Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Tuesday, 07.05.2024, 05:54 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

TẬP ĐẾ (tiếp theo)

| Saturday, 01.04.2023, 08:54 AM |   (263 Xem)


TẬP ĐẾ (tiếp theo)

Ở bài trước, chúng ta đã tìm hiểu thế nào là Tập đế, và phân tích 10 thứ căn bản phiền não. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp về tánh chất và phân loại các phiền não đó.

Chúng ta đã biết, nguyên nhân của khổ đau phần lớn là do sự khao khát, thèm muốn ái dục. Chính sự khao khát, thèm muốn đó xuất hiện dưới nhiều hình thức đã làm phát sanh mọi hình thái khổ đau, sanh tử. Nhưng chúng ta không nên xem đó là nguyên nhân đầu tiên, vì Phật giáo xem các pháp chỉ là duyên sanh và phụ thuộc lẫn nhau mà thành, không thể có một cái gì là nguyên nhân đầu tiên cả. Ai dục được xem là nguyên nhân hay nguồn gốc của khổ, nhưng nó cũng phải tùy thuộc và một yếu tố khác nữa, đó là thọ, thọ cũng tùy thuộc vào xúc...cứ như thế không có cái nào đứng riêng rẻ một mình. Tuy nhiên, khát ái là nguyên nhân gần gũi và rõ rệt nhất vì thế mà trong nhiều kinh đức Phật đã dạy: "Do ái dục phát sanh lo âu, do ái dục phát sanh sợ sệt. Người đã trọn vẹn thoát khỏi ái dục không còn lo âu, càng ít sợ sệt". (Pháp cú 216)

Nhưng tham ái đâu phải chính bản thân nó tự bộc phát mà phải do một nguyên nhân nào đó nữa, nguyên nhân này không gì khác hơn chính là sự vô minh hay si mê. Vì si mê mà sanh ra tham lam, sân hận, tà kiến, nghi ngờ...sanh ra đủ mười thứ phiền não căn bản. Mười thứ ấy đã sai sử, xui khiến con người phải khát ái, tham dục, đam mê những thú vui trần thế để rồi phải sa đọa, phải sanh tử, luân hồi. Vận đời cứ xoay vần như thế cho đến vô cùng, vô tận. Nếu chúng ta không nhận thức được đó là nguyên nhân của khổ đau, luân hồi sanh tử thì biết đến bao giờ chúng ta mới thoát khỏi cảnh giới trần ai, ô trược này để đặt chân lên con đường của bậc thánh! Như vậy, nói gọn thì nguyên nhân của khổ đau là khát ái, nhưng nói đủ thì gồm cả mười thứ căn bản phiền não tham, sân, si, mạn.... đã trình bày ở bài trước.

Mười thứ căn bản phiền não này được chia làm ba loại. Đó là Kiết sử, Kiến hoặc và Tư hoặc hay Tu hoặc. Sự phân chia này dựa trên tánh chất của các loại phiền não mà có. Vì có thứ nhanh, có thứ chậm, có thứ mạnh, có thứ yếu, có thứ gốc rễ, có thứ cành ngọn cho nên đức Phật đã chia thành ba loại và đặt mỗi thứ một tên gọi phù hợp với tánh chất của chúng.

  1. Kiết sử: mười thứ phiền não căn bản: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ cũng gọi là thập kiết sử. Kiết là trói buộc, sử là sai sử, sai khiến. Mười thứ căn bản phiền não nêu trên được gọi là mười kiết sử vì chúng có khả năng trói buộc chúng sanh hữu tình trong ba cõi và sai sử chúng sanh phải quay cuồng trong đó từ đời này sang đời khác và phải chịu vô vàn khổ não. Kiết sử cũng được chia làm 2 loại:
    • Lợi sử: lợi sử là các món sử đến cũng nhanh mà đi cũng nhanh, dễ sanh khởi nhưng cũng dễ trừ bỏ. Trong mười thứ phiền não căn bản thì năm thứ: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ thuộc về lợi sử.
    • Độn sử: là những món phiền não nặng nền, chậm chạp, sanh khởi và đoạn diệt một cách ngấm ngầm, thầm lặng, mãnh liệt nhưng vi tế, nguy hiểm nhưng khó lường. Trong mười thứ căn bản phiền não thì năm thứ: tham, sân, si, mạn, nghi là năm thứ thuộc về độn sử.

Do vì tính chất và khả năng tác động của mười thứ phiền não trên khác nhau và để dễ dàng nhận biết và phân loại chúng, một số Kinh, Luận đã chia chúng thành hai loại nữa, đó là Kiến hoặc và Tư hoặc.

  1. Kiến hoặc: gọi đủ là Kiến đạo sở đoạn hoặc, còn gọi là Kiến chướng, Kiến nhất xứ trú địa. Những phiền não này được đoạn tận khi chứng địa vị Kiến đạo. Theo Luận Câu Xá thì Kiến hoặc thuộc về mê lý, tức là lầm chấp lý Tứ đế. Theo Duy Thức Tông thì Kiến hoặc là phiền não sanh khởi trong tâm do sự dẫn dắt của Tà sư hay Tà giáo, gọi là Phân biệt khởi. Nếu đem 10 căn bản phiền não nói trên hay Kiến hoặc phối hợp với Tứ đế trong ba cõi thì thành ra 88 hoặc. (xem phụ bản).
  2. Tư hoặc: gọi đủ là Tư đạo sở đoạn hoặc, còn gọi là Tư hoặc, tức là các hoặc được đoạn trừ khi tu tập đến địa vị Tư đạo. Theo Câu Xá thì Tư hoặc thuộc về mê sự, tức là lầm chấp các hiện tượng sự vật. Tư hoặc là những phiền não sẵn có, Kiến hoặc là những phiền não Câu sanh. Cả Kiến hoặc và Tư hoặc là những thứ phiền não có năng lực chiêu cảm sanh tử trong ba cõi. Kiến hoặc có 88 thứ, Tư hoặc có 81 thứ.

Sau đây là hai phụ bản miêu tả 88 Kiến hoặc và 81 Tư hoặc trong ba cõi.

·             Kiến hoặc 88 món

                    I.  Dục giới:

1)    Khổ đế gồm 10: Tham, sân, si, mạn, nghi, Thân kiến, Biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và Tà kiến

2)    Tập Đế gồm 7: Tham, sân, si, mạn, nghi, kiến thủ và Tà kiến

3)    Diệt đế gồm 7: Tham, sân, si, mạn, nghi, kiến thủ và Tà kiến

4)    Đạo đế gồm 8: Tham, sân, si, mạn, nghi, kiến thủ, giới cấm thủ và Tà kiến

                  II.  Sắc giới có 28:

1)    Khổ đế gồm 9: Tham, si, mạn, nghi, Thân kiến, Biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và Tà kiến

2)    Tập Đế gồm 6: Tham, si, mạn, nghi, kiến thủ và Tà kiến

3)    Diệt đế gồm 6: Tham, si, mạn, nghi, kiến thủ và Tà kiến

4)    Đạo đế gồm 7: Tham, si, mạn, nghi, kiến thủ, giới cấm thủ và Tà kiến

                III.  Vô sắc giới có 28:

1)    Khổ đế gồm 9: Tham, si, mạn, nghi, Thân kiến, Biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và Tà kiến

2)    Tập Đế gồm 6: Tham, si, mạn, nghi, kiến thủ và Tà kiến

3)    Diệt đế gồm 6: Tham, si, mạn, nghi, kiến thủ và Tà kiến

4)    Đạo đế gồm 7: Tham, si, mạn, nghi, kiến thủ, giới cấm thủ và Tà kiến   

·            

·             Biểu đồ 81 món Tư hoặc chia thành 9 phẩm

                     I.  Thượng: có Thượng thượng, Thượng trung, Thượng hạ

                   II.  Trung có: Trung thượng, Trung trung, Trung hạ

                  III.  Hạ có: Hạ thượng, Hạ trung, Hạ hạ

Chín phẩm Tư hoặc nhân cho ba cõi ( gồm chín địa) thành ra 81 thứ hoặc:

       I. Dục giới:

                                       1.  Ngũ thú tạp cư địa: 9 phẩm Tư hoặc

       II. Sắc giới:

                                       2.  Sơ thiền, Ly sanh hỷ lạc địa: .....nt.......

                                       3.  Nhị thiền, Định sanh hỷ lạc địa:...nt....

                                       4.  Tam thiền, Ly hỷ diệu lạc địa:....nt.....

                                       5.  Tứ thiền, Xảniệm thanh tịnh địa: ...nt.....

       III. Vô sắc

                                       6.  Không vô biên xứ địa: ......nt.........

                                       7.  Thức vô biên xứ địa: .....nt.........

                                       8.  Vô sở hữu xứ địa: .....nt.........

                                       9.  Phi phi tưởng xứ địa: ...nt.......

                          Cộng chín địa thành ra 81 tư hoặc.

C. Kết luận:

Sở dĩ chúng sanh bị trầm luân trong ba cõi là do sự tập khởi của những phiền não; nói hẹp thì có mười thứ, nói rộng thì có vô số thứ. Vì thế, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải luôn luôn tỉnh giác mới mong không bị phiền não chi phối. Phiền não sanh khởi là luân hồi sanh tử, phiền não đoạn tận là giải thoát, Niết bàn.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017