Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Friday, 10.05.2024, 04:25 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

THẬP THIỆN NGHIỆP

| Monday, 06.03.2023, 10:06 AM |   (218 Xem)


THẬP THIỆN NGHIỆP

(bài đọc thêm hỗ trợ cho bài trước NGHIỆP VÀ NGHIỆP BÁO)

A. Mở đề:

Ở bài Nghiệp và nghiệp báo, chúng ta đã tìm hiểu tổng quát về nghiệp, bài này chúng ta tìm hiểu thêm về 10 thiện nghiệp của hàng Phật tử tại gia.

Thập thiện nghiệp là cội gốc của tất cả các pháp lành thế gian và xuất thế gian. Muốn gieo nhân để kiếp sau làm người thì phải tu tập tam quy, ngũ giới, muốn gieo nhân để được sanh thiên hoặc hơn thế nữa thì phải tu hành Thập thiện nghiệp. Trong Kinh thường dạy: tu hành Thập thiện nghiệp sẽ được hưởng cuộc sống an lạc hiện tại và đời sau chúng ta sẽ được phước báo nhân thiên.

Nếu muốn tu tập vượt khỏi ba cõi thế gian, chứng nhập Tam thừa thì phải tu tập Tứ đế, Thập nhị nhân duyên và Lục độ ba-la-mật. Tuy vậy, tu hành cũng như làm bất cứ điều gì đều phải đi từng bước, từ dưới lên trên, ví như cái thang, muốn trèo lên tầng thang cuối cùng thì phải đi từ tầng thang thứ nhất.

B. Chánh đề:

I. Định nghĩa:

Thập thiện nghiệp thường được dịch là mười nghiệp lành. Chữ nghiệp chúng ta đã học và tìm hiểu ở bài trước, nghiệp là hành động có tác ý, nó tồn tại ở tâm thức chúng ta, lớn lên và chín dần, đến khi nào chín hẳn thì hiện hành như hạt giống đủ duyên thì nảy mầm và lớn dần theo ngày tháng. Nghiệp chủng tốt thì quả hiện hành tốt, nghiệp chủng xấu thì quả hiện hành xấu. Thiện nghiệp có nghĩa là nghiệp chủng tốt, nhất định quả hiện hành sẽ tốt, tu hành Thập thiện nghiệp thì tái lai nhất định sẽ được sanh vào thiện xứ, lạc giới. Tu Thập thiện nghiệp cũng đồng nghĩa với diệt trừ mười ác nghiệp. Mười ác nghiệp được diệt trừ thì hiển nhiên chúng ta sẽ được an lạc, hạnh phúc.

II. Mười ác nghiệp là gì?, từ đâu phát sanh?

Mười ác nghiệp là sát sanh, trộm cướp, dâm dục, nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói thô ác, tham, sân và si. Trong mười thứ ác trên, ba thứ là sát sanh, trộm cướp và dâm dục thuộc về nghiệp ác của thân, bốn thứ nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi và nói lời thô ác thuộc về nghiệp ác của khẩu (miệng), ba thứ còn lại là tham, sân và si thuộc về nghiệp ác của ý. Ba thứ nghiệp ác của ý là những thứ vi tế khó đoạn trừ, chúng là đầu mối làm phát sanh những nghiệp ác của thân và miệng. Bởi thế, trong Kinh Pháp Cú Thí Dụ đức Phật dạy rằng: "Tham, sân, si là nguồn gốc của tội lỗi". Tu Thập thiện nghiệp chính là đoạn trừ mười ác nghiệp, đi ngược với mười ác nghiệp. Nghĩa là thân không sát sanh, không trộm cướp, không dâm dục, miệng không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói lời thô ác, ý không tham, không sân và không si. Mười thiện nghiệp này là những điều thiết yếu của Phật tử tại gia, không tu Thập thiện nghiệp thì không thể nào bươc lên địa vị Thánh quả.

III. Ý nghĩa và giá trị của Thập thiện nghiệp:

1)      Không sát sanh: Không sát sanh là tôn trọng sự sống của loài vật và chính mình. Không hại mạng là ơn huệ lớn nhất của con người đối với chúng sanh. Mạng sống là quan trọng, khi sắp chết mới thấy được sức sống mãnh liệt của mỗi sinh vật trên trái đất này. Đức Phật day: "Ai ai cũng sợ gươm dao, ai cũng thích sống còn, vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ xúi dục giết hại". (Pháp cú thí dụ) Không sát sanh thì ta mới thấy cuộc đời là tươi đẹp, mọi sanh vật đều gần gũi với mình, cảm mến mình. Con người hay con vật cũng đều muốn sống và muốn có một cuộc sống yên ổn. Bởi thế, chúng ta đừng ích kỷ, lấy sự đau thương của kẻ khác (sinh vật) làm thú vui cho mình, một lúc khoái khẩu mà tàn hại sanh mạng. Ấy là điều tội lỗi vô cùng.

2)      Không trộm cướp: Trộm cướp là một điều mà xưa nay chưa một ai chấp nhận nó. Trộm cướp là lấy những đồ vật không thuộc về quyền sở hữu của mình, dù là cây kim, ngọn cỏ mà lấy phi pháp đều là trộm cướp. Trộm cướp là một hành động hết sức bất công, vì rằng của cải vật chất do mồ hôi nước mắt của người khác làm ra mà mình thâu đoạt vô điều kiện thì đó là một hành động phi nghĩa, phạm pháp. Lẽ thường mỗi người chỉ có thể hưởng thụ những gì do chính mình làm ra, không thâu đoạt tài sản của người khác. Người Phật tử không thể là người gây đau khổ cho người khác, cho nên tuyệt nhiên không thể hành động phi pháp, trộm cướp tài sản của kẻ khác. Trộm cướp là hành động khiến bản thân mình lo sợ, luôn luôn không tỉnh táo để giải quyết mọi việc. Muốn để thân tâm khi nào cũng thoải mái, không lo sợ thì chúng ta không nên trộm cướp. Hậu quả của việc trộm cướp  chắc chắn sẽ bị đoạ lạc trong tương lai và hiện tại sẽ bị tù đày, bị mọi người khinh dễ..

3)      Không tà dâm: Tà dâm có nghĩa là hành dâm một cách phi pháp. Thông thường, người Phật tử tại gia không thể sống xa rời hẳn dâm dục, ở đây chỉ cấm tà dâm. Tà dâm chỉ xảy ra đối với những hạng người vô liêm sĩ, người Phật tử há để trở thành người vô liêm sĩ hay sao! Không tà dâm chính là bảo vệ hạnh phúc gia đình mình, đồng thời cũng bảo vệ hạnh phúc cho gia đình khác. Thế thường, do dâm dục mà tan gia bại sản, giết hại chính bản thân mình, gia đình ly tán, vợ con từ bỏ... Người không tà dâm là người biết giữ hạnh phúc gia đình, tạo tiếng thơm cho gia đình, bà con, họ hàng mình, nói chung, người có đạo đức thì không bao giờ tà dâm.

4)      Không nói dối: Nói dối là một tai hại không lường, hậu quả tàn ác của nó cũng không thua gì sát sanh, hại mạng. Một lời nói dối có thể đưa đến giết hại mạng sống, có thể làm cho người khác thân bại danh liệt. Không thể vì vui thú một lúc mà nói dối khiến người khác đau khổ. Nếu không vì mục đích từ bi, cứu tế chúng sanh thoát cơn nguy khốn thì không nên nói dối, không nên tập cho mình thói quen nói dối. Nói dối để tự tâng bốc mình, nói dối để lường gạt tiền bạc, nói dối để người ta tôn sùng mình đều mang tội nặng, nhất là người học Đạo thì không bao giờ được khoe khoan là mình đã chứng Thánh quả, tội lỗi đó nhất định sẽ bị đoạ vào Vô gián địa ngục.

5)      Không nói thêu dệt: Thêu dệt có nghĩa là trau chuốt lời nói, làm cho lời nói trở nên ngọt ngào đường mật, dễ quyến rũ người khác, làm lung lạc lòng người mà làm những điều sai quấy. Những người hay thêu dệt lời nói thường là những kẻ bất chính, lòng dạ hiểm độc, lợi dụng người khác để làm lợi cho mình. Ngạn ngữ Nhật Bản có câu: "Ở đâu có nhiều lời hoa mỹ, ở đó thiếu tình cảm chân thật". Thế gian thường nói: "Trung ngôn nghịch nhĩ" (Lời nói thật thì khó nghe), nhưng dù sao lời nói thật vẫn tốt hơn, lời nói láo bao giờ cũng có hại.

6)      Không nói hai lưỡi: Nói hai lưỡi còn gọi là nói hai chiều, với người này nói xấu người kia, với người kia nói xấu người này, không gièm pha người này với người kia thì cũng nhạo báng người kia với người này. Bằng mọi cách gây chia rẽ đôi bên, làm cho họ thù hằn nhau mà mình chính là trung gian gây ác cảm. Người không nói lời thêu dệt là người luôn luôn tôn trọng các mối giao cảm, thân thiện giữa bà con xóm giềng. Người này nhất định được bà con xóm giềng tôn trọng, mến mộ, gia đình êm ấm, bạn bè kính nể, đi đến đâu cũng được đối đãi tử tế, sau khi lâm chung sẽ được sanh vào thiên giới hưởng an lạc, hạnh phúc.

7)      Không nói lời thô ác: Lời thô ác là những lời thô lỗ, một người có học thức không thể dùng những lời thô ác để đối đãi với nhau. Sự cộc cằn, thô tục chỉ để cho những người vô học, kẻ đồ tể, đâm thuê, chém mướn sử dụng. Chúng ta, nhất là Phật tử, tuyệt đối không được sự dụng lời lẽ thô ác để nói kẻ khác. Con người hết thảy đều ưa lời nói ôn tồn, dịu dàng, tại sao ta lại dùng lời lẽ thô tục! Những chữ "chó", "mèo", 'trâu"... chúng ta không nên dùng khi cư xử, tuyệt đối không dùng những chữ chửi thề. Trong công cuộc chinh phục lòng người, nhất là Phật tử trong công hạnh truyền đạo, ái ngữ cần được phát triển, lời thô ác cần phải chấm dứt.

8)      Không tham lam: Tham lam là nguồn gốc của mọi sự sợ hãi, lo lắng. Cái tham thường nhất của cuộc đời là tham tiền của, nhan sắc và danh vọng. Thế gian không nhận thức được rằng những thứ dục lạc trần thế ấy như bọt nước trên biển xanh, như đoá phù dung sớm nở tối tàn. Tham lam những thứ ấy chỉ thêm đày đoạ tấm thân, làm nô lệ cho chúng, suốt đời chỉ chuốc khổ vào thân. Sống trong cuộc đời, đâu phải mong muốn cái gì là được cái đó; vả lại, lòng tham của con người vô đáy, làm sao mà một lúc thoả  mãn với những gì đang có trong hiện tại! Cổ nhân có dạy: "Hạnh phúc không phải là sự tìm cầu mà là sự dừng lại". "Người khôn ngoan luôn tạo hạnh phúc cho mình hơn là tìm kiếm hạnh phúc". Bởi thế, khi nào lòng tham muốn còn tồn tại thì khi đó không thể có hạnh phúc.

9)      Không sân hận: sân hận là cá tánh thường có ở con người, nhất là nam giới. Thế gian thường nói: "giận mất khôn, mặn hết ngon". Mỗi khi một người nào đó sân hận thì họ không thể nào kiềm chế bản thân mình, họ thường tung ra vô số lời nói thô tục, có thể xảy ra ẩu đả... Người sân hận thì không bao giờ tỉnh táo để giải quyết vấn đề. Kinh Phật có câu: "Một niệm giận hờn nổi lên thì trăm nghìn cửa nghiệp chướng đều mở. Lửa tức giận một phen phát ra liền đốt tất cả rừng công đức." Bởi thế, người tu tập theo đức Phật thì không nên sân hận, luôn luôn giữ tâm bình thản ở mọi nơi, mọi lúc.

10) Không si mê: si mê tức là ngu muội, không biết phán đoán rành mạch sự việc, không phân biệt đúng sai, đen trắng. Người si mê thì dễ bị lầm lạc theo ngoại đạo tà giáo, mê tín dị đoan. Người không si mê là người có trí tuệ, biết tin nhân-quả, tội phước, không tạo tội, thường tu hạnh bố thí, luôn luôn chánh niệm tỉnh giác. Ngừơi Phật tử phải tránh xa những thói si mê, u ám, phải luôn luôn có lòng từ bi, luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác để nhận thức vấn đề, không nên vội vã phán quyết một cách mơ hồ, chuyên cần nghiên cứu Kinh luật để phát triển trí tuệ.

C. Kết Luận:

Mười nghiệp ác do thân, miệng, ý phát ra thì mười thiện nghiệp cũng do thân, miệng và ý làm phát sanh. Mười ác nghiệp ví như cỏ, mười ác nghiệp ví như lúa, chúng cùng nhau chung sống trên một mảnh ruộng. Cỏ thường làm chướng ngại lúa, không cho lúa sanh trưởng tốt tươi. Nếu muốn lúa phát triển tốt thì phải nhổ sạch cỏ. Vậy muốn được mười nghiệp lành thì phải diệt trừ mười nghiệp dữ. Hàng phục được 10 nghiệp dữ thì chúng ta cải tạo đựơc thân tâm, cải tạo hoàn cảnh, được sanh thiên giới và đó cũng là nhân chủng Phật cần được nuôi dưỡng và phát triển./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017