Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Friday, 10.05.2024, 10:49 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

THIỂU DỤC - TRI TÚC

| Tuesday, 07.03.2023, 04:55 AM |   (258 Xem)


THIỂU DỤC – TRI TÚC

A. Mở đề:

Người đời thường nói: "Lòng tham của con người vô đáy," đúng như thế. Con người từ khi mới xuất hiện trên trái đất thì tâm tư còn trong sáng, chưa có ý thức về sự tư lợi. Đến khi xã hội phát triển, của cải vật chất được làm ra nhiều thì xuất hiện ý thức tư lợi. Kể từ đó, con người thường sống với mục đích là làm sao tạo ra nhiều của cải vật chất càng tốt; và cũng từ đó, lòng tham lam của con người mỗi ngày mỗi tăng thêm. Con người sống không bao giờ thoả mãn với chính mình. Ngạn ngữ Việt Nam có câu: "Bể kia dễ lấp, túi tham khó đầy". Lòng tham của con người vô đáy thì làm sao mà đầy được! Đã không thể lấp đầy mà cứ cố làm cho đầy thì chỉ chuốc hoạ vào thân, điều đó không thể nào tránh khỏi.

Do đó, đã làm Phật tử thì không nên tham lam. Để đối trị lòng tham đó, đức Phật dạy pháp Thiểu dục Tri túc. Kinh Thuỷ Sám dạy: "Bất tri túc giả tuy xử thiên đường do bất xứng ý, tri túc chi nhân, tuy ngoạ địa thượng do vi an lạc". Có nghĩa là: người không biết đủ thì thân tuy ở thiên đường cũng không vừa ý, người sống biết đủ thì thân tuy nằm trên đất cũng cảm thấy an lạc. Mặt khác, người Phật tử muốn tu hành chân chánh thì phải sống Thiểu dục Tri túc mới có thể tiến đạo được. Chúng ta muốn tấn tu đạo nghiệp thì không thể sống không biết Thiểu dục Tri túc mà thành tựu.

B. Chánh đề:

I. Định nghĩa:

Thiểu dục là mong muốn ít, tri túc là biết đủ. Thiểu dục Tri túc là lòng mong muốn vừa đủ, thoả mãn với những gì mình đang có, không tham cầu những thứ khác bằng mọi cách. Người cao 1m50 thì biết đủ với 1m50, không nên so với người cao 1m60. Người đi xe đạp thì thoả mãn với xe đạp, không nên so với người đi xe Honda,.... Mọi thứ sử dụng nên phù hợp với túi tiền của mình, không nên mơ mộng cao sang mà làm khổ tinh thần mình, làm phiền lòng những người lo cho mình.

II. Những sự ham muốn thường có ở đời:

Có năm thứ người đời thường tham, đó là: Tham tiền của, Tham sắc đẹp, Tham danh vọng, Tham vật thực, Tham ngủ nghỉ. Năm thứ tham này Phật giáo gọi là Ngũ dục (Tài, sắc, danh, thực, thuỵ).

-       Người tham tiền của thì dầu có cả giang sơn, kho báu, tiền chất như núi, có ruộng vừơn cò bay thẳng cánh cũng chưa vừa ý mà còn mong muốn giàu thêm.

-       Người tham sắc đẹp thì không bao giờ thoả mãn với một người, không trung thành hay thuỷ chung với bất cứ một ai mà luôn luôn tìm cầu những thứ mới để thoả mãn dục vọng, theo thói gió trăng, ong bướm... suốt đời làm nô lệ cho dục vọng.

-       Người tham danh vọng thì suốt đời mong muốn được quyền cao chức trọng, dùng mọi thủ đọan để tước đọat uy quyền, không nghĩ gì đến nhân cách, đạo đức nữa. Họ lao tâm, khổ tứ suốt đời chỉ để mong cầu cái hư danh.

-       Người tham vật thực thì tâm hồn luôn nghĩ đến chuyện ăn uống, thích la cà đến các quán ăn, quán nhậu để tìm khoái khẩu, đôi khi vì miếng ăn mà quên đi nhân cách của mình, quên cha già, mẹ yếu. Thế giới của họ bị thu nhỏ trong món ăn, đồ nhậu.

-       Người tham ngủ nghỉ thì ngủ mấy cũng không biết chán, suốt ngày thơ thẩn như sống trong mơ, thân thể lúc nào cũng cảm thấy uể oải, ngủ dậy lại muốn ngủ nữa.

Tóm lại: Chúng ta tham cái gì thì bị nô lệ cho cái ấy, có thể hy sinh đời mình vì nó. Tham ngũ dục thì chính mình hy sinh cho nó vì kết quả của sự tham dục là sa đọa, vậy chẳng phải hy sinh đời mình cho nó đó ư!

Nói đúng hơn nữa, tham dục chủ yếu của con người là tham ngũ trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc)

-       Tham sắc tức mắt thấy sắc đẹp của người nam người nữ, thấy ngọc ngà, châu báu thì tham ái khởi lên.

-       Tham thanh (âm thanh) tức là tai nghe tiếng người nam, người nữ, tiếng hát, lời ca của người nam, người nữ, âm điệu du dương trầm bổng, gợi dục thì thì liền sanh tâm tham đắm.

-       Tham hương (mùi hương) tức là mũi ngửi thấy mùi vị thơm ngon, béo bổ, mùi son phấn đê mê, quyến rũ liền sanh tâm ưa chuộng đắm đuối.Tham vị (gia vị, chất vị) tức là lưỡi chạm phải những thứ ngon lạ, thơm tho liền sanh tâm tham đắm, muốn có mà ăn cho thoả thích. Cổ nhân có nói: "Ăn mà sống chuyện ăn nào quan trọng, Sống vị tha đâu phải sống mà ăn". Chúng ta nên xem đó làm gương để sống cho thanh bạch

-       Tham xúc: (xúc chạm) tức là thân xúc chạm với những thứ mềm mại như thân thể người nam, người nữ, lục gấm, nhung siêu... thì sanh lòng mong muốn, khởi tham dục.

III. Hậu quả của lòng tham:

Người bị tham dục chi phối thì mất hết tự chủ và luôn luôn làm nô lệ cho chính lòng tham dục ấy. Để đạt được những thứ mà mình ham muốn, con người phải dùng thủ đọan để mưu cầu. Người làm công chức thì tham ô, biển thủ của cải; người buôn bán thì cân hao, đếm thiếu, đánh trá hàng hoá, lường gạt dân lành. Vì thế mà xảy ra cạnh tranh thù hận với nhau. Người tham sắc đẹp thì có thể quên ăn, mất ngủ, khổ đau với những đối tượng mà mình yêu thích, có thể làm những việc trái với lương tâm đạo đức, có khi tán thân, mất mạng. Người tham ăn nhậu thì hay gây gổ, đánh đập với người khác, làm bạn với rượu chè, suốt đời chỉ biết say xỉn. Chiến tranh giữa các nước phần lớn là do Ngũ dục mà có.

Lòng tham khiến chúng ta đau khổ trong hiện tại đã đành mà trong tương lai nhất định chúng ta sẽ đọa vào tam đồ ác đạo, ngàn đời không thấy được Phật pháp để tu tập.

IV. Phương pháp đối trị lòng tham dục:

Lòng tham của chúng ta không cùng tận thì dù chúng ta có đủ mọi thứ chúng ta cũng cảm thấy thiếu thốn, vì thế cần phải sống Thiểu dục Tri túc để được an lạc. Phật dạy: "Đa dục chi nhân, đa cầu lợi cố, khổ não diệc đa". Có nghĩa là: người mong muốn nhiều, cầu lợi nhiều thì khổ não cũng nhiều. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, trăm năm như chớp mắt thì công danh phú quý mà chi! Cổ nhân có nói: ”Phú quý tợ môn tiền tuyết, công danh như thảo thương sương". (Phú quý như tuyết ngoài cửa, công danh như sương trên cỏ) vậy thì chúng ta cầu cho nhiều làm gì để thêm đau khổ! Muốn đối trị lòng tham, Phật tử chúng ta phải thực hành hạnh Thiểu dục Tri túc. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải thực hành hạnh bố thí nữa, không những thiểu dục mà còn bố thí, không những sống biết đủ mà còn sống không keo kiệt, bỏn xẻn. Có vậy chúng ta mới có thể đối trị triệt để lòng tham dục.

V. Lợi ích thiết thực của Thiểu dục Tri túc:

Thiểu dục Tri túc là công hạnh tu tập của bậc Thánh. Chúng ta khổ vì tham cầu bao nhiêu thì chúng ta được sung sướng do sống thiểu dục bấy nhiêu. Quỷ tham dục sẽ không còn cơ hội để sai khiến ta nữa. Khi mỗi người không còn bị làm nô lệ cho dục vọng thì kể từ đó bắt đầu được tự do giải thoát. Người sống thiểu dục thì luôn luôn cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát. Từ xưa đến nay không có vị Giáo chủ nào chính danh mà lại không xem thường vật chất, danh vọng và tiền tài. Đức Phật của chúng ta cũng từng dạy: ”Hãy bỏ tất cả để được tất cả". Chỉ có cái vô hạn mới có thể đối trị cái vô hạn. Tìm hạnh phúc trong vật thực chẳng khác nào khát nước mà lại còn uống nước mặn.

Thiểu dục Tri túc là một phương pháp tốt để giữ hoà bình Thế giới. Mỗi người tự sống biết đủ thì xã hội sẽ thái bình, nhân loại sẽ không còn chiến tranh nữa.

VI. Giải quyết những vấn đề khúc mắc:

Giáo lý Đức Phật thuyết là giáo lý tuỳ duyên, vì thế, không có một pháp môn nào là không tuỳ duyên cả, Thiểu dục Tri túc cũng vậy. Chúng ta thường nghi ngờ pháp môn này, cứ ngỡ nó đi ngược với sự tiến hoá xã hội nhưng thực ra pháp môn này rất khoa học và tiến bộ. Người sống Thiểu dục Tri túc là người biết hợp thức hoá với thời đại, vì biết Tri túc thì đương nhiên không tham cầu nhiều, không có thủ đọan mà chỉ biết tận lực làm phúc lợi cho xã hội. Sống Thiểu dục Tri túc không có nghĩa là quá đạm bạc mà tuỳ hoàn cảnh. Ví như trong xã hội ai ai cũng đi xe Honda, nếu mình có đủ tiền thì cũng nên sắm một chiếc mà đi. Sống khổ hạnh, ép xác sẽ làm hư hoại thân khí của chính mình. Ai cũng biết thân người là giả tạm nhưng nó là chiếc thuyền đưa chúng ta về Tịnh Độ, Niết Bàn. Tóm lại, Thiểu dục Tri túc là một trong những phương tiện thực hành Trung đạo.

C. Kết luận:

Dù ngoại đạo hay Phật giáo cũng đều nên tu tập hạnh Thiểu dục Tri túc để được hạnh phúc. Đó là một phương pháp tốt để bồi bổ tinh thần, tu tâm dưỡng tánh. Thật sự, nếu chúng ta không hệ luỵ vào vật chất thì chúng ta sẽ được cái cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái, tâm hồn thư thái, thanh bạch, học tập cái gì cũng dễ thành tựu, vấn đề gì cũng dễ giải quyết. Đó không những là giữ cho mình không đọa lạc tam đồ mà còn giữ cho thế gian thoát khỏi hiểm hoạ chiến tranh./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017