Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Friday, 10.05.2024, 10:00 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT VỀ TỨ DIỆU ĐẾ

| Friday, 10.03.2023, 04:50 AM |   (279 Xem)


KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT VỀ TỨ DIỆU ĐẾ

A. MỞ ĐỀ:

Sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, đức Thế Tôn còn do dự chưa đi thuyết pháp vì thấy chân lý Ngài chứng ngộ quá cao siêu mà chúng sanh thì căn cơ thấp kém, làm sao chúng sanh thâm nhập được giáo pháp vi diệu ấy! Biết được ý định này, Phạm thiên đã hết lòng thỉnh Phật trú thế và chuyển bánh xe pháp. Đức Thế Tôn đang còn do dự thì Ngài bỗng thấy những cánh hoa sen nhấp nhô trên dòng sông Ni-liên-thuyền, đóa đã nhô lên khỏi mặt nước, đóa thì đang còn lấp lửng trên mặt nước, đóa thì đang còn nằm trong lòng nước... Ngài chợt nghĩ rằng, căn cơ chúng sanh cũng như thế, có hạng độn căn, hạng lợi căn không đồng đều. Song, dù đã nhô lên khỏi mặt nước, đang còn lấp lửng trên mặt nước hay còn nằm trong lòng nước thì bản chất của chúng vẫn là hoa sen. Nhân loại cũng thế, có kẻ trí người ngu, căn tánh bất đồng nhưng tất cả đều có Phật tánh, có thể tiếp thu giáo lý tối thượng. Nghĩ đến đó, đức Thế Tôn quyết định trú thế để chuyển bánh xe pháp. Đầu tiên, Ngài nghĩ đến hai vị thầy của Ngài là ông Uất-đầu-lam-phất và ông A-ta-la-ca-lan nhưng được biết hai vị này đã từ trần, Ngài liền nghĩ đến năm người bạn đồng tu ở Khổ hạnh lâm là Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lực Ca Diếp, Ma Ha Nam và Bạc Đề, Ngài đi đến xứ Ba-la-nại (Bàrànasì), chỗ chư tiên đọa xứ, ở vườn Nai để khởi đầu thuyết pháp độ họ. Bài pháp đầu tiên Ngài thuyết là pháp Tứ Diệu đế, đây là bài pháp làm nền tảng cho 45 năm thuyết pháp của Phật. Nội dung bài pháp này chỉ rõ con đường Trung đạo; là tránh xa sự đắm say dục lạc và khổ hạnh ép xác. Tại đây, Ngài khai thị, tuyên thuyết, kiến lập, phân biệt rõ ràng giáo lý Tứ đế mà Ngài gọi là "Vô thượng pháp luân".

B. CHÁNH ĐỀ:

I. Tứ Diệu Đế Là Gì?

Tứ Diệu đế là bốn sự thật vi diệu. Đế có nghĩa là chắc chắn, chơn thật, rõ ràng, bất di bất dịch, không hạn cuộc bởi không gian và thời gian. Diệu là cao quý, vi diệu, nhiệm mầu và vô cùng lợi ích. Đây là bốn chân lý vi diệu, bất di bất dịch, chắc chắn, qúy báu, mầu nhiệm, vô cùng lợi ích, người tu hành có thể từ địa vị tối tăm tiến lên quả vị giác ngộ tối thượng nên gọi là tứ Diệu đế.

II. Tứ Diệu Đế Bao Gồm Những Gì?

Tứ Diệu đế bao gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

1)   Khổ đế (Dukkha): Gọi đủ là Khổ Thánh đế, là chân lý chỉ rõ sự thật về khổ. Tốt hơn hết chúng ta nên để chữ ”Khổ đế" như vậy, vì chữ Dukkha (khổ) không chỉ đơn thuần trong nghĩa khổ thông thường mà còn có nghĩa là Vô thường, trống rỗng hay giả tạm... Diệu đế khổ là quan điểm của Đức Phật muốn nói về sự thật của nhân sinh và vũ trụ, nó có ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều với nghĩa khổ thường tình. Nếu chỉ đơn thuần là khổ thì Đức Phật đã vô tình đem đến cho chúng sanh một nhận thức bi quan ban đầu về cuộc sống. Đức Phật không phủ nhận có hạnh phúc trong sự sống khi Ngài bảo cuộc đời là đau khổ. Trái lại, Ngài công nhận có những hình thái hạnh phúc khác nhau về tinh thần và vật chất cho người thế tục cũng như người xuất thế. Như trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật đã phân tích rõ về hạnh phúc của hàng xuất gia và hạnh phúc gia đình, hạnh phúc của sự hưởng thụ khoái lạc và hạnh phúc của người xuất thế... Ở đây, chúng ta tạm thời hiểu chữ Dukkha là khổ nhưng cần phải hiểu những ý nghĩa bao hàm của nó. "Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, oán thù gặp nhau là khổ, thương yêu mà xa lìa là khổ, cầu không được là khổ, chấp năm uẩn là khổ". (Tương Ưng V, phẩm Chuyển pháp luân).

2)   Tập đế (Samudaya, Samede Dukkha): Gọi đủ là Khổ tập Thánh đế, là chân lý chỉ rõ sự thật về nguyên nhân của khổ. Nếu Khổ đế được ví như các loại bệnh thì Tập đế được ví như những nguyên nhân gây bệnh. "Chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này, chỗ kia; tức là dục ái, hữu ái, vô hữu ái". (Tương Ưng V, tr 425). Chính sự khao khát, ham muốn dục vọng xuất hiện dưới nhiều hình thức đã làm phát sinh mọi thứ khổ đau và sanh tử. Đó là nguyên nhân của khổ, tuy nhiên chúng ta không nên xem đó là nguyên nhân đầu tiên, vì Phật giáo không công nhận có nguyên nhân đầu tiên.

3)   Diệt đế (Nirodha dukkha): Gọi đủ là Khổ tập diệt Thánh đế, là chân lý chỉ rõ sự thật về cảnh giới khổ diệt. Cảnh giới khổ diệt là cảnh giới an lạc, hạnh phúc, chấm dứt khổ đau, hay gọi là cảnh giới Niết bàn (Palì: Nibbàna, Sankrit: Nirvàna). Niết bàn là cảnh giới tối hậu, là mục đích mà Phật giáo nhắm tới. Cảnh giới ấy không thể miêu tả bằng ngôn ngữ, vì ngôn ngữ con người quá nghèo nàn, nông cạn, không thể diễn tả hết thực tại tối hậu của cảnh giới Niết Bàn. "Chính sự đoạn diệt, ly tham, không còn dư tàn của khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước". (Sđd, tr 425).

4)   Đạo đế (Nirodha Gamadukkha): Gọi đủ là Khổ tập diệt đạo Thánh đế, là chân lý chỉ rõ con đường diệt khổ để đi đến giải thoát Niết bàn (Diệt đế). Con đường đó là con đường Trung đạo, tránh xa hai thái cực hưởng lạc và khổ hạnh. Cả hai thái cực trên đều cực đoan, không lợi ích nên Đức Phật đã bác bỏ. Bằng tuệ giác, Đức Phật đã hướng dẫn chúng sanh tu hành Trung đạo, chỉ có Trung đạo mới đưa chúng sanh đến giác ngộ, giải thoát. "Chính là Bát Thánh đạo; tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định" hay nói cách khác là tu tập theo 37 phẩm trợ đạo.

Thế Tôn trình bày bốn đế theo trình tự như thế là rất phù hợp. Ngày nay, các nhà nghiên cứu Âu tây đều phải công nhận sự sắp xếp tài tình của Phật qua tứ Diệu đế. Chúng sanh phần nhiều bị vô minh, không thấy được nguyên nhân của việc mình làm, đến khi lảnh chịu hậu quả thì mới tin việc mình làm là tốt hay không tốt, đúng hay không đúng. Biết được khuyết điểm này, Đức Phật đã giới thiệu tứ Diệu đế qua hai cặp nhân quả và mỗi phần Ngài đều trình bày quả trước nhân sau. Cặp nhân quả thế gian (Lưu chuyển) là Khổ và Tập, cặp nhân quả xuất thế gian (Hoàn diệt) là Diệt và Đạo. Đức Phật chỉ cho chúng sanh sự đau khổ trước vì hàng ngày chúng sanh tiếp xúc với sự khổ, sau đó Ngài trình bày nguyên nhân sự khổ đó là gì. Tiếp theo, Ngài trình bày cảnh giới khổ diệt để chúng sanh thấy được sự an lạc, hạnh phúc của cảnh giới khổ diệt, sau đó Ngài dạy cách để đạt đến cảnh giới khổ diệt đó tức là Đạo đế. Với quy trình như thế, con người sẽ dễ dàng hiểu rõ và nhận thức ngay trong cuộc sống hiện tại. Đức Phật đã trình bày quy trình này qua ba chuyển và mười hai hành tướng gọi là Tam chuyển thập nhị hành pháp luân (Một đế gồm ba lần chuyển, bốn đế gồm 12 lần chuyển). Ba chuyển là Thị chuyển, Khuyến chuyển và Chứng chuyển. Thị chuyển là chỉ cho chúng sanh về khổ, tập... Khuyến chuyển là Khuyên chúng sanh nhận rõ khổ, đoạn tận nguyên nhân của khổ (Tập), tu hành thánh đạo (Đạo)... Chứng chuyển là Đức Phật đã chứng ngộ và dứt trừ hết mọi khổ đau... Theo cách trình bày này của đức Phật chúng ta thấy không thể có cách trình bày nào hữu hiệu và dễ hiểu hơn nữa. Vì thế bố cục này đựơc đánh giá là rất trí tuệ và khoa học.

III. Vị Trí Của Tứ Đế Trong Giáo Lý Phật Giáo:

Như trên đã trình bày, tứ Diệu đế là nền tảng của giáo lý đạo Phật, không phải riêng giáo lý Nguyên thủy mà giáo lý Đại thừa cũng vậy. Giáo lý Đức Phật thuyết trong 45 năm, đựơc chia là năm thời nhưng tựu trung không ngoài tứ Diệu đế, chỉ sai khác ở thời gian trình bày, địa điểm trình bày và hình thức trình bày mà thôi. Ngài Xá-lợi-phất, đệ tử thượng túc có trí tuệ đệ nhất của Phật đã ca ngợi giáo lý tứ Diệu đế như sau: "Chư Hiền giả, ví như tất cả dấu chân mọi loài động vật đều nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân voi là lớn nhất trong tất cả các dấu chân về mặt to lớn. Cũng vậy, chư Hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong tứ Thánh đế". (Trung Bộ I, Kinh Tượng Tích Dụ, tr 184). Như vậy, tứ Diệu đế là giáo lý nền tảng trọng yếu của Phật giáo, của con đường đi đến giải thoát. Cho đến nay, giáo lý này vẫn là giáo lý nền tảng của các bộ phái Phật giáo, không một nhà nghiên cứu nào có thể phủ nhận điều này.

C. KẾT LUẬN:

Là Phật tử thì không thể không học hỏi, nghiên cứu và tu tập giáo lý Phật giáo, mà căn bản của giáo lý Phật giáo lại không gì ngoài tứ Diệu đế. Vì vậy, Phật tử phải nghiên cứu kỷ lưỡng tứ Diệu đế vì nghiên cứu tứ Diệu đế là nghiên cứu gốc tích của giáo lý đạo Phật. Trong cuộc sống tu tập cũng như hành đạo của chúng ta, giáo lý Tứ đế không thể thiếu. Chúng ta phải lấy giáo lý tứ Diệu đế làm hành trang trên bước đường tu tập, hành đạo, đặc biệt trong công hạnh Hoằng dương Chánh pháp. Giáo lý tứ Diệu đế được áp dụng hữu hiệu là phương cách duy nhất để chúng ta và mọi người thâm nhập Chánh đạo./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017