Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Friday, 10.05.2024, 07:55 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

KHỔ ĐẾ

| Sunday, 19.03.2023, 08:27 AM |   (245 Xem)


KHỔ ĐẾ

A. Mở đề:

Chân lý đầu tiên trong tứ đế là chân lý về sự khổ. Đức Phật đã giới thiệu Khổ đế đầu tiên là vì chúng sanh đang quằn quại đau khổ, dễ cảm nhận và hiểu biết sự thật về khổ. Ngài dạy: "Cuộc đời và cả cuộc sanh tử chỉ là đau khổ, trải qua bao kiếp sống đau thương, nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước trong bốn biển". Đó là lời tuyên bố sau khi Ngài đã chứng nghiệm và quan sát kỹ cuộc đời. Người đời sống phần lớn chỉ tham hưởng thụ khoái lạc, họ cho rằng cuộc đời là một hội tiệc không bao giờ dứt, trong khi đó, họ không biết được cái khoái cảm lạc thú ấy chỉ là một ảo tưởng mong manh, lường gạt, giả dối, một mai sự vô thường ập đến thì thân này sẽ bị trầm luân trong tam đồ lục đạo. Người trí không xem cuộc đời là cõi lạc thú mà luôn luôn cảnh tỉnh đối với những cám dỗ thế gian, họ xem cuộc đời như những sân khấu mà con người đang diễn những trò đáng thương và nguy hiểm, nếu không cảnh giác thì trước sau gì cũng sẽ bị đọa lạc thế thì làm sao con người có thể yên tâm mà hưởng thụ cái khoái lạc nguy hiểm ấy!

Đức Phật đã vì lòng từ bi và vị tha vô hạn đã tường tận chỉ rõ cho chúng sanh sự thật của khổ. Sự thật đó là Khổ đế mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.

B. Chánh đề:

I. Định Nghĩa

Tiếng Phạn là Dukkha, Tàu dịch là khổ, chữ Dukkha là do hai chữ "DU" nghĩa là khó, và chữ "KKHA" nghĩa là sự kham nhẫn chịu đựng mà tạo thành. Tàu dịch là khổ, nghĩa là đắng, nghĩa rộng là cái gì làm cho mình đau đớn, khó chịu là khổ. Ốm đau đói khát, buồn rầu, sợ hãi... cũng có nghĩa là khổ.

"Đế" là sự thật vững chắc, đúng đắn, cao cả, không lìa sự thật, không thể thay đổi... Sự khổ của thế gian là có thật, không ai phủ định, chỉ vì vô minh che lấp trí tuệ nên chúng sanh không thấy được cái khổ trước mắt.

II. Bàn luận về Khổ của thế gian:

Hiện tượng giới là một dòng chảy, biến dịch, linh động không bao giờ dừng nghỉ. Chúng ta đang sống trong hiện tượng giới đương nhiên phải bị sự chi phối của quy luật vô thường ấy. Chỉ cần có một ý niệm chấp thủ thì sự khổ liền có mặt, mà chúng sanh thì đang quy cuồng trong sự khoái lạc, muốn ôm cả thế gian vào lòng, thế thì làm sao không chuốc lấy khổ đau. Cho nên nói: "đời là bể khổ" không có gì là sai vậy.

Luận điểm về khổ là một luận điểm khoa học, không thể xem sự khổ trong giáo lý Phật giáo là một quan niệm tiêu cực, bi quan hay yếm thế được; bởi lẽ đó là một nhận thức chứ không phải là một hành động sống thực tiễn. Chúng ta thử tìm hiểu và phân tích thì sẽ thấy lời của đức Phật hoàn toàn đúng.

Sự khổ của thế gian theo như đức Phật dạy nói theo nghĩa hẹp thì có ba hoặc tám trên hai lĩnh vực thuộc tinh thần và thể xác, nhưng nói rộng ra thì có vô lượng khổ. Ở đây chỉ bàn theo nghĩa hẹp thông thường.

·                    Ba khổ là: Khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.

1.    Khổ khổ: Khổ khổ là sự khổ chồng chất, nối tiếp nhau không bao giờ dứt. Khổ vì tấm thân này là nhơ bẩn, chỉ vài ngày không tắm rửa là hôi thối không thể nào chịu nỗi, thế mà nó muốn đau thì đau, muốn lành thì lành, lúc nào cũng có thể trở nên tàn phế, hư hoại, mong manh tựa hồ như giọt sương buổi sớm. Trong cái khổ đó lại còn chồng chất thêm những thứ khổ khác như thiên tai, lũ lụt, đói khát, hỏa hoạn, thuế má, áp bức...

2.    Hoại khổ: Là vì sự vô thường sanh diệt, hư hoại như trong Kinh Kim Cang dạy: "Phàm cái gì có hình tướng đều là giả dối vì có sanh thì có diệt, có thành thì có hoại". Thế cho nên, khi mỗi cá nhân nắm giữ cái gì mà cái đó không tồn tại mãi mãi với họ thì làm cho họ sanh đau khổ. Sự vô thường như một làn gió mạnh thổi qua làm mọi vật đều rung chuyển đổ nát. Mạng sống con người như một thân cây bé nhỏ trong gió táp mưa sa của cuộc đời, làm sao giữ cho mình một cái gì đó vĩnh viễn được! Hoại khổ chính là sự thay đổi đột ngột của các pháp làm con người đau khổ.

3.    Hành khổ: Do sự biến đổi vi tế của các pháp, sanh diệt trong từng sát na, làm cho chúng sanh đau khổ. Phương diện tinh thần của chúng sanh luôn luôn bị dằng vặt, lôi kéo, thúc đẩy bởi dục vọng. Sâu xa hơn, tâm hồn của chúng sanh luôn luôn bị sai sử, chi phối bởi ý thức, cuồng vọng theo thú tánh đê hèn. Sự giận hờn thương ghét... phần lớn là do tiềm thức sai sử. Tóm lại, do các pháp duyên sanh vô thường trong từng sát na, khiến chúng sanh không bao giờ yên ổn về vật chất lẫn tinh thần, đó là hành khổ.

Tám khổ là: sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngủ ấm xí thạnh khổ.

1.     Sanh là khổ: Là khổ trong khi sanh và khổ trong đời sống hàng ngày của mình. Kể cả bốn loài (noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh) từ khi mới tượng hình sanh ra, khi thành tựu hình tượng một đời, rồi tái sanh đều gọi là sanh và hoàn toàn khổ. Riêng đối với con người cũng vậy. Từ khi tượng hình thai nhi cho đến khi chào đời là một quá trình đau khổ. Sự kết thai khởi đầu rất khó khăn. Chín tháng ở trong lòng mẹ của thai nhi là cả một thời gian dài đăng đẳng, tối tăm và hãi hùng. Khi thì cảm giác thấy nóng bức như đi trên sa mạc, khi thì cảm giác như như đang ở giữa tuyết lạnh. Từ thức ăn cho đến những biến chuyển tâm lý, vật lý của người mẹ đều ảnh hưởng mạnh vào thai nhi. Thai nhi được hình thành và tăng trưởng hoàn toàn ngoài sự mong muốn của mình. Đây là một điều khổ lớn. Nghiệp thức ở trong thai là kết quả của ái, thủ, vô minh làm quên đi những gì của đời quá khứ của mình, đây là cái khổ lớn thứ hai. Lúc sinh do vì sức ép hoặc do sự thay đổi của môi trường, đứa trẻ thường phải chịu nhiều đau đớn... .tất cả đều diễn biến ngoài ý muốn của mình. Bởi thế, các thi nhân thường chỉ cái khổ đau của đứa trẻ biểu lộ qua tiếng khóc chào đời, đồng thời tiếng khóc ấy cũng báo hiệu một quá trình sanh tử mới: “Thoạt sanh ra miệng đà khóc choé. Trần có vui sao chẳng cười khì...” (Nguyễn Công Trứ), hay là: “Thảo nào khi mới chôn nhau. Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra...” (Ôn Như Hầu)

2.     Già là khổ: Già là quá trình niên lão, hư hoại, trạng thái răng rụng, da nhăn, các căn biến hoại. Dù chúng ta đang trẻ nhưng chúng ta cũng có thể nhận ra cảnh già nua khổ đau như thế nào. Bất cứ ai cũng không muốn mình trẻ mãi! Càng mong trẻ lại thấy mình khổ vì già. Tuổi già là một sự kiện kinh hoàng, như chiều hoàng hôn buông xuống, vùi dập bao nhiêu mộng ước của cuộc đời. Tuổi trẻ hoạt bát bao nhiêu thì tuổi già trì trệ bấy nhiêu. Tuổi trẻ mơ mộng, đầy nhựa sống, hy vọng bao nhiêu thì tuổi già thất vọng, xác xơ, nhàm chán bấy nhiêu. Tuổi già cướp đi sức khỏe, cướp đi các thứ hạnh phúc, cướp đi sự ăn ngủ của tuổi trẻ, nó như một con ngựa bất kham trên con đường thiên lý. Tấm thân này lúc về già thì lắm bệnh, ở đó cái chết sắp đến gần, thật kinh khủng!

3.     Bệnh là khổ: Khổ vì bệnh là chuyện đương nhiên mà ai cũng thấy được, trong cuộc đời, ai cũng không ít thì nhiều đã có dịp nếm thử mùi đau khổ của bệnh tật. Bệnh tật hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần con người. Một chiếc răng rụng cũng đủ làm cho ta đau đớn, khổ sở. Bệnh của con người ngày nay khoa học đã chứng minh được hàng triệu loại, con người dễ dàng mắc phải những bệnh hiểm nghèo, dẫn đến tử vong. Một người nào đó mắc phải chứng bệnh nan y không thể cứu chữa thì cuộc đời người ấy xem như đã tàn. Chúng ta thử đi vào bệnh viện thì sẽ thấy sự đau khổ quằn quại vì bệnh tật của con người. Một cơn bệnh đến có thể làm cho chúng ta trở nên nghèo đói thiếu thốn, vất vã dành dụm bao nhiêu, mỗi khi bệnh tật đến thì cũng không đủ mà chạy chữa. Có người vì không đủ tiền chữa bệnh đã tìm đến cái chết bằng cách nhảy lầu tự tử...

4.     Chết là khổ: Quy luật sống chết là quy luật chung cho cả con người lẫn sự vật. Ai cũng một lần chết dù sớm hay muộn. Mỗi người không tự nhận thức khổ đau khi chết, vì còn cảm nhận thì chưa chết mà chết thì không thể cảm nhận. Tuy nhiên chúng ta có thể cảm nhận được khi trong nhà có người thân chết. Không khí bi thương, buồn thảm, tang tóc hiện rõ trên khuôn mặt của thân quyến. Mình chết thì làm đau khổ cho người thân của mình nhiều hơn. Trong bốn hiện tượng sanh, già, bệnh chết thì chết là điều làm con người kinh hãi nhất. Khi hấp hối, thân thể thì tê liệt, tinh thần thì sợ hãi, bàng hoàng về một thế giới xa lạ, ghê gớm, không biết mình sẽ ra sao giữa bầu trời bao la và chẳng biết đi về đâu nên đau khổ vô cùng, nhất là nỗi lo sợ phải vĩnh biệt người thân.

5.     Ái biệt ly khổ: Ái biệt ly nói đủ ân ái biệt ly, cứ tưởng tượng một gia đình sum họp mà do một nguyên nhân gì đó làm mỗi người mỗi ngã thì thật là đau khổ. Có thể đau khổ vì sanh ly, có thể khổ đau vì tự biệt. Cổ nhân có nói: “Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt. Phu thê nghĩa trọng giả phân ly. Nhân tình tợ điểu đồng lâm túc. Đại hạn lai thời các tự phi.” (Có nghĩa là: Cha mẹ, vợ chông dù ân thâm, nghĩa trọng bao nhiêu rồi cũng ly biệt. Tình người giống như một đàng chim cùng ở một cái tổ trên rừng, một khi có gió bão... thì mỗi con tự bay đi mỗi ngã. Cái khổ vì tử biệt đã đành, cái khổ vì sanh ly cũng luôn luôn xảy ra, làm cho con người đau khổ.)

6.     Cầu bất đắc khổ: Cầu không đựơc là khổ tức là thất vọng, hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lắm. Người đời thường mong cầu có bạn tốt, có vợ đẹp con thơ, có nhà cao cửa rộng, có quyền cao chức trọng... nhưng vì con người đâu phải mong muốn cái gì cũng được, thế là sanh ra sầu não, thất vọng. Mặt khác, sống thì ai cũng bị sanh, già, bệnh, chết chi phối, nhưng ai cũng muốn không bị khổ vì sanh, già, bệnh, chết. Mong ước những điều mà không thành tựu đựơc nên sanh ra đau khổ, thất vọng.

7.     Oắn tắng hội khổ: Đây là khổ đau do vì oán thù gặp gỡ. Gây oán thù với người thì đương nhiên sẽ đến ngày người ta tìm mình để trả thù. Sự thù hận nhau giữa đời quả là đáng sợ. Những hình thức báo thù như đâm chém, cướp đoạt, vu oan đều đáng sợ. Kinh tởm nhất là cách trả thù bằng tạt Acid. Con người vì sống trong cõi đời này không ít thì nhiều cũng có gây oán thù với kẻ khác cho nên việc trả thù là không thể không bắt gặp. Tham lam thì phải kết thù, kết thù thì phải đau khổ. Thế nên người đời thường nói: thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt, sống với người thù nghịch như nếm mật, nằm gai.

8.     Ngũ ấm xí thạnh khổ: Ngũ uẩn là vô duyên sanh, vô thường, biến hoại, đi ngược với tham ái, chấp thủ của chúng sanh nên thường làm chúng sanh đau khổ. Vì vô minh nên con người chấp thủ ngũ uẩn là mình, là của mình, là tự ngã của mình nên khi chúng thay đổi thì đau khổ. Lại nữa, sống với thân năm uẩn như sống trong ngôi nhà bốc cháy... nên chấp năm uẩn này là chấp nhận sự đốt cháy của tham, sân và si đối với sắc, thanh, hương, vị xúc... nên gọi là ngũ ấm xí thạnh khổ. Bởi vậy, muốn hết khổ, chúng ta phải tinh tấn tu tập theo lời Phật dạy để giải thoát khỏi thân ngũ uẩn này.

III. Ý Nghĩa:

Đức Phật dạy rõ về nỗi khổ trong thế gian cho chúng sanh không phải để hăm dọa hay làm chúng sanh hoang mang, lo sợ mà là để cho chúng sanh thoát khỏi băn khoăn trước nghịch cảnh. Trần đời không thiếu gì sự khổ, người Phật tử không nên bàng hoàng, lo sợ trước những mất mác của cuộc đời, giữ tâm thanh tịnh, vững chải để không bị hoàn cảnh chi phối và quan trọng hơn là mỗi người Phật tử khi nhận thức được cuộc đời là đau khổ thì phải gắng sức tu tập, mong giải thoát khỏi tam giới, thoát khỏi thân ngũ uẩn, đoạn tận khổ đau và hướng lên Niết Bàn.

C. Kết Luận:

Cảnh giới Ta bà là cảnh giới đau khổ, đức Phật cũng vì sự đau khổ chung của chúng sanh mà xuất thế. Ngài chỉ rõ tam giới không không lúc nào an ổn, ví như một ngôi nhà lửa và khuyên chúng sanh tu hành thánh đạo. Ngài đã dạy rõ ba khổ và tám khổ như trên để chúng sanh tìm hiểu và tu tập. Cái khổ của trần gian dù vô số nhưng không ngoài ba khổ hay tám khổ mà chúng ta đã tìm hiểu trên đây. Chỉ nghiên cứu ba khổ hay tám khổ trên, chúng ta sẽ nhận ra vô số sự khổ khác nằm trong đó. Sự khổ bao quát nhất là Ngũ ấm xí thạnh khổ. Chính con người 5 uẩn của chúng ta chi phối và làm cho chúng ta đau khổ. Vì thế, chúng ta cần phải nhận chân thân này là giả hợp, vô thường, vô ngã để tu tập với mong cầu đựơc làm thân Như Lai thanh tịnh, bất sanh, bất diệt. Muốn như thế chúng ta phải đoạn khổ, muốn đoạn khổ thì phải biết nguyên nhân vì đâu có khổ. Đây là đề tài mà chúng ta tìm hiểu ở bài sau trong bài Tập đế./.         



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017