Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Tuesday, 07.05.2024, 08:33 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

TẬP ĐẾ (SAMEDA DUKKHA)

| Monday, 20.03.2023, 06:13 AM |   (251 Xem)


TẬP ĐẾ (SAMEDA DUKKHA)

A. Mở đề

Ở bài trước chúng ta đã tìm hiểu về khổ đế và đã biết khổ đế và Tập đế là cặp nhân quả thế gian hay còn gọi là cặp nhân quả lưu chuyển. Khổ đế thuộc về quả, Tập đế thuộc về nhân, quả chúng ta đã tìm hiểu, bây giờ chúng ta tìm hiểu về nhân. Đức Phật trình bày Tập đế chính là trình bày sự thật về nguyên nhân của khổ. Khi học bài khổ đế, chúng ta không khỏi băn khoăn, tự hỏi; Vì sao khổ? Khổ bắt nguồn từ đâu?... Những thắc mắc đó sẽ được giải đáp trong bài Tập đế mà chúng ta tìm hiểu hôm nay. Tập đế được ví như nguyên nhân của một căn bệnh, bác sĩ phải biết căn bệnh đó là gì (khổ đế) sau đó mới tìm nguyên nhân của căn bệnh đó (Tập đế) để mà chữa trị. Bác sĩ chỉ làm công việc chẩn đoán và cho thuốc, tác nhân chính để lành bệnh vẫn là chúng ta, vì thế tu theo giáo lý của đức Phật không có nghĩa là được đức Phật cứu rỗi mà chính mình phải nỗ lực tinh tấn, thực hành giáo lý của đức Phật để tự giải thoát. Nếu chỉ y theo lời dạy của đức Phật mà không tu tập, thực hành giáo lý ấy là đi ngược với lời Phật dạy. Người ngu chỉ thấy quả (khổ) mà không thấy nhân (tập) nên cứ tạo nhân ác để rồi phải chịu quả khổ, người trí thấy suốt nhân quả nên không gieo nhân ác mà chỉ gieo nhân thiện nên được phước báo an lạc. Bởi thế, người học Phật cần phải sáng suốt, thấy được hậu quả của việc mà mình sắp làm để ngăn ngừa những ý tưởng và hành động bất chính, không lợi ích.

B. Chánh Đề:

I. Định nghĩa:

Tập là nhóm lại, tích tập lại mỗi ngày mỗi nhiều lên. Tập đế là sự thật về sự tích tập, chất chứa nguyên nhân gây ra khổ đau trong lục đạo chúng sanh, do vì chúng sanh sống tham lam, sân hận, si mê nên tích chứa nguyên nhân khổ đau, đó là một sự thật. Không thể có người sống tham ái, chấp thủ mà không chất chứa, tích tập mà đã chấp chứa, tích tập tức là tham ái và tham ái chính là đầu mối, là nguyên nhân của mọi sự khổ đau.

II. Tập đế là gì?

Phật dạy: Tham, sân, si là nguồn gốc của mọi tội lỗi (Pháp cú). Tham, sân, si còn gọi là Tam độc, là ba thứ phiền não căn bản, ba thứ này làm não loạn Hiền Thánh, lục đạo, tứ sanh. Ba thứ này là nguyên nhân làm nảy sinh ra vô số phiền não khác mà trong Kinh gọi thành thuật ngữ là tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não. Phiền não thì có vô số, nhưng căn bản không ngoài 10 thứ mà chúng ta sẽ lần lượt trình bày dưới đây, đó là: Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ.

1)       Tham: Tham là tham lam, nghĩa là ham muốn, ưa thích. Cái ham muốn ưa thích bình thường của con người là tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, quyền lực, ăn uống... vì mong muốn thứ này thứ kia nên phải dong ruổi đó đây để tìm cầu, khiến chúng ta phải luôn bị nô lệ cho chính tham lam của chúng ta. Mặt khác, lòng tham của con người vốn không có giới hạn, thế gian thường gọi là lòng tham vô đáy, nên càng mong muốn thì càng thấy thiếu và càng mong muốn thêm. Có xe đạp thì mong có Honda, có Honda thì muốn có xe con... cứ như thế mà tăng trưởng không bao giờ cùng, ví như một người nào đó có cả quả đất này rồi thì chắc chắn vẫn thấy chưa vừa mà sẽ còn mong muốn có thêm một quả đất thứ hai, thứ ba khác nữa. Thật vậy, thế giới vì tham lam mà chiến tranh, quốc gia vì tham lam mà không yên ổn, gia đình vì tham lam mà chia ly, phân tán, bạn bè vì tham lam mà bất nghĩa, con cái vì tham lam mà bất hiếu, anh em vì tham mà cự tuyệt... nói chung, con người còn tham lam thì phải chịu khổ vì chính lòng tham ấy.

2)       Sân: Sân là sân hận, là sự nóng giận không đáng. Sân thường bắt nguồn từ tham, vì tham không được nên sanh lòng sân hận. Sân là hiện tượng dễ thấy nhất ở con người. Thế gian thường nói: "Giận hết khôn, mặn hết ngon". Bởi vậy nếu sân hận thì chúng ta sẽ không còn ý thức sáng suốt để tự kiềm chế bản thân, khiến sanh ra những hành động và lời nói thô tục, thiếu văn hóa... Kinh Hoa Nghiêm dạy: "Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai". Có nghĩa là: Một niệm sân hận nổi lên thì trăm vạn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Một đóm lửa giận có thể thiêu cháy ngàn vạn mẫu rừng công đức (Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn). Thật vậy, mỗi khi sân hận bùng cháy giữa lòng nhân loại thì bao nhiêu công lao sự nghiệp mà nhân loại cố công un đúc từ trước sẽ bị thiêu cháy trong giây lát. Một chút sân hận của ông vua nổi lên thì bá tánh phải bị chịu cảnh binh đao, máu lửa. Trong thực tế, không thể có một vấn đề nan giải nào mà được giải quyết bằng sự sân hận. Mọi vấn đề đều phải được giải quyết bằng tinh thần hòa nhã, cảm thông.

3)       Si: Si là si mê, không nhận thức được vấn đề. Si mê là tác nhân làm sanh ra sự tham lam và sân hận. Do si mê nên sanh ra sự ham muốn cái này, cái kia, do ham muốn mà không có nên sanh ra sân hận, lúc nào cũng bực tức... Không có điều gì đáng sợ bằng si mê, vì do si mê mà mọi sự bất thiện phát sanh. Cho nên chư Tổ dạy: "Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì." (Nghĩa là không sợ tham sân khởi lên mà sợ mình chậm giác ngộ). Nếu người có trí tuệ (không si mê) thì có thể dập tắt tham lam hay sân hận khi chúng nổi lên, nếu không có trí tuệ thì không thể ngăn chặn, kiềm chế hay dập tắt chúng.

4)       Mạn: Mạn là bản tính phổ biến ở mọi chúng sanh hữu tình. Mạn thường xuất phát từ bản ngã hẹp hòi của con người, tự nâng cao mình và hạ thấp người khác, dù mình hơn họ hay thua họ đều không chấp nhận sự thật. Mạn có nhiều loại, trong Kinh dạy có bảy thứ:

-           Mạn: Mình có ưu điểm hơn người khác ít mà lại nghĩ mình hơn nhiều.

-           Ngã mạn: Ỷ mình hơn người khác mà sanh ra ngạo mạn, kiêu căng, lấn lướt người khác, không xem người khác ra gì.

-           Quá mạn: Mình chỉ bằng người ta mà cứ ngỡ mình hơn người ta nhiều, mình thua người mà tưởng mình bằng người.

-           Mạn quá mạn: Người ta hơn mình mà cứ cho là mình hơn người ta, không chịu phục tùng hay nghe lời người ta.

-           Tăng thượng mạn: Mình chưa chứng Thánh quả mà cho rằng mình đã chứng Thánh quả.

-           Ty liệt mạn: Mình thua người nhiều mà nghĩ là mình thua ít, đứng dưới người ta, phục tùng người ta nhưng tâm không phục và thường tỏ ra chống trái.

-           Tà mạn: Là những người tu theo tà đạo, có thể có thần thông nên sanh lòng tự cao tự đại, cho rằng mình tu hành Chánh đạo và khinh miệt người khác.

5)       Nghi: Nghi là nghi ngờ, không có lòng tin. Nghi ngờ đối với sự tu tập là một thói không tốt, vì nghi ngờ thì không thể nào làm được việc gì. Đối với khoa học, nghi ngờ là một yếu tố làm phát triển trí tuệ và là yếu điểm đưa đến kiện toàn các vấn đề nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đối với vấn đề tu tập thì không có gì để còn nghi ngờ nữa. Nghi ngờ một cái gì còn mù mờ thì được chứ nghi ngờ một chân lý thì không phải việc làm của những người có trí tuệ, nhất là người tu tập theo giáo lý của đức Phật. Nghi ngờ có ba loại:

·        Tự nghi: tức là nghi chính bản thân mình, nghi mình không có khả năng tu tập để thành chánh quả, nghĩ rằng mình bất lực sanh ra chán nản, không muốn tu tập.

·        Nghi pháp: nghi rằng phương pháp mình tu chưa chắc đã đạt được kết quả. Nghi pháp môn tịnh độ, nghi thiền tông, nghi mật tông... Do sự nghi ngờ đó nên không tu tập.

·        Nghi nhơn: nghi rằng người hướng dẫn cho mình nói không thật, nghi rằng thầy của mình không phải là người có nhiều kinh nghiệm tu tập, mù mờ đường lối nên hướng dẫn mình mà mình cũng không làm...

Nói tóm lại, nghi ngờ là một tâm lý xấu, làm ngăn cản sự tu tập của mình, đánh gục ý chí của mình.

6)       Thân kiến: Thân kiến là chấp thân ngũ uẩn này là ta, là của ta, vì do chấp có thân ngũ uẩn này thật nên sanh ra cái tâm phân biệt giữa mình và người khác, cái gì cũng ưa về mình, ai làm trái với mình thì sanh tâm sân hận bực tức. Khi thấy có tự ngã thì thấy có ngã sở, tức là những cái thuộc về mình. Từ ý niệm chấp có ngã sẽ làm phát sanh ra những thứ phiền não như tham, sân, si... mọi cái ác đều có thể bắt nguồn từ sai lầm "thân kiến" này.

7)       Biên kiến: Biên là một bên, biên kiến tức là chỉ thấy một bên. Một sự việc mà chỉ thấy một bên tức là không thấy một cách rốt ráo, từ đó nảy sanh ra những ý niệm cực đoan, sai lầm. Có hai lối biên kiến chính:

·        Thường kiến: Thường kiến như trong bài Luân hồi chúng ta đã tìm hiểu, là chấp có một ngã thể thường hằng và cho rằng, con người sau khi chết sẽ trở lại làm người, loài vật sau khi chết trở lại làm loài vật hoặc giả chấp rằng; con người sau khi chết một là sanh về cõi Thiên Đường hưởng thú vui mãi mãi, hai là đọa vào địa ngục đời đời. Đó là một quan niệm cực đoan, bất chánh, trái với luân lý đạo đức và là một ý tưởng làm phát sanh tội ác.

·        Đoạn kiến: Đoạn kiến còn gọi là độc kiếp, tức là cho rằng con người và loài vật chỉ một lần chết đi là mất hẳn. Đây cũng là một thuyết trái với luật nhân quả, luân hồi và nghiệp báo và cũng là ý nghĩ làm phát sanh tội ác.

8)       Tà kiến: Tức là không có chánh kiến, chấp theo lối tà, nhận thức một cách sai lầm về các pháp, thờ thần trâu, thần bò, xem tướng, bốc số, bói quẻ, cúng sao, cúng hạn...

9)       Kiến thủ: Hiểu biết của mình sai lệch mà vẫn cứ chấp chặt vào cái sai lầm đó gọi là kiến thủ. Kiến thủ còn gọi là bảo thủ, một là bảo thủ do không đủ trí tuệ để nhận thức sự sai lầm của mình, hai là vì ngã mạn, tự cao, không chịu cho mình sai lầm. Kiến thủ là một ý tưởng xấu làm trì trệ xã hội, vì bản thân nó mang tính thủ cựu, bảo thủ. Không loại trừ kiến thủ thì xã hội sẽ không thể cải tiến và phát triển.

10)    Giới cấm thủ: Giữ giới một cách sai lầm gọi là giới cấm thủ. Giới sai lầm ở đây là chỉ cho giới của một số phái ngoại đạo, do con người không nhận thức được nên vẫn nắm giữ một cách mê muội. Sự giữ giới này không đưa đến giải thoát an lạc mà ngược lại còn bị đọa lạc do tự hủy diệt mạng sống một cách vô lý. Chẳng hạn như ở Ấn Độ có một số phái ngoại đạo tu hành bằng cách nhảy vào lửa, lấy đá đằng trên bụng, leo lên cây cao rồi nhảy xuống, nằm ở chỗ bẩn thỉu, nằm trên bàn chông, nhịn đói.v.v. thực hành những điều ấy không những không thể đắc đạo mà ngược lại tự mình chuốc lấy khổ đau vô ích. Đó toàn là những hành vi cuồng tín ngu muội, không lợi ích.

                                                                                                                           (còn tiếp)



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017