Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Sunday, 19.05.2024, 12:55 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

LUÂN HỒI

| Saturday, 04.03.2023, 05:39 AM |   (245 Xem)


LUÂN HỒI

A. Mở Đề:

Vấn đề sống chết của con người là một vấn đề nan giải từ xưa đến nay, đã làm băn khoăn bao học giả của mọi thế hệ con người. Trải qua mấy trăm triệu năm nay, kể từ khi con người có mặt trên trái đất, những người thông minh của thế giới đã nỗ lực hết mình để nghiên cứu về con người với mong muốn tìm ra một lời giải đáp thích hợp cho vấn đề: “Loài người từ đâu đến và sẽ đi về đâu”. Tuy nhiên cho đến nay, vấn đề này vẫn còn là một câu hỏi huyền bí. Các triết học gia tự cổ chí kim đã đem hết tài năng, tài trí của mình để tìm lời giải đáp cho vấn đề này nhưng rốt cuộc họ vẫn đi từ lầm lạc này đến lầm lạc khác. Các Tôn giáo trên thế giới cũng đã nỗ lực hết mình để giải thích nhưng cũng chưa có một đáp án nào phù hợp.

Cho đến khi nhân loại thực sự biết đến Phật giáo và nhất là xuất hiện sự khám phá Phật giáo của các ngành Triết học, Khoa học, một giải thích hữu hiệu cho câu hỏi trên đã ra đời, đáp ứng vấn đề bấy lâu nay đang còn khúc mắc. Thay vì trả lời câu hỏi trên, Phật giáo đã nỗ lực thuyết minh giáo nghĩa luân hồi, nhằm đưa chúng sanh ra khỏi biển khổ, phủ nhận hai thái cực Chấp thường và Chấp đoạn của ngoại đạo, khẳng định tuyệt đối quy luật Nhân-quả trong tiến trình chuyển dịch của nghiệp.

B. Chánh Đề:

I. Luân hồi là gì?

Phạn ngữ là Samsera, Pàli là Samsara, tàu dịch âm là Luân hồi, có nghĩa là sự chuyển sinh, tái sanh, đi đến. Luân nghĩa là bánh xe, hồi nghĩa là quay tròn, người ta thường gọi là vòng luân hồi, vòng sanh tử hay bánh xe luân hồi để diễn tả đường sanh tử không có đầu đuôi của mỗi chúng sanh trong lục đạo.

Đã là bánh xe thì không có chỗ bắt đầu và chỗ kết thúc, kiếp sống của con người cũng thế, có từ vô thỉ và tồn tại đến vô chung. Giữa vô thỉ và vô chung, con người sống chết hằng sa kiếp số, tùy theo nghiệp lực mà thụ sanh vào các cõi khác nhau. Có nhiều quan niệm không đồng nhất về thuyết Luân hồi.

Thuyết Độc kiếp (Đoạn kiến) cho rằng, loài người cũng như loài vật đều đựơc cấu thành từ những hình chất tuyệt đối. Khi những hợp thể ấy tiếp nối luôn thì gọi là sống, khi những hợp thể ấy tan rã thì gọi là chết do có phủ định về nội lực, vì thế họ chủ trương con người sẽ không còn nghĩa lý gì khác khi các hình thể ấy tan rã, cũng như ngọn đèn bị tắt khi dầu khô, tim hụt.

Thuyết Linh hồn bất tử (Thường kiến) thì quan niệm trái lại, phủ định hoàn toàn thuyết đoạn kiến và chủ trương sanh mạng là sự kết hợp của hai phần linh hồn và thể xác. Sau khi chết, thể xác có thể tan rã nhưng linh hồn thì vĩnh viễn tồn tại, hoặc ở trên Thiên đường hưởng sự khoái lạc đời đời, hoặc đọa xuống địa ngục chịu cực hình mãi mãi.

Nếu đứng về phương diện thần thoại cho rằng có một Thần linh nắm cầm sinh mạng và thưởng phạt thì đó là một sự bất công vô lý. Ví như quốc pháp có nghiêm khắc đến đâu cũng không thể kết án chung thân đối với những tội nhân có tội trạng nặng nhẹ không đồng.

Hai thuyết trên đều không đúng. Con người và vạn vật không thể một lần chết đi là vĩnh viễn không còn tồn tại, nếu như thế thì thế giới này sẽ dần dần đi đến hủy diệt hoàn toàn. Loài người chết đi cũng không thể hoặc là ở Thiên đường hưởng thú vui đời đời hoặc là đọa xuống địa ngục chịu sự cực hình mãi mãi. Hai thuyết này hòan toàn không phù hợp với khoa học. Ngành khoa học vật lý cho rằng: vạn vật luôn luôn vận động và không bao giờ mất đi mà chỉ thay đổi từ dạng này sang dạng khác, từ hình thức này sang hình thức khác. Hai thuyết trên, một là rơi vào Chấp thường, hai là rơi vào Chấp đoạn nên đã bị bác bỏ.

Theo Phật giáo: chúng sanh do Hoặc, Nghiệp chết đi ở cõi này rồi sanh vào cõi khác, cứ liên tục như thế trong ba cõi gọi là luân hồi. Con người và vạn vật đã sống, đang sống và sẽ sống mãi mãi. Kiếp sống hiện hữu của chúng ta và sự vật chỉ là một chiếc cầu nối ngắn ngủi giữa vô số kiếp đã qua của quá khứ và vô biên kiếp chưa đến ở tương lai. Dù con người có tạo ác hay hành thiện trong một kiếp, khoảng thời gian ấy mà đối với thời gian vô hạn thì đó chỉ như một hạt cát giữa biển cả vô cùng tận. Căn cứ vào quảng đời nhỏ hẹp ấy mà định đoạt sự thưởng phạt vĩnh viễn cho loài người thì thật là một điều bất công và tội ác.

II. Luật chuyển vận tương tục của sanh mạng (Luân hồi).

Sự luân hồi diễn ra không phải ở kiếp này kéo sang kiếp khác mà ở ngay mỗi ý niệm. Một ý nghĩ ác sanh khởi rồi diệt đi, một ý niệm thiện sinh ra rồi tan biến, một ý niệm ác khác lại sanh khởi... cứ như thế sự luân hồi diễn ra trong từng ý niệm của con người. “Đêm rất dài với kẻ mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng thế, vòng luân hồi sẽ tiếp nối vô tận với những kẻ ngu si, không minh đạt Chánh pháp”. (Pháp cú).

Chúng sanh hữu tình sở dĩ cứ luân hồi trong tam đồ, ác đạo là do không ý thức được nghiệp duyên, tham sân si chồng chất. Muốn chấm dứt luân hồi sanh tử thì không gì khác hơn là phải đoạn tận tham ái, chấp thủ day diệt trừ tham sân si. Chúng ta hình dung sự luân hồi trong lục đạo giống như một con tàu chuyển vận trên đường sắt, nó cứ vòng vèo qua lại mà nhiên liệu để tạo năng lượng cho sự chuyển vận đó chính là tham sân si. Cho đến khi nào tham, sân, si không còn thì khi ấy chúng ta mới thoát khỏi vòng luân hồi. Nhưng khi nào tham, sân si còn thì vòng quay luân hồi sẽ còn quay đến vô tận.

Trên đây chúng ta thấy rằng, con tàu dù chuyển vận nhưng không bao giời rời khỏi đường tàu, sự luân hồi cũng thế, dù nối tiếp liên tục nhưng không bao giời rời khỏi quy luật Nhân-quả. Sanh mạng con người sinh diệt tương tục, khi làm người, lúc làm trời, khi ở địa ngục, lúc sanh thiên giới cũng chuyển dịch vòng quanh (Luân hồi) trong sự chi phối của Nhân-quả, và chủ thể của sự tương tục ấy chính là tâm. Tâm chính là chủ thể sanh mạng tạo nên sự sống của những thân sau do nghiệp lực tác động. Bởi thế, sự luân hồi mặc dầu tiến hóa theo vòng tròn xoắn ốc nhưng chưa định hướng tiến bộ hay thoái bộ mà phải tùy thuộc vào sự tác động của tâm, có thể kiếp này làm người nhưng kiếp sau làm thân súc sanh, có thể kiếp này làm thân súc sanh nhưng kiếp sau làm được thân người cũng nên.

Qua sự phân tích trên đây chúng ta thấy rằng, con người và sự vật không phải một lần chết đi là mất hẳn, càng không phải chết đi rồi là ở mãi Thiên đường hay đọa vào địa ngục đời đời. Sự chết chẳng qua là sự kết thúc một chuỗi đời ngắn ngủi để rồi sanh lại vào một nơi nào đó tùy theo nghiệp lực của mình, cứ tiếp diễn như thế cho đến khi nào không còn tham ái, chấp thủ thì luân hồi chấm dứt.

Thuyết Luân hồi tiến hóa phủ nhận sự tồn tại vĩnh viễn, song ở một chỗ khác thì nhận có tâm linh tiến hóa trong sự chuyển dịch từng giai đoạn một, từ hạ đẳng tiến dần theo chiều xoắn ốc mãi đến vô cùng. Đứng trước một ngôi nhà đổ ta có thể thấy được ngôi nhà ấy đã thay đổi trong từng giờ, từng phút để đi đến hiện trạng đó. Nhưng liệu ngôi nhà đổ rồi thì chấm dứt? Đương nhiên là không chấm dứt, đống gạch vụn đó sẽ được dùng vào nhiều việc khác, có thể chúng được dùng để xây dựng một ngôi nhà mới khác...Tuy vậy, nếu đang còn nằm trong luân hồi thì đã có tiến hóa ắt cũng có thoái hóa dù ở phương diện nào; tính chất hay tư tưởng đều do ảnh hưởng của điều kiện hỗ trợ (Thuận duyên hay nghịch duyên). Một thí dụ để rõ: một nhà triết học thông thái vì hòan cảnh phải sống đời sống của một anh nông phu, ngày ngày chỉ biết bón phân cuốc đất thì đương nhiên khả năng ưu việt (về triết học) của anh ta dần dần bị thoái hóa. Trái lại, tuy anh ta rất vụng về canh tác, nhưng nhờ hằng ngày huân tập anh ta có thể trở thành một nhà nông giỏi. Do đó ta thấy, nếu thoái hóa về phương diện này thì tiến hóa về phương diện kia và ngược lại. Tất cả các mặt trí lực, tình cảm, tư tưởng đều vậy. Cho nên Đức Phật dạy : “Tất cả chúng sanh ra vào lên xuống trong tam đồ, ác đạo đều do nghiệp lực dẫn dắt mà tạo thành”. Nghiệp là sức dẫn phát chính cho sự xả thân, thọ thân, chúng ta sẽ sống trong một hoàn cảnh tốt đẹp, an vui nếu ta gắng trau dồi thiện đạo. Trái lại chúng ta phải chịu sự thống khổ trong tam đồ, ác đạo nếu làm những chuyện xấu xa. Đó là một sự công bằng, một lẻ phải.

III. Giá trị nhân bản của giáo nghĩa Luân hồi:

Chúng ta thấy rằng các thuyết khác không thể có một giải đáp ổn thỏa cho câu hỏi về kiếp người. Chỉ có thuyết luân hồi của Phật giáo mới có thể giúp nhân loại tìm ra lời giải đáp thích hợp. Đức Phật - vị Giáo chủ không hai, vì lòng thương vô hạn đối với chúng sanh đang chìm đắm trong kiếp sống phù du đầy tội ác của kiếp người mà nói thuyết luân hồi, nghiệp báo không những để chỉ rõ sự thật nhân sinh mà còn cho chúng ta thấy giá trị vĩnh viễn của mình không phải ở sự xây đắp chốc lát trong hiện tại mà là một chuỗi đời vô tận, trong đó, nghiệp là đầu mối của mọi vấn đề. Vì thế, giáo lý luân hồi sẽ giúp chúng ta tự ý thức nghiệp duyên, thấy được chân giá trị của hành động đúng, không ỷ lại vào một đấng siêu nhiên hay Thượng đế nào.

Trở lại thuyết Độc kiếp là thuyết phủ nhận giá trị tồn tại của nhân sinh, nếu một ai đó tin theo thuyết này thì chỉ còn một cách là gấp rút để hưởng thụ khoái lạc, phụng sự những thú tánh đê hèn, mặc dầu phải gây nên vô số tội ác. Những tệ đoan như tham ô, hối lộ... đều xuất phát từ tư tưởng này. Những người tin theo thuyết này thì thường xem những tiêu chuẩn luân lý, đạo đức là những gông cùm khó chịu vì họ cho rằng tất cả sẽ trở thành tro bụi. Họ không muốn xây đắp gì vào cuộc đời mà họ cho là trống rỗng này. Thuyết linh hồn bất tử thì trái lại, họ tin vào đấng cứu thế cứu rỗi, ủy thác cuộc đời cho Thượng đế, phó mặc kiếp sống đưa đẩy của Thần linh. Cuộc đời của họ trôi qua trong những chuỗi ngày buồn bã không cố gắng. Họ có thể mặc nhiên gây nhiều tội ác mà không sợ hậu quả, vì họ nghĩ đã có Thần linh che chở. Sau khi chết, những ai không tin vào Thượng đế, mặc dù có làm đủ điều thiện cũng sẽ bị trừng phạt, chịu cực hình đời đời dưới địa ngục. Những ai tôn kính Thượng đế thì dù làm đủ điều ác cũng được sanh lên Thiên đường vui hưởng lạc thú mãi mãi. Đó hoàn toàn là những ý niệm lỗi thời tiêu cực, bật đèn xanh cho những tên tội phạm núp bóng dưới chiêu bài phụng sự Thượng đế...

Đối trị lại những tệ đoan trên, Đức Phật dạy lý luân hồi, giúp chúng ta thoát ra mọi thống khổ, vượt ra ngoài vòng kiềm tỏa của nghiệp duyên để vươn lên mưu cầu giải thoát. Mọi hành động của chúng ta đều phải trả giá bằng chính nghiệp thức mà ta đã tạo. Ngoài chúng ta ra không ai có thể cứu vớt chúng ta. Một hành động làm ra, một lời nói hay ý nghĩ khởi lên nó sẽ tồn tại mãi mãi trong tiềm thức để rồi từ đó ta phải nhận lảnh nghiệp chủng ấy. Nghiệp chủng thiện thì gặp thiện, nghiệp chủng ác thì gặp ác, đó là một sự thật hiển nhiên không thể chối cải. Sự chết không phải là kết thúc sanh mạng mà chỉ chấm dứt một đoạn đời do nghiệp thức cảm ứng mà thôi. Bởi thế trong từng sát na sanh diệt của vạn vật chúng ta cần phải ý thức ngôn ngữ và hành động của mình.

C. Kết Luận:

Giáo nghĩa luân hồi không phải là điều hoàn toàn chủ quan của Phật giáo mà đó là một sự thật do đức Thế tôn chứng nghiệm. Nó không những là giáo nghĩa tối thắng của Phật giáo mà còn là một bó đuốc soi đường, là hướng đạo sinh cho những ai muốn thăng hoa cuộc sống. Mặc khác, trong vấn đề cải tạo nhân sinh và tiến bộ xã hội, giáo nghĩa luân hồi không thể thiếu trong ý thức cá nhân.

Hiểu rõ đạo lý luân hồi, mỗi một người trong xã hội, nhất là hàng Phật tử cần phải đặt giá trị nhân bản làm đầu, cố công xây đắp đời sống chân thiện mỹ, xoá bỏ những ảo ảnh nông nổi, bèo bọt của dục lạc để tự vươn lên tìm ánh sáng giải thoát mà không bị nô lệ bởi bản năng hẹp hòi của kiếp người đầy cấu nhiễm.

Xóa bỏ thần quyền, mỗi người tự làm hòn đảo cho chính mình, hiểu được dòng chuyển dịch vô cùng của sinh mạng, mỗi người hãy tự cải tạo giá trị cuộc sống, vun trồng thiện căn để dần dần đạt đến sự “bất thối chuyển”, lúc ấy sự luân hồi trong tam đồ, ác đạo sẽ không còn nữa./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017