Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Friday, 10.05.2024, 08:51 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

DUYÊN KHỞI

| Sunday, 05.03.2023, 05:32 AM |   (260 Xem)


DUYÊN KHỞI

A. MỞ ĐỀ:

Mười hai nhân duyên là thuật ngữ, cũ dịch là Thập nhị nhân duyên, mới dịch là Thập nhị Duyên khởi, gọi tắt là Nhân duyên quán, Chư Phật quán. Duyên khởi là giáo lý mà Thế tôn đã chứng ngộ cuối cùng (Lậu tận minh) sau 49 ngày đêm thiền định tại cội cây Bồ đề, và từ đó Thế tôn được chư thiên và loài người tôn xưng là bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Ngài dạy: "Ai thấy Duyên khởi là thấy pháp, ai thấy pháp là thấy ta (Phật)." Thấy Duyên khởi là thấy thực tại vô ngã tính của các pháp, mà thực tại vô ngã tính tức là Như Lai hay Phật tánh. Cho nên, thấy Duyên khởi cũng đồng nghĩa dứt trừ gốc rễ của lậu hoặc và thể nhập Chân như. Vì thế, giáo lý Duyên khởi  không những được xem là giáo lý tối thượng mà còn là giáo lý căn bản của tất cả kinh điển Phật giáo.

Mọi sự vật trên thế gian không phải tự nhiên mà có, chúng chỉ hiện hữu khi đủ duyên và hiện hữu dưới hình thức các mối quan hệ, không thể không có các mối quan hệ mà hình thành nên sự vật. Hiện tượng giới là một chuỗi các mối quan hệ, cái này hỗ trợ cho cái khác, trùng trùng như thế cho đến vô tận, một làm duyên cho tất cả, tất cả làm duyên cho một. Duyên khởi là giáo lý nói lên vô ngã tính của vạn vật và cũng là chân lý đề cập đến thật tướng của các pháp.

B. NỘI DUNG:

I. Định nghĩa:

Giáo lý Duyên khởi là định lý nói lên tính điều kiện giữa nhân và quả, giữa nhân và duyên của vạn pháp, hay là định lý pháp giới Trùng Trùng Duyên khởi. Định lý của lý Duyên khởi được đức Phật dạy là:

Nguyên bản Pàli:

Paticca - Samupàda:

Imasmịm sati, idạm hoti;

Imass' uppàdà, idạm uppajjti.

Imassmịm asati, idạm na hoti;

Imassa nirodha, idạm nirujjhati;

Dịch:

Cái này có, cái kia có,

Cái này không, cái kia không .

Cái này sinh, cái kia sinh,

Cái này diệt, cái kia diệt.

           (Kinh Phật tự thuyết, Tiểu Bộ I)

Định lý Duyên khởi này được định nghĩa như vậy đối với vạn sự, vạn vật. Nhưng đối với hữu tình chúng sanh thì có  nhiều nơi Phật dạy giáo lý thập nhị nhân duyên, tức 12 duyên bao gồm cả nhân quả Duyên khởi.

II. Mười hai chi phần nhân duyên:

Có nhiều thuyết nói đến 12 chi phần nhân duyên, tuy khác nhau trên hình thức trình bày nhưng giống nhau về mặt ý nghĩa. Ở đây chúng ta sẽ trình bày về trình tự Duyên khởi của chúng sanh trong ba đời và luân hồi trong sáu cõi.

1)        Vô minh: là phiền não của thời quá khứ, vô thỉ. Vô minh là không sáng suốt, không thể nhận chân được đâu là thật đâu là giả. Nói theo Phật giáo thì vô minh là không thấy rõ tứ đế, tức là không biết được chân lý về sự khổ, nguồn gốc của khổ, sự diệt khổ và con đường đi đến sự diệt khổ. Vô minh ví như màn mây che phủ mặt trời trí tuệ. Đức Phật dạy: “Vô minh là lớp ảo kiến mịt mù dày đặc trong ấy chúng sanh quay quần, quanh lộn”. (Sutta Nipàta, 730). Vô minh làm duyên cho hành.

2)        Hành: là nghiệp thiện ác gây ra dựa nương vào nghiệp của đời qúa khứ. Hành là danh từ bao hàm những hoạt động về thân thể cũng như tâm lý của chúng sanh. Hành là nguyên nhân tạo tác của thân khẩu ý. 51 tâm sở trong duy thức thì hết 49 tâm sở thuộc về hành.

3)        Thức: một niệm nương vào nghiệp đời quá khứ mà chịu thụ thai vào đời hiện tại. Thức bao gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

4)        Danh sắc: là lúc bào thai dần dần có hình tướng. Danh là thành phần tâm thức duyên với kiến sanh thức. Sắc là tứ đại và các pháp do tứ đại sanh.

5)        Lục nhập: (sáu xứ) bao gồm sáu nội xứ (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý căn) và sáu ngoại xứ (sắc thanh, hương, vị, xúc, pháp trần), giai đoạn này là đứa bé có đầy đủ các căn sắp xuất thai.

6)        Xúc: là đứa bé khi khoảng hai, ba tuổi, chưa biết khổ vui thế nào mà chỉ muốn xúc chạm. Xúc gồm nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc.

7)        Thọ: là giai đoạn đứa bé lớn lên, đã biết phân biệt khổ vui và cảm thụ nó. Thọ gồm 6 thọ là thọ do nhãn xúc sinh, thọ do nhĩ xúc sinh....

8)        Ái: vì thọ nên thích cái này, ghét cái kia, thích thì am muốn, mong cầu thuộc về mình và ghét thì mong cầu không thuộc về mình.

9)        Thủ: vì ái mỗi ngày mỗi tăng nên chấp thủ sanh. Thủ có 4 thủ: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ.

10)      Hữu: là tính quyết định tồn tại trong tương lai. Hữu bao gồm dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

11)      Sanh: là địa vị nương vào cái nghiệp hiện tại mà thọ sanh vào xứ khác trong tương lai.

12)      Lão tử: là giai đoạn cuối cùng của một kiếp người, đã sanh ra tức sẽ có ngày già và chết.

Trong mười hai chi phần nhân duyên này Vô minh và Hành là hai hoặc nghiệp thuộc đời quá khứ. Năm thứ thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là thuộc về phần duyên của hoặc nghiệp quá khứ mà thụ cái quả hiện tại. Ái là hoặc hiện tại, thủ là nghiệp hiện tại. Nhân ái và thủ này mà có sự thọ sanh ở đời vị lai. Đó là một tầng nhân quả trong ba đời, căn cứ vào đó mà biết được sự luân hồi tái sanh.

Trong 12 chi phần này, mỗi cái vừa làm nhân vừa làm quả cho nhau tức là vừa làm điều kiện vừa bị chi phối bởi cái khác. Nếu ngược với duyên sanh tức duyên diệt thì ta sẽ thấy: Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt...và cuối cùng là lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não, diệt, như thế là toàn bộ khổ uẩn diệt. Bởi thế, tất cả đều là tương đối, không có gì là tuyệt đối và biệt lập, mà liên quan và phụ thuộc lẫn nhau, do vậy mà Phật giáo không công nhận có nguyên nhân đầu tiên. Duyên khởi là một vòng tròn không có điểm đầu và điểm cuối, nó không phải là một sợi xích mà là một vòng lửa đang cháy đỏ trong tam giới, lục đạo.

III. Ý Nghĩa:

Trước khi đức Thế Tôn xuất thế, các học thuyết của đất nước Ấn độ thời bấy giờ đều chấp các pháp có ngã, con người có ngã tồn tại (tiểu ngã) và bị chi phối bởi Thần linh (đại ngã). Các học thuyết đó đẩy con người vào những học thuyết tà kiến, chấp thủ đầy hoang mang và nghi ngờ. Họ tự xem những giáo lý truyền thống của họ như là một chân lý, nên họ không thể giải quyết vấn đề khổ đau cho con người. Trước tình hình đó, đức Phật đã ra đời, công khai xiễn dương giáo lý Duyên khởi, khẳng định vạn vật là duyên sinh, vô ngã. Qua sự phân tích 12 chi phần nhân duyên, chúng ta rút ra một số nhận xét như sau:

1.    Tất cả các pháp hữu vi đều do duyên sanh. Sự có mặt của một sự vật thật chất chỉ là sự có mặt của các nhân duyên sinh ra nó, sự hoại diệt của một pháp cũng chỉ là sự hoại diệt của các điều kiện sinh ra nó. Các pháp không có thật sanh hay thật diệt.

2.    Duyên sinh là nền tảng để các pháp hình thành và tồn tại lưu chuyển, khi các pháp hội đủ duyên thì sanh khởi mà không phải tự sanh hay tự diệt. Các pháp vốn không có thật thể, chỉ dựa vào tính chất đặc trưng của riêng mỗi pháp mà gọi tên nên chính cái tên ấy cũng duyên sanh, không có thật (giả danh).

3.    Đức Phật vì nhận thấy con người hiện tại sống trong tham ái, chấp thủ, luân hồi tái sanh nên Ngài đã trình bày Duyên khởi dưới hình thức 12 chi phần theo một vòng tròn không đầu không cuối. Điều đó có nghĩa khi một trong 12 chi phần ấy còn tồn tại thì vòng quay sanh tử sẽ còn quay đến vô tận. Nếu một trong 12 chi phần nhân duyên không có mặt thì toàn bộ vòng quay Duyên khởi sẽ chấm dứt. Vòng quay Duyên khởi chấm dứt thì đồng nghĩa với sự chấm dứt sanh tử.

4.    Giáo lý Duyên khởi không phải đưa đến một chủ nghĩa Hư vô luận mà đưa đến một sự thật vô ngã tính của sự vật. Chúng ta không khỏi băn khoăn khi thấy tất cả đều giả danh không thật, nhưng đó lại là điều kiện để thay đổi sự vật, ngay cả chính bản thân chúng ta cũng thế. Nếu sự vật và con người không phải do duyên sinh mà có một thật ngã thì tất cả từ khi sanh ra như thế nào thì sẽ tồn tại đúng nguyên vẹn như thế ấy, không bao giờ thay đổi. Con người duyên sanh mới có người ngu, người thông, hư không duyên sanh mới có ngày, có đêm, các hiện tượng trong xã hội do duyên sanh nên có thể chấn hưng, cải tạo...

IV. Áp dụng giáo lý Duyên khởi vào đời sống hiện tại:

Thập nhị nhân duyên là một bài giảng về tiến trình của hiện tượng sanh tử chớ không phải là một lý thuyết triết học về sự tiến hóa của vũ trụ. Giáo lý này chỉ đề cập đến vấn đề nguồn gốc của sanh tử luân hồi, nguồn gốc của sự khổ đau và chỉ nhắm mục đích giúp chúng sanh thoát ra khỏi vòng phiền não của đời sống chứ không phải là một lý thuyết giải thích những vấn đề bí ẩn liên quan đến nguồn gốc cùng tột của vũ trụ. Chúng ta học giáo lý Duyên khởi không phải để tìm cầu một sự giải thích về nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ hay để bàn cải về một luận thuyết cố hữu nào đó. Học giáo lý Duyên khởi, chúng ta cần nhận thức đó là một phương pháp đối trị tham, sân, si, chấp ngã...Khi chúng ta phát khởi tham dục hay sân hận... thì nghĩ ngay đến duyên sanh, vô ngã trong tấm thân giả tạo và mọi thứ giả danh ở chung quanh ta thì mức độ của chúng sẽ giảm đi phần nào. Sống giữa thế gian thì sự quan hệ là điều không thể thiếu. Trong vấn đề quan hệ của sự sống thì chúng ta không thể tránh khỏi vô minh cố hữu của chính mình sẽ làm nảy sinh những thói hư, tật xấu như tham lam, sân hận, si mê... Giữa lúc đó, giáo lý Duyên khởi sẽ giúp chúng ta tỉnh ngộ và dùng trí quán sát Duyên khởi mà giải quyết vấn đề. Với tinh thần Duyên khởi, con người có thể áp dụng vào bất cư lĩnh vực nào để sống chung hòa hợp và tiến bộ. Thế giới sẽ không còn chiến tranh nếu tất cả đều hiểu và áp dụng giáo lý Duyên khởi vào đời sống của chính mình.

C. KẾT LUẬN:

Giáo lý Duyên khởi là giáo lý căn bản của Phật giáo, một số kinh gọi giáo lý Duyên khởi là giáo lý quy nạp Tứ đế mà Tứ đế là giáo lý nền tảng của ba tạng Kinh điển. Cho nên giáo lý Duyên khởi là giáo lý thuộc giáo lý nền tảng của Phật giáo. Tính Duyên khởi là tính phổ quát và tuyệt đối, khẳng định vô ngã tính của toàn bộ các pháp. Trong kinh Lăng Nghiêm, Ngài A Nan đã đã một lần bàng hoàng, sửng sốt khi nghe Phật dạy Chân tâm là vô ngã. Giáo lý của Phật cũng duyên sinh nên được gọi là Bất định pháp (pháp bất cô khởi).

Người Phật tử phải nhận chân được các pháp là duyên sinh, vô ngã để đối trị tham, sân, si và sống đúng tinh thần từ bi, vị tha của Phật giáo, gạt bỏ mọi luận thuyết về thần quyền, khẳng định tính nhân bản, tự chủ, không phụ thuộc Thần linh, Thượng đế của con người./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017