Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Friday, 10.05.2024, 09:17 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

LỤC HÒA

| Monday, 06.03.2023, 05:35 AM |   (261 Xem)


LỤC HÒA

A. Mở đề:

Ca dao Việt nam có câu:

"Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao."

Hay là:Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn

Đó là câu ca dao nói lên tinh thần đoàn kết và sức mạnh của sự đoàn kết. Sức mạnh của sự đoàn kết là sức mạnh có thể giải quyết được mọi vấn đề. Một gia đình đoàn kết là một gia đình lý tưởng, một xã hội đoàn kết là một xã hội vững bền, một quốc gia đoàn kết là một quốc gia phát triển. Một thế giới đoàn kết là một thế giới thanh bình. Nói chung, sự đoàn kết là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Nếu không có sự đoàn kết thì không thể có một tổ chức bền vững, không có một gia đình êm ấm, không có một quốc gia hưng thịnh, thế giới không bao giờ thanh bình. Sách nho có dạy: "Thời thế thuận không bằng địa thế lợi, địa thế lợi không bằng nhân tâm hòa". Thế gian cũng nói: "Dĩ hòa vi quý"... Như thế chúng ta cũng đã thấy được tầm quan trọng của sự đoàn kết như thế nào!

Đức Phật, Ngài là bậc đại trí tuệ, luôn luôn xem sự hòa thuận là yếu tố tối quan trọng trong sự tu tập và phát triển đoàn thể tăng già, vì thế Ngài dạy pháp lục hòa, trước tiên là để thực hiện trong tăng chúng, sau đó có thể áp dụng cho cả hàng cư sĩ lẫn tại gia. Lục hòa là sáu cách cư xử tốt, có hiệu quả trong sự tương giao trên tất cả mọi mặt. Chúng ta có thể áp dụng lục hòa bất cứ ở đâu và khi nào cũng đều có lợi ích cả.

B. Chánh đề:

I. Định nghĩa:

Lục hòa còn gọi là lục hòa kính. Hòa hợp có hai nghĩa, 1- lý hòa, tức là cùng chứng một chân lý tuyệt đối của đạo (Diệt lí), đó là sự hòa hợp của các bậc thánh giả chứng đạo. 2- sự hòa, tức là sáu phép hòa kính thuộc về phàm tăng trước khi chứng đạo. Lục hòa là phương pháp sống chung rất khoa học và thiết thực. Sống đúng tinh thần lục hòa có thể đưa đến hạnh phúc an lạc và giải thoát. Đó là con đường toàn thiện, toàn mỹ, dễ thực hiện và rất có lợi ích.

II. Lục hòa là gì?

1)    Thân hòa đồng trú: tức là cùng sống dưới một mái nhà, trong một tổ chức, trong một phạm vi. Trong Phật giáo thì thường chỉ cho phạm vi một ngôi chùa, một ban, ngành, hoặc tổ chức Giáo hội. Trong đó, mọi người sống chung nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng nhau học tập, tu hành... Từ cổ chí kim, bất cứ một tổ chức nào muốn tồn tại lâu dài thì điều thiết yếu nhất là phải sống chung hòa hợp. Pháp "thân hòa" mang ý nghĩa như vậy. Trong một gia đình thì trên thuận, dưới hòa, không lấn ép, đánh đập lẫn nhau, trong một tổ chức xã hội thì phải lấy phúc lợi chung làm vấn đề nòng cốt. Nếu là Phật tử thì cùng nhau tu học dưới một mái chùa, tuy là không anh em, ruột thịt nhưng cũng đều là người con Phật, cùng một mục đích lý tưởng thì phải lấy hòa khí làm đầu. Nếu còn chia phe cánh thì còn gì ý nghĩa là người con Phật nữa! Bởi thế, ca dao việt nam có câu rất bình dị mà có ý nghĩa sâu sắc rằng: Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Khác giống nhưng chung giàn thế mà còn thương yêu nhau, huống hồ con người lại vốn có chung một giống nòi, như thế mà không yêu thương nhau được hay sao! (Thực hành đồng sự và Lợi hành nhiếp).

2)    Khẩu hòa vô tránh: khẩu hòa tức là lời nói hòa hợp, lời nói hòa hợp là lời nói nhẹ nhàng, êm ái, không là mích lòng người khác, lời nói có pháp âm, pháp nghĩa, đem lại lợi ích cho người nghe mình nói. Lời nói hòa. hợp là lời nói đầy đủ ý nghĩa, không màu mè, rườm rà. Có người thân hòa mà khẩu không hòa, so hơn tính thiệt từng lời nói, tìm cách mỉa mai, châm chọc nhau, sách hạch nhau từng tiếng một, đó là nguyên nhân gây ẩu đả, miệt thị nhau, thù hằn nhau. Trong gia đình, một lời nói thô lỗ có thể đem lại sự tan vỡ trong gia đình. Giữa xã hội, vì một lời nói không ôn hòa mà tàn sát lẫn nhau. Một lời nói xúc phạm, không tín nghĩa của các bậc lãnh đạo quốc gia có thể đưa đến nạn chiến tranh giữa các nước trên thế giới... Bởi vậy, bên cạnh sống thân hòa thì khẩu hòa cũng là điều cần thiết. Là người Phật tử, hơn ai hết phải sống khẩu hòa để tránh những tai hoạ xảy ra như cổ nhân thường dạy: "hoạ tùng khẩu xuất".(Thực hành Ái ngữ nhiếp).

3)    Ý hòa đồng duyệt: ý là tác nhân chính của các hành động thân và miệng. Ý nghĩ ác thì thân làm việc ác và miệng nói lời thô ác. Ý nghĩ thiện thì thân hành thiện và miệng nói lời lương thiện. Cho hay, ý thức là điều tối quan trong sự hành xử. Khi tâm tư của một người nào đó mẫn cảm, vui vẻ, thoải mái thì lời nói và hành động của người đó kèm theo sự vui vẻ, mẫn cảm. Đó là nguyên nhân đưa đến sự hòa hợp trong cuộc sống chung của tập thể, cũng là điều kiện tiên quyết khiến người khác cảm mến và gần gũi mình. Muốn giữ cho ý hòa thì phải tu hạnh hỷ xả, loại bỏ những sự hờn giận, không cố chấp và luôn luôn tha thứ cho lỗi lầm của kẻ khác. (Thực hành Lợi hành, Đồng sự nhiếp).

4)    Giới hòa đồng tu: ở đây, chữ giới chúng ta nên hiểu là danh từ chỉ chung cho tất cả các nguyên tắc, thế gian cũng như Phật giáo. Trong Phật giáo gọi là giới, ngoài xã hội thì gọi là nguyên tắc, pháp luật hay nội quy... tuỳ mỗi xã hội mà có sự giới hòa khác nhau. Giới hòa tức cùng nhau thọ và giữ một loại giới hay một loại nguyên tắc. Ví như trong Phật giáo thì có 250 giới cho hàng Tỳ kheo tăng, 348 giới cho hàng Tỳ kheo ni, 10 giới cho Sa di, Phật tử tại gia thì có Thập thiện giới, Tại gia Bồ tát giới, hay Ngũ giới... ngoài xã hội thì có các loại nguyên tắc khác nhau, mỗi cơ quan, đoàn thê, trường học đều có một nội quy riêng biệt, tuỳ theo hòan cảnh mà đặt ra. Trong đó, mỗi cấp bậc có một loại nguyên tắc khác nhau. Giới hòa tức là mỗi cấp bậc cùng nhau giữ một loại giới và đều có trách nhiệm như nhau, không được bỏ bất cứ một nguyên tắc nào. Xuất gia thì có giới riêng của xuất gia, tại gia thì có giới riêng của tại gia, thầy giáo thì có nguyên tắc riêng của thầy giáo, học trò thì có nội quy riêng của học trò. Nếu ai không tuân theo các nguyên tắc chung đó thì nhất định sẽ bị đào thải. (Thực hành Lợi hành, Đồng sự nhiếp).

5)    Kiến hòa đồng giải: đó là sự hòa hợp trong cách nhận thức và giải thích về sự vật, hiện tượng cũng như tâm lý. Tiêu chuẩn này không đòi hỏi mọi người đều có trình độ như nhau nhưng đòi hỏi mọi người phải có tâm vị tha mà trình bày cho nhau hiểu. Trong một tập thể, không ai có đủ khả năng thông hiểu hết mọi sự mà mỗi người có mỗi sở trường riêng, mình phải đem sở trường của mình lấp vào cái sở đoản của người khác, khi đó người khác mới đem sở trường của họ bày vẽ lại cho mình. Như vậy, tập thể đó sẽ mỗi ngày mỗi tiến triển trong sự hòa hợp vui vẻ. Ngược với tinh thần kiến hòa đồng giải là sự ích kỷ, hẹp hòi, sống chỉ biết tư lợi, đó là nguyên nhân gây bất hòa, xung đột, xảy ra tranh chấp, bè phái, nghi ngờ. Người Phật tử càng phải sống trong tinh thần kiến hòa, vì kinh Phật có đủ loại, mỗi người chỉ có thể khám phá ra một khía cạnh ý nghĩa nào đó, có thể đúng mà cũng có thể sai. Trong trường hợp đó, mọi người cần phải thực hiện phép kiến hòa để giúp đỡ nhau học tập, đồng thời, đó cũng là cách sống chung hòa hợp tốt nhất. (Thực hành Lợi hành, Đồng sự nhiếp).

6)    Lợi hòa đồng quân: đây là pháp hòa hợp trong cuộc sống trên các mặt ẩm, thực, vật dụng, tuy đơn giản nhưng khó thực hiện vì nó liên quan đến cá tính con người. Lợi hòa đồng quân là sự quân bình, đều nhau, cùng chia nhau những vật dụng như cơm nước, chăn chiếu, thuốc thang... lợi hòa không không chỉ áp dụng cho một người, một nhóm người mà áp dụng cho cả một đoàn thể, một xã hội, một quốc gia, sâu hơn nữa là áp dụng cho cả thế giới. Thế giới chiến tranh, quốc gia suy bại, xã hội điêu đứng, đoàn thể phân tranh, gia đình đổ nát đều một phần do sống không lợi hòa. Đức Phật, vì lòng từ bi, vị tha đã dạy cho chúng ta sống: "có tài lợi nên tuỳ phận chia sớt cho nhau", cao hơn nữa là: "lợi hòa đồng quân". Vậy, người Phật tử phải cố gắng thực hành để có một cuộc sống hạnh  phúc, an lạc. (Thực hành Bố thí nhiếp).

C. Kết luận:             

Pháp lục hòa là một phương pháp hổ trợ hữu hiệu cho sự tu hành của chúng ta. Lục hòa là phương pháp sống, nghệ thuật sống hòa hợp trong tất cả mọi trường hợp. Đối với người tại gia, pháp lục hòa là bí quyết của hạnh phúc gia đình. Người nào thực hiện pháp lục hòa, người đó sẽ thấy được chân giá trị của cuộc sống.

Người Phật tử không những xem pháp lục hòa là nghệ thuật sống mà còn xem đó là phận sự phải thực hiện của mình, vì chúng hòan toàn thuộc về mục đích giải thoát. Hướng đến mục đích giải thoát, hành giả phải từng bước thực hiện pháp lục hòa./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017