Chùa Diên Phước - NPĐ Chính Phước

Khóm 4 - Thị trấn Diên Sanh - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

Monday, 06.05.2024, 10:32 PM (GMT+7)

PHẬT HỌC » PHẬT HỌC KHÁI LƯỢC

DIỆT ĐẾ (Nirodha Dukkha) – (Tiếp theo)

| Wednesday, 12.04.2023, 02:40 PM |   (206 Xem)


Ở bài trước chúng ta đã tìm hiểu các bậc tu đoạn, tu chứng và đã khẳng định Diệt đế là Niết bàn, vì Niết bàn chính là Tịch diệt, đó là một trạng thái phi ngôn ngữ, ly mọi tướng trạng, lìa năm uẩn... Tuy nhiên, với căn cơ của chúng ta nếu không nhờ đến sự diễn đạt của ngôn ngữ thì làm sao chúng ta có thể am hiểu ý nghĩa tối thượng của Diệt đế hay Niết bàn được! Vì thế, hôm nay chúng ta sẽ phân tích thêm về ý nghĩa của Diệt đế hay Niết bàn để có một khái niệm đúng đắn về cảnh giới tối thượng này.

Kinh Niết bàn dạy: "Các phiền não diệt gọi là Niết bàn, xa lìa các pháp hữu vi cũng gọi là Niết bàn." Vậy Niết bàn là gì? Niết bàn được phân loại như thế nào.

Một số kinh định nghĩa Niết bàn như sau: tiếng Phạn là Nirvana, Nir là ra khỏi, vana là rừng mê, Nirvana là ra khỏi rừng mê. Nir là chẳng, vana là dệt. Còn phiền não thì còn dệt ra sanh tử, không phiền não thì không còn dệt ra sanh tử. Vậy, Niết bàn là không dệt ra sanh tử luân hồi. Bởi thế, Niết bàn còn gọi là ly hệ, giải thoát, diệt độ, tịch diệt. Nguyên nghĩa Niết bàn chỉ cho sự thổi tắt, về sau chữ này được dùng để ám chỉ cho sự tận diệt lửa phiền não, đạt đến cảnh giới giác ngộ. Giác ngộ, Niết bàn là mục đích thực tiễn nhất của Phật giáo. Ngoại đạo cũng có Niết bàn nhưng hoàn toàn khác hẳn với Phật giáo.

Theo luận Trung quán: thật tướng vô tướng của các pháp tức là Tánh không, là nhân duyên sanh ra các pháp, cho nên cùng với pháp sanh tử thế gian không có sai biệt.

Theo Niết bàn kinh thì Niết bàn là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

-     Thường: sống giữa cảnh đời thay đổi mà giữ tâm yên tịnh gọi là Thường.

-     Lạc: sống giữa cảnh đời đau khổ mà cảm thấy yên vui gọi là Lạc.

-     Ngã: sống trong cảnh sanh tử mà không bị trôi lăn theo thói đời là Ngã.

-     Tịnh: sống trong đời ngũ trược mà không bị nhiễm ô là Tịnh.

Một Học giả ngoại quốc đã không ngần ngại khi định nghĩa Niết bàn như sau:

-     Nếu ai có dạy Niết bàn là sự chấm dứt bạn hãy nói rằng người ấy dối ta.

-     Nếu ai có dạy Niết bàn là đang sống đó, bạn hãy nói rằng người ấy sai lầm.

-     Về phương diện siêu hình. Niết bàn là sự giải thoát khổ đau.

-     Về phương diện tâm lý. Niết bàn là nhổ bỏ ích kỷ.

-     Về phương diện đạo đức. Niết bàn là phá tan tham, sân, si.

Với ý nghĩa này, Niết bàn là một trạng thái hoàn toàn tích cực, có ý nghĩa khách quan trong cuộc sống. Đối với ngoại đạo, Niết bàn chỉ là một trạng thái rỗng không, hoàn toàn tách ly với thế giới bên ngoài, nhưng đối với Phật giáo, Niết bàn là hoàn toàn có thật, ngay bây giờ và ở đây. Nếu chỉ nhận xét những ý nghĩa mà học giả Edwin Arnold trình bày ở trên cũng đủ thấy giá trị thực tiễn của Niết bàn Phật giáo.

Kinh Hoa Nghiêm cũng có dạy: "Dịch tên là Niết bàn, chính tên là Diệt. Chọn nghĩa có thể dùng nhiều cách. Tóm lại nên phiên nghĩa là Viên tịch. Nghĩa đầy khắp pháp giới, đức trùm khắp trần gian thì gọi là Viên. Nắm rõ hết chân tính, dứt bỏ hết tướng lụy gọi là Tịch."

Kinh điển Phật giáo đã cố gắng định nghĩa rất nhiều về Niết bàn. Tuy nhiên, thiên kinh vạn điển đều định nghĩa Niết bàn theo bốn nghĩa, có thể gọi là bốn loại Niết bàn.

1.    Tự tánh Niết bàn (bản lai tự tánh thanh tịnh Niết bàn): còn gọi là Tánh tịnh Niết bàn. Tự tánh Niết bàn là danh từ khác của Phật tánh, Chơn tâm, Như lai tạng hay Tự tánh. Tánh tịnh Niết bàn chỉ cho chân như, nghĩa là tướng bản lai của vạn pháp, là lý thể của chân như tịch tịnh.

2.    Hữu dư Niết bàn (Hữu dư y Niết bàn): (y nơi thân hữu lậu mà đối lại với hoặc, nghiệp gọi là dư) cái hoặc nghiệp làm nhân cho sanh tử đã hết, chỉ còn lại cái khổ quả nơi thân hữu lậu gọi là Hữu dư Niết bàn. Hữu dư Niết bàn thường chỉ cho quả vị từ Tu-đà-hoàn đến A-na-hàm.

3.    Vô dư Niết bàn (Vô dư y Niết bàn): diệt luôn cả khổ quả nơi thân hữu lậu mà Niết bàn gọi là vô dư Niết bàn. Theo tam thừa thì vô dư Niết bàn chỉ xuất hiện khi mệnh chung. Chúng ta nôm na hiểu hai loại Niết bàn này y theo cuộc đời của thế tôn. Từ khi thành đạo cho đến khi nhập diệt thì gọi là Hữu dư Niết bàn, khi nhập diệt tại sa-la song thọ thì gọi là vô dư Niết bàn.

4.    Vô trú Niết bàn (Vô trú xứ Niết bàn): Niết bàn của những vị Bồ Tát đại thừa, vì muốn độ hết thảy chúng sanh mới vào vô dư Niết bàn. Chẳng hạn như Bồ tát Quán âm, Địa tạng... các vị này nương nơi trí tuệ mà xa lìa phiền não chướng và sở tri chướng, không trệ vào cõi mê sanh tử.

C. Kết luận:

Qua sự phân tích Niết bàn ở trên, chúng ta có lẽ đã thấy giá trị giải thoát của Niết bàn Phật giáo. Dù rất vi diệu nhưng chúng ta cũng có thể thấy Niết bàn Phật giáo là rất thực tiễn, hoàn toàn không tách rời thế gian này, đúng như kinh dạy:

Phật pháp tại thế gian

Bất ly thế gian giác

Ly thế mích bồ đề

Kháp như cầu thố giác.

Niết bàn hoàn toàn có được ở chính mình, ở đây và bây giờ. Niết bàn không phải do một ai ban cho, cũng không phải tìm cầu ở nơi này nơi khác. Niết bàn có được cũng như người uống nước vậy, nóng hay lạnh thì người đó tự biết, không ai có thể biết được, như người nằm mộng, trong mộng thế nào thì chính người ấy tự biết, không ai biết thay được. Đối với chúng ta, mỗi lời nói hay hành động cũng tự để cho lương tâm mình phán xét. Giải thoát hay đọa lạc mỗi người tự quyết định lấy./.



(Lượt xếp hạng: 0)


Thư viện ảnh

Trao giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm
CHU NIÊN 47 NĂM GĐPT CHÍNH PHƯỚC
Giới đàn Như Hải
Vui xuân Mậu Tuất
Sinh hoạt GĐPT Chính Phước 2017