nhân-quả báo ứng và luân hồi trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai.

           Đối với vấn đề Nghiệp, Đức Thế Tôn khi còn tại thế đã nhấn mạnh trong kinh A-hàm rằng : “Mỗi chúng sanh đều có cái nghiệp của mình”. Hoặc trong một số kinh khác như Tăng Chi II hay Trung bộ III (Kinh Tiểu nghiệp phân biệt), Đức Phật cũng từng dạy rõ: “Ta vừa là chủ nhân của Nghiệp, vừa là kẻ thừa tự của Nghiệp, Nghiệp là thai tạng, Nghiệp là quyến thuộc, Nghiệp là điểm tựa. Phàm Nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác sẽ thừa tự nghiệp ấy.”

           Một hành động tạo thành Nghiệp khi trong hành động được sự tham gia của ý thức hay nói rõ hơn là có tác ý, một hành động không có tác ý thì không thể tạo thành Nghiệp. Tuy vậy có hành động không tác ý, đó là hành động của những vị đã chứng ngộ quả vị A-la-hán, hành động của những vị đã tu chứng quả vị này được gọi là duy tác”. Duy tác có nghĩa là làm mà không có sự manh nha ý nghĩa thiện hoặc bất thiện, nhưng trong bản thân hành động vốn có đầy đủ trí tuệ và công đức. Còn chúng ta mỗi sự phân biệt còn đắn đo, suy lường của tâm, ý; vì thế mà nhất cử nhất động đều tạo nên nghiệp chướng, không những không hành động thiện phước mà có khi còn hành động độc ác, mọi cử động đều có sự sắp xếp của ý thức vì thế mà chiêu cảm thành Nghiệp. Ý thức chính là kẻ cầm đầu trong quá trình tạo nghiệp, cho nên trong kinh Pháp cú Đức Phật dạy :

"Ý dẫn đầu các pháp, Ý chủ ý tạo tác. Nếu với ý nhiễm ô. Nói năng hay hành động, Khổ não bước theo sau. Như bánh xe theo chân con bò”.(PC 01)

"Ý dẫn đầu các pháp, ý chủ ý tạo tác. Nếu với ý thanh tịnh, Nói năng hay hành động.  An lạc bước theo sau. Như bóng không rời hình”. (PC 02)

           Trên đây đã nêu lên sự tác động của ý đến quá trình hình thành nghiệp và quả của Nghiệp (Nghiệp báo). Chính sự thọ báo này mà chúng ta suy ra được một phần sự tác động của ý thức vào hành động là thiện hay ác. Luận Thành Thật nói: Nghiệp thiện thì được quả báo tốt đẹp, Nghiệp bất thiện thì cảm quả báo không tốt đẹp”. Tuy nhiên, từ Nghiệp nhân đi đến Nghiệp quả vẫn còn có nhiều yếu tố tác động, nhất là yếu tố tâm lý và tuệ giác (như đã trình bày ở bài Nhân-quả), vì thế chúng ta không thể suy lường hết được tiến trình hình thành từ Nghiệp nhân đến Nghiệp quả (Nghiệp báo) một cách rốt ráo. Chúng ta chỉ biết rằng; người con Phật luôn luôn làm điều thiện, không làm những điều ác, nghiêm trì những giới điều mà mình đã thọ, giữ tâm ý cho thanh tịnh thì nhất định sẽ được những kết quả tốt và đó cũng chính là ý nghĩa chuyển Nghiệp mà mỗi Phật tử cần phải thực hành như châm ngôn: “TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP”.

           II. Phân loại Nghiệp và Nghiệp báo:

1) Phân loại Nghiệp: Giáo lý nguyên thủy cũng như Đại thừa đều chia Nghiệp ra làm rất nhiều loại, mỗi loại phù hợp với một chức năng và phần lớn dựa theo ý nghĩa mà gọi tên chúng. Tuy nhiên, Nghiệp là một vấn đề phức tạp nên ngôn ngữ và sự phân loại cũng rất phức tạp, chúng ta chỉ tìm hiểu một vài sự phân loại tiêu biểu của Nghiệp để hiểu sâu hơn về ý nghĩa của chúng.

Có hai loại Nghiệp cơ bản là Thiện Nghiệp và Ác Nghiệp, thuật ngữ thường gọi là Hắc Nghiệp và Bạch Nghiệp. Hắc Nghiệp là Nghiệp đen, thường chỉ cho những Nghiệp xấu như giới cấm thủ Nghiệp (giữ giới một cách sai lầm), thập ác Nghiệp, Nghiệp không tin Nhân quả... thọ Nghiệp này thường sanh váo ác xứ, khổ xứ nên cũng có thể dùng để chỉ cho địa ngục Nghiệp, Ngạ quỷ Nghiệp, Súc sanh Nghiệp... Bạch Nghiệp là những thiện Nghiệp như Thập Thiện Nghiệp, Ngũ giới Nghiệp, Bồ tát Nghiệp... thọ Nghiệp này thường được sanh vào thiện xứ, lạc xứ, nên có thể dùng để chỉ cho Nhân Nghiệp, Thiên Nghiệp, Thanh văn... Còn hành động duy tác của các Thánh giả A-la-hán được gọi là phi hắc phi bạch Nghiệp (Nghiệp không trắng cũng không đen).

Các Nghiệp cảm thọ riêng từng cá nhân gọi là Biệt Nghiệp, Nghiệp chung cho cả tập thể gọi là Cộng Nghiệp. Nghiệp mà nhất định sẽ đưa đến kết quả gọi là Định Nghiệp, nghiệp có đưa đến kết quả, cũng có thể không đưa đến kết quả gọi là Bất Định Nghiệp... ngoài ra, Nghiệp còn được phân loại theo công tác (Sanh Nghiệp, Trì Nghiệp, Chướng Nghiệp, Đoạn Nghiệp) hoặc phân loại theo sức mạnh (Cực trọng Nghiệp. Cận tử Nghiệp, Tập quán Nghiệp, Tích lũy Nghiệp)...các phân loại này tương đối khó sau này chúng ta sẽ tìm hiểu.

2) Phân loại Nghiệp báo: Trong Nghiệp báo, Nghiệp quyết định con người giàu, nghèo, sống lâu, chết yểu, vận mệnh gọi là “Mãn Nghiệp”. Nghiệp quyết định tính cách chung và điều kiện sinh hoạt của con người gọi là “Dẫn Nghiệp”. Tướng chung của các quả báo như thọ sanh làm người hay súc vật gọi là “Tổng báo”. Dù thọ sanh làm người nhưng có người giàu kẻ nghèo, người trí, người ngu, làm súc vật thì có loài sướng, loài khổ như thế gọi là “Biệt báo”. Các quả báo về thân hình đẹp xấu, thấp cao, béo gầy... gọi là “Chánh báo”, Quả báo về điều kiện sinh hoạt, quốc gia, đất nước, hoàn cảnh xã hội...gọi là ”Y báo”. Một nhóm người cùng thọ một quả báo thì gọi là “Cộng báo”... Cách gọi tên Nghiệp báo như trên là tùy theo sự cảm thọ quả báo mà có.

           III. Tinh thần nhân bản trong Giáo lý Nghiệp và Nghiệp báo:

           Giáo lý nghiệp và Nghiệp báo đã khẳng định số mệnh của mỗi chúng sanh là do chính chúng sanh ấy quyết định, đúng như đức Phật dạy: ”Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

           Đã đến lúc con người không thể chấp nhận cuộc sống hiện tại là hoàn toàn do hành động quá khứ, không thể biến cải. Đức Phật dạy, tất cả Nghiệp nhân, Nghiệp quả đều Duyên sinh, vì Duyên sinh nên không có Nghiệp cố định, bất cứ loại Nghiệp gì cũng có thể biến cải.

           Phái Túc Mệnh luận của Nam tông chủ trương “Túc Nghiệp”, nghĩa là không thể chuyển Nghiệp. Chủ trương này nghe không phù hợp với tính chất Duyên sinh và bất định của các pháp. Nếu cho rằng có định nghiệp thì sẽ rơi vào quan điểm “Túc Tác” của Ngoại đạo, Đức Phật xem tai hại này ngang với chủ trương “Thượng Đế tạo vật” của ngoại giáo. Nếu không thể chuyển Nghiệp thì làm sao có sự kiện giải thoát ngay trong hiện tại !

           Nghiệp chính do con người tạo tác thì cũng chính do con người đoạn diệt. Nó là một điều gì đó rất chủ quan của tâm lý, xem như không liên hệ gì đến quyền năng bên ngoài như Thần linh, Thượng đế, Duy tâm hay Duy vật gì cả. Khả năng giác tỉnh của con người có thể giải thoát tất cả các lậu hoặc ngay trong đời sống hiện tại. Mỗi con người tự nhận lãnh trách nhiệm của mình trong suốt quá trình tu tập giải thoát. Với ý nghĩa đó, Giáo lý Nghiệp của Phật giáo đã hoàn toàn khai mở tinh thần nhân bản, đặt quyền cá nhân lên địa vị tối cao, tháo gỡ tất cả những tư tưởng về định mệnh, số mệnh, xóa bỏ quan niệm giáng họa - ban phúc của Thần linh, đặt quyền con người vào đúng vị trí của chính nó.

C.Kết luận:

           Đức Phật dạy :”Ngang với sức mạnh tâm trí, vật chất, sức mạnh của Nghiệp cũng là một sức mạnh bất tư nghì”. Ngài dạy tiếp :”Hết thảy chúng sanh đều do nghiệp lực của mình làm sở hữu, làm nhân duyên, làm thân thuộc, làm quy túc đời sống...”.Tất cả các điều Ngài dạy, đều đặt con người vào tư thế tự chủ và nêu cao giá trị đời sống qua ngôn ngữ và hành động. Chúng ta khi đã biết rằng đau khổ hay an vui, đọa lạc hay giải thoát là do ở tự thân chứ không phải cầu bên ngoài, thì đã thấy được sức mạnh của Nghiệp. Phật tử khi đã nhận thấy sức mạnh của Nghiệp thì cũng biết, đối với đời sống chỉ có ngôn ngữ, hành động hợp lý mới có giá trị, giá trị trong sự chuyển bỏ đau khổ, kiến tạo hạnh phúc an lạc. Thế nên, đã là Phật tử thì phải sáng suốt nhận thấy sức mạnh của hành động và sự chi phối của ý thức vào hành động, có như thế mới hành động như Chánh pháp, nói năng như Chánh pháp. Muốn tâm ý luôn luôn hướng dẫn hành động một cách tốt đẹp thì mỗi người Phật tử phải thường xuyên áp dụng ba đức tính Từ bi, Trí tuệ và Hùng lực. Đức tính Từ bi để tiêu diệt sự tàn ác, gian hùng, phản bội lợi ích chung và bắt buộc chính mình luôn luôn hướng tới hạnh phúc chung của mọi người. Đức tính Trí tuệ để tiêu diệt tà kiến, mê lầm và rèn luyện tâm trí hằng được sáng suốt, hành động và nói năng hợp lý. Đức tính Hùng lực để tiêu diệt sự rụt rè, hèn nhát, ngược lại thúc đẩy chúng ta quả cảm hành động đúng đắn để giúp đời.

           Kết cục bài học đem lại cho chúng ta một câu trả lời về chính mình trong đời sống hiện tại:

“HÃY TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC LÊN MÀ ĐI”



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017