Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Tuesday, 07.05.2024, 03:53 AM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

DIỆT ĐẾ (Nirodha Dukkha)

| Thursday, 06.04.2023, 03:04 PM |   (219 Xem)


DIỆT ĐẾ (Nirodha Dukkha)

A. Mở đề:

Diệt đế là giai đoạn cuối cùng của quá trình tu tập giải thoát. Sở dĩ đức Phật xếp phần Diệt đế ở giai đoạn thứ ba là vì ngài tuân theo một quy luật nói quả trước nhân sau mà ở bài Khổ đế và Tập đế chúng ta đã trình bày. Khổ đế là quả, Tập đế là nhân trong cặp Nhân quả lưu chuyển. Diệt đế là quả, Đạo đế là nhân trong cặp Nhân quả hoàn diệt. Thế thường, khi nghiên cứu đạo Phật ở giai đoạn Nhân quả lưu chuyển, người ta thường cho rằng Phật giáo là một tôn giáo bi quan, yếm thế, nhưng nếu một ai tìm hiểu đến phần Nhân quả hoàn diệt của Phật giáo thì sẽ thấy được tính năng tích cực, và một thái độ rất lạc quan và lợi ích của Phật giáo. Diệt đế là một sự thật khẳng định thành quả tu tập của bất cứ một hành giả nào có tín tâm và tinh tu phạm hạnh. Đứng trên quan điểm của giáo lý Diệt đế, ai ai cũng có thể nhận thức được rằng: sự giải thoát hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của chính mình mà không phải do một ai khác. Vì sao Diệt đế được gọi là cảnh giới an lạc, niết bàn ? Chúng ta hãy xem đức Phật trình bày cảnh giới ấy như thế nào:

B. Chánh đề:

I. Định nghĩa:

Đức Phật dạy: "Chính là sự đoạn diệt, ly tham, không còn dư tan của khát ái, là sự quăng bỏ, dứt bỏ, giải thoát, không có chấp trước". (Trung Bộ III, Đế phân biệt tâm kinh)

Diệt đế là chân lý cao quý giới thiệu về cảnh giới Tịch diệt, Niết bàn, là mục đích cứu cánh của quá trình tu tập giải thoát. Diệt là Tịch diệt, xét rõ sự thật và đoạn trừ tận gốc các căn nguyên của dục ái thì lập tức khổ diệt và nhập vào cảnh giới Niết bàn. Diệt đế chính là chân đế của về sự diệt tận khổ và tập. Ở bài trước, chúng ta khẳng định khổ đau là do tham ái, chấp thủ hay do tham, sân, si thì ở bài này chúng ta khẳng định cảnh giới Niết bàn có được là hoàn toàn lìa bỏ khát ái, tham dục. Đó là cảnh giới giải thoát, ly ngôn ngữ, khái niệm, ly mọi tướng trạng diễn đạt, thoát ly năm uẩn; vì thế, Diệt đế (Niết bàn) vốn không phải là đối tượng để bàn cãi hay khảo sát. Trong kho tàn giáo lý Phật giáo, đức phật chỉ phương tiện nói đến Niết bàn bằng các từ ngữ phủ định như: Khổ diệt, ái diệt, tham-sân-si diệt, vô minh diệt, hành diệt...

II. Các bậc tu đoạn:

1)   Kiến đạo sở đoạn hoặc: Ở bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về kiến hoặc, kiến hoặc là sự mê lý, tức là lầm chấp lý Tứ đế. Kiến đạo sở đoạn hoặc thì trái ngược lại, tức là không còn lầm chấp lý Tứ đế nữa. Địa vị kiến đạo là địa vị có được khi thấy rõ Chánh đạo, dứt trừ những phần sai lầm của lý trí. Địa vị kiến đạo sẽ đoạn được những phiền não thuộc về phần thô, gây ra bởi tà sư, tà thuyết. Những phiền não này nếu gặp được minh sư, thấy được chân lý thì đoạn hết. Bởi thế địa vị này được gọi là địa vị Kiến đạo sở đoạn hoặc, gọi tắt là Kiến đạo.

2)   Tu đạo sở đoạn hoặc: Kiến hoặc là những thứ hoặc do mê lý (lầm chấp Tứ đế), còn Tu hoặc là những thứ hoặc do mê sự (lầm chấp các hiện tượng, sự vật). Tu đạo sở đoạn hoặc thì ngược lại, tức là địa vị đã đoạn trừ mê sự. Đoạn trừ mê sự có nghĩa là đoạn trừ những phiền não thuộc về phần tế, khó thấy, khó biết, đã ăn sâu gốc rễ trong tiềm thức chẳng hạn như sự chấp ngã, chấp pháp, tham, sân, si, ái, thủ... Đối với những thứ phiền não vi tế này thì cần phải tu tập đến địa vị Tu đạo mới đoạn trừ được. Bởi thế, địa vị này được gọi là địa vị Tu đạo sở đoạn hoặc.

III. Các bậc tu chứng:

Trên kia là hai phần được gọi là tu đoạn, còn những quả tu chứng trong khi quá trình tu đoạn diễn ra như thế nào, chúng ta sẽ tìm hiểu năm bậc tu chứng sau đây:

1.    Tứ gia hạnh: tứ gia hạnh là bốn giai đoạn tu tập căn bản để chuẩn bị nhập vào dòng Thánh (Dự lưu), bao gồm: Noãn, Đảnh, Nhẫn và Thế đệ nhất.

a.  Noãn vị (Uma-gata): là giai vị đầu tiên trong tứ thiện căn. Khi hành giả an trú trong tổng duyên một cách thành thục thì phát sanh thiện căn có tác dụng quyết định hướng đi đúng đắn (quyết trạch phần). Thiện căn này gọi là noãn pháp; Thánh đạo như lửa đốt cháy củi phiền não. Đây là tướng trước tiên của lửa Thánh đạo nên gọi là noãn (hơi nóng).

b.  Đảnh vị (Murdhàna): là giai vị thứ hai trong tứ thiện căn. Noãn và Đảnh là hai giai vị còn bị động, tuy nhiên đảnh vị là địa vị cao nhất trong tất cả các thiện căn giao động. Giai vị này có được do tu tập tứ đế, 16 hành tướng. Đạt đến đây thì nếu còn bị đọa vào địa ngục thì thiện căn vẫn không bị đoạn diệt.

c.  Nhẫn vị (Ksànti): đây là giai đoạn xác nhận lý tứ đế, thiện căn đã định không còn bị giao động, không còn đọa lạc vào ác thú. Nhẫn vị có 3 phẩm: Thượng nhẫn vị, Trung nhẫn vị, Hạ nhẫn vị. Hạ nhẫn vị là tu tứ đế với 16 hành tướng (Bốn hành tướng của Khổ đế là Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã, của Tập đế là Nhân, Tập, Sanh, Duyên, của Diệt đế là Diệt, Tĩnh, Diệu, Ly, của Đạo đế là Đạo, Như, Hành, Xuất. Cả thảy gồm 16 thứ gọi là 16 hành tướng), cứ như thế đoạn dần sở duyên... để đạt đến Thượng nhẫn vị thì được 5 thứ bất sanh (Sanh bất sanh, Xứ bất sanh, Thân bất sanh, Hữu bất sanh và Hoặc bất sanh).

·        Sanh bất sanh: không sanh vào noãn sanh, thấp sanh

·        Xứ bất sanh: không sanh về cõi trời Vô tưởng, Đại phạm vương và Bắc cu lô châu.

·        Không sanh làm phiến đệ, thân hình dị nam dị nữ.

·        Hữu bất sanh: không sanh vào đệ bát hữu của cõi dục, đệ nhị sanh của cõi sắc.

·        Hoặc bất sanh: không sanh kiến hoặc.

d.  Thế đệ nhất (Lankikàgra-dharma): còn gọi là thế đệ nhất pháp, là địa vị có năng lực sanh thiện căn tối thượng trong các pháp hữu lậu của thế gian. Giai vị này đồng với thượng nhẫn vị và là giai đoạn chuẩn bị nhập vào kiến đạo vị để trở thành bậc thánh.

2.    Tu-đà-hoàn (Srota-àpanna): cựu dịch là Nhập lưu, Chí lưu, tân dịch là Dự lưu, là thánh quả đầu tiên (sơ quả). Dự lưu tức là được dự vào dòng Thánh. Do căn tánh có độn, lợi mà bậc thánh trong 16 kiến đạo vị được chia làm 2 là Tùy tín hành và Tùy pháp hành. Kẻ độn căn tin vào lời nói của người khác mà ngộ đạo (Tùy tín hành), người lợi căn tự mình xem giáo lý, kinh điển mà ngộ đạo (Tùy pháp hành). Tu-đà-hoàn còn gọi là Thất lai, tức là còn sanh tử 7 lần nữa trước khi thành bậc A-la-hán chánh đẳng giác.

3.    Tư-đà-hàm (Sakrd-àgàmin): hán dịch là Nhất lai, nhất vãng lai, là qủa vị thứ 2, chỉ cho bậc thánh đã đoạn trừ 6 phẩm thô trong 9 phẩm Tu hoặc của cõi dục, đồng thời chứng nhập quả vị. Quả vị này phải trải qua một kiếp sanh tử nữa mới thành bậc A-la-hán nên gọi là Nhất lai.

4.    A-na-hàm (Ànàgamin): gọi tắt là Na-hàm, Hán dịch là Bất lai, Bất lai tướng, bất hoàn quả... là bậc Thánh thứ ba trong tứ quả. Những vị đã chứng Bất lai đã đoạn tận 9 phẩm Tư hoặc của dục giới, không còn trở lại cõi dục nữa nên gọi là Bất hoàn. Quả Bất hoàn được chia làm năm loại gọi là Ngũ ban, năm loại này chúng ta sẽ nghiên cứu sau.

5.    A-la-hán (Arhat): còn đọc là A-lê-ha, gọi tắt là La-hán, Hán dịch là Ứng cúng, Ứng chân, Sát tặc, Vô sanh... là quả vị cao nhất trong tứ quả thanh văn và là một trong mười đức hiệu của Phật (Ứng cúng), chỉ cho những bậc Thánh đã đoạn tận Kiến hoặc, Tu hoặc, chứng được tận trí, xứng đáng nhận được sư cúng dường của thế gian. A-la-hán là quả vị chung cho cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa. Hiện tại A-la-hán thường được giải thích theo 3 nghĩa chính là Sát tặc, Vô sanh và Ứng cúng.

·     Sát tặc: tặc là giặc, chỉ cho kiến hoặc và tư hoặc. Bậc A-la-hán đã đoạn tận Kiến hoặc và Tư hoặc trong 3 cõi nên gọi là Sát tặc.

·     Vô sanh: Bậc A-la-hán đã chứng nhập Niết bàn, không còn thọ sanh vào 3 cõi nên gọi là Vô sanh.

·     Ứng cúng: Bậc A-la-hán đã chứng được lậu tận, đoạn trừ tất cả các lậu hoặc, xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của nhơn thiên nên gọi là Ứng cúng.

IV. Diệu dụng của Thánh quả:

Bốn địa vị Thánh quả trên có thể chứng được hoàn toàn là nhờ vào công phu tu tập của chính bản thân mình và có thể tu tập ở bất kỳ hoàn cành nào. Khi chứng Tu-đà-hoàn thì trí tuệ chúng ta sẽ bắt đầu khai mở, dễ dàng nhận thấy giá trị giải thoát. Ở địa vị Kiến đạo, hành giả sẽ thành tựu năm phép thần thông: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Thần túc thông, tha tâm thông, Túc mệnh thông. Tuy nhiên cho đến khi nào chứng được Bậc A-la-hán chánh đẳng giác thì mới chứng được Lậu tận thông.

(Còn nữa)



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017